| Hotline: 0983.970.780

Canh tác sắn bền vững

Thứ Năm 02/04/2015 , 10:10 (GMT+7)

Từ kết quả ứng dụng tiến bộ KHKT vào SX, mô hình canh tác sắn bền vững trên đất dốc đã được chuyển giao cho nông dân các tỉnh miền núi phía Bắc thông qua dự án khuyến nông Trung ương giai đoạn 2012-2015...

Cây trồng có lợi thế cạnh tranh cao

Từ năm 2012-2015, dự án "Phát triển sắn bền vững cho các tỉnh miền núi phía Bắc” đã được triển khai trên địa bàn một số thôn bản, với sự phối hợp thực hiện của Trung tâm Khuyến nông các tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Lào Cai do Trung tâm Khảo Kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng quốc gia chủ trì.

Dự án có quy mô diện tích 486 ha, xây dựng 17 mô hình với 51 điểm trình diễn. Giống sắn được trồng trong mô hình là KM94, KM98-7, KM60; cây trồng xen canh gồm lạc L14, giống lạc địa phương, đậu tương DT84, đậu đen và mô hình trồng sắn trên đồi dốc kết hợp trồng các băng cây điền thanh theo đường đồng mức để chống xói mòn đất.

Tham gia mô hình, người dân được hỗ trợ 100% hom giống sắn, 50% lượng phân bón theo quy trình và một phần thuốc trừ sâu bệnh, được tập huấn kỹ thuật và tham quan học hỏi lẫn nhau giữa các mô hình trình diễn.

Mục tiêu của dự án là xây dựng các mô hình canh tác sắn bền vững, trồng sắn xen canh với lạc hoặc đậu tương hoặc đậu đen; trên đất dốc > 15 độ trồng các băng cỏ voi hoặc cây điền thanh; năng suất sắn củ tươi từ 250 tạ/ha trở lên và hiệu quả kinh tế lãi thuần từ 6 - 8 triệu đ/ha/năm so với trồng sắn theo tập quán canh tác đại trà của nông dân.

Hiệu quả

Sau hơn 2 năm 2013-2014, dự án đã xây dựng 11 mô hình với 33 điểm trình diễn, tổng quy mô diện tích 297 ha được trồng, 2.255 nông dân được đào tạo, tập huấn kỹ thuật canh tác sắn bền vững và 1.650 người được tham quan, học tập kinh nghiệm từ các mô hình trình diễn.

Thông qua kết quả đánh giá từ các mô hình tại các địa điểm trình diễn, được bà con nông dân đánh giá rất cao. Cụ thể trong năm 2013, tại 15 điểm trình diễn của 5 tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên, Lào Cai, quy mô diện tích 135 ha (27 ha/tỉnh), các giống sắn trồng là KM94 hoặc KM98-7 và cây trồng xen canh là lạc L14 hoặc đậu tương DT84 hoặc đậu đen.

Kết quả năng suất củ sắn tươi từ 28,5 - 35,7 tấn/ha, năng suất trung bình 32,5 tấn/ha, vượt hơn SX sắn đại trà địa phương (giống sắn lá tre) từ 15,1 - 41,1%; mô hình còn thu được từ cây trồng xen canh (lạc hoặc đậu tương hoặc đậu đen) năng suất từ 0,11 - 0,74 tấn/ha.

Hiệu quả kinh tế của 5 mô hình trình diễn lãi thuần vượt hơn so với SX sắn đại trà của địa phương từ 10,96 - 20,05 triệu đ/ha/năm.

Cụ thể các tỉnh cho lãi thuần vượt hơn SX sắn đại trà, gồm Phú Thọ (20,050 triệu đ/ha), Sơn La (14,970 triệu đ/ha), Thái Nguyên (14,0 triệu đ/ha), Lào Cai (13,380 triệu đ/ha), Hòa Bình (10,960 triệu đ/ha).

Hiệu quả kép từ các mô hình canh tác sắn bền vững là do trồng bằng các giống sắn cao sản nên năng suất sắn củ tươi đã tăng trung bình 28,5%.

Ngoài ra nông dân còn thu từ các cây trồng xen canh (lạc hoặc đậu tương hoặc đậu đen) trung bình 0,53 tạ/ha, nên tổng lãi thuần trung bình tăng 14,672 triệu đ/ha so với SX sắn đại trà của địa phương.

Theo ông Nguyễn Văn Dũng, GĐ Trung tâm KN Thái Nguyên, năm 2013 đã triển  khai 3 điểm trình diễn mô hình canh tác sắn bền vững với 135 hộ nông dân tham gia tại làng Dỗ, xã Tân Quang, TX Sông Công; xóm Đồng Tâm và xóm Ao Trám, xã Đồng Đạt, huyện Phú Lương đạt năng suất sắn từ 30 - 31 tấn/ha và đậu đen, lạc thu được từ 0,73 - 0,74 tấn/ha; hiệu quả kinh tế lãi thuần vượt cao hơn so với SX sắn đại trà của nông dân từ 11,75 - 13,25 triệu đ/ha/năm.

Năm 2014, thực hiện mô hình canh tác sắn bền vững tại 18 điểm trình diễn của 6 tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Lào Cai, quy mô diện tích 162 ha (27 ha/tỉnh), các giống sắn trồng trong mô hình là KM94, KM98-7, KM60 và cây trồng xen canh lạc L14 hoặc đậu tương DT84 hoặc đậu đen.

Kết quả các mô hình, năng suất sắn củ tươi từ 30,6 - 43,7 tấn/ha, vượt hơn so với SX sắn đại trà (giống sắn lá tre) từ 20,4 - 34,2% và năng suất cây trồng xen lạc L14 hoặc đậu tương DT84 hoặc đậu đen từ 0,6 - 1,62 tấn/ha.

Hiệu quả kinh tế các mô hình canh tác sắn bền vững cho lãi thuần hơn so với SX đại trà của địa phương từ 10,941 - 22,800 triệu đ/ha/năm, trung bình 17,026 triệu đ/ha/năm.

Các mô hình canh tác sắn bền vững cho lãi thuần cao hơn SX đại trà của địa phương là Phú Thọ (22,8 triệu đ/ha), Thái Nguyên (19,483 triệu đ/ha), Vĩnh Phúc (19,12 triệu đ/ha), Lào Cai (15,193 triệu đ/ha), Hòa Bình (14,620 triệu đ/ha), Sơn La (10,941 triệu đ/ha).

Theo bà Vi Thị Thanh, Phó trạm trưởng Trạm KN huyện Mai Sơn, Sơn La, trong 2 năm 2013, 2014 thực hiện mô hình canh tác sắn bền vững với 45 hộ nông dân tham gia tại bản Nà Ban, xã Hát Lót và 45 hộ nông dân tham gia tại bản Hời, xã Chiềng Mung đạt năng suất sắn từ 32 - 38 tấn/ha và đậu tương, lạc thu được từ 0,66 - 0,70 tấn/ha; hiệu quả kinh tế lãi thuần vượt cao hơn SX sắn đại trà của địa phương từ 13,715 - 16,9 triệu đ/ha/năm.

Một số điểm cần lưu ý

Trồng sắn và cây trồng xen canh với cây họ đậu trên các quả đồi thoải, hơi dốc phải trồng theo đường đồng mức xung quanh quả đồi và trên đỉnh đồi trồng cây lâm nghiệp hoặc trồng cỏ voi, phần canh tác sắn - cây họ đậu, cứ từ 20 - 25 m hình thành các băng cây trồng để chống xói mòn đất như cây điền thanh hoặc cỏ voi hoặc cây lâm nghiệp.

Trồng sắn khi có mưa đầu mùa vào tháng 2 và tháng 3 (riêng Sơn La trồng vào đầu tháng 4 hàng năm). Mật độ trồng sắn hợp lý từ 10.000 - 14.000 hom/ha (để có 10.000 - 14.000 cây/ha), hàng trồng 1 m để có thể trồng xen canh 2 hàng cây họ đậu giữa hàng sắn, khoảng cách cây từ 0,7 - 1 m. Sử dụng các giống sắn cao sản như KM94, KM98-7, KM60, NA1, 10SA-01 để trồng.

Khi xuất hiện bệnh chổi rồng hoặc rệp sáp hồng hại sắn phải tiến hành thu gom triệt để cây bị bệnh để thiêu hủy ngay, không lấy hom giống ở vùng có dịch bệnh để trồng cho vụ sau.

Nhất thiết phải bón phân cân đối NPK theo quy trình, kết hợp vun cao gốc sắn để chống đổ ngã và chỉ thu hoạch khi sắn đã chín, lá đã rụng hết trên cây.

Xem thêm
Bò 3B mang tới hi vọng cho người dân miền núi

QUẢNG TRỊ Người dân hi vọng bò 3B sẽ là đối tượng nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, một số hộ dự kiến mở rộng chăn nuôi sau khi kết thúc hỗ trợ.

Tiêm phòng dại vì cộng đồng

Chương trình ‘Tiêm phòng dại vì cộng đồng’ lần 4 vừa được triển khai tại Đức Huệ, Long An, Những năm qua, chương trình đã giúp nâng cao tỷ lệ tiêm phòng trên địa bàn.

Hơn 35.000m2 nhà màng ở Mộc Châu được hỗ trợ nâng cấp, cải tạo

SƠN LA Dự án ‘Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai’ hỗ trợ 34 hộ gia đình ở Mộc Châu cải tạo và tối ưu hóa 35.420m2 nhà màng, nhà kính.