| Hotline: 0983.970.780

Cánh đồng khép kín đầu tiên ở Ninh Bình

Thứ Sáu 18/10/2013 , 11:45 (GMT+7)

Lần đầu tiên ở Ninh Bình xuất hiện mô hình cánh đồng khép kín, ở đó nông dân được đầu tư giống, vật tư, doanh nghiệp thu mua sản phẩm ngay trên bờ ruộng...

Lần đầu tiên ở Ninh Bình xuất hiện mô hình cánh đồng khép kín, ở đó nông dân được đầu tư giống, vật tư, doanh nghiệp thu mua sản phẩm ngay trên bờ ruộng để sấy và hướng tới chế biến gạo xuất khẩu.

Dù đất chật, người đông, hiện nay ở miền Bắc nhiều địa phương đã dư thừa thóc lúa vì lượng tiêu thụ lương thực trên đầu người đang giảm sút nhanh chóng, thay vào đó là những thực phẩm cao cấp hơn.

Tại sao miền Bắc không thể xuất khẩu được lúa gạo? Tại sao miền Bắc nông sản dư thừa thường chỉ dùng để làm thức ăn chăn nuôi và bán với giá trị khá thấp?

Một trong những nguyên nhân chính là bởi miền Bắc không có hệ thống sấy. Hầu như tất cả các loại nông sản của vùng này đều được nông dân phơi trực tiếp dưới nắng. Nhà phơi 15 tiếng, nhà phơi 20 tiếng, nhà phơi 30 tiếng nên nếu đưa thóc ấy vào máy xay xát dễ bị nứt vỡ, sản phẩm cuối cùng chỉ là loại gạo 25% tấm, phẩm cấp kém, giá bán rẻ mạt.


Một lò sấy lúa đầu tiên ở Ninh Bình

Có hệ thống sấy, thóc được xử lý khô cùng một kiểu, phần đảm bảo đồng đều khi chế biến bằng máy sẽ ra loại gạo 5% tấm, bán được giá. Tỷ lệ sấy cao chính là một trong những lý do mà thóc lúa ở đồng bằng sông Cửu Long ùn ùn xuống tàu xuất đi khắp thế giới.

Không thu mua, bao tiêu được sản phẩm phải khẳng định ngay một điều rằng cánh đồng mẫu lớn sẽ tan vì sự hờ hững của người nông dân. Muốn tiêu thụ được lúa gạo ngoài yếu tố giống phải nhờ đến vai trò của hệ thống sấy nếu không lúa gặt về dính nước mưa để khoảng mươi tiếng đã nứt nanh vàng, giảm phẩm cấp chất lượng.

Thấy được mấu chốt của vấn đề, tỉnh Ninh Bình đang cho xây hàng loạt lò sấy thóc với mức hỗ trợ 50% (mỗi chiếc khoảng 75 triệu đồng). Vụ này tỉnh đã hỗ trợ được 5 lò, chiếc đầu tiên đi vào hoạt động đầu tiên là của HTX Đông Cường (Yên Khánh, Ninh Bình) với công suất 8 tấn/mẻ, mỗi ngày sấy được cỡ 18-20 tấn thóc.

Lò này được xây bằng những vật liệu rẻ tiền, sẵn có với nguyên tắc hoạt động đơn giản, đốt bằng than và thổi gió cưỡng bức bằng quạt điện. Tổng đầu tư một lò sấy như vậy đầu tư hết chừng 200 triệu đồng.

Anh Vinh, Chủ nhiệm HTX Đông Cường cho biết ngoài sấy lúa lò có thể dùng để sấy đậu tương, lạc, ngô rất tiện, tránh những vụ mất mùa ngay trong nhà vì không thể phơi phóng được nông sản khi gặp thời tiết bất thuận.

“Người nông dân có nhu cầu sấy chỉ việc đổ nông sản vào túi chuyên dụng, nhà nào đánh dấu nhà nấy để cho khỏi lẫn. Vụ tới chúng tôi đang chuẩn bị ký hợp đồng sấy 200 tấn với Cty CP TCty Giống cây trồng, con nuôi Ninh Bình. Sau khi trừ hết tiền than, tiền điện mỗi cân thóc còn được lãi 300 - 500 đ nên có thể chỉ hơn một vụ là có thể thu hồi được vốn đầu tư”, anh Vinh chia sẻ.

Một mô hình cánh đồng khép kín từ giống, phân bón, kỹ thuật đến thu mua, chế biến đang dần hình thành tại Ninh Bình. Anh Vũ Văn Nga, Tổng GĐ Cty CP TCty Giống cây trồng, con nuôi Ninh Bình cho biết, NM chế biến gạo xuất khẩu có công suất 50.000 tấn của Cty đang được xây dựng với số vốn trên 100 tỉ đồng. Khi nhà máy đi vào hoạt động trong vòng bán kính 200 cây số sẽ là vùng nguyên liệu lớn với hàng trăm lò sấy lúa quy mô.

“Chúng tôi sẽ cung ứng phân bón, giống, vật tư và tập huấn luôn kỹ thuật. Đến vụ, cty thu mua lúa tươi thương phẩm ngay tại ruộng, trên bờ nông dân chỉ việc đếm tiền hoạch toán lời lãi. Tôi cam kết sẽ thu mua lúa tươi bằng giá lúa khô cho bà con để tạo mối hợp tác lâu dài”, anh Nga nói.

Hiện Cty này có trong tay 5 bộ giống bản quyền. Trại giống lúa Khánh Nhạc của đơn vị đã trở thành Trung tâm Nghiên cứu & Phát triển nông nghiệp công nghệ cao AIQ. Nhiều huyện trong tỉnh Ninh Bình thành nơi vừa SX lúa giống vừa cung ứng gạo cao cấp làm nguyên liệu cho xuất khẩu.

Giống lúa năng suất cao của Cty có Hoa ưu 109 là đối thủ của mọi lúa lai đã có mặt trên 40 tỉnh, thành. Bộ giống chất lượng cao có AIQ 1102, HDT8. Bộ giống đặc sản có nếp Hưng Yên. Vụ mùa này nhiều địa phương ở phía Bắc mất mùa nặng bởi bạc lá, sâu bệnh, có nơi giảm tới 40 - 50% năng suất nhưng những bộ giống trên nếu canh tác phù hợp cho thu hoạch ít cũng 1,6 - 1,7 tạ còn phổ biến phải trên 2 tạ/sào...

Xem thêm
Nghề đón 'lộc trời': [Bài 3] Thời cơ cho vùng nắng gió

UBND tỉnh Tây Ninh vừa ban hành chiến lược phát triển chăn nuôi nói chung, yến nói riêng đến 2030 tầm nhìn 2045, mở ra cơ hội phát triển nghề yến vùng nắng gió này.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Thủ phủ cam Cao Phong tái canh để cứu cây đặc sản

Cao Phong, Hòa Bình từng là thủ phủ cam nổi tiếng của miền Bắc nhưng khi giá bán hạ, bệnh phát sinh khiến địa phương này phải tính đến bài toán tái canh.

Giảm hơn 70% lượng nước nhờ tưới phun tận gốc

Tại các tỉnh Tây Nguyên, rất nhiều diện tích cà phê áp dụng công nghệ tưới phun mưa tận gốc giúp giảm được hơn 70% lượng nước tưới và chi phí nhân công.