| Hotline: 0983.970.780

Cần Thơ: Đưa trường nghề về nông thôn

Thứ Sáu 08/07/2011 , 14:24 (GMT+7)

TP Cần Thơ có lợi thế hơn các tỉnh trong vùng ĐBSCL là có nhiều trường dạy và học nghề.

TP Cần Thơ có lợi thế hơn các tỉnh trong vùng ĐBSCL là có nhiều trường dạy và học nghề.

 Cùng với hệ thống các trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề tập trung ở khu vực trung tâm thành phố, năm nay TP Cần Thơ tiếp tục đầu tư xây dựng trường, lớp, mua sắm trang thiết bị, nâng cấp một số trung tâm nghề ở các huyện ngoại thành – nơi có đông lao động vùng nông thôn, trở thành trường trung cấp nghề. Đây là hướng tiếp cận mới trong nỗ lực giúp cho người lao động ở các huyện ngoại thành có nghề, tạo công ăn việc làm.

Theo kết quả nhiều cuộc khảo sát, trong các yếu điểm của lao động vùng nông thôn một khi muốn theo học một nghề nào đó thường gặp trở ngại là trình độ văn hóa thấp, học vấn chưa hết trung học phổ thông và phần nhiều là học xong trung học cơ sở. Khó khăn lớn hơn là điều kiện đời sống gia đình thu nhập chủ yếu nhờ vào sản xuất nông nghiệp. Nếu muốn học nghề phải chi phí tốn kém, mất thời gian phụ giúp việc nhà, không có thu nhập và trở ngại lớn hơn hết là trường nghề xa quá, muốn tìm hiểu lựa chọn nghề đã khó huống gì cất công theo học.

Đó là thực trạng chung. Do vậy, ông Đào Minh Lợi, Hiệu trưởng Trường trung cấp nghề Thới Lai (Cần Thơ) cho rằng: “Hiệu ứng qua việc đưa trường nghề về gần vùng nông thôn bước đầu đã tạo sự thu hút, đặc biệt chính sách trợ giúp cho đối tượng lao động của các hộ nghèo, gia đình chính sách có điều kiện tìm học nghề thích hợp, đã đẩy nhanh quá trình chuyển dịch lao động nông thôn”.

Trước đây từ năm 2005 đến năm 2009, Trung tâm Dạy nghề Thới Lai nay được nâng cấp thành trường Trung cấp Nghề Thới Lai thực hiện hướng nghiệp, dạy thực hành 18 ngành nghề bao gồm: May công nghiệp, may gia dụng, sửa xe gắn máy, tin học, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi thú y, hàn điện… Thời gian học nghề từ 1 đến 4 tháng và tính đến nay có hơn 5.000 lao động học nghề xong ra trường. Theo kết quả khảo sát hàng năm của trường, kết quả có 87% lao động sau khi học nghề tìm được việc, trong đó kể cả lao động nông nghiệp biết thêm cách sản xuất chăn nuôi, tự tạo thêm thu nhập tại gia đình.

Cũng giống như Thới Lai, ở địa bàn huyện nằm tiếp giáp có vùng lúa rộng lớn tại Cờ Đỏ, ông Võ Minh Chính, Trưởng phòng LĐTB&XH huyện Cờ Đỏ cho biết: Xu thế học nghề, tìm việc, nhất là lao động trẻ vùng nông thôn cho thấy có biểu hiện tích cực. Sở LĐTB&XH Cần Thơ giao chỉ tiêu Trung tâm Dạy nghề huyện Cờ Đỏ mở 15 lớp, từ đầu năm 2011 mở được 12 lớp, mỗi lớp 35 học viên. Số học viên thu hút đông đảo ở các xã Trung Hưng, Trung An, Trung Thạnh, Thới Đông, Thạnh Phú và chọn học các nghề chăn nuôi thú y, nuôi thủy sản, sửa xe gắn máy, máy nổ, tin học ứng dụng…

Trong số lớp mở ra có 6 lớp dành cho đối tượng lao động theo học là hộ nghèo và cận nghèo, chiếm khoảng 20-22 học viên/lớp. Tuy nhiên cho đến nay còn 3 lớp chưa mở được là do, lớp sơ cấp nghề tuy mở dễ nhưng khó nhất là việc lựa chọn thời điểm thích hợp tránh được mùa vụ (thời gian nông nhàn lao động nông thôn mới ra lớp đông đủ). Mặt khác các lớp nghề trung cấp hiện chưa mở được vì thiếu phòng học.

Mở trường nghề có đông học viên đến lớp, trước tín hiệu khả quan như vậy đầu năm 2011 TP Cần Thơ đã khởi công xây dựng Trường Trung cấp nghề Thới Lai với kinh phí đầu tư 9 tỉ đồng. Ở Cờ Đỏ, sau khi thống kê lao động nông thôn chưa học nghề của huyện, Trung tâm Dạy nghề huyện Cờ Đỏ được đầu tư xây dựng giai đoạn I với kinh phí 29 tỉ đồng. Theo đó, thành phố phổ biến chính sách ưu đãi học nghề cho lao động nông thôn: miễn giảm 50% học phí cho học sinh sau tốt nghiệp hết cấp trung học cơ sở nhưng vì gia đình không có điều kiện học tiếp trung học phổ thông. Đối tượng hộ nghèo, hộ gia đình chính sách được miễn giảm 50% học phí, có chế độ tiền ăn và tiền xe cho học viên nhà xa trên 10km.

Ông Đào Minh Lợi cho biết thêm, Trường Trung cấp dạy nghề Thới Lai vừa được Tổng cục Dạy nghề chọn thực hiện dự án dạy nghề ngành trung cấp chế biến lương thực. Học sinh thu tuyển từ các huyện và tỉnh lân cận vùng Nam sông Hậu. Hiện nay, bên cạnh phát huy các lớp dạy nghề phục vụ sản xuất nông nghiệp là chính, từ tháng 3 đến tháng 7/2011 trường đã mở thí điểm lớp may công nghiệp với 30 học viên tại xã Trường Xuân theo mô hình liên kết với một doanh nghiệp (DN) may. Mỗi học viên sau khi học nghề xong được DN đứng ra bảo lãnh vay 5 triệu đồng mua máy may và may gia công cho DN.

Ông Lợi hy vọng sau khi các lớp nghề bế giảng hiệu quả thấy được là phải có hơn 50% lao động có việc làm. Điều này hoàn toàn khả thi nếu được sự phối hợp liên kết đào tạo nghề theo địa chỉ của các DN hoặc địa phương, ngân hàng hỗ trợ vay vốn mua sắm dụng cụ máy móc nhỏ để có thể tự mở cơ sở hành nghề tại nhà.

Xem thêm
Tránh chồng chéo giữa quy hoạch nuôi trồng thủy sản và các ngành khác

Ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh trả lời câu hỏi của nhà báo về tránh chồng chéo giữa quy hoạch nuôi trồng thủy sản và các ngành khác.

Sôi động mùa cá cơm

Ngư dân bãi ngang tỉnh Quảng Bình trúng đậm mùa cá cơm, cho thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi chuyến ra khơi.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.

Bình luận mới nhất