| Hotline: 0983.970.780

Cảnh giác lũ lớn đến sớm

Thứ Hai 28/07/2014 , 10:10 (GMT+7)

Những ngày cuối tháng 7/2014 dòng nước đỏ đục phù sa từ thượng nguồn đổ về sông Tiền, sông Hậu. Mùa mưa, bão, mùa nước nổi năm nay liệu có lũ lớn bất thường? 

NNVN có cuộc trao đổi với ông Lưu Văn Ninh (ảnh), PGĐ Trung tâm Khí tượng thủy văn tỉnh An Giang.

11-05-58_ong-luu-vn-ninh-pgd-tt-du-bo-thuy-vn-n-gng

Hiện tượng nước phù sa trên sông sớm xuất hiện, ông có nhận định và dự báo gì về mùa nước nổi năm nay?

Hiện nay mực nước đầu nguồn sông Mekong lên nhanh. Ngày 22/7 mực nước lúc 7h00 tại Vientiane là 4,90m, thấp hơn cùng kỳ năm 2013 là 0,18m và thấp hơn trung bình nhiều năm (TBNN) 2,23m; tại Kratie là 18,10m, cao hơn cùng kỳ năm 2013 là 2,48m và cao hơn TBNN 3,12m; tại Pakse là 8,66m, cao hơn cùng kỳ năm 2013 là 2,34m và cao hơn TBNN 1,52m.

Khu vực đầu nguồn sông Cửu Long mực nước cao nhất ngày 21/7 trên sông Tiền tại Tân Châu là 2,07m cao hơn cùng kỳ năm 2013 là 0,55m và cao hơn TBNN 0,01m; trên sông Hậu tại Châu Đốc là 1,75m, cao hơn cùng kỳ năm 2013 là 0,25m và thấp hơn TBNN 0,01m. Như vậy, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long đang ở mức xấp xỉ TBNN.

Trong năm 2014, số lượng bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) hoạt động trên biển Đông khoảng 9 - 10 cơn ở mức thấp hơn một ít so với TBNN (10 - 12 cơn), số cơn bão và ATNĐ ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta có khả năng khoảng 4 - 5 cơn, thấp hơn TBNN (khoảng 5 - 6 cơn). Do vậy, lượng mưa tại khu vực thượng nguồn có khả năng ít hơn TBNN. Đỉnh lũ cao nhất năm khả năng xuất hiện vào cuối tháng 9, đầu tháng 10, tại Tân Châu có khả năng thấp hơn báo động III (4,50m), tại Châu Đốc có khả năng xấp xỉ báo động II (4,00m).

Giả định khu vực đầu nguồn sông Mekong mưa lớn bất thường, nước lên sớm và xảy ra lũ lớn, làm thế nào để người dân có thể nhận biết sớm, chủ động kế hoạch SX nông nghiệp, thay đổi lịch thời vụ kịp thời ?

Lũ đầu mùa ít có khả năng xuất hiện ở đầu nguồn sông Cửu Long, tuy nhiên sẽ có các đợt nước lên trên sông này. Trong những ngày tới, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long biến đổi chậm và sau đó sẽ lên nhanh từ 10 -15 cm/ngày, đến cuối tháng 7 mực nước trên sông Tiền tại Tân Châu có khả năng đạt mức 2.90m (thấp hơn báo động I là 0.60m), trên sông Hậu tại Châu Đốc có khả năng đạt mức 2.50m (thấp hơn BĐI là 0.50m). Lũ chính vụ sẽ bắt đầu xấp xỉ so với TBNN.

Tuy nhiên, cần chú ý đề phòng trong những tháng xuất hiện đợt triều cường cao nhất của năm (tháng 9, 10, 11), có khả xảy ra tổ hợp triều cường + lũ thượng nguồn + mưa tại chỗ + gió có thành phần lệch Đông mạnh sẽ làm cho mực nước tiếp tục lên cao. Nhìn chung, mùa mưa, bão, lũ năm 2014, thời tiết thủy văn có thể diễn ra một cách phức tạp. Cần đề phòng bão mạnh, lũ lớn có khả năng xảy ra sớm.

Hằng năm, trước mùa mưa, bão, lũ, Trung tâm Khí tượng thủy văn An Giang có bản tin nhận định mùa về tình hình mưa, bão, lũ trong năm. Trường hợp giả định nước lên sớm và có khả năng xảy ra lũ lớn, người dân cần phải thường xuyên theo dõi bản tin khí tượng thủy văn để biết trước được diễn biến của bão lũ từ đó chủ động triển khai ngay các phương án phòng chống, di dời người, vật nuôi và tài sản ở các khu vực trũng, thấp  đến các khu vực an toàn; đồng thời có kế hoạch SX nông nghiệp thích ứng.

Hằng năm ẩn họa lũ lớn luôn đe dọa diện tích lúa vụ 3 ở khu vực đầu nguồn sông Cửu Long, để đảm bảo SX an toàn cần chuẩn bị ứng phó thế nào, thưa ông?

Các huyện đầu nguồn bị ảnh hưởng lũ sớm nhất ở ĐBSCL. Những năm gần đây người dân đã SX ngay trong mùa lũ nhờ tỉnh đầu tư xây dựng hệ thống đê bao kiên cố.


Mùa lũ 2014 cần đề phòng bão mạnh, lũ lớn

Để tránh thiệt hại trong SX nông nghiệp cũng như thiệt hại về người và tài sản, các ngành chức năng nên yêu cầu các huyện, thị thực hiện các phương án phòng chống lũ, tiến hành gia cố đê bao bảo vệ lúa vụ 3; tổ chức các lớp tập huấn về khả năng đối phó với bão, lũ cho cán bộ cấp huyện và xã; tuyên truyền cho người dân nhận thức và ứng phó khi bão lũ xảy ra.

Đối với chính quyền địa phương, nhiệm vụ quan trọng là bảo vệ SX và đảm bảo an toàn tính mạng người dân vùng ngập lũ. Vùng SX lúa vụ 3 cần chú trọng công tác kiểm tra hệ thống đê bao, cống bọng và đẩy nhanh tiến độ thực hiện gia cố đê bao, duy tu cống bửng, đặt biệt trong vùng xung yếu; tổ chức lắp đặt các trạm bơm điện đề phòng các đợt mưa gây ngập úng cục bộ nhằm chủ động bơm tiêu chống úng bảo vệ lúa vụ 3 và có phương án bảo vệ SX trong mùa lũ với phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư - phương tiện và kinh phí tại chỗ; hậu cần tại chỗ) và 3 sẵn sàng (chủ động phòng tránh; đối phó kịp thời; khắc phục khẩn trương và có hiệu quả).

Theo ông nên bố trí cơ cấu mùa vụ cho cây trồng như thế nào sẽ phù hợp, an toàn trong mùa lũ?

Để bố trí cơ cấu mùa vụ cho cây trồng phù hợp, an toàn trong mùa lũ. Đối với vùng đê bao vững chắc, nông dân chỉ được phép xuống giống ở những vùng đảm bảo ăn chắc; không SX ở những vùng đê bao xung yếu hoặc đê bao thực hiện chưa hoàn thành, không đảm bảo an toàn và không có giải pháp tốt bảo vệ SX, các tuyến đê, đập thấp hơn đỉnh lũ năm 2000, 2011.

Bên cạnh vùng SX lúa vụ 3 và rau màu các loại, người dân phải biết tiên lượng và chủ động nhiều hơn trong các mô hình SX mùa lũ có hiệu quả như nuôi tôm, nuôi cá, đan lờ lọp, lưới... để tăng thu nhập. Đối với ngành chức năng vấn đề tiên quyết chính là thực hiện tốt khâu quy hoạch và quản lý quy hoạch về nông nghiệp, không để người dân làm ăn tự phát.

Vào mùa nước nổi, sông nước chảy xiết gây sạt lở, cần phải làm gì?

Những năm gần đây, diễn biến lòng sông rất phức tạp và cùng với tác động ngày càng bất lợi của chế độ dòng chảy, các hoạt động của con người đã tác động đến quá trình sạt lở trên các sông, kênh, rạch xảy ra nhiều hơn, gây ra hậu quả lớn về tài sản tại các khu vực kinh tế, dân cư ven sông và những làng nuôi cá bè.

Nguyên nhân chính gây sạt lở do áp lực của dòng chảy tác động mạnh vào bờ tạo thành luồng lạch sâu với mái dốc thẳng đứng. Quá trình sạt lở thường xảy ra vào thời điểm mùa lũ với những năm lũ lớn (từ tháng 9-10), đây là thời điểm đất bị ngập nước nên đất bị bão hòa nước và ở trạng thái bở rời, kết hợp với lưu tốc dòng chảy lớn dễ gây nên xói mòn và dẫn đến sạt lở.

Hiện An Giang có khoảng 53 đoạn có nguy cơ sạt lở đất bờ sông, với tổng chiều dài đoạn bờ sông khoảng 150,6 km. Trong đó có 12 đoạn cảnh báo ở mức độ rất nguy hiểm, 32 đoạn ở mức nguy hiểm, 9 đoạn ở mức trung bình. Trước diễn biến xấu của tình trạng sạt lở, các ngành chức năng cần thông báo tình trạng khẩn cấp và yêu cầu tổ chức di dời nhà cửa, vật kiến trúc dọc bờ sông tại khu vực sạt lở, tiến hành định vị, cắm mốc, gắn biển cảnh báo khu vực sạt lở. Thực hiện các biện pháp yêu cầu bắt buộc người dân di dời...

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Bò 3B mang tới hi vọng cho người dân miền núi

QUẢNG TRỊ Người dân hi vọng bò 3B sẽ là đối tượng nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, một số hộ dự kiến mở rộng chăn nuôi sau khi kết thúc hỗ trợ.

Tiêm phòng dại vì cộng đồng

Chương trình ‘Tiêm phòng dại vì cộng đồng’ lần 4 vừa được triển khai tại Đức Huệ, Long An, Những năm qua, chương trình đã giúp nâng cao tỷ lệ tiêm phòng trên địa bàn.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.