| Hotline: 0983.970.780

Cánh đồng bạc tỷ

Thứ Sáu 17/09/2010 , 07:00 (GMT+7)

Một năm luân canh hai vụ lúa một vụ màu hiện là mô hình canh tác đặc trưng của vùng ĐBSH. Song, với những người nông dân ở xã Cẩm La, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương mô hình đó đã trở nên xưa như trái đất. Phải thừa nhận việc luân canh hoa màu 3-4 vụ/năm có vất vả hơn làm lúa, song lợi nhuận đem lại gấp cấy lúa cả 4-5 lần.

Trình độ luận canh của người dân Cẩm La đã phát triển rất cao

Một năm luân canh hai vụ lúa một vụ màu hiện là mô hình canh tác đặc trưng của vùng ĐBSH. Song, với những người nông dân ở xã Cẩm La, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương mô hình đó đã trở nên xưa như trái đất.

Cả xã luân canh

Như bao vùng quê khác, sau "khoán mười", diện tích đất nông nghiệp người dân xã Cẩm La nhận được là 184,8 ha hiện được chia đều cho 3.500 nhân khẩu, tương đương 1.100 hộ. Với diện tích đất nông nghiệp khiêm tốn, lại nằm cách xa trung tâm Hải Dương, không có bất cứ một nghề phụ nào khác ngoài cây lúa, chính vì vậy, những năm tháng đổi mới Cẩm La thuộc diện những xã khó khăn nhất tỉnh. Người dân Cẩm La nhận thấy nếu chỉ chòng chọc trông vào cây lúa thì muôn đời sẽ không thoát khỏi đói nghèo.

Cái khó ló cái khôn, chính lúc khó khăn ấy, nhờ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, luân canh 3 - 4 vụ mà mấy năm trở lại đây Cẩm La trở thành hiện tượng của tỉnh Hải Dương có bước chuyển biến đúng đắn trong công cuộc thay đổi tư duy nông nghiệp thuần tuý. Hiện đang là vụ lúa hè thu nhưng khi về thăm xã Cẩm La tuyệt nhiên không có diện tích lúa nào được gieo cấy. Thay vào đó là những luống củ đậu ngút mắt, những khóm dưa hấu hè đang lên xanh mơn mởn cùng các loại hoa màu khác như ớt, đậu cô ve, rau cải... xen lẫn nhau.

Bao bọc xung quanh cánh đồng là lớp lớp những ngôi nhà cao tầng khang trang bắt mắt, những con đường được trải bê tông bóng loáng. Cả một cánh đồng bạt ngàn với hàng trăm con người đang miệt mài lao động, chúng tôi chọn thửa ruộng có người làm đông nhất để bắt chuyện. Đó là gia đình anh Đỗ Quốc Phong ở xóm Đình Phong đang hối hả bón lân cào luống cho ruộng dưa hấu. Tại sao chỉ có hai sào ruộng cỏn con mà có tận tới 10 người làm?

Như hiểu được ý tôi, anh Doanh thật thà bộc bạch: “Từ khi áp dụng mô hình luân canh 3- 4 vụ chúng tôi đều làm việc theo nhóm như thế này cả. Như anh biết, trồng dưa hay các loại hoa màu khác đòi hỏi phải làm đồng bộ với thời gian nhanh. Chính vì thế mà người dân xã tôi đã liên kết với nhau thành từng nhóm để làm việc cho đạt năng suất và hiệu quả. Hôm nay làm cho gia đình tôi mai lại chuyển sang làm cho các nhà khác. Vừa vui lại trao đổi đúc kết được cho nhau nhiều kinh nghiệm quý báu. Đấy! Anh nhìn xem cả cánh đồng đâu đâu cũng vậy hết”.

Quả thực như vậy, hầu hết trên các thửa ruộng người dân đều làm việc theo nhóm, ít thì ba bốn người, nhiều thì lên tới cả chục người. Để ý kỹ tôi còn nhận thấy ở đây có cả sự phân công lao động rất rõ rệt, đàn ông cày, cuốc, cào luống; phụ nữ đảm nhận khâu bón phân, tưới nước... Chỉ trong chớp mắt thửa ruộng 2 sào đã được “thổi bay”. Có lẽ đây là một yếu tố cực kỳ quan trọng giúp người dân nơi đây duy trì được mô hình luân canh nhiều vụ trong nhiều năm qua khi thời tiết ngày càng khắc nghiệt.

Di chuyển sang thửa ruộng nhà anh Đỗ Đức Cung – Trưởng xóm Đình Phong đúng lúc gia đình anh đang cắt ngọn củ đậu và hút nước chống úng sau trận mưa đêm qua. Nghỉ tay, anh Cung tâm sự: Hầu hết các loại hoa màu, đặc biệt là củ đậu và dưa hấu không chịu được ngập úng, xã có tới 5 trạm bơm công suất lớn song những hôm mưa to cũng không ăn thua vì ruộng ở đây thấp. Chính vì thế nên nhà nào ở Cẩm La cũng tự sắm cho mình một chiếc máy bơm nước chạy bằng xăng. Nếu trời mưa to là vận hành ngay, chính nhờ sự chủ động này mà những năm thời tiết thất thường, nông dân chúng tôi không bị rơi vào thảm cảnh mất trắng do lỗi từ phía... ông trời.

Không cho đất nghỉ

Làm việc theo nhóm đem lại rất nhiều kinh nghiệm thuận lợi cho người dân Cẩm La

Đi nhiều chỗ, nhiều vùng tôi chưa thấy nơi nào người nông dân chịu thương chịu khó như ở Cẩm La. Đến đây tôi mới cảm nhận rõ được ý nghĩa thật sự “Bài ca vỡ đất” của nhà thơ Hoàng Trung Thông. Bản tính hay lam hay làm ở đây vang xa đến nỗi nhiều vùng lân cận còn truyền tai nhau, không nên cho con gái lấy chồng về Cẩm La vì sợ kham khổ. Phải thừa nhận việc luân canh hoa màu 3-4 vụ/năm có vất vả hơn làm lúa, song lợi nhuận đem lại gấp cấy lúa cả 4-5 lần.

Sau một ngày cùng lao động với người dân, tôi nhận thấy cách canh tác của bà con thật đơn giản nhưng cực kỳ hiệu quả. Giờ đang là tháng 9 nên cây trồng chiếm tới 80% trong tổng diện tích toàn xã sẽ là củ đậu. Ngoài ra còn các cây trồng khác như: dưa hấu, dưa lê, ớt, rau... chiếm khoảng 20%. Với củ đậu thì sau 4 tháng mới được thu hoạch, riêng dưa hấu chỉ 2 tháng. Đến tháng 11 sau khi thu hoạch dưa người dân sẽ trồng ngô hoặc rau vụ đông rồi đồng loạt thu hoạch cùng với củ đậu để giáp Tết hoặc ra giêng tất cả cánh đồng đều xuống vụ lúa xuân với giống lúa P6ĐB cực ngắn ngày.

Khi thu hoạch xong lúa xuân, không giống như các nơi khác là đốt rơm rạ khói um khắp cả đường làng ngõ xóm khiến người tham gia giao thông toét cả mắt. Ngược lại, người dân Cẩm La rất quý và trân trọng rơm rạ, đơn giản vì nó là một phần không thể thiếu trong công việc trồng màu của họ. Rơm, rạ sau khi phơi khô sẽ được bà con đem phủ lên các luống trồng củ đậu, dưa hấu, rau... Nó sẽ có chức năng rất tốt trong việc giữ ẩm và chống nắng nóng, ngăn không cho nước mưa ngấm quá nhiều vào đất, mặt khác còn làm tơi xốp đất và không cho cỏ mọc. Chính vì vậy mà bao nhiêu năm qua người dân xã Cẩm La chưa khi nào phải thò tay nhổ cỏ cho cây trồng, tiết kiệm được rất nhiều thời gian, chi phí.

Khi vụ xuân kết thúc, hầu hết người dân Cẩm La chuyển sang trồng đại trà dưa hè gồm các giống dưa hấu, dưa lê, dưa bở. Hai tháng sau lại tiếp tục trồng dưa hoặc trồng rau, cà chua rồi đồng loạt chuyển sang trồng củ đậu. Cứ luân canh liên tục như vậy nên đất của Cẩm La hầu như không có thời gian để nghỉ ngơi, vụ này vừa qua vụ khác đã gối. Bản thân vụ lúa xuân được ấn định là một mốc quan trọng, một phần là để đảm bảo nguồn lương thực, thứ hai là tận dụng rơm rạ, song điều quan trọng nhất là để cải tạo đất và cắt cầu sâu bệnh.

Đi cùng tôi từ nãy đến giờ, Chủ tịch UBND xã Cẩm La Nguyễn Ngọc Kha có dịp để tự hào về cung cách làm ăn quy củ, chuyên nghiệp của người dân xã ông: Cứ bình quân như mọi năm thì một sào củ đậu đạt 3 – 4 tấn, cá biệt có những năm thời tiết thuận lợi đạt 6 tấn/sào. Giá củ đậu bán tại ruộng dao động từ 3.000 – 4.000 đồng/kg. Như vậy một sào củ đậu sẽ đem lại cho người dân từ 9 – 16 triệu đồng. Với dưa hấu năng suất luôn giữ ở mức ổn định 1tấn/sào, giá bán cho lái buôn từ 4.000 – 5.000 đồng/kg, số tiền thu được từ dưa cũng phải từ 4 – 5 triệu đồng/sào, cộng thêm một vụ dưa hoặc rau màu khác nữa là 8 – 10 triệu. Riêng vụ lúa xuân cũng cho 2 tạ/sào, quy ra tiền sẽ được 1 triệu.

Làm đồng lúc nửa đêm

Ở xã Cẩm La từ bao đời nay có một thói quen rất lạ là đi làm đồng từ lúc 2h sáng. Vào những ngày hè nắng nóng, ban đêm cánh đồng Cẩm La nhộn nhịp như một đại công trường đang đẩy nhanh cho kịp tiến độ thi công. Họ làm việc say sưa cho tới khi nào ánh nắng mặt trời bắt đầu chói chang thì về nhà nghỉ ngơi.

Thói quen làm việc có một không hai duy trì được cho tới tận ngày hôm nay cũng bởi tính đoàn kết và cấu kết cộng đồng của làng quê này còn rất cao.

Như vậy khi cộng tất cả các loại cây trồng với mức giá thấp nhất khi trừ chi phí giống, phân, thuốc trừ sâu số tiền bà con thu lãi về đạt 15 triệu đồng/sào/năm. Nhân lên với diện tích 1ha thì số tiền thu lại không dưới 400 triệu đồng/năm. “Với diện tích 184,8 ha, hàng năm cánh đồng màu mỡ của xã Cẩm La sản sinh ra hàng chục tỷ đồng, đóng góp xấp xỉ 70% nguồn thu nhập của cả xã. Thu nhập bình quân đầu người khoảng 10 triệu/năm + 500 kg lương thực. Hộ nghèo của xã giảm xuống chỉ còn 13%. Cuộc sống của bà con thay đổi rõ rệt từng ngày”- ông Kha hồ hởi nói.

Điều quan trọng nhất là đầu ra sản phẩm thì người Cẩm La có cách làm rất riêng. Mặc dù chưa có một doanh nghiệp nào chính thức đứng ra nhận thu mua nông sản cho bà con nhưng người nông dân nơi đây đã biết tìm cách để không bị tư thương ép giá khi mua bán. Cứ đến các vụ thu hoạch hoa màu trong năm, trong xã lại cử một nhóm người dân sang Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh... tìm mối đổ hàng và thương lượng giá cả. Nếu cảm thấy được giá thì nhấc điện thoại lên alô một tiếng chủ hàng đánh xe về tận ruộng thu mua. Người môi giới sẽ được trả công bằng hình thức hưởng một phần chênh lệch nho nhỏ (khoảng vài trăm đồng cho 1kg) từ việc bán trao tay từ người dân sang thương lái. Thoạt đầu thì cứ nghĩ hành động đó chẳng khác gì các “cò”, song 100% những người đó đều là bà con lối xóm nên việc môi giới chỉ là sự giúp đỡ nhau mà thôi.

Xem thêm
Chuẩn hóa quy trình nuôi chồn hương

Dù chồn hương là vật nuôi có giá trị kinh tế cao, nhưng thành phố Hà Tĩnh không vội vàng mở rộng mà tập trung chuẩn hóa quy trình nuôi.

Cục Thú y ban hành hướng dẫn phòng, chống bệnh cúm gia cầm

Cục Thú y khuyến cáo, khi phát hiện gia cầm chết hàng loạt không được giấu dịch, cần thông báo ngay cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan thú y.

'Bệnh kép' hại ớt

HẢI DƯƠNG Gọi là 'bệnh kép' bởi hơn tháng nay, một số ruộng ớt của nông dân huyện Nam Sách cùng lúc bị 2 loại bệnh gây hại với triệu chứng rất đặc trưng.

'Cải lão hoàn đồng' cho cây bưởi ra quả ngon, sai lúc lỉu

HƯNG YÊN Bằng kỹ thuật cắt tỉa và ghép đoạn cành, ông Tuấn đã 'cải lão hoàn đồng' thành công hàng trăm cây bưởi già cỗi thành những cây quả sai lúc lỉu, chất lượng thơm ngon.

Bình luận mới nhất