| Hotline: 0983.970.780

Căng sức chống hạn

Thứ Ba 23/06/2015 , 06:10 (GMT+7)

Tỉnh Bình Định có 161 hồ chứa nước thì có đến 76 hồ trơ đáy, trong khi cây trồng vụ HT đang "khát". 

Ngành nông nghiệp tỉnh phải khẩn trương dồn sức chống hạn mong giảm thiệt hại...

Dù mới đi công tác về vào buổi trưa, nhưng khi PV NNVN gọi điện đăng ký làm việc về tình hình chống hạn, ông Phan Trọng Hổ, GĐ Sở NN-PTNT Bình Định, đồng ý gặp ngay.

“Tôi rất mệt, nhưng tình hình hạn hán quá khốc liệt và đề tài NNVN quan tâm chạm đến nỗi lo của Bình Định nên tôi bỏ qua chuyện nghỉ ngơi làm việc với anh ngay”, ông Hổ bộc bạch.

Theo ông Hổ, vụ HT 2015 toàn tỉnh có tới 8.500 ha cây trồng bị hạn, 8.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt. Không có nước, chăn nuôi cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, kể cả nuôi trồng thủy sản và đáng lo nhất là nạn cháy rừng.

Trước tình hình này, Sở đã cử cán bộ liên tục đi kiểm tra từng địa phương, nhất là những vùng trọng điểm hạn, nắm bắt thực tế để đề xuất UBND tỉnh những giải pháp chống hạn cấp bách.

Bà Trần Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết: “Các hồ chứa nước lớn chẳng còn bao nhiêu nước, hồ nhỏ đã cạn kiệt. Trong khi cây lúa trong giai đoạn rất cần nước nên chúng tôi chỉ đạo các địa phương phải áp dụng tất cả giải pháp tiết kiệm nước để giảm thiểu thiệt hại...”.

Theo bà Hà, Bình Định tiết kiệm nước tưới bằng nhiều cách, ngoài động viên nông dân áp dụng phương pháp tưới nông - lộ - phơi, còn hướng dẫn nông dân trong giai đoạn này chỉ nên tưới cho cây trồng đủ lượng nước bảo đảm sinh trưởng, không phung phí.

Nếu như trước đây mỗi lần tưới từ 10 - 12 cm nước, thế nhưng hiện nay nông dân được hướng dẫn mỗi lần cho cây trồng "ăn" nước tối đa chỉ 5 cm. “Như thế chúng tôi tiết kiệm được ¼ lượng nước phải tiêu hao, để dành phục vụ cho vụ sau”, bà Hà nói.

hn3084123251
Bà Trần Thị Thu Hà (người thứ 2 bìa phải), Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định kiểm tra hạn tại Phù Mỹ

Vấn đề nước tưới rất căng thẳng nên Bình Định đang tính toán kỹ lưỡng nhằm tiết kiệm tối đa lượng nước tiêu hao. Ông Phan Trọng Hổ cho hay, Bình Định có 3.000 ha lúa vụ mùa trong giai đoạn cuối, trong đó 1.500 ha đang chín và 500 ha đang trỗ đều.

Nếu nắng hạn tiếp tục hoành hành, những diện tích còn cần đến 3 lứa nước mới cứu được thì không cần phải tưới nữa, số nước ít ỏi còn lại dành cho những diện tích chỉ còn cần 2 lứa nước nhằm giảm thiệt hại chung cho toàn vùng.

Căng thẳng không kém là nước sinh hoạt ở những vùng hạn gắt. Những ngày qua, các ngành chức năng không chỉ “mướt mồ hôi” lo lấy nước cho cây trồng mà còn “táo tác” lo nước sinh hoạt cho dân.

Ông Hà Ngọc Tân, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ cho biết, Phù Mỹ đã triển khai quyết liệt nhiều biện pháp chống hạn. Trong đó, ưu tiên nguồn nước sinh hoạt cho người và gia súc.

Hiện UBND các xã, thị trấn đang vận động người dân khoan, đào giếng mới để lấy nước ngầm; những nơi không thể đào được giếng, huyện chỉ đạo vận chuyển nước từ nơi khác đến cấp cho dân.

"Bình Định đã có máy phun gió chữa cháy rừng rất hiệu quả và thiết lập chế độ báo cáo thông tin mới. Khuyến lâm viên, kiểm lâm địa bàn có trách nhiệm nhắn tin thông báo cháy rừng cho Phó Chủ tịch UBND tỉnh và GĐ Sở NN-PTNT nếu có cháy rừng xảy ra”, bà Trần Thị Thu Hà.

Huyện cũng đã hành lập tổ, đội thủy nông nội đồng để dẫn nước, hạn chế thất thoát nước và tranh chấp nước; chỉ đạo UBND các xã, thị trấn đã tiến hành nạo vét các kênh dẫn của các trạm bơm, vét các ao mạch, khoan, đào giếng, tận dụng mạch nước ngầm để bơm tát cho vùng thiếu nước.

Vấn đề cung ứng nước cho chăn nuôi cũng rất căng thẳng. Giải pháp tốt nhất là khuyến cáo người chăn nuôi giảm đàn. Nếu nuôi lợn thịt thì nên xuất chuồng dù chưa đúng chu kỳ để làm giảm áp lực cho việc cung ứng nước.

Với đàn bò, không nên thả rông để giảm tiếp xúc với nắng nóng, nuôi nhốt ở nhà để cung ứng nước tại chỗ. Về nuôi trồng thủy sản nước ngọt tại các hồ chứa cũng đang được giữ ở mức cầm chừng, không được phát triển thêm.

“Các chủ nuôi phải bán bớt cá lớn trong hồ để giảm thiệt hại vì nắng nóng thế này mực nước sẽ xuống nhanh, đồng thời phải nắm chắc lịch xả nước tại các hồ chứa.

Bởi khi xả, hồ cạn cá sẽ chết hàng loạt. Đối với nuôi trồng thủy sản nước lợ, chúng tôi cũng đã chỉ đạo các địa phương quan tâm điều tiết nước ngọt để bảo vệ vùng nuôi”, ông Phan Trọng Hổ nói.

Nắng nóng cũng đang uy hiếp những cánh rừng. Hiện chưa có vụ cháy rừng nào xảy ra nhưng rừng bị cháy lá thì không ít. “Trong tháng 6 này chúng tôi đã phát động chính quyền, các hội đoàn thể và người dân ra quân dọn thực bì để loại trừ chất dễ gây cháy và làm đường ranh cản lửa”, ông Hổ cho biết thêm.

“Chúng tôi phân công trách nhiệm cho ngành kiểm lâm các cấp phải tổ chức trực chiến 24/24, để nếu cháy rừng xảy ra là có ngay giải pháp chữa cháy hữu hiệu. Các huyện lân cận nơi xảy ra cháy rừng có trách nhiệm đưa thiết bị chữa cháy và huy động nhân sự đến ứng cứu", bà Trần Thị Thu Hà nói.

Xem thêm
Bò 3B mang tới hi vọng cho người dân miền núi

QUẢNG TRỊ Người dân hi vọng bò 3B sẽ là đối tượng nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, một số hộ dự kiến mở rộng chăn nuôi sau khi kết thúc hỗ trợ.

Tiêm phòng dại vì cộng đồng

Chương trình ‘Tiêm phòng dại vì cộng đồng’ lần 4 vừa được triển khai tại Đức Huệ, Long An, Những năm qua, chương trình đã giúp nâng cao tỷ lệ tiêm phòng trên địa bàn.

Hơn 35.000m2 nhà màng ở Mộc Châu được hỗ trợ nâng cấp, cải tạo

SƠN LA Dự án ‘Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai’ hỗ trợ 34 hộ gia đình ở Mộc Châu cải tạo và tối ưu hóa 35.420m2 nhà màng, nhà kính.