| Hotline: 0983.970.780

Cẩn trọng nhưng trong tình yêu phải có yếu tố phiêu lưu đó cháu

Thứ Sáu 19/05/2017 , 06:50 (GMT+7)

Cháu có tình cảm với anh nhưng không nghĩ đến chuyện bước tới đâu cô. Nhưng mà hiu quạnh lâu rồi, rất buồn đó cô. Nếu anh ngỏ lời thì cháu có nên từ chối không cô?

Cô kính mến!

Cháu là một phụ nữ miền Trung nghèo khổ phiêu lưu ở Sài Gòn. Hồi mới vô, hai vợ chồng chỉ có một cái bao đựng quần áo, hai đứa con gởi tạm cho ông bà ngoại ở quê. Cháu đinh ninh rồi sẽ gầy dựng nhanh, có việc thì sẽ thuê nhà rồi đưa con vô nuôi chúng ăn học.

Nhưng chồng cháu sớm bị bệnh nan y, qua đời, khi đó con trai nhỏ của cháu mới 6 tuổi. Cháu thấy mù mịt, không có con đường mấy mẹ con sống chung với nhau. Ở Sài Gòn cháu làm cho một căng-tin bệnh viện, chịu khó chịu khổ nên ai cũng thương. Nhưng không thể nào đưa con theo được, đành gởi luôn cho ngoại. Ba má cháu có ruộng, có nghề phụ, đắp đổi qua ngày được, cộng với lương cháu gởi về, cũng không đến nỗi.

Hồi góa chồng, cháu mới 33 tuổi. Năm nay cháu đã 43 rồi cô. Ở đất Sài Gòn này chắc cô cũng biết đàn ông dập dìu, không ít người muốn gá nghĩa với cháu. Nhưng cháu sợ có chồng lắm rồi cô. Hạnh phúc chưa thấy đâu, toàn cực với khổ. Hoàn cảnh của cháu càng khó vì chồng cháu là con một, hồi tới với cháu, mẹ của anh đã lên bàn thờ từ đời nào rồi. Anh côi cút với cái bàn thờ của mẹ, đi đâu anh cũng ôm theo.

Cháu gặng hỏi miết thì anh nói thiệt là ba anh bỏ đi với tình nhân, mẹ tự tử, ba mất tăm luôn. Bây giờ cháu thừa hưởng cái bàn thờ mẹ chồng, trên đó là ba của hai đứa nhỏ nữa, ai thấy cái phòng của cháu mà còn muốn gá ghép với cháu nữa, đúng không cô?

Anh này là quản lý chỗ cháu làm, anh đã 49 tuổi, vợ chồng ly dị, anh gà trống nuôi một đứa con trai, năm nay nó cũng đã học xong đại học. Thi thoảng cháu có đến nhà anh, ở trong hẻm, dọn dẹp nhà giúp anh. Anh là người điềm đạm, chỉn chu, vợ anh mang đi đứa con gái nhỏ, nó cũng sắp thi tốt nghiệp rồi cô. Cháu có tình cảm với anh nhưng không nghĩ đến chuyện bước tới đâu cô. Nhưng mà hiu quạnh lâu rồi, rất buồn đó cô. Nếu anh ngỏ lời thì cháu có nên từ chối không cô?

--------------------

Cháu thân mến!

Cảnh góa phụ trẻ ôm bàn thờ mẹ chồng và chồng, đêm về nhà trọ, nhìn lên chỉ thấy những hình ảnh cũ mèm ấy, nằm nghiêng không ai nằm lật lại cũng chỉ quờ vào mấy cái gối. Nhà trọ mái tôn cô hiểu, mưa sầm sập, nhất là mưa rả rích tháng bảy nữa thì lòng mình tràn ngập nỗi niềm.

Cháu đã ở vậy đủ rồi. Nhưng cũng thật khó nghĩ, cháu ở Sài Gòn mà thờ chồng rất khác với chuyện cháu đi lấy chồng, ấy là nói ở góc độ tâm trạng mẹ cháu và các con của cháu. Nhất là cháu có hai đứa con trai, con trai nặng nhọc, mình nuôi nó dài mà khi nó lập gia đình, cháu nội mình cũng lo âu nhiều hơn. Không phải mình nặng con trai, nhưng làm trai là phải có sức khỏe, có trí khôn, có công việc để nó nuôi gia đình của nó. Cô nói nặng nhọc là nói có tất cả, người mẹ, những đứa con trai và những đứa con của người con trai ấy nữa, nối tiếp nhau, giang sơn, mái nhà, cuộc sống. Không dưng mà người vợ ở Bắc gọi chồng là “nhà em”.

Người đang là sếp của cháu ấy lại có con trai nữa. Hai bề mà gộp lại thì chao ơi, chỉ có cháu là khác giới thôi. Nhưng mà nếu tình trong như đã mặt ngoài còn e thì sớm muộn gì cháu cũng đổ. Không phải tự nhiên mà cháu hay đến dọn dẹp cho nhà người ta. Cẩn trọng nhưng trong tình yêu phải có yếu tố phiêu lưu đó cháu. Ngồi tính mãi như mua một mảnh đất hay mua một ngôi nhà thì sẽ không ai lấy vợ lấy chồng. Yêu là lao tới, mọi thứ dần thu xếp sau.

Tuổi trung niên đang chín, cháu sẽ hồi xuân, khi ấy, có trời mới cản nổi cháu lấy chồng. Người ta cũng ở tuổi đang chín, tráng niên, tuổi ngũ tuần, thích bữa cơm ngon thích những đêm dài anh và em, cháu hình dung đi, hạnh phúc ở cảnh cháu là hạnh phúc ngậm ngùi nhưng dịu ngọt. Vấn đề là vẫn thờ mẹ chồng và chồng, đợi khi con trai cháu lớn, cháu sẽ “truyền” vai trò đó cho nó, vậy thì cứ nhà anh anh ở, em vẫn nhà trọ đi về, chờ con em lớn. Cái bàn thờ chỉ là cái tấm gỗ nhưng nó chứa tâm linh của người chết lẫn người sống, đừng xem nhẹ mà cũng đừng coi là vĩnh viễn không xê dịch được.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.