| Hotline: 0983.970.780

Cần thay đổi tư duy về công tác BVTV

Thứ Hai 23/09/2013 , 10:11 (GMT+7)

Để đạt được mục tiêu bảo vệ mùa màng, biện pháp dùng thuốc BVTV chỉ là thứ yếu, là biện pháp cuối cùng “chẳng đặng”...

(Phỏng vấn GS.TS Nguyễn Thơ, Phó chủ tịch Hội BVTV)

CỤC BVTV LÀM CHƯA HẾT CHỨC NĂNG

PV: Liên tục 3 số liền, báo NNVN đã phản ánh hiện trạng lạm dụng quá đáng thuốc BVTV của bà con nông dân vượt tầm kiểm soát các cơ quan quản lý nhà nước. Theo GS đâu là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên?

GS.TS Nguyễn Thơ: Có thể đưa ra nhiều nguyên nhân như là công tác chống buôn lậu kém, việc quản lý đại lý thuốc BVTV lỏng lẻo, dễ dãi; Danh mục thuốc BVTV quản lý theo tên thương phẩm nên quá nhiều… nhưng theo tôi nguyên nhân chính là Cục Bảo vệ Thực vật chưa làm đúng, làm chưa hết chức năng. Để đạt được mục tiêu bảo vệ mùa màng, biện pháp dùng thuốc BVTV chỉ là thứ yếu, là biện pháp cuối cùng “chẳng đặng” nhưng lại được coi là biện pháp hàng đầu, chính yếu, trong lúc đó các biện pháp khác như Quản lý dịch hại bằng chế độ dinh dưỡng, bằng cơ cấu cây trồng, bằng biện pháp canh tác, bằng đa dạng hóa cây trồng lại chẳng được coi trọng, thậm chí không được nhắc đến. Bởi vậy việc lạm dụng thuốc, dùng thuốc có độ độc cao, dùng quá nhiều trên một đơn vị diện tích là một hệ quả tất yếu.


GS.TS Nguyễn Thơ, Phó chủ tịch Hội BVTV

PV: “Cơm có rau, ốm đau có thuốc”, với cây trồng cũng không phải là ngoại lệ?

GS.TS Nguyễn Thơ: Vấn đề là chúng ta để cho ốm đau mới lo tìm thuốc, công tác BVTV là phải lo cho cây khỏe từ đầu. Cây khỏe, môi trường sinh thái khỏe thì cây sẽ không bị bệnh. Các tiến bộ kỹ thuật như 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm là nhằm mục đích cây khỏe. Hơn thế nữa, lịch sử công tác BVTV chưa từng ghi nhận trường hợp nào dùng thuốc mà kiểm soát được dịch. Năm 2006, khi dịch rầy nâu và bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá bùng phát ở ĐBSCL, từng xuất hiện một bài báo có đoạn chế nhạo “Trong lúc dịch dã nước sôi lửa bỏng mà các giáo sư lại bàn chuyện quản lý dịch hại tổng hợp, IPM”.

Thực tế, sau 5 năm, hội nghị tổng kết công tác chống dịch đã đúc kết rằng chính gieo sạ đồng loạt né rầy mới là giải pháp quyết định để khống chế dịch thành công chứ không phải thuốc. Cũng nói thêm rằng từ sự nhìn nhận đó mà khi có dịch bệnh thì một số cán bộ cứ thích công bố dịch. Công bố dịch thì được nhà nước cho không thuốc, doanh nghiệp cung ứng thuốc được lợi, cán bộ duyệt phân bổ kế hoạch, đấu thầu thuốc được lợi, cán bộ địa phương cũng được lợi vì đã đá được quả bóng trách nhiệm cho thiên tai. Riêng người nông dân thì được “học cách vô tư phun” và chịu thiệt hại lớn và lâu dài thì không ai được biết.

CẦN CHẤM DỨT CHÍNH SÁCH DÙNG THUỐC BVTV GIÁ RẺ

PV: Nhiều nông dân trả lời rằng họ dùng thuốc “chợ” biết rằng độc nhưng giá rẻ, còn dùng hàng hiệu thì ít độc hơn nhưng giá lại cao, trong lúc lợi nhuận trồng trọt chẳng được nhiều. Một vài nhà quản lý cũng cho rằng việc sử dụng thuốc BVTV giá rẻ sẽ tăng khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam. Quan điểm của giáo sư về vấn đề này?

GS.TS Nguyễn Thơ: Không đúng. Ngụy biện. Trước đây khi tôi còn công tác, thì cây bông vải đã có câu “cây bông đến đâu thuốc trừ sâu đến đấy”. Có câu nói cửa miệng đấy vì lúc đó để chống được sâu xanh phải dùng đến khoảng 20 lần phun/vụ. Phun nhiều như vậy nhưng ai cũng thấy bình thường, nhưng đến khi cơ quan y tế báo cáo thống kê là cán bộ công nhân viên Viện Nghiên cứu Bông Nha Hố có tỷ lệ bị bệnh cao nhất tỉnh Ninh Thuận thì nhiều người mới giật mình. Sau đó chúng tôi sử dụng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp thì số lần phun thuốc cao nhất chỉ 2 lần/vụ mà năng suất lại tăng gấp rưỡi, gấp đôi. Vậy thì, nếu chỉ xét riêng về hiệu quả kinh tế của cây bông thôi, anh sẽ chọn phương án nào?

Có một điều nữa. Nhiều năm nay, trên báo đài các anh thường nhắc đến hiện tượng “Làng ung thư”. Tại sao lại làng chứ không có phố, trong lúc môi trường ở thành phố thì không thể nói rằng ít ô nhiễm hơn nông thôn. Mặc dù chưa có nghiên cứu nào về hiện tượng trên nhưng từ thực tế của Viện Nghiên cứu Bông Nha Hố có thể suy đoán việc sử dụng thuốc BVTV không đúng cũng có thể là một nguyên nhân. Cần đưa nội dung giáo dục về sử dụng thuốc BVTV vào trong nhà trường, việc ấy cũng là một nội dung của công tác BVTV mà chưa ai nghĩ đến.

PV: Chính sách về thuốc BVTV ở các nước tiên tiến như thế nào?

GS.TS Nguyễn Thơ: Rất khắt khe, chặt chẽ. Các công ty sản xuất kinh doanh thuốc phải ký quỹ bảo vệ môi trường nhiều triệu USD. Khi đưa một hoạt chất mới vào thị trường họ cũng phải tiến hành thử nghiệm lâu dài và tốn kém. Thông tin về các chính sách của từng nước anh có thể tra cứu trên Internet, vì hầu hết các nước đều công khai, minh bạch về chính sách của mình. Tôi chỉ nói 2 chuyện, một là tôi có người học trò là Tiến sỹ ngành BVTV lấy chồng người Nhật là trưởng phòng công nghệ sinh học của một cơ sở chuyên nuôi và bán con bọ xít. Con mồi của con bọ xít là nhiều loài sâu.

Trước đây, khi đang còn Liên Xô thì Lêningrad cũng là một thủ phủ của những nghiên cứu đấu tranh sinh học, các kết quả nghiên cứu của họ được chuyển về trung tâm sản xuất ở Mondavi và hiện vẫn đang cung ứng cho hàng triệu ha bông vải ở các nước Trung Á. Các cửa hàng vật tư nông nghiệp ở Mỹ cũng bày bán nhiều lồng nhỏ bọ rùa. Với đặc điểm nhiệt đới ẩm, cây thường xanh quanh năm như VN chúng ta thì tôi nghĩ hệ sinh thái sẽ hồi phục rất nhanh nên chỉ cần sử dụng đúng thuốc BVTV thì việc cây trồng sẽ khỏe, giảm thiểu tối đa việc dùng thuốc BVTV.

PV: Xin cám ơn giáo sư!

Xem thêm
Một con bò có thể tạo ra 2 tỷ điểm dữ liệu trong suốt cuộc đời

Theo các chuyên gia ngành chăn nuôi Mỹ, ứng dụng công nghệ gen đóng vai trò quan trọng trong nhân giống bò sữa, giúp tối đa hóa tiến bộ di truyền.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm