| Hotline: 0983.970.780

Canh tác bền vững, sống chung với dịch

Thứ Năm 07/07/2011 , 12:21 (GMT+7)

Những biện pháp quản lý dịch hại trong thời gian qua đều đan xen giữa dùng thuốc hóa học và các biện pháp canh tác bền vững. Sau đây chúng ta thử phân tích tình hình.

Từ nạn dịch rầy nâu, bệnh virus lúa, từ năm 2006 đến nay đã qua hơn 13 vụ lúa, trên đồng ruộng có lúc có nơi vẫn có dịch hại nhưng nhìn chung Việt Nam vẫn được mùa liên tục. Dường như chúng ta đã tìm được cách sống chung với dịch hại trên cây lúa.

Những biện pháp quản lý dịch hại trong thời gian qua đều đan xen giữa dùng thuốc hóa học và các biện pháp canh tác bền vững. Sau đây chúng ta thử phân tích tình hình.

Biện pháp hóa học: Trong thời gian qua biện pháp hóa học đã áp dụng trên diện rộng. Nói chung biện pháp hóa học đã góp phần quản lý dịch hại. Tuy nhiên, vẫn có hiện tượng nơi kia nơi nọ lạm dụng hóa học, đã gây ra bộc phát dịch hại, có lúc nghiêm trọng không kìm chế được. Ngoài ra biện pháp hóa học còn gây ra ô nhiễm môi trường khá nặng nề.

Từ đó cho thấy biện pháp hóa học tuy có thể quản lý được dịch hại nhưng không bền vững. Ngoài quy luật xuất hiện và mất đi của dịch hại của tự nhiên, sự tái đi tái lại của dịch có sự góp phần quan trọng của hóa học, vì làm phá vỡ cân bằng sinh thái của đồng ruộng. Đây là điều chúng ta cần phải tính đến để khắc phục.

Canh tác bền vững: Bên cạnh biện pháp hóa học, những biện pháp canh tác đã áp dụng nhằm quản lý dịch hại gồm có: “Ba giảm ba tăng”, “IPM cộng đồng”, né rầy gieo sạ tập trung, phòng trừ sinh học, và gần đây là mô hình “công nghệ sinh thái”. Người ta thường gọi, những biện pháp quản lý dịch hại đó là canh tác bền vững. Mặc dầu được hô hào mạnh mẽ, các biện pháp canh tác nói trên cũng chỉ mới được áp dụng trong từng nơi từng lúc. Rộng rãi hơn cả có lẽ là biện pháp ba giảm ba tăng, nhưng cũng chỉ ở những khu đồng nhất định.

Vì vậy việc quản lý được dịch hại hiệu quả trên toàn miền như hiện nay không thể nói là chỉ do canh tác bền vững. Tuy nhiên theo tổng kết nhiều nơi trong nước và trên thế giới đều cho thấy những biện pháp quản lý dịch hại không hóa học và hạn chế hóa học nói trên đều góp phần quản lý dịch hại rất có hiệu quả, và không hề gây ra bộc phát dịch. Từ đó cho phép ta có thể nhận định đó là những biện pháp quản lý dịch hại có tính bền vững, được dư luận trong nước và xu thế của thế giới khuyến khích áp dụng.

Sống chung với dịch: Trong thời gian tới, từ Nam đến Bắc trong cả nước, dịch rầy và bệnh virus lúa vẫn còn có thể tái diễn nhiều lần. Từ những kinh nghiệm như đã nêu trên, để tăng cường hiệu quả trong sản xuất chúng ta cần phải tăng cường phát triển rộng rãi các biện pháp canh tác bền vững để quản lý dịch hại có hiệu quả, hay còn gọi là biện pháp “sống chung với dịch” một cách ổn định, có hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường, cụ thể có thể như sau:

- Phát động toàn dân làm ba giảm ba tăng, trồng giống tốt, giống có chứng chỉ, xây dựng lịch né rầy từng vùng và tiểu vùng sinh thái, có chương trình IPM cộng đồng nông dân. Gắn liền với xây dựng bẫy đèn, làm dự tính dự báo, sản xuất giống tốt trong từng làng xã.

- Phát động người người trồng hoa, nhà nhà trồng hoa để xây dựng các khu đồng công nghệ sinh thái.

- Tổ chức những khu đồng xã hội hóa phòng trừ rầy bằng sinh học.

- Làng xã xây dựng chương trình sử dụng hóa học tối thiểu. Như vậy, cần phải huy động lực lượng chính trị, làng xã xây dựng chương trình hành động cụ thể cho canh tác bền vững.

Một chiến lược rất quan trọng là phải làm cho canh tác bền vững trở nên ưu thế tuyệt đối trong nền sản xuất lúa Việt Nam, chứ không phải là thuốc hóa học. Đây là vấn đề bức thiết cần được thảo luận.

Để làm tốt hơn canh tác bền vững trên diện rộng, nên tiến hành nghiên cứu đồng ruộng một số vấn đề còn chưa được rõ:

- Trong canh tác bền vững, phải chứng minh hệ sinh thái được bảo vệ bền vững như thế nào, nhất là hệ kí sinh, thiên địch đồng ruộng.

- Các bước tiến hành trong chuỗi cung ứng xã hội hóa phòng trừ sinh học cũng cần phải nghiên cứu kỹ hơn nữa đẽ tăng cường hiệu quả và tránh ô nhiễm môi trường trong quá trình dân sản xuất chế phẩm sinh học trong làng xã.

- Vấn đề trồng hoa trên ruộng nên nghiên cứu trồng những loại cây hoa nào dễ trồng, tự phát tán nhanh, hoa nhiều và sử dụng được đa mục đích. Ví dụ như cây lạc dại Arachis pintoi, hay như cây Stylo santes…

- Tổng kết tính chất của những chu kỳ xuất hiện bệnh qua nhiều năm; mối quan hệ những tác động của canh tác bền vững, sử dụng hóa học đối với xuất hiện tần suất và độ lớn của dịch hại. Đây là vấn đề khó, nhưng có ý nghĩa thực tiễn và khoa học rất lớn.

- Mở nhiều các lớp tập huấn nông dân, tổ chức các buổi bạn nhà nông trên đài truyền hình về canh tác bền vững, về tác động gây rủi ro của hóa chất độc hại đến môi trường cũng như biện pháp bảo vệ môi trường sinh thái.

Những nguyên nhân của tự nhiên làm xuất hiện dịch hại chúng ta chưa nắm hết được. Hơn thế, hiện trạng quản lý dịch hại của chúng ta đang đan xen nhiều biện pháp thiếu bền vững, làm cho dịch hại thỉnh thoảng lại xuất hiện, đó là điều không thể tránh khỏi. Chúng ta phải xây dựng một phương thức sống chung với dịch hại và quản lý chúng ở mức độ tốt nhất có thể được.

Mục đích của việc phát triển mở rộng biện pháp canh tác bền vững là để góp phần quản lý dịch hại có hiệu quả, hạn chế những rủi ro làm tái phát dịch hại, và nếu dịch hại có xảy ra thì thiệt hại cũng được giảm thiểu.

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.