| Hotline: 0983.970.780

Cánh rừng báo ân

Thứ Hai 17/11/2014 , 09:37 (GMT+7)

Là đứa trẻ mồ côi cha mẹ, phải bỏ học leo núi đá chặt cây sáp bút đổi gạo nuôi 3 đứa em; nghèo đến độ không có tiền cưới vợ, ông Lê Văn Thân có mơ cũng không dám tin đời mình lại có ngày được người ta gọi là “đại gia miền rừng”.

Từ người dại dột nhất trần đời…

Dân bản Nà Tồng (xã Trùng Khánh, huyện Văn Lãng, Lạng Sơn) chẳng thể ngờ những quả đồi trơ cằn sỏi đá, nằm hoang hoải tận cùng đất nước lại có thể “đẻ” tiền. Thu sang, khi lá vàng lìa cành bị nắng thiêu khô giòn, bà con người Tày, Nùng lại leo đồi phóng hỏa.

Biển lửa cháy rừng rực, cây dại bị nung thành tro. Lớp tro ủ trong sương giá mùa đông, biến thành phân để sang xuân cỏ đâm chồi. Nhiều cây lộc non chưa kịp chuyển màu diệp lục đã bị hàm răng của lũ trâu, ngựa ngoạm đứt, nhai gau gáu nuốt ực vào dạ dày.

Núi rừng bị bức tử đến trơ cằn, trọc lốc. Những triền đồi xếp tầng rộng hàng trăm ha vô chủ chẳng ai đoái hoài vì không còn giá trị. Một ngày kia, người ta thấy khe nước Khuôn Khuông, Nà Tràm, Khuôn Hốc… vơi dần. Con suối Hang Sáng nước trong leo lẻo ngày nào, bỗng biến thành dải đá lổn nhổn uốn mình trắng xóa. Khi mưa lớn, dòng nước đỏ quạch như cốt trầu vì xói lở đất, như máu của rừng tuôn chảy.

Năm 1994, chính quyền cấp xã, cấp huyện, vận động nhân dân nhận khoán bảo vệ, trồng rừng. Khi ấy, dân bản Nà Tồng chưa tin cán bộ. Họ túm năm tụm mười rỉ rả tai nhau: “Chớ dại mà mắc mưu ông nhà nước. Có khi nhận đất xong rồi, chính sách lại thay đổi, bắt mình phải đóng thuế nặng thì khốn”.

Không lạ lùng khi người có “máu liều” nhận 46 ha đất rừng đầu nguồn (trải dài từ cột mốc 1044 qua cột mốc 1045 biên giới Việt - Trung) như ông Lê Văn Thân (thôn Nà Tồng) bị ví như… kẻ dại dột nhất trần đời.

Gạt qua những xì xào bàn tán, ông Thân tin rằng, chỉ có con người mới phụ bạc rừng, chẳng bao giờ rừng phụ ơn người. Niềm tin ấy không phải đột nhiên trỗi dậy, nó nảy sinh từ những năm tháng túng đói và đau đớn nhất của cuộc đời.

“Bố tôi vốn là chiến sĩ công an nhân dân vũ trang (sau này gọi là bộ đội biên phòng). Ông từng bị bom Mỹ sát thương trên đường công tác ở Thái Nguyên, phải trở về quê với tấm thân tàn. Năm 1988, gia đình xảy ra “tang kép”. Mẹ mất tháng ba, cha mất tháng sáu. Tôi mới 15 tuổi, đang học trường cấp 2 Lũng Vài đành phải nghỉ để nuôi 3 em nhỏ. Thằng út tên Lê Văn Thường mới 6 tuổi. Thời ấy, biên giới Việt - Trung đã ngưng tiếng súng nhưng vẫn chưa bình thường quan hệ. 4 anh em tôi vẫn ở lại vùng sơ tán bản Vài, xã Trùng Quán cách nhà 10 km.

Không ruộng nương, của cải, họ hàng, ngày ngày tôi phải leo trèo vắt vẻo trên núi đá phồng rộp cả bàn chân, bàn tay để chặt cây sáp bút, bó thành đon vác xuống chợ đổi lấy gạo. Nhiệm vụ của thằng Thuộc (đứa em thứ 2, 13 tuổi) là mỗi sáng cho 1 bát gạo vào nồi nấu cháo để mấy anh em ăn 2 bữa và chăm em”, ông kể.

Những ngày đầu hồi hương về Trùng Khánh năm 1989, ruộng đồng chưa kịp cải tạo, không có gì bỏ bụng, người anh cả Lê Văn Thân lại luồn lách trong rừng tre phía sau nhà bẻ măng rồi cho vào 2 sọt, gánh qua biên giới sang chợ Bằng Tường bán 5 hào/kg. Nhờ thế, mấy anh em sống qua nhiều tuần trăng.

Cưới vợ bằng 3 ha rừng

Ở Nà Tồng có cô thiếu nữ Lương Thị Lèn nết na, xinh đẹp khiến anh chàng Lê Văn Thân xiêu lòng. Đáp lại, Lèn cũng đắm say tấm chân tình của anh. Ngặt nỗi, ngoài căn nhà tranh vách đất, anh chẳng sở hữu vật gì giá trị. Luật tục hôn nhân của dân tộc Tày vốn hà khắc, chú rể muốn rước cô dâu về nhà phải sắm đủ lễ cưới gồm 1 con lợn béo 100 kg và 30 đồng bạc trắng. Thế nghĩa là Lèm phải chờ “mọt tuổi xuân” để người yêu kiếm đủ lễ vật.

Không để Lèm “chết chìm” trong thương nhớ, Lê Văn Thân quyết định gán lễ cưới bằng 3 ha đất rừng ông cha để lại. Ông Lương Văn Mùi (bố Lèm) bảo: “Chỉ có 3 ha đất rừng chưa đủ, vợ chồng chúng bay phải trồng kín cây vào đấy để trả ơn chúng ta sinh thành”.

13-34-52_nh-2
Một chuyến tuần rừng của ông Thân

Hơn 10 năm sau, những cây trám đã vươn cao và cho thu quả. Trước khi khuất núi năm 2008, ông Mùi vỗ vai con rể trăng trối: “Khu rừng ấy ta chưa bao giờ có ý định lấy, chỉ thử lòng của bay thôi. Có được thằng rể tốt thì trăm trâu, ngàn bò cộng lại cũng không bằng”.

Từ khi nhận khoán bảo vệ, quản lý 46 ha đất lâm nghiệp dọc biên giới Việt - Trung (trong đó có 3 ha rừng đặc dụng), mỗi sáng ông Thân dậy từ canh năm chuẩn bị cơm đùm cơm nắm, dao gài thắt lưng, chụp mũ lá tuần rừng.

Mỗi ngày leo khoảng 3 km đường dốc dựng ngược lên cột mốc 1044, rồi vòng sang cột mốc 1045 và theo suối Khuôn Khuông trở về nhà, hành trình tuần rừng của ông Thân ngót ngét 10 cây số. Thông thường, mỗi bước chân của người trưởng thành dài khoảng 1 feet (30,48 cm). Như vậy, mỗi ngày núi rừng Nà Tồng in hằn 30 ngàn dấu chân của ông. Được ví như “cột mốc sống” vùng biên.

Ông bộc bạch: "Ngày nay, gỗ khan hiếm, ai muốn làm cái cột nhà cũng muốn lăm le vác dao vào khu rừng đặc dụng. Thấy mình chặn lại, họ oán lắm, bởi ở rừng mà không dựa vào rừng thì biết dựa vào đâu. Mình ngăn là mình cướp mất cái niêu cơm của người ta rồi. Có lần tôi bắt giữ một anh cưa gỗ, anh ấy bảo: “Rừng đặc dụng là của dân, không phải rừng của anh. Cả làng đều được chặt, tôi là người trong làng”.

“Xưa, những cánh rừng biên cương xã Trùng Khánh bị phá tan tuông theo lối cạo râu nhẵn thín, để trơ những vành cằm núi trọc. Nay, dặc dài biên giới Việt - Trung, chỉ thấy ngút ngàn xanh thẳm. Người tiên phong hồi sinh rừng chính là ông Lê Văn Thân”, Chủ tịch UBND xã Trùng Khánh, Vi Trung Thành khẳng định.

Tôi chặn họng luôn rằng: “Của dân thì toàn dân cùng hưởng, cớ sao anh lấy một mình?”. Thấy người kia ú ớ, tôi dịu giọng: “Nếu bây giờ anh chặt rừng thì chỉ được chặt một lần rồi mất vĩnh viễn. Còn giữ lại rừng thì cả người dân ở cuối dòng suối Khuôn Luông này, cả dân Văn Lãng này được rừng che chở”.

Trở thành “chúa rừng” Nà Tồng

Chủ tịch UBND xã Trùng Khánh, Vi Trung Thành nhớ năm 1997 độ che phủ rừng của toàn xã chưa đến 40%, hệt như cái đầu hói chỉ còn lơ phơ vài sợi tóc. Từ năm 1998, đã có một “chiến dịch cứu rừng” rầm rộ ở khu vực biên giới xứ Lạng theo dự án 661.

Một buổi chiều xuân mưa lây phây, có đồng chí bộ đội biên phòng trẻ măng vai đeo cấp hiệu trung úy, ngực cài biển tên Trần Công Đông xuống bản Nà Tồng thông báo: "Nhà nước sẽ cấp cây giống, trả công lao động để bà con trồng thông phủ xanh đất trống, đồi trọc của mình". Có người vặn vẹo: “Cây thông lớn chậm như đứa con lắm sài nhiều đẹn, đất đai lại cằn cỗi, chờ cả đời chưa chắc đã được thu”. Vừa nói dứt câu, người khác đã chen ngang: “Bao giờ bộ đội vác tiền hỗ trợ trồng rừng về đây, chúng tôi nhìn thấy mới tin”.

Bộ đội dân vận ở trên, bà con tán chuyện tào lao phía dưới. Chỉ có chủ rừng Lê Văn Thân ngấm từng lời của bộ đội biên phòng, tin vào bộ đội biên phòng như tin người cha đã khuất của mình - một chiến sĩ công an vũ trang (lực lượng tiền thân của bộ đội biên phòng Việt Nam).

Năm 2012, ông Thân vinh dự được mời xuống thủ đô Hà Nội nhận Bằng khen của Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng vì có nhiều thành tích trong phong trào “Quần chúng tham gia quản lý đường biên, mốc quốc giới và an ninh khu vực biên giới”.

Được dự án cấp cây giống, vợ chồng ông Thân ngóng thấy trời mưa là gánh thông non lên đồi đào hố trồng. Những buổi trưa nắng đổ, mồ hôi nhễ nhại, chống cuốc nhìn trời, trong bụng xót xa lưng bát cơm trộn sắn từ sáng, thế mà vẫn cứ hùng hục say sưa.

Để “lấy ngắn nuôi dài” chờ thông lớn, vợ chồng ông cấy thêm 1 mẫu lúa. Ngày mùa, ông Thân đào một hốc sâu ở bờ ruộng bậc thang rồi lót rơm để đứa con nhỏ nằm ngủ, lúc rảnh tay chị Lèm tranh thủ cho con bú, đến sẩm tối mới địu về.

Thấm thoát đã hơn 1 thập kỷ trôi đi, cả khu đồi trọc rộng 30 ha phủ lên màu xanh rười rượi. Thân cây thông thăn thớ thẳng đứng, vươn cao vỏng, vỏ xù xì, chắc nịch. Mỗi khi đôi chân trĩu nặng, chủ rừng vẫn thường ngồi tựa lưng dưới gốc cây thông ngát lừng hương nhựa, nghe lá kim xào xạc reo trước gió, phấn thông vàng phảng phất rơi và trầm ngâm trong tiếng chim vọng lại. Một ngày không thấy rừng thông, tâm ông Thân không an, cứ như người tình xa vắng.

Trong ngôi nhà của ông Thân, xe máy, ti vi, tủ lạnh, máy cày, máy xát, thậm chí cả phòng hát karaoke... “Năm nay, rừng thông của bộ đội biên phòng Nà Hình trồng gần nhà tôi đã được cạo mủ. Có doanh nghiệp hợp đồng khai thác nhựa 20.000 đồng/cây/năm. 1 ha có khoảng 1.650 gốc, loại bỏ cây còi cọc cũng phải được 1.000 cây đạt tiêu chuẩn. Như vậy, 1 ha thu được ít nhất 20 triệu đồng. Năm mốt, năm hai rừng thông nhà tôi cũng đủ tuổi cạo nhựa, một lúc thu mấy trăm triệu đồng không còn là giấc mộng xa vời”, ông Thân khoe.

Người dân Nà Tồng bây giờ mới vỡ lẽ: “kẻ dại dột nhất trần đời” hóa ra lại… khôn nhất bản. Chẳng cần ai nài nỉ, cả làng đua nhau trồng thông, trồng bạch đàn kín cả ngàn ha đồi trọc vùng biên. Suối, khe xứ Lạng lại ăm ắp nước trong leo lẻo.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Ký kết giao ước thi đua ngành nông nghiệp các tỉnh, thành vùng ĐBSCL

Hội nghị nhằm tiếp tục thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và đẩy mạnh phong trào thi đua vùng ĐBSCL năm 2024.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Lão nông U70 với tham vọng đưa bưởi Diễn xuất ngoại

Bằng tình yêu nông nghiệp cùng óc sáng tạo trong sản xuất, ông Lê Hữu Diện đã trở thành người tiên phong làm nông nghiệp hữu cơ tại huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.

Bình luận mới nhất