| Hotline: 0983.970.780

Cần truy xuất rau an toàn tại chợ đầu mối

Thứ Ba 21/11/2017 , 14:10 (GMT+7)

Với diện tích trên 5.000ha đã được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm trong sản xuất rau, hiện mỗi năm Hà Nội chủ động sản xuất cung ứng được khoảng 67% nhu cầu rau xanh cho Thủ đô, còn lại 33% do các tỉnh, thành khác cung cấp hoặc hàng nhập khẩu.

Tuy nhiên, hiện khâu quản lý, kiểm soát, truy xuất nguồn gốc rau tại chợ đầu mối vẫn là bài toán chưa có lời giải.

12-41-59_cho-su-moi
Hà Nội cần hình thành nên những chợ đầu mối quy mô vùng hiện đại để quản lí truy xuất nguồn gốc rau an toàn

Hà Nội hiện có một số chợ đầu mối lớn như Long Biên, Minh Khai, Đền Lừ, Bắc Thăng Long, Xuân Đỉnh, Dịch Vọng Hậu… hàng ngày cung ứng lượng lương thực, thực phẩm rất lớn cho người dân.

Tại chợ đầu mối nông sản, thực phẩm Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm), trung bình mỗi ngày có 750 hộ kinh doanh, trong đó có 580 hộ ký hợp đồng thuê mặt bằng với Ban Quản lý chợ, còn lại là hộ kinh doanh vãng lai. Chợ Minh Khai được quy hoạch khá bài bản, phân lô, phân rõ từng khu, bình quân mỗi ngày tiêu thụ hàng trăm tấn rau, củ, quả.

Tìm hiểu thực tế tại chợ Minh Khai cho thấy, ngoài hộ kinh doanh cố định, trong chợ còn nhiều tiểu thương vãng lai, lấy hàng hóa từ nhiều nguồn khác nhau, nên nhiều khi lực lượng chức năng kiểm tra không xuất trình được giấy tờ liên quan, gây khó khăn cho việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa.

Tại chợ đầu mối phía Nam (chợ Đền Lừ) quận Hoàng Mai cũng trong cảnh tương tự, chỉ trên 50% hộ kinh doanh cố định, còn lại là vãng lai. Trung bình mỗi ngày chợ tiêu thụ từ 400 - 500 tấn hoa quả, 120 - 150 tấn rau. Tuy nhiên, điều kiện vệ sinh tại chợ chưa thực sự bảo đảm, luôn tiềm ẩn nguy cơ gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm.

Trước đây, những vụ ngộ độc thực phẩm hay tồn dư thuốc BVTV trên rau, củ, quả bị phát hiện trên địa bàn Hà Nội, qua điều tra thì đa phần sản phẩm lại do các nơi khác mang tới tiêu thụ hoặc hàng nhập khẩu từ biên giới phía Bắc. Điển hình như vụ phát hiện tồn dư trên rau ngót, trên hành tây, súp lơ, hành lá… Riêng các mẫu kết quả xét nghiệm ngẫu nhiên do Chi cục BVTV Hà Nội lấy trên các vùng rau của Hà Nội trong những năm trở lại đây, tỉ lệ an toàn đều đạt trên 95%.

Lãnh đạo một doanh nghiệp kinh doanh rau an toàn tại Hà Nội cho rằng, việc kiểm soát nguồn gốc xuất xứ rau củ quả tại các chợ đầu mối hiện nay gần như bỏ ngỏ. Rau an toàn đang bị đánh đồng với sản phẩm không an toàn khiến việc tiêu thụ và truy xuất nguồn gốc sản phẩm càng trở nên khó khăn. Các cơ quan ban ngành chưa thực sự phát huy hết vai trò của mình trong công tác quản lý chất lượng an toàn thực phẩm tại các chợ đầu mối.

Được biết, theo quy hoạch mạng lưới bán buôn, bán lẻ trên địa bàn Hà Nội đến 2020, định hướng 2030, Hà Nội sẽ có 8 chợ đầu mối, trong đó đã có 2 chợ đầu mối đang hoạt động và dự kiến phát triển thêm 6 chợ đầu mối nông sản cấp vùng, diện tích từ 20 - 30 ha/chợ.

Thành phố cũng đang có chủ trương xây dựng chợ đầu mối lớn, hiện đại với giá trị đầu tư lên tới 250 triệu USD. Đây sẽ bước đi đột phá, một trong các điều kiện để kiểm soát nguồn gốc thực phẩm, giúp loại bỏ hơn 100 chợ đầu mối, chợ cóc đang tồn tại. Chủ trương này của Hà Nội được các, bộ ngành hết sức ủng hộ, tạo điều kiện, với mục tiêu chợ đầu mối Hà Nội sẽ trở thành chợ phục vụ chung cho toàn vùng.

Bên cạnh việc quy hoạch những khu chợ đầu mối hiện đại, có quy trình quản lý, kiểm soát chặt chẽ đầu vào, đầu ra, Chi cục trưởng Chi cục BVTV Hà Nội Nguyễn Duy Hồng cho rằng, vẫn phải quan tâm đồng bộ cả khâu sản xuất, sơ chế và tiêu thụ mới có thể đồng bộ.

Đặc biệt, nên hình thành các chuỗi liên kết, các mô hình quản lý, giám sát chéo, hệ thống nhật ký điện tử, quản lý, ghi chép thuốc BVTV, kết hợp với hệ thống chợ đầu mối hiện đại, lúc đó mới thực sự đem lại hiệu quả toàn diện trong công tác từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ rau an toàn.

 

Xem thêm
Giá heo nhích kích thích người nuôi tái đàn

Sau thời gian dài duy trì ở mức thấp, từ đầu năm 2024 đến nay, giá heo ở Bình Định không ngừng tăng, hiện ở mức 51.000đ/kg, người chăn nuôi hồ hởi tái đàn…

Quảng Ninh có vùng an toàn dịch bệnh cúm gia cầm đầu tiên

Tháng 1/2024, xã Quảng Tân, huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh được Sở NN-PTNT cấp giấy chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm.

Mỗi hộ trồng hàng trăm ha mía vẫn khỏe re

GIA LAI Những năm gần đây, cây mía đã cho nông dân vùng Đông Gia Lai có cuộc sống đủ đầy nhờ tiền vào rủng rỉnh. Cây mía đã khẳng định vị thế trên vùng đất này.