| Hotline: 0983.970.780

Cảnh giác không mua phải cá nóc khô

Thứ Năm 28/01/2010 , 10:41 (GMT+7)

Theo Bộ Y tế, vùng biển Việt Nam đã phát hiện được 4 họ, 12 giống và 66 loài cá nóc, phần lớn có chứa độc tố. Độc tố cá nóc có nhiều trong trứng cá, gan, mật, máu, tụỵ, mang, da, cơ bụng... Riêng trứng cá nóc tập trung nhiều độc tố nhất, vì vậy, con cái độc hơn con đực, nhất là vào mùa cá đẻ trứng (từ tháng 3 đến tháng 7).

Độc tố cá nóc rất bền vững, đun sôi ở nhiệt độ 100 độ C trong 6 giờ độc tố mới giảm đi một nửa. Mỗi người chỉ cần ăn 10 gam thịt cá nóc có độc tố là có thể tử vong. Thường sau khi ăn cá nóc độc từ 20 phút đến 3 giờ, nạn nhân bị tê môi và đầu lưỡi, sau đó lan dần đến chân tay, đôi lúc, có kèm đau đầu, đau bụng, đau cánh tay, đi đứng loạng choạng, nôn mửa dữ dội, rồi khó thở, hôn mê, hô hấp ngưng trệ... Nạn nhân có thể chết sau 1,5 - 8 giờ.

Trong thời gian qua, các cơ quan chức năng, các phương tiện thông tin đại chúng đã ra sức tuyên truyền về tác hại của việc ăn thịt cá nóc đến sức khỏe con người. Nhiều người dân đã ý thức được điều này và đã cự tuyệt với cá nóc. Nhưng trong khi ngộ độc vì cá nóc tươi có xu hướng giảm thì ngộ độc, tử vong vì cá khô, chả cá nóc lại tăng lên.

Mặc dù ngành y tế, ban quản lý các chợ đã nhiều lần khuyến cáo các hộ kinh doanh thủy sản không bán sản phẩm chế biến từ cá nóc, nhưng hầu như ở các địa phương các tỉnh ven biển và ngay tại TP.Hà Nội vẫn có tiểu thương lén lút bán cá nóc khô.

Từ lâu, ngư dân ở các vùng duyên hải đã dùng cá nóc sơ chế thành mắm, phơi khô rồi bán ra các địa phương trong và ngoài tỉnh. Các chủ hàng cho rằng, chỉ cá tươi hoặc đông lạnh mới gây ngộ độc, còn cá khô đã qua ngâm ủ, phơi nắng nên an toàn. Hiện cũng vẫn tồn tại rất nhiều cơ sở lén lút thu mua và chế biến cá nóc tươi thành cá khô, chả cá và nước mắm. Cá nóc khô được chặt đầu, lột da, xẻ thịt, phơi khô rồi đem bán ở các chợ với tên cá bò khô, cá đùi gà hay cá bống biển. Do cá khô đã bị chặt đầu, lột da và người bán cũng nói sản phẩm của cá khác nên ít ai có thể nhận biết nhận biết được đó là cá nóc. Có thể nhiều người đã ăn và bị ngộ độc nhưng ít ai nghĩ thủ phạm là cá nóc. Cá nóc còn được chế biến thành nước mắm, và dường như cũng thấy được độc tố trong cá, nên mắm này thường được pha với các loại mắm cá nục, cá cơm... với liều lượng 20-30% mắm cá nóc + 70-80% mắm cá các loại. Với các loại mắm này có thể độc tố không đến mức nguy hiểm đến tính mạng, nhưng về lâu dài vẫn sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng.

 Để không còn những cái chết thương tâm do ăn phải cá nóc, về lâu dài phải có quy định cấm đánh bắt loại cá này. Nếu ngư dân bắt được, phải tiêu hủy. Các Ban quản lý chợ cần kiểm tra thường xuyên những hộ kinh doanh hải sản, nhằm ngăn chặn việc thu mua, chế biến, tiêu thụ cá nóc. Hộ nào bán loại cá này sẽ bị thu hồi, đồng thời xử phạt hành chính.

Còn người tiêu dùng hãy tự bảo vệ mình bằng cách không mua cá lạ. Cá nóc khô thường có những đặc điểm sau: không có đầu, da, có vây sống lưng và vây đuôi đối xứng nhau, thịt thường có màu trắng trong hay vàng nhạt.

Xem thêm
Nghề đón 'lộc trời': [Bài 2] Đưa yến sào thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực

Yến sào được kỳ vọng là sản phẩm xuất khẩu mang lại nguồn thu lớn cho Bình Phước, sau hạt điều, cao su và sầu riêng.

Kiểm tra đột xuất cơ sở giết mổ, chợ đầu mối, trường học

TP. HCM Công tác kiểm tra sẽ được TP. HCM triển khai đồng bộ tại các cơ sở kinh doanh, giết mổ, chế biến, nhà hàng khách sạn, bếp ăn tập thể, chợ đầu mối.

Giảm hơn 70% lượng nước nhờ tưới phun tận gốc

Tại các tỉnh Tây Nguyên, rất nhiều diện tích cà phê áp dụng công nghệ tưới phun mưa tận gốc giúp giảm được hơn 70% lượng nước tưới và chi phí nhân công.