| Hotline: 0983.970.780

Cao Bằng: Gỗ nghiến ngổn ngang

Thứ Ba 23/12/2014 , 08:15 (GMT+7)

Đó là con đường vào thôn Lũng Rịch, Tà Bốc của xã Lương Thông, huyện Thông Nông.

Khổ như… cửu vạn gỗ nghiến

Để mục sở thị cảnh chặt hạ, xẻ thịt và vận chuyển những cây nghiến nghìn năm tuổi tại các khu rừng thuộc thôn Lũng Rịch, Tà Bốc, tôi được một người dân bản địa nhận dẫn đường đến 2 “kho” gỗ nghiến ở đầu dốc Lũng Dải và Lũng Dũng (chỉ là tấm bạt xanh che đậy lên gỗ).

Chủ gỗ không đồng ý cho chúng tôi xem, chiếc bạt phủ kín đống gỗ luôn được canh giữ chặt chẽ.

Anh bạn dẫn đường nói nhỏ: “Có khi bị lộ rồi, tôi sẽ đưa anh đến cửa rừng gặp cửu vạn vận chuyển gỗ…”.

Nói xong, cả 2 chiếc xe máy cà tàng lại tiếp tục lăn từng vòng bánh nặng nề để “cõng” khổ chủ qua những đoạn đường dài toàn dốc đá gồ ghề để vào thôn Tà Bốc. Đúng như dự đoán, lúc đó là 2 giờ chiều, mọi sự đúng ý chúng tôi khi thỏa sức ghi lại hình ảnh khuân vác, vận chuyển gỗ nghiến ra cửa rừng.

Nỗi buồn rừng xanh khi núi rừng nơi đây phải chia lìa những cây gỗ quý hàng nghìn năm tuổi. Nghiến thuộc nhóm gỗ quý hiếm (2a), hiện tại chỉ còn rất ít tại những khu rừng núi đá.

Gỗ nghiến rất cứng, thường được người dân dùng làm nhà cửa. Mấy năm gần đây, loại gỗ này được phía Trung Quốc tích cực thu mua với giá cao, làm cho người dân tại nhiều cửa rừng đua nhau chặt hạ lấy gỗ bán cho các đầu nậu.

Bà Sùng Mý, dân tộc Mông, 70 tuổi, xã Lương Thông, nói: “Mấy cây nghiến tôi nhìn thấy nó từ lúc còn nhỏ thế nào, đến bây giờ nó vẫn thế, chỉ có mình già, chứ loại cây này không thấy nó lớn…”.

Khi tiếp cận được một nhóm vác gỗ đang tạm nghỉ giữa đường, tôi gặng hỏi một nữ cửu vạn có dáng vóc cao to và khỏe mạnh nhất, cô này cho biết: “Mỗi chuyến em chỉ gùi được một khúc nặng khoảng 40 đến 50 kg từ trên ngọn núi kia ra ngoài đường cho chủ, giá mỗi kg gỗ nghiến gùi từ rừng về đến chỗ tập kết mà không bị sứt, vỡ sẽ được trả công 2.500 đồng/kg. Họ cân từng khúc gỗ để trả công cho người vận chuyển.

19-20-17_img_6691
2 cột nghiến dài khoảng 6 m “vứt” ngay gần đường

Ngày nào khỏe khoắn, em đi được 2 chuyến, cũng được hơn 200 nghìn đồng, hôm nào mệt thì 1 chuyến… Bọn em chỉ đi làm vào mùa đông, thời điểm trước Tết Nguyên đán, vì sau Tết thường có mưa phùn, rừng ẩm ướt, trơn trượt và có nhiều muỗi vắt nên chẳng ai đi làm gỗ nữa".

Nghiến là loại gỗ quý hiếm (nhóm 2a), mọc tự nhiên trên những dãy núi đá vôi ở những nơi vùng cao, vùng sâu có khí hậu mát mẻ quanh năm. Trên rừng núi đá vôi, thì cây nghiến có thân gốc vững chắc, là cây cổ thụ luôn cao to nhất khoảnh, có cây tồn tại đến ngàn năm tuổi. Hiện nay, loại nghiến cổ thụ chỉ còn rất ít ở những nơi có địa hình cực kỳ hiểm trở. 
Để bảo vệ loại cây quý hiếm này, nhiều vườn ươm cây giống trồng rừng ở các tỉnh vùng cao đã lấy hạt về ươm, với hy vọng có cây giống phục vụ trồng rừng, nhưng đều thất bại. Do đó, việc trồng và khôi phục rừng tự nhiên ở vùng cao hiện tại vẫn vắng bóng cây nghiến.

Một phụ nữ cùng nhóm bộc bạch: Người khỏe mỗi ngày cũng chỉ đi được 2 chuyến, vì phải leo dốc đá tai mèo sắc lắm, có chỗ dốc dựng đứng, vần được một cục gỗ ra đến đường ô tô phải mất hơn 2 tiếng, khổ lắm.

"Các anh biết đấy, gỗ xẻ nhỏ thế này còn dễ chuyển, chứ gỗ làm cột nhà (kích thước 25x25 cm, dài từ 5 đến 6 m) ra khỏi rừng, phải 6 người có sức khỏe tốt, chuyển mấy ngày mới đưa ra đến đường nhựa. Vì cây nghiến còn ít, toàn chỗ đường khó là đá tai mèo sắc nhọn, nên chỉ chuyển bằng người, khi đưa ra hết rừng núi đá, thì mới dùng trâu kéo ra đường, nếu làm gỗ bị vỡ họ còn phạt vạ", một phụ nữ khác tiếp lời.

Gỗ nghiến bị “vứt” rìa đường

Trên đường từ thôn Lũng Rịch đến Tà Bốc, tôi tận mắt thấy hàng chục khúc gỗ nghiến rất đẹp, bị “vứt” ngay rìa đường, có đống gỗ được che đậy qua loa bằng cây cỏ, có những khúc gỗ nghiến dài khoảng 6 m, còn tươi rói mới được kéo từ bìa rừng ra, bỏ chềnh ềnh như để… khoe hàng.

Thi thoảng, gặp những chiếc xe gắn máy chở những cục hoặc khúc gỗ nghiến ngược phía đường lớn. Thoạt nhìn, có cảm giác rằng, công việc chuyển gỗ nghiến trên con đường mòn này rất công khai.

Thấy tôi lén đưa máy ảnh nhỏ để chụp chiếc xe gắn máy đang chở gỗ, người dẫn đường đưa tay ngăn: “Không chụp ảnh, họ biết sẽ nguy hiểm”.

Nói xong, anh tiếp tục cho biết: Trước đây, họ chỉ vận chuyển gỗ nghiến bằng ô tô vào lúc nửa đêm, còn bây giờ gỗ nghiến cũng ít hơn, giá xe máy lại rẻ, nên việc chuyển gỗ nghiến có thể diễn ra bất cứ lúc nào, thường ban ngày bằng xe gắn máy, chở ít nhưng rất cơ động, nếu gặp lực lượng chức năng, họ chỉ cần cắt dây chằng bỏ lại gỗ, rồi phóng xe bỏ chạy.

Còn chuyển gỗ nghiến ra khỏi rừng bằng ô tô đã khác trước, đợi đến đêm khuya, mới cho ô tô đến “nhặt” những khúc gỗ nghiến đang bị bỏ lại ngổn ngang hai bên đường, sau đó nhanh chóng di chuyển khỏi địa bàn xã trước lúc trời sáng.

Để chứng minh với tôi là việc khai thác gỗ nghiến cũng như các loại gỗ quý khác diễn ra công khai, anh bạn dẫn đường chấp nhận cùng tôi cuốc bộ hơn 1 giờ, từ phân trường Lũng Pó, đi qua Lũng Dũng rồi đến Lũng Dải, thì cả 2 bên đường mới mở vào thôn Tà Bốc còn có những thân cây gỗ tạp cổ thụ bám theo vách núi đá tai mèo dựng đứng, phía trên các mỏm đá vôi là tiếng cưa lốc gầm rú như đại công trường, về chiều tối thì càng nhiều tiếng cưa máy nổ vang cả vùng rừng, có những chỗ chỉ cách mặt đường khoảng 200 m, thi thoảng có những khúc gỗ tròn được thả lăn xuống tận mặt đường.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất