| Hotline: 0983.970.780

Cần Thơ: Cá tra chết trắng ao!

Thứ Sáu 05/02/2010 , 10:28 (GMT+7)

Dân nuôi cá sông Hậu ở cồn Khương - quận Ninh Kiều, và cồn Sơn - quận Bình Thủy (TP Cần Thơ) rất đau lòng khi mà giá cá tra đang lên thì… cá lại chết trắng ao.

Trong vài ngày qua nhiều bà con nuôi cá tra ven sông Hậu ở cồn Khương - quận Ninh Kiều, và cồn Sơn - quận Bình Thủy (TP Cần Thơ) lúng túng chẳng biết kêu ai khi cá bỗng bị chết ngày ngày nổi trắng ao không rõ nguyên nhân. Dân nuôi cá rất đau lòng khi mà giá cá tra đang lên thì… cá lại chết.

Chúng tôi đến tận ao nuôi của bà con. Đi từ đầu ao đến cuối ao ai cũng phải nín thở vì mùi hôi thối xốc lên. Nước trong ao cá chuyển màu sậm đen và xuất hiện nhiều bong bóng nước nổi trên mặt ao, xác cá tra chết nằm la liệt, dạt vào bờ. Mà đâu chỉ mới đây, gần một tháng nay bà con nuôi cá tra đang lâm vào cảnh vớt cá tra chết ngày ngày như vậy.

Ông Nguyễn Việt Hưng, ở khu vực 3, cồn Khương, phường Cái Khế nuôi 3 hầm cá với diện tích 1,5 ha, kêu than: “Cá tôi nuôi sắp tới ngày thu hoạch. Thế mà bây giờ cá đột ngột chết phơi bụng, xuất hiện gần một tháng rồi. Ban đầu cá chết 50-100 kg, gần đây chúng chết càng ngày càng nhiều nên cứ vớt hoài, thiệt là xót ruột. Mỗi ngày tính cả ba ao tôi vớt cá chết có tới 400-500 kg. Tính cá tra hiện nay giá 16.800 đồng/kg, tôi phải mất gần trục triệu đồng, chưa tính tiền thức ăn mỗi ngày tốn 30 triệu đồng cho cá”.

Ông Hưng cho biết số cá chết vớt lên phải đem đi chôn, bón làm phân cho cây. Ông Hưng đoán có thể do ảnh hưởng nguồn nước bị ô nhiễm từ các hầm khác nằm chung một nguồn và đều thải trực tiếp ra sông, rạch. Từ khi cá chết kéo dài, cả nhà ông Hưng đã bươn bả ngược xuôi mua đủ các loại thuốc trộn vào thức ăn rải cho cá ăn nhưng không xong. Ông mua thuốc xử lý nước mà cá vẫn chết, ngày một nhiều hơn.

Cách nhà ông Hưng 500m, ông Năm Sơn, ông Dễ, ông Tâm đang nuôi cá tra tới lứa chừng 3 con/kg, cá đã 4-5 tháng tuổi nhưng rồi cũng lâm vào cảnh cá chết như ông Hưng. Mùi cá bốc thối dậy ao, mỗi ngày mấy khổ chủ nuôi cá này phải thuê người bơi xuồng cầm vợt vớt xác cá. Ông Vương Văn Hùng, ở phường Cái Khế nuôi ba ao cá, hoang mang: “Sáng nào cá cũng nổi đầu chết, vớt không kể xiết. Nhà tôi hy vọng sẽ khá hơn khi cá tra đang lên giá mong trả nợ ngân hàng. Nào ngờ…".

Ông cho biết bệnh làm cá tra chết lần này lạ chưa từng thấy. Cá bị bệnh phình bong bóng có chứa nước trong đó. Cá không chết liền mà 2-3 ngày sau cá nổi trên mặt nước rồi mới chết, xử lý thuốc cũng không suy giảm, cá càng lớn càng chết nhiều. Ông Hùng có đem mẫu cá chết đến Cty chế biến thủy sản Cửu Long, nơi hứa ký hợp đồng mua cá của ông để xét nghiệm, họ nói bệnh này gặp lần đầu tiên rất có thể là do vi khuẩn trong môi trường nước gây nên, kêu về mua thuốc xử lý nước. Mỗi ngày nhìn cảnh cá chết ông không chịu nổi, phải nhờ đến Khoa thủy sản trường Đại học Cần Thơ xuống lấy mẫu cá xét nghiệm đã được tuần qua, chưa có lời giải đáp.

Ông Trần Thanh Hải, Chi cục trưởng Chi cục thủy sản TP. Cần Thơ cho biết, mấy ngày qua cán bộ Chi cục đã tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm, ghi nhận số thiệt hại của bà con nuôi cá và sẽ sớm đưa ra kết quả để giúp bà con điều trị bệnh kịp thời. Theo ông Hải, đây là thời điểm giao mùa, người nuôi cá năm nào cũng không tránh khỏi cảnh bị thiệt hại cá chết những tháng cuối năm. Tuy nhiên cá chết nhiều hay ít cũng còn phụ thuộc vào người nuôi. Điều quan trọng cần lưu ý cá tra nuôi hầm là xử lý nguồn nước trước khi cho vào ao, và sử dụng hàm lượng thuốc hay điều trị đúng thuốc cho cá. Nếu áp dụng biện pháp không đúng rất khó để điều trị và khó kiểm soát được bệnh của cá tra.

Xem thêm
Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Mời SunRice tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao

ĐỒNG THÁP Tập đoàn SunRice đang khuyến khích nông dân ĐBSCL các biện pháp canh tác lúa bền vững và đặt mục tiêu giảm lượng khí thải carbon bằng 0 trong chuỗi giá trị vào năm 2050.

Cần trợ lực chính sách

Người dân còn e ngại khi lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm bởi chi phí đầu tư cao, trong khi việc bảo quản các trang thiết bị này gặp rất nhiều khó khăn.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm