| Hotline: 0983.970.780

Căng thẳng hạn hán, dịch hại

Thứ Tư 27/02/2013 , 09:51 (GMT+7)

Hạn hán kéo dài trên diện rộng và nhiều dịch hại; trong đó nạn chuột phá hoại lúa khiến nhiều địa phương phải đau đầu, tìm đủ mọi cách để tiêu diệt.

Ngày 26/2, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng chủ trì hội nghị trực tuyến sơ kết SX vụ ĐX 2012 - 2013, triển khai kế hoạch vụ HT, mùa 2013 ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên.

Hạn hán kéo dài trên diện rộng và nhiều dịch hại; trong đó nạn chuột phá hoại lúa khiến nhiều địa phương phải đau đầu, tìm đủ mọi cách để tiêu diệt.

Căng như dây đàn

Báo cáo tại hội nghị, TS. Nguyễn Văn Hòa, Phó Cục trưởng Cục Trồng Trọt cho biết, trong thời gian qua, thời tiết có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Tại các tỉnh Bắc Trung bộ, lượng mưa ở thời điểm hiện tại đều thấp hơn mức trung bình của nhiều năm; một số hồ chứa, lượng nước mới chỉ đạt 60 - 70% dung tích. Nếu không có mưa bổ sung, chắc chắn vụ hè thu năm nay sẽ thiếu nước tưới.

Theo ông Đặng Duy Hiển, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý công trình thủy lợi (Tổng cục Thủy lợi), từ đầu tháng 2 đến nay, các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên không có mưa. Tuy nhiên, tại Nam Trung bộ vừa qua do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới đã có mưa lớn, song chỉ có khoảng 50% số hồ đạt 50% dung tích, cá biệt hồ Tân Giang, Ninh Thuận chỉ đạt trên dưới 20%.

Cùng với việc thiếu nước, hiện tượng xâm nhập mặn tại các tỉnh ven biển diễn ra sớm 2 tháng so với mọi năm đã gây bất lợi cho việc cấp nước. Ông Nguyễn Đức Hòa, Phó phòng Dự báo khí tượng hạn vừa & dài (Trung tâm Khí tượng Thủy văn QG) cho biết, lượng mưa của năm 2012 ít hơn trung bình nhiều năm với 19 đợt mưa lớn, lượng mưa trung bình từ 200 - 600 mm. Tây Nguyên không có mưa kéo dài gây ra tình trạng hạn hán trên diện rộng. Không chỉ nước mưa mà ngay cả lượng nước từ các đợt lũ đổ về cũng bị sụt giảm đến 50%.


Hạn hán ở Tây Nguyên khốc liệt nhất trong 10 năm qua

Ông Dương Văn Tô, GĐ Sở NN-PTNT Quảng Ngãi cũng than rằng lượng nước tích trữ tại các hồ chứa ngày càng sụt giảm. Biện pháp mà ông đưa ra đó là tập trung giữ nước và khoanh vùng những nơi bị hạn để xử lý.

Còn ông Nguyễn Hữu Vui, PGĐ Sở NN-PTNT Bình Định cho biết, diện tích bị hạn của tỉnh là 5.000 ha. Trước đó, khi chưa có mưa trái mùa, cả tỉnh có tới 12.000 ha đất nứt nẻ. Có thể nói, tình trạng thiếu nước tưới cho cây trồng tại Bình Định là khá nghiêm trọng. Tỉnh này đã phải huy động hàng ngàn máy bơm, bơm nước từ 11.000 giếng khoan cứu diện tích hạn.

Không chỉ diện tích lúa, hoa màu bị thiếu nước, hơn 2.000 ha cà phê của Đăk Lăk cũng đang phải oằn mình chịu hạn. Không chỉ các hồ chứa bị sụt giảm dung tích nước mà sông, suối cũng cạn tận đáy. Mực nước của các giếng khoan cũng bị tụt xuống từ 5 - 6 m. “Người dân đã khoan thêm rất nhiều giếng nhưng đều không có nước. Bây giờ chỉ còn cách bơm nước từ xa để cứu cà phê nhưng như thế sẽ rất tốn kém”, ông Trang Quang Thành, GĐ Sở NN-PTNT Đăk Lăk chia sẻ.

Bi đát nhất là tỉnh Gia Lai với 616 ha cây trồng bị mất trắng do hạn hán, trong đó có 254 ha lúa. “Nếu 10 ngày nữa mà không có mưa, chắc chắn hạn hán sẽ làn ra cả vùng Đông Trường Sơn. Khi đó thiệt hại sẽ là rất lớn”, ông Lê Văn Lịnh, PGĐ Sở NN-PTNT Gia Lai ngậm ngùi.

Chuột, sâu bệnh… tổng tấn công

Không chỉ mắc hạn, nhiều tỉnh Nam Trung bộ, Tây Nguyên đang phải đối mặt với nạn chuột phá lúa ĐX với diện tích bị hoành hành 6.947 ha, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó có 366 ha mất trắng.

Tỉnh Bình Định đã phải phát động nhiều chiến dịch diệt chuột trên quy mô toàn tỉnh. Hàng triệu con chuột đã bị tiêu diệt trong một thời gian ngắn. Tỉnh Quảng Trị cũng phát động 3 đợt diệt chuột, huy động mọi thứ có thể bắt và diệt. Ông Nguyễn Văn Bài, GĐ Sở NN-PTNT Quảng Trị thông báo, qua 3 đợt “tổng tấn công” chuột, Quảng Trị đã diệt được trên 1 triệu con. Tỉnh khuyến khích người dân nộp lại đuôi chuột để lĩnh thưởng. Nhờ có những chiến dịch này mà nhiều diện tích lúa sạch bóng chuột.

Vụ lúa ĐX ở miền Trung, Tây Nguyên cũng đang phải đối mặt với sâu bệnh, chủ yếu là đạo ôn, rầy nâu, rầy lưng trắng, sâu cuốn lá nhỏ. Trong đó 823 ha nhiễm rầy nâu, rầy lưng trắng, 3.251 ha nhiễm đạo ôn, 317 ha nhiễm sâu cuốn lá nhỏ... Không chỉ có lúa mà nhiều cây trồng khác cũng bị dịch bệnh hoành hành. Điển hình là cây cà phê có diện tích bị dịch hại lên đến 21.335 ha, chủ yếu là gỉ sắt, khô cành, rệp sáp… Cây tiêu bị bệnh tuyến trùng rễ 1.743 ha. Cây mía bị bệnh chồi cỏ 6.711 ha...

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng:

Các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên có khả năng sẽ bị thiếu khoảng 10 - 20% nước tưới vào đợt thứ 3. Do vậy cần tiếp tục huy động mọi nguồn lực để chống hạn; đồng thời phải thống kê được diện tích bị hạn để có kế hoạch chuyển sang SX hoa màu. Nếu để người dân gieo trồng trên những diện tích này chắc chắn sẽ bị thiệt hại về công sức, phân bón, thuốc BVTV.

Trong thời gian tới, các tỉnh nên xây dựng tổ chống hạn theo mô hình HTX và phải đổi mới lại hệ thống canh tác trồng trọt sao cho phù hợp hợp với biến đổi khí hậu...

Tại hội nghị, hầu hết các ý kiến đều xoay quanh những biện pháp phòng chống hạn hán. Ông Đặng Duy Hiển khuyến cáo các tỉnh phải xây dựng được ngay kế hoạch phòng chống hạn, tiến hành nạo vét ao hồ, đắp bờ giữ nước ngọt, ngăn nước mặn xâm nhập. Tháng 5 tới sẽ có lũ tiểu mãn nên các tỉnh phải xác định ngay cơ cấu cây trồng vụ HT, mùa. Những diện tích không trồng được lúa phải tiến hành trồng cây khác. Ông Hiển cũng kiến nghị các tỉnh nên sửa chữa lại các công trình thủy lợi, đảm bảo cho việc cấp nước được hiệu quả.

Ông Nguyễn Hữu Vui, PGĐ Sở NN-PTNT Bình Định thì khẳng định, sẽ tuyệt đối không để người dân gieo cấy lúa trên những diện tích đất có nguy cơ bị hán hạn cao. Nếu không làm tốt việc này, người nông dân sẽ bị mất “cả chì lẫn chài”. “Trước mùng 5/3, chúng tôi sẽ rà soát và thông báo danh sách các xã thiếu nước, có nguy cơ bị hạn hán để kịp thời thay đổi cơ cấu cây trồng”, ông Vui cho biết thêm. Còn ông Trang Quang Thành, GĐ Sở NN-PTNT Đăk Lăk chia sẻ, tỉnh đã có kế hoạch chuyển đổi diện tích lúa bị hạn sang trồng ngô hoặc các giống lúa ngắn ngày như GL101, GL102.

TS Mai Xuân Triệu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu ngô cho hay, viện có 1 trạm nghiên cứu ngô ở Đăk Lăk sẽ chuyển giao các giống ngô ngắn ngày, chịu hạn tốt cho các tỉnh như LVN 66, VN 092, VN 146. Cty CP Giống cây trồng Thái Bình (TSC), Cty CP GCT miền Nam (SSC) cũng khẳng định có thể cung cấp đủ giống cho nông dân yên tâm SX.

Xem thêm
Bò 3B mang tới hi vọng cho người dân miền núi

QUẢNG TRỊ Người dân hi vọng bò 3B sẽ là đối tượng nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, một số hộ dự kiến mở rộng chăn nuôi sau khi kết thúc hỗ trợ.

Tiêm phòng dại vì cộng đồng

Chương trình ‘Tiêm phòng dại vì cộng đồng’ lần 4 vừa được triển khai tại Đức Huệ, Long An, Những năm qua, chương trình đã giúp nâng cao tỷ lệ tiêm phòng trên địa bàn.

Hỗ trợ để sản xuất phát thải thấp cho 200 nghìn ha lúa ở ĐBSCL

AN GIANG 10 doanh nghiệp liên kết với các HTX và nông dân 3 tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Kiên Giang sẽ được hỗ trợ để sản xuất lúa phát thải thấp với diện tích 200.000ha.

Hơn 35.000m2 nhà màng ở Mộc Châu được hỗ trợ nâng cấp, cải tạo

SƠN LA Dự án ‘Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai’ hỗ trợ 34 hộ gia đình ở Mộc Châu cải tạo và tối ưu hóa 35.420m2 nhà màng, nhà kính.