| Hotline: 0983.970.780

Cao su - Coi chừng ăn mặn, không nước uống

Thứ Tư 14/07/2010 , 11:04 (GMT+7)

Theo Bộ NN-PTNT, năm 2009 tổng diện tích cao su đã là 674.200 ha, trong khi "đích đến" năm 2010 mới là 650.000 ha. Phải chăng cây cao su đang như tàu cao tốc lao đi nhanh quá dễ vượt tầm kiểm soát?

Theo Bộ NN-PTNT, năm 2009 tổng diện tích cao su đã là 674.200 ha, trong khi đó "đích đến" của Quyết định 750/QĐ-TTg thì đến năm 2010 diện tích cao su cả nước cần đạt 650.000 ha. Phải chăng cây cao su đang  như tàu cao tốc lao đi nhanh quá dễ vượt tầm kiểm soát?

LẦN ĐẦU TIÊN CÓ DỊCH

Lần đầu tiên sau hơn 20 năm làm việc cho NNVN tôi mới được thấy cảnh chen lấn mua thuốc BVTV tại thị trấn Phước Vĩnh (Phú Giáo, Bình Dương). Nhiều ít tùy người nhưng tất cả đều có “toa” giống nhau bao gồm 3 thứ: thuốc trừ nấm Anvil, thuốc trừ nấm Carbedazim và chất bám dính. Cả thị trấn, cả huyện đang nháo nhào với dịch nấm “vàng lá gân xanh” trên cây cao su (do nấm Corynespora), mà không chỉ huyện Phú Giáo mà cả Đồng Phú, Chơn Thành, Bình Long, Lộc Ninh (Bình Phước) cũng đang ngầy ngật với căn bệnh lạ - Cao su đang cạo mủ ngon lành bỗng nhiên lá ngả dần sang màu vàng chanh trong lúc gân lá vẫn xanh rồi thi nhau rụng. Lá cành dưới rụng trước, lá cành trên rụng sau đến xơ xác.

Từ trên bãi thải của công trình thủy lợi Phước Hòa nhìn sang xã Minh Thành (Chơn Thành) có một rẫy cao su có lá vàng ruộm như rừng liễu cuối thu đầu đông bên Tàu. Chủ nhân cho biết, rẫy này năm sau sẽ bị nước hồ Phước Hòa dâng ngập nên không chạy chữa thêm tốn kém. Với bình quân 1 ha cao su tốn 1,5 triệu cho 2 lần phun mà chưa biết kết quả như thế nào thì việc tính toán của gia chủ là có căn cứ. Theo Viện Nghiên cứu Cao su và các nhà vườn trồng cao su nhiều năm thì bệnh vàng lá do nấm Corynespora không phải mới, không phải lạ.

Cái lạ chỉ là trước đây việc “vàng lá gân xanh” chỉ lẻ tẻ bị mà nếu bị cũng chỉ nhẹ thoảng qua rồi cây tự khỏi lúc nào không hay. Còn năm nay bỗng nhiên bộc phát rất mạnh, đầu tiên trên các vườn cao su tơ mới mở miệng cạo vài ba năm trên giống RRIV 4, một giống từng là niềm tự hào của cao su Việt Nam, từ đấy lây sang PB 235, PB 260 từ cao su trẻ đến cao su trung niên cũng dần dần trút lá.

Việc bệnh bộc phát bệnh giữa cái “nhân” của vùng cao su khiến người ta nghĩ đến việc mất đa dạng sinh học. Trong mấy năm nay cao su có giá, lại được Nhà nước khuyến khích thế là nhà nhà, nơi nơi đều trồng cao su. Cây rừng gục xuống nhường chỗ cho cao su, cây điều lăn ra nhường chỗ cho cao su, hồ tiêu bị bứng để cao su thế vào, rồi sầu riêng, mít nghệ, chôm chôm, bắp, sắn…cũng phải bịn rịn chia tay cho người bạn mới đến từ Nam Mỹ có tên là cao su. Cao su lên đỉnh đồi, xuống lung suối chẳng nề hà gì đến đất đỏ hay đất mỡ gà, đất sỏi hay đất xám bạc màu, thậm chí vườn cao su đã được mọc lên xanh tốt ngay tại trạm thu phí Cao su Phước Hòa mà trước đây từng là ruộng lúa.

MẤT ĐA DẠNG SINH HỌC

Hàng trăm xã như xã Minh Thắng, Minh Lập, Tân Quang, Tân Khai, Tân Thành, Minh Hưng…(Phú Giáo, Bình Dương) chỉ rặt mỗi thứ cây cao su. Xã Nha Bích hiện có 3.790 ha cao su, các cây trồng khác còn lại chỉ có 20 ha và rừng thì đã là con số 0 từ lâu. Với dân chúng các xã này thì chỉ còn muỗi rừng u u, không tiếng chim kêu, không chồn không cáo không cheo, mễn…Thống kê cho biết Bình Phước hiện có khoảng 150.000 ha cao su, nhưng ai cũng bảo con số thực còn lớn hơn nhiều vì từ rừng nghèo đến rừng giàu, rừng kinh tế đến rừng đặc dụng, ngay cả VQG Bù Gia Mập cũng đang bị xà xẻo lấy chỗ cho cao su. 

Cao su trồng hợp pháp có giấy phá rừng, xen với cao su trồng bất hợp pháp phá rừng không giấy. Bình quân mỗi năm tỉnh Bình Phước mất 3.000 ha rừng bị phá bất hợp pháp để trồng cao su. Còn theo Bộ NN-PTNT, năm 2009 tổng diện tích cao su đã là 674.200 ha, tăng 13,5% so với năm 2008, trong lúc đó mục tiêu của quyết định 750/QĐ-TTg thì đến năm 2010 diện tích cao su cả nước cần đạt 650.000 ha. Phải chăng cây cao su đang đi quá nhanh, mà đi nhanh thì liệu có bước hụt?

Với việc không chồn cáo, chim muông trong rừng cao su, nhiều người cho rằng đấy chỉ là thiệt hại về sinh cảnh, còn môi trường thì vẫn tốt mà biểu hiện của nó là rừng cao su tái canh tốt (cà phê không tái canh được). Đấy cũng chỉ là mới xét về mặt thổ nhưỡng, còn việc cây cao su thải ra khí CO2 gấp 1,3 lần so với cây khác, rừng cao su có giữ được nước như rừng tự nhiên không? Có góp phần gây trầm trọng cho lũ lụt không? Việc mất đa dạng sinh học sẽ ảnh hưởng ra sao chưa có một nghiên cứu nào được triển khai.

Tuy nhiên, có một khẳng định chắc chắn rằng- theo TS Nguyễn Chí Thành, cựu Phân Viện trưởng Phân viện Quy hoạch rừng Nam bộ thì rừng cao su không thể thay thế cho rừng tự nhiên. Nếu cứ theo tiêu chí, rừng có trữ lượng gỗ dưới 100m3/ha thì được phép chuyển sang trồng cao su thì hầu hết rừng tự nhiên còn lại ở Tây Nguyên, Nam bộ còn lại đều có thể phá. Trước đây ta đã tiến hành khoanh nuôi rừng, đấy là chủ trương đúng đắn và dựa vào cơ sở khoa học việc tái sinh mạnh mẽ của rừng nhiệt đới. Nếu được bảo vệ tốt thì chỉ cần 5-7 năm rừng nghèo kiệt sẽ trở nên giàu có, rừng không bị mất đi và cuộc sống của người Việt mới bền vững.

Xem thêm
Nhiều mặt hàng nông sản ở ĐBSCL tăng giá

Giá bán nhiều nông sản đều tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái là nhờ thông qua sự liên kết với doanh nghiệp và các kênh tiêu thụ từ hệ thống siêu thị.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

TH và câu chuyện xây dựng thương hiệu từ chữ 'thật'

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm