| Hotline: 0983.970.780

Căng mình trước nguy cơ "dịch chồng dịch"

Thứ Năm 08/05/2014 , 09:20 (GMT+7)

Ngày 7/5, Bộ Y tế tiếp tục có cuộc làm việc với một số bộ, ngành và nhiều địa phương để cập nhật những thông tin mới nhất liên quan đến một số “dịch chồng dịch”.

BỆNH TAY CHÂN MIỆNG CÓ XU HƯỚNG TĂNG

Trao đổi với NNVN, ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, sau hơn 4h diễn ra, cuộc họp đã kết thúc và quyết định danh sách 8 đoàn kiểm tra, cuối tuần sẽ đi xem xét lại khả năng thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân tay chân miệng (TCM) của các địa phương đang "nóng" với nhiều dịch bệnh trên người như Hà Nội, TP.HCM, Bà Rịa –Vũng Tàu, Cà Mau, Kon Tum và Đắk Lắk.

Quan tâm hàng đầu của ngành y tế hiện nay là bệnh TCM, bởi bệnh thường tăng từ tháng 3- 5 và tháng 9- 12, đặc biệt thời điểm này bắt đầu mùa dịch.

Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng, từ đầu năm 2014 đến nay, đã có hơn 18.000 trường hợp mắc bệnh tại hầu hết các tỉnh trên cả nước và ghi nhận 2 trường hợp tử vong tại Long An và Bà Rịa-Vũng Tàu.

Đây là bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa và chưa có vắcxin phòng bệnh nên biện pháp phòng bệnh duy nhất vẫn là vệ sinh cá nhân cho trẻ và cả người lớn.

Tại TP.HCM, theo số liệu thống kê sơ bộ cho thấy, BV Nhi đồng 1 hiện có 50 bệnh nhân sởi, 51 ca TCM đang điều trị nội trú. BV Nhi Đồng 2 có 68 ca sởi nội trú và mỗi ngày có khoảng 30-40 bệnh nhi bị TCM nhập viện.

Theo bác sĩ Lê Kim Thoa, khoa Nhiễm, BV Nhi Đồng 1, bệnh TCM chưa ở mức cao điểm nhưng nhiều loại dịch bệnh xuất hiện cùng lúc như sởi, thủy đậu, TCM…nên cũng gây áp lực không ít trong công tác điều trị.

Trước nguy cơ bùng phát hàng loạt dịch bệnh trên người, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa có công điện yêu cầu tăng cường phòng, chống dịch bệnh TCM và sốt xuất huyết, đồng thời giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành. Đặc biệt, với Bộ Y tế, Thủ tướng yêu cầu tập trung chỉ đạo việc cấp cứu, điều trị kịp thời các ca mắc, nhằm hạn chế thấp nhất tử vong; phân loại cách ly ngừa lây chéo, đồng thời theo dõi sát tình hình dịch ở trong nước và
các nước lân cận...

Về việc nhận diện đúng loại bệnh ngay từ đầu, bác sỹ Thoa chia sẻ: “Bệnh sởi, thủy đậu, TCM đều có triệu chứng là sốt cao, nổi ban hồng nhưng mỗi bệnh vẫn có biểu hiện cụ thể khác nhau. Thủy đậu có diễn tiến ban đầu là nổi ban hồng, sau đó các bóng nước thường nổi ở thân nhiều hơn ở tay chân...

Trong khi đó, bệnh TCM thì các nốt ban xuất hiện trong lòng bàn tay, bàn chân nhiều hơn trên thân. Ở sởi, bệnh nhân có biểu hiện ho, sốt, chảy nước mắt, sau đó phát ban theo thứ tự từ đầu đến chân và các nốt ban cũng tan dần theo thứ tự như thế”.

Tại BV Nhi Đồng 2, bác sĩ Nam, Phó khoa Nhiễm cho biết, bệnh TCM đang có xu hướng tăng, mặc dù số lượng giảm hơn so với các năm trước, không có sự đột biến.

"Năm nay do bệnh sởi diễn biến phức tạp nên các dịch bệnh có nguy cơ chồng chéo nhau. Tại bệnh viện, mỗi loại bệnh có một khu cách ly riêng, người nhà cũng cần hạn chế ra vào nhiều, tránh lây truyền bệnh", bác sĩ Nam nói.

Theo bác sĩ Nam, người bị sởi, TCM hay thủy đậu đều cần phải cách ly tốt và thực hiện chăm sóc tại nhà. Bệnh ở giai đoạn nhẹ nếu nhập viện sẽ dẫn đến quá tải, nguy cơ lây nhiễm chéo nhiều loại bệnh. Khi trẻ bị bệnh, phụ huynh không nên dùng phương pháp dân gian như đeo vòng tay, tắm nước lá, uống tiêu ban lộ, ăn cháo muối khiến trẻ không đủ dinh dưỡng, sức đề kháng kém...

Cảnh giác với dịch MERS-CoV     

Mối lo tiếp theo là bệnh viêm đường hô hấp cấp tính nguy hiểm nặng (MERS-CoV). Theo ông Phu, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng vừa tiếp tục có báo cáo đánh giá cho thấy, 75% ca bệnh gần đây là lây nhiễm thứ phát do có sự lây truyền từ người sang người qua tiếp xúc và là bệnh có tỷ lệ tử vong cao trong nhóm bệnh truyền nhiễm.

Mặc dù tính đến thời điểm này, chưa phát hiện ca bệnh nào tại Việt Nam nhưng không thể loại trừ các trường hợp du khách “trung gian” đi Trung Đông về rồi sang Việt Nam. Nhất là khi, một số nước trong khu vực như Malaysia, Philippines đã có các trường hợp mắc bệnh và tử vong sau khi trở về từ Trung Đông.

Khó khăn trong việc ứng phó với MERS-CoV là hiện chưa có vắcxin, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, xuất hiện các trường hợp không có triệu chứng, dẫn đến khó kiểm soát và làm tăng khả năng lây lan trong cộng đồng...

TIÊM VẮCXIN SỞI TẠI TRƯỜNG HỌC

Thông tin mới nhất có liên quan đến dịch sởi, chiều 7/5, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, hiện có hơn 700 bệnh nhân đang nằm điều trị tại các bệnh viện trên địa bàn.

Dự báo, trong những ngày tới sẽ tiếp tục có thêm các trường hợp tử vong vì hiện nay còn 15 bệnh nhi nặng đang phải thở máy tại hai BV, là Nhi Trung ương và Bạch Mai.

Sáng 7/5, tại hội nghị giao ban y tế dự phòng cấp quận – huyện với Sở Y tế TP.HCM, thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc TT Y tế dự phòng TP.HCM chú trọng đến việc phòng chống dịch sởi.

Theo ông Dũng, từ đầu năm đến nay, TP.HCM có hơn 1.500 trường hợp mắc sởi. Hiện nay, bệnh sởi đang giảm nhưng vẫn còn ở mức độ cao.

Tuần vừa rồi, số lượng bệnh nhân nhập viện vì sởi giảm rõ rệt. Ông Dũng cũng cho hay, trong tháng 5 sẽ tiếp tục tiêm vắcxin sởi cho trẻ từ 9 tháng tuổi đến trẻ 10 tuổi.

Bên cạnh đó, ngành y tế sẽ tiêm vắcxin tại cộng đồng và trường học cho tất cả các trẻ chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều đối với vắcxin ngừa sởi…

Được biết, đợt tiêm vắcxin này sẽ bắt đầu từ ngày 15/5 đến tháng 7 đối với tất cả trẻ từ 9 tháng tuổi đến 10 tuổi.

Đối với tiêm phòng trường học sẽ tổ chức ở trước dịp nghỉ hè, trong đó các trường mầm non sẽ được tiêm trước trong vòng 10 ngày.

Bác sĩ Dũng dự kiến, đợt tiêm phòng sởi lần này, TP.HCM sẽ có khoảng 250.000 đến 300.000 trẻ được tiêm.

Xem thêm
Di căn gan chiếm 25% trường hợp ung thư đại trực tràng

TP.HCM Di căn gan là di căn xa thường gặp nhất, chiếm 25% các trường hợp ung thư đại trực tràng. Mỗi năm Việt Nam ghi nhận khoảng 16.000 ca ung thư đại trực tràng mới.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

Kháu Vài Lèng bị giả mạo, Lương y Mạc Văn Minh kêu cứu

Kháu Vài Lèng, bài thuốc điều trị sinh lý nam giới của Lương y Mạc Văn Minh đang bị các đối tượng xấu làm giả, bán trục lợi, ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm