| Hotline: 0983.970.780

Canh bạc mạo hiểm

Thứ Tư 07/11/2012 , 10:00 (GMT+7)

Nghiên cứu kỹ mô hình nuôi chồn nhung đa cấp và các điều khoản trong hợp đồng của ông Đoàn Việt Châu và Cty Giấc Mơ Việt, chúng tôi ngộ ra một điều, cả người dân và những ông chủ đều tham gia vào một canh bạc, mà trong đó phần thắng luôn thuộc về các ông chủ...

Nghiên cứu kỹ mô hình nuôi chồn nhung đa cấp và các điều khoản trong hợp đồng của ông Đoàn Việt Châu và Cty Giấc Mơ Việt, chúng tôi ngộ ra một điều, cả người dân và những ông chủ đều tham gia vào một canh bạc, mà trong đó phần thắng luôn thuộc về các ông chủ và thua thiệt là phía người dân.

>> Diện kiến những ông chủ dự án
>> Đổ xô làm giàu con... giời ơi!

NÔNG DÂN BỊ CHE MẮT

Trong quá khứ, rất nhiều bài học cay đắng đã xảy ra với những người tham gia kinh doanh đa cấp như trường hợp của MB24, Cộng đồng Việt, Tâm mặt trời… Với lĩnh vực nông nghiệp, việc ồ ạt tham gia nuôi trồng các con, cây đặc sản khi chưa có đầu ra từng đẩy giá giống lên gấp hàng chục lần giá trị thực khiến không ít người dân lao đao và đến tận bây giờ vẫn còn lĩnh hậu quả như mô hình nuôi nhím, nuôi dế, trồng cây cảnh…

 
TS Võ Văn Sự, Chi hội trưởng Chi hội Động vật quý hiếm Việt Nam, rất buồn khi biết con chồn nhung đen đang bi đem ra kinh doanh đa cấp

Việc kết hợp giữa mô hình bán hàng đa cấp với một con đặc sản đủ thấy hậu họa tiềm ẩn và hệ lụy của nó lớn đến đâu, khi mà những người tham gia chủ yếu là nông dân nghèo và các hộ đang làm ăn thua lỗ.

Có thể thời điểm hiện tại, người nông dân tung hô ông Đoàn Việt Châu hay Cty Giấc Mơ Việt là “Bồ tát tái thế” khi giúp họ thoát nghèo hoặc vượt qua cơn hoạn nạn nợ nần. Tuy nhiên, đây chỉ là mảng nổi của tảng băng chìm, thực chất người nông dân đang bị các ông chủ này “múa võ” che mắt. Chúng tôi thử làm một phép tính đơn giản với 10 cặp chồn nhung đen. Để tham gia mô hình, người nông dân phải bỏ ra 40 triệu đồng mua giống và 10 triệu đồng tiền chuồng. Bình quân, trong 28 tháng hợp đồng, một đôi chồn đẻ 8 lứa, mỗi lứa trung bình 3 con.

Như vậy, tổng cộng 10 đôi chồn sẽ đẻ ra 240 con, đồng nghĩa với việc ông Châu phải bỏ ra 240 triệu đồng để mua lại 120 cặp chồn cho nông dân, sau khi trừ 40 triệu đồng tiền bán giống ban đầu, ông vẫn lỗ 200 triệu, đấy còn chưa kể các chi phí vận chuyển, thú y, nhân công, hội thảo khác. Câu hỏi đặt ra ở đây, ông Châu kiếm đâu ra 200 triệu đồng để trả nông dân? Có hai tình huống xảy ra trong trường hợp này, hoặc ông Châu là “Bồ tát” thật sự khi bỏ tiền túi ra cho người dân làm giàu; hoặc ông Châu là người bán hàng vĩ đại.

Và kết quả thực sự ông Châu không phải “Bồ tát tái thế” như nhiều người dân nghĩ mà ông là một người kinh doanh “vĩ đại”. Chúng tôi lại tiếp tục làm một phép tính. Để có lợi nhuận, với 120 cặp chồn mua lại từ dân, ông Châu phải tìm ra ít nhất 5 khách hàng mới và mỗi khách hàng phải mua của ông ít nhất 10 cặp chồn thì ông mới hòa vốn khi thu về được 200 triệu đồng. Với 70 cặp chồn còn lại, ông Châu bán được bao nhiêu có lãi bấy nhiêu.

Như vậy, cứ bán được 10 đôi chồn ông Châu phải tìm ra ít nhất 5 mô hình mới để có nơi bán chồn con đẻ ra, nhân lên với hàng trăm, hàng nghìn đôi, tốc độ nhân rộng mô hình của ông Châu phải nhanh hơn tốc độ đẻ của chồn gấp 5 lần mới bao tiêu hết giống. Như vậy, chúng ta phần nào đã nhìn ra bản chất của vấn đề, là tiền không tự sinh ra và cũng không tự mất đi, tiền chỉ chảy từ túi của người vào mô hình sau qua túi người vào mô hình trước có hệ thống và qua một đầu mối là ông Đoàn Việt Châu hay tại Cty Giấc Mơ Việt.

TRĂM ẨN HỌA CHỰC CHỜ

Việc tham gia vào mô hình bán chồn nhung đa cấp, có thể với một số người tham gia lúc đầu sẽ có lãi, song những người vào sau sẽ là đối tượng lĩnh hậu quả khi mô hình đạt đến ngưỡng của nó. Thực chất, cả mô hình của ông Đoàn Việt Châu hay Cty Giấc Mơ Việt hiện nay đều là bán giống đa cấp đến 99,9% mà không hề có việc tiêu thụ thương phẩm. Trong bản hợp đồng với người dân, các chủ mô hình đều đồng ý thu mua lại giống gốc sau khi hết 24 hoặc 28 tháng với giá 500.000 - 750.000 đồng/cặp, thực ra để bán lại cho người khác vì nhu cầu giống đang rất lớn chứ tuyệt nhiên không có chuyện thịt ăn hay tiêu hủy như lời các chủ mô hình nói.

Vậy, tình huống đặt ra ở đây, khi không còn người nuôi chồn nhung mới hoặc số người nuôi mới không tiêu thụ hết số giống mô hình sinh ra thì kết quả sẽ ra sao? Câu trả lời ở đây sẽ là sự sụp đổ của cả một hệ thống theo kiểu quân cờ đôminô. Lúc này, các ông chủ mô hình có ba đầu sáu tay cũng không cứu vãn được tình hình, song xét cho cùng họ chẳng mất gì bởi tiền bán giống đã thu ngay từ đầu, họ chỉ việc dừng thu mua chồn con là xong, bởi trong hợp đồng không có điều khoản đặt ra cho tình huống này.

Chỉ có người tham gia mô hình là chịu thiệt, vì lúc này số tiền ảo do các ông chủ đặt ra sẽ không còn giá trị, con chồn sẽ trở về với giá trị thực của nó là 200.000 đồng/con, nông dân sẽ mất ít nhất là vài chục triệu đồng, thậm chí hàng trăm triệu hay cả tỷ đồng mà không biết tìm ai để bắt đền.


Người dân cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi tham gia nuôi chồn nhung đa cấp

Ngay cả với những người tham gia mô hình lúc đầu chưa chắc đã thoát nạn nếu mô hình bị vỡ. Bởi thông thường, sau khi nuôi 10 đôi chồn có lãi, tâm lý người nuôi sẽ tái đàn tiếp với số lượng lớn hơn. Số tiền lãi có được ngay lập tức quay vòng trở lại vào túi của chủ mô hình. Bản thân chúng tôi cũng phải thán phục khi chủ của mô hình rất “ma mãnh” đưa ra thời hạn hợp đồng bao tiêu đầu ra chỉ 24 - 28 tháng, vì với điều khoản này, người nông dân cứ đi hết từ mạo hiểm của đợt ký hợp đồng lần 1 đến đợt ký hợp đồng lần 2 mà rất khó dứt ra.

Một hiểm họa cũng là “đòn hiểm” khác các ông chủ mô hình nuôi chồn nhung đa cấp đang hướng tới là hành động “rêu rao” ưu tiên khách hàng thuộc diện hộ nghèo, người đang vỡ nợ do làm ăn thua lỗ. Quá trình đi thực tế chúng tôi thấy, những hộ nghèo tham gia mô hình thường mua 10 - 20 đôi còn những hộ nợ nần nuôi hàng trăm đôi chồn bằng vốn chủ yếu do đi vay mượn.

Trao đổi với chúng tôi, TS Võ Văn Sự, Chi hội trưởng Chi hội Động vật quý hiếm Việt Nam cho hay, hiện chồn nhung đen bố mẹ được Viện Chăn nuôi chuyển giao với giá 0,75 - 1 triệu đồng/đôi. Ông Sự khẳng định, Viện Chăn nuôi từ trước đến nay không hợp tác với bất cứ đơn vị nào để bán chồn với giá cắt cổ 3,9 - 4 triệu đồng/cặp. Việc các chủ mô hình bắt người dân mua chồn 1 đực 1 cái và phải tiêu hủy sau 24 - 28 tháng là lãng phí và đi ngược lại quy luật sinh trưởng tự nhiên của con chồn, bởi theo nghiên cứu, 1 chồn đực có thể ghép với 5 chồn cái và thời gian chồn cái sinh sản tốt kéo dài tới 5 năm.

Tuy nhiên, người nghèo mấy ai có sẵn 50 triệu trong nhà nên buộc phải vay mượn, đâm lao theo lao còn các gia đình vỡ nợ như người chết đuối, ai cho “cái phao” nào cũng đành phải bám lấy vì không còn sự lựa chọn khác. Cho nên, những hộ dân đã, đang và sẽ tham gia mô hình nuôi chồn nhung đa cấp cần tỉnh táo trước lời rao giảng của những ông chủ rằng họ đang đi “cứu độ chúng sinh”.

Quá trình xâm nhập thực tế, chúng tôi có tiếp xúc được cả những trường hợp từ chối tham gia vào mô hình nuôi chồn nhung đa cấp, như hộ ông Đặng Văn Chấp và bà Dương Thị Hải Yến ở TX Sông Công, Thái Nguyên. Tâm sự với chúng tôi, ông Chấp cho biết việc vào mô hình là quá mạo hiểm bởi giá bán chồn giống ảo một cách thái quá, tiềm ẩn rủi ro cao nên ông quyết định chọn cách an toàn mua giống ngoài thị trường với giá 400.000 đồng/cặp.

Riêng trường hợp bà Yến thì trong mắt bà mô hình có gì đó mờ ám và không thực sự vì người nghèo như lời các ông chủ quảng cáo. Hơn nữa, xét thấy hợp đồng là 24 tháng nhưng trừ đi thời gian chồn mẹ mang bầu và thời gian chồn con được xuất bán, thực chất hợp đồng chỉ còn lại 20 tháng, nếu không nuôi tốt và giữ được đầu đàn có khi còn không kịp hoàn vốn chứ nói gì đến làm giàu. Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc bắt bẻ về mặt pháp luật với các chủ mô hình hiện nay rất khó. Vì vậy, tham gia vào mô hình nuôi chồn đa cấp hay không đều do người dân quyết định và hậu quả nếu có xảy ra người dân cũng tự lãnh.

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Việt Nam hỗ trợ đưa nông nghiệp trở thành trụ cột kinh tế ở Venezuela

Bộ Nông nghiệp Venezuela đánh giá cao kết quả tốt vượt mong đợi về hợp tác nông nghiệp song phương, ngay cả trong điều kiện Venezuela vô cùng khó khăn.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Bắc Kạn lại hứng chịu mưa lớn kèm gió lốc gây nhiều thiệt hại

Khi người dân đang tập trung khắc phục hậu quả dông lốc thì đêm qua, rạng sáng nay (20/4) tiếp tục xảy ra mưa lớn kèm gió lốc gây thiệt hại ở nhiều nơi.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm