| Hotline: 0983.970.780

Cần sớm điều chỉnh lại quyết định của Bộ GD-ĐT

Thứ Tư 17/09/2014 , 08:55 (GMT+7)

Tôi nghĩ rằng đây là một vấn đề lớn, tác động đến hàng triệu người dân (thầy cô giáo, học sinh, phụ huynh...), vì vậy không thể chỉ đơn thuần là một quyết định của Bộ Giáo dục và Đào tạo./ Có 1 kỳ thi chung quốc gia từ 2015

Cần thông qua Quốc hội sau khi lấy ý kiến của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội và Hội đồng tư vấn Khoa học - Giáo dục của UBTW MTTQVN.

Cho rằng quyết định này đã được sự phê chuẩn của Thủ tướng Chính phủ là chưa đúng. Ý kiến của Thủ tướng theo thông báo của Văn phòng Chính phủ chỉ là: "Về phương án đổi mới thi, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố công khai ngay trong đầu năm học 2014-2015 phương án đổi mới thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng trên cơ sở tiếp tục nghiên cứu, phân tích, tiếp thu ý kiến nhân dân, dư luận xã hội góp ý về 3 phương án mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xin ý kiến và các phương án khác trong đó lưu ý phương án của Đại học Quốc gia Hà Nội để lựa chọn một phương án phù hợp.

Phương án được lựa chọn chính thức phải bảo đảm việc đánh giá có tính khách quan nhất, đáp ứng hai mục tiêu trên; tạo điều kiện thuận lợi, giảm tối đa việc gây phiền hà cho người học và nhân dân, được xã hội đồng thuận cao".

Thực tế chả bớt được kỳ thi nào vì đa số các trường đại học và cao đẳng có chất lượng tốt sẽ tự tổ chức tuyển sinh theo tinh thần tự chủ đại học đã được quy định trong Luật. Và như vậy cũng chả bớt được gì về thời gian, công sức và tiền bạc của xã hội.

Đương nhiên sẽ xảy ra tình trạng thi gì học nấy. Học sinh tất yếu sẽ học lệch, sẽ bỏ học hoặc học lơ là các môn không thi và không tự chọn (học sinh sẽ gọi là môn phụ). Thầy cô giáo dạy các môn ấy sẽ ra sao khi học sinh không cần học.

Đừng quên rằng hạnh phúc trong đời mỗi người là đã từng được trang bị kiến thức phổ thông một cách toàn diện trong những năm tháng học hành dưới mái trường phổ thông. Quyết định này ảnh hưởng to lớn đến kiến thức phổ thông của thế hệ trẻ. Đó là điều khó có thể chấp nhận.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã phân tích đây là chuyện hệ trọng cần lắng nghe ý kiến các nhà khoa học.

Chủ tịch UBTWMTTQVN Nguyễn Thiện Nhân cho biết: "Mặt trận có một vinh dự rất lớn, được trao quyền trách nhiệm thực hiện giám sát, phản biện xã hội, tức là giám sát, phản biện cho nhân dân". Vậy mà ngay trước thềm Đại hội lần thứ VIII của Mặt trận mà có một vấn đề lớn như thế này không có sự giám sát và phản biện của Mặt trận và các đoàn thể thành viên thì thật là không hợp lý.

Trong thời gian qua đã có rất nhiều ý kiến xác đáng đóng góp cho Bộ Giáo dục và Đào tạo nhưng hầu như Bộ chưa quan tâm đúng mức.

Nguyên tắc là "học gì thi nấy". Ở Mỹ một tổ chức tư nhân (SAT) nhận trách nhiệm tổ chức kỳ thi này theo tín chỉ (như thi tiếng Anh), có thể thi nhiều lần, bao giờ đỗ thì thôi. Ở Pháp có hai kỳ thi Tú tài chia ra ở cuối lớp 11 và lớp 12. Ở Nhật thi hết cấp III đều thi tất cả các môn học...

Không nên lấy đông đảo học sinh để làm thí nghiệm cho một quyết định chưa được sự đồng tình của rất đông giáo viên, học sinh, phụ huynh học sinh và nhất là chưa thông qua việc giám định và phản biện của các tổ chức có trách nhiệm.

Ở ta nếu muốn giảm một kỳ thi quốc gia thì tôi đồng ý với GS Ngô Bảo Châu là cần giữ kỳ thi tuyển vào các trường đại học và cao đẳng.

Tôi đề nghị tổ chức xét tốt nghiệp THPT thay vì thi tốt nghiệp. Không ai nắm vững trình độ học sinh giáo viên và Hội đồng giáo dục của từng trường THPT. Tuy nhiên để tránh tiêu cực dẫn đến tình trạng đỗ đến 99% như năm vừa qua cần có hai điều kiện.

Một là, cần có kiểm tra thường xuyên và ghi học bạ. Với một học bạ xấu thì không thể xét tốt nghiệp. Hai là, cần có chế độ lưu ban với mọi học sinh chưa đạt yêu cầu về kiến thức (kể cả ở lớp 12). Có như vậy mới khắc phục được tình trạng thương học sinh bơ vơ bước vào đời mà không có bằng tốt nghiệp.

Giám đốc các Sở Giáo dục và Đào tạo là người ký bằng tốt nghiệp sau khi cán bộ của Sở thực hiện việc kiểm tra tính nghiêm túc của các Hội đồng giáo dục ở từng trường THPT. Nếu lo không đủ điều kiện vật chất cho học sinh lưu ban thì cần thi đua dạy tốt, học tốt như yêu cầu mà Bác Hồ đã từng nhắc nhở.

Việc tổ chức thi theo từng cụm do các trường đại học phụ trách sẽ gây ra sự tốn kém lớn về tiền bạc (đi đường, thuê nhà trọ) cho học sinh và gia đình. Cũng chả có gì đảm bảo nghiêm túc hơn khi thay đổi các giám thị trông thi. Việc các học sinh thi tại địa phương nhiều khi có điểm số cao mà không được vào học Đại học, Cao đẳng là chuyện thật không công bằng.

Việc lấy kết quả của quá trình học ở phổ thông càng rất phức tạp vì mỗi trường cho rộng hẹp khác nhau và nói chung là thường cho điểm khá cao. Việc lấy điểm liệt thấp mà vẫn đỗ đại học là vô lý dù có điểm khác bù lại. Nhưng nếu lấy điểm liệt cao mà chỉ có 40-50% đỗ trong kỳ thi Quốc gia này thì ai sẽ phải chịu trách nhiệm?

(Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn KH-GD của Uỷ ban TWMTTQ Việt Nam)

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.