| Hotline: 0983.970.780

Cần tổ chức lại khâu phân phối

Thứ Tư 17/08/2011 , 10:24 (GMT+7)

Đề xuất giải pháp hạ nhiệt giá thực phẩm với NNVN, Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội, ông Vũ Vinh Phú cho rằng, phải tổ chức lại khâu phân phối, bán lẻ.

Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội, ông Vũ Vinh Phú
Trước thực trạng, thương lái thao túng giá thực phẩm, gây lũng loạn thị trường đẩy giá lên cao nhằm hưởng lợi, đề xuất giải pháp với NNVN, Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội, ông Vũ Vinh Phú cho rằng, phải tổ chức lại khâu phân phối, bán lẻ.

Theo ông, tư thương có phải là đối tượng chính đang thao túng, làm giá thực phẩm hiện nay?

Tôi dám khẳng định tư thương chính là một trong những thành phần đẩy giá thực phẩm tăng cao như hiện nay. Vừa rồi tôi đi du lịch ở Sầm Sơn, Thanh Hóa, thấy ngư dân ở đó đánh bắt được rất nhiều cá trích, mỗi ngày cả vài tấn, nhưng thương lái chỉ trả giá tối đa 8.000 đồng/kg, trong khi ở Hà Nội giá cá trích lên tới 35.000 đồng/kg. Tôm cũng vậy, ở Thanh Hóa bà con bán có 65.000 – 70.000 đồng/kg, nhưng anh thử ra các chợ bán lẻ ở Hà Nội hỏi xem giá tôm sú, tôm càng xanh bao nhiêu? Tôi dám chắc ít nhất phải từ 250.000 đồng/kg trở lên.

Tại sao một khu vực đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản tiềm năng như vậy địa phương không xây hẳn một kho lạnh để người dân bảo quản tôm, cá, đợi đến khi nào được giá thì bán. Đằng này, họ chẳng có thiết bị bảo quản, cá tôm đánh bắt được không bán để ươn thiu đi thì ai mua. Dù biết là bán rẻ nhưng bị tư thương bắt được điểm yếu nên người dân vẫn phải ngậm đắng nuốt cay bán cho họ.

Bài toán lợi nhuận con cá tra, cá basa ở ĐBSCL cũng chỉ ra vấn đề đó, trong khi người nuôi cá chỉ được hưởng 19,6% thì ông xuất khẩu xơi 25%, trung gian xơi 50%. Ngay như tháng 5 vừa rồi, đường ứ nửa triệu tấn tại kho các nhà máy giá giao có 18.000 đồng/kg, trong khi tại siêu thị vẫn 25.000 đồng/kg. Chúng tôi đến liên hệ đặt vấn đề mua thì họ nói hết hàng, nhiều nhà máy nói thẳng không bán cho siêu thị vì còn để bán cho đại lí cấp 1, cấp 2, cấp 3 của họ, vậy là siêu thị lại phải mua qua những đại lí đó trong khi có thể mua trực tiếp. Đấy không phải là sự móc ngoặc giữa nhà SX và thương lái thao túng thị trường thì là gì.

Sau quỹ bình ổn giá xăng dầu, bình ổn giá điện, có vẻ bình ổn giá thực phẩm cũng không phát huy tác dụng khi đi vào thực tế, theo ông nguyên nhân vì sao?

Vừa rồi tôi nói tư thương chỉ là một trong những đối tượng đẩy giá thực phẩm tăng cao như hiện nay bởi vì có nguyên nhân căn bản, quan trọng khác là vai trò quản lý của Nhà nước hiện nay quá yếu kém. Ý tưởng cứu người dân bằng quỹ bình ổn giá là rất tốt, đáng hoan nghênh, nhưng cách làm lại sai quy luật. Đã là cơ chế thị trường thì chúng ta không nên can thiệp quá sâu bằng những vòng “kim cô” cứng nhắc. Vậy mà lại dùng biện pháp hành chính để quản lý cơ chế thị trường là việc làm duy ý chí.

Bình ổn giá chính là trở về thời kỳ bao cấp ép giá mua, ép giá bán, điếu đó khiến thị trưởng trở nên méo mó, lộn xộn hơn. Biện pháp hành chính chỉ dùng đến trong trường hợp “bần cùng bất đắc dĩ” như cháy nhà, chết người, lũ lụt, thiên tai thôi. Tôi lấy ví dụ nhiều cơ sở chăn nuôi trong TP.HCM xin rút không tham gia chương trình bình ổn giá thực phẩm nữa vì giá TĂCN tăng, bắt họ bán giá lợn hơi 50.000/kg trong khi giá thành SX ra đã 52.000 thì ai họ nghe.

Các nhà hoạch định chính sách phải hiểu rằng, ba nguyên tắc cơ bản của bình ổn giá là lực lượng áp đảo, mua tận gốc và tung ra đúng thời điểm. Theo tôi, bình ổn giá tiêu dùng chúng ta nên trợ cấp tiền cho người nghèo, người thu nhập thấp để họ thích mua ở đâu thì mua chứ không bình ổn qua thương mại vì khó quản lý và dễ thất thoát. Thứ hai, bình ổn cho SX để cung vượt cầu giá cả tự nó sẽ xuống. Nếu là lãnh đạo của TP. Hà Nội, tôi lập tức dành hàng nghìn mét vuông tại các chợ quận, huyện của Thủ đô rồi kêu gọi bà con nhân dân tỉnh Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Hưng Yên… mang nông sản, thực phẩm, tôm cá lên bán không thu thuế, tôi khẳng định giá cả hạ xuống theo từng giờ.

Vậy, theo ông chúng ta cần giải quyết bài toán giá hiện nay như thế nào để người SX và người tiêu dùng đều được lợi?

Mấu chốt hiện nay là chúng ta đang buông lỏng bán buôn dẫn tới không chi phối được bán lẻ. Khâu trung gian đóng vai trò vô cùng quan trọng trong chuỗi hàng hóa nhưng lại chủ yếu do lái buôn chiếm lĩnh. Không chỉ với mặt hàng thực phẩm, ngay cả sắt thép, xi măng… cũng vậy, đều mua đứt bán đoạn, không tổ chức bán lẻ, điều này rất nguy hiểm vì nó xuất hiện nhóm lợi ích cá biệt giết hại thị trường, giết hại người tiêu dùng và người SX. Quyết định 27 của Thủ tướng Chính phủ quy định rất rõ rồi, các DN SX, NK đầu mối thực phẩm phải chịu trách nhiệm tới cùng về giá cả và chất lượng. Có nghĩa anh phải xây dựng hệ thống phân phối, bản lẻ và điều tiết giá ở tầm vĩ mô. Đằng này, anh bán đứt công đoạn đó cho thương lái thì đương nhiên họ bán cho cấp dưới thế nào là quyền của họ vì họ không thuộc sự quản lý của anh nữa.

Nhưng theo tôi, về lâu dài quan trọng nhất vẫn là vai trò của người đứng đầu, người nhạc trưởng. Phải đầu tư cho nông nghiệp nhiều hơn nữa, tăng cường áp dụng KHCN vào nông nghiệp để chất lượng tăng cao hơn, sản phẩm sạch hơn thì mới đủ tự tin để mà cạnh tranh. Thị phần dành cho nông nghiệp trong miếng bánh đầu tư của nước ta hiện nay quá thấp khiến năng suất nông nghiệp của VN thường thấp hơn khu vực từ 2 - 15 lần; 1 ha mía ở Thái Lan năng suất 165 tấn trong khi ở ta là 67 tấn, vậy tôi hỏi anh cạnh tranh bằng cái gì?

Ngoài thương lái thì những nhà SX lớn như DN nước ngoài cũng chi phối giá bán thực phẩm?

Đúng đấy. Nguy cơ khiến tôi vô cùng lo ngại hiện nay là tương lai rất có thể các DN nước ngoài sẽ thôn tính thị phần nông nghiệp nước ta. Vừa rồi trong miền Nam, người dân phản ánh muốn mua lợn giống của một công ty Thái Lan, họ ép phải mua cả cám mới bán giống, như vậy là thao túng, sai luật rồi. Tôi còn nhớ như in câu chuyện rơi nước mắt của một nông dân ở huyện Hoài Đức, Hà Nội cách đây vài năm. Anh gặp tôi và mếu máo nói rằng, anh phải chịu lỗ bán ra chợ 2 tấn cá sạch với giá bèo bọt vì siêu thị Metro “có mới nới cũ”.

Việc các DN nước ngoài vào đầu tư vào nước ta là điều rất vui mừng nhưng cũng cần phải xem xét cho kỹ. Vì hoạt động trên cơ chế lợi nhuận nên có thể lúc đầu họ rất sòng phẳng và sẵn sàng chia sẻ. Nhưng một khi đã “đủ lông đủ cánh” họ sẽ quay trở lại khống chế người dân mình.

Trung gian đang bị buông

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Lộc An (ảnh 1), Vụ phó Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho rằng, hệ thống phân phối của nước ta hiện nay đang bộc lộ nhiều điểm yếu kém. Thứ nhất, liên kết và phối hợp giữa các khâu rất lỏng lẻo cộng với việc hạ tầng, nhân lực yếu dẫn đến giao thương khó khăn. Thứ hai, hệ thống bán buôn từ lâu đã bị buông lỏng khiến hệ thống phân phối tạo kẽ hở để đầu cơ, găm hàng, đẩy giá.

Vì vậy, ông An đề xuất phải xây dựng 3 chuỗi phân phối hàng hóa; Chuỗi thứ nhất phụ trách vật tư chiến lược là xăng dầu, xi măng, sắt thép, phân bón,... Chuỗi thứ hai, phụ trách các mặt hàng lương thực, thực phẩm và các hàng tiêu dùng thiết yếu và chuỗi thứ ba, phụ trách các dịch vụ về y tế, giáo dục, điện nước… Bên cạnh đó, cần xây dựng hệ thống các sàn giao dịch niêm yết công khai giá bán để kết nối giữa người SX và người tiêu dùng.

Để quản lý được khâu trung gian, ông Phan Thế Ruệ (ảnh 2) Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ VN đề xuất, Nhà nước phải đứng ra cầm trịch tổ chức lại đội ngũ thương lái, hạn chế những mặt tiêu cực và phát huy khả năng của họ vì thực chất thương lái là những người rất nhạy bén trong kinh doanh và không thể phủ nhận vai trò kết nối sản phẩm của họ từ tay người nông dân đến tay người tiêu dùng. Vì vậy, cần có cơ chế chính sách để khuyến khích thương lái tham gia công tác khuyến nông, khuyến ngư kết hợp thu gom nông sản, thực phẩm, nhất là ở khu vực vùng sâu vùng xa với những cơ chế ràng buộc nhất định có lợi cho hai bên.

Nếu phát huy đúng vai trò của họ trong chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm sẽ hình thành nên những mối liên kết tích cực tác động đến tư duy và thói quen SX của người nông dân.

TỪ NGUYÊN (ghi)

 

Xem thêm
Nhiều mặt hàng nông sản ở ĐBSCL tăng giá

Giá bán nhiều nông sản đều tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái là nhờ thông qua sự liên kết với doanh nghiệp và các kênh tiêu thụ từ hệ thống siêu thị.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

TH và câu chuyện xây dựng thương hiệu từ chữ 'thật'

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm