| Hotline: 0983.970.780

Cấp bách cứu biển Cửa Đại

Thứ Sáu 28/10/2016 , 14:15 (GMT+7)

Từ năm 2011 đến nay, ngân sách tỉnh, trung ương và TP đổ vào việc xây kè chống sạt lở ở bờ biển Cửa Đại đã hơn 80 tỉ đồng...

16-53-32_nnvn-1
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới nên bờ biển Cửa Đại tiếp tục sạt lở mạnh
 

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, kết hợp với triều cường dâng cao làm đoạn bờ biển từ khách sạn (KS) Hội An đến KS Palm Garden (TP Hội An, Quảng Nam) bị xâm thực nghiêm trọng. Trong khi chờ giải pháp đồng bộ được kỳ vọng sẽ có vào giữa năm 2017, hiện địa phương vẫn phải tiếp tục kè bảo vệ bờ khu vực đang sạt lở.

Tin từ Ban Chỉ huy PCTT và KKCN tỉnh Quảng Nam cho biết, đoạn kè bờ bằng túi địa kỹ thuật trước khách sạn Hội An bị sạt lở đỉnh kè khoảng 50m và làm thân kè đoạn này bị sụt lún tại 2 vị trí với chiều dài khoảng 5,0m và 10,0m. Đoạn kè bờ bằng túi địa kỹ thuật Geotube đoạn từ nhà hàng Tấn Lộc đến nhà hàng Biển Gọi, đỉnh kè đã cuốn cát đắp trên bờ kè dọc theo tuyến và một số vị trí gây sạt lở vào đến tường kè của các nhà hàng trên tuyến.

Tại vị trí cuối tuyến kè, đây là vị trí thấp nhất nên toàn bộ lượng nước trên đỉnh kè tập trung và thoát ra tại vị trí này làm cho vị trí khóa kè này bị sụt lún. Đoạn bờ biển từ Nhà hàng Biển Gọi (cuối đoạn kè bờ bằng túi Geotube) đến KS Palm Garden bị xâm thực nghiêm trọng, gây sạt lở mạnh, nhiều vị trí bị xâm thực sâu vào trong đến gần 10m.

Hiện nay, đoạn bờ biển này đã bị xâm thực đến sát Trạm quan trắc của Trường Cao đẳng Công nghệ, kinh tế và thủy lợi miền Trung và một số hàng dừa của KS Palm Garden đã bị đổ xuống biển.

Theo nhân viên quản lý KS Palm Garden, chưa bao giờ tốc độ sạt lở bờ biển lại diễn ra như năm nay. Chỉ trong buổi tối, hàng trăm khối đất cát khu vực nhà hàng đã bị sóng đánh sập cuốn trôi ra biển khiến bờ cọc tre cùng hàng chục cây dừa trồng trước đây bị xô ngã. 

Quan ngại nhất là khu vực bờ biển KS Palm Garden, lần đầu tiên sóng đã đánh vào đến sát chân bờ kè gây ra hiện tượng sụt lún cát, dù phía ngoài biển cách bờ 60m hiện đã có kè mềm để chống tác động của sóng từ xa.

16-53-32_nnvn-2
Đến nay đã có gần 3 ngàn khối cát đã được đổ xuống để ngăn sóng biển
 

Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP Hội An, từ năm 2009 đến nay, khi tình trạng sạt lở bờ biển Cửa Đại diễn ra, chính quyền địa phương bắt đầu chạy theo con nước. Các khu resort, nhà hàng ven biển cũng đua nhau xây kè để tự cứu mình. Mạnh ai nấy xây, sạt đâu làm kè ở đó.

Tuy những khu resort được cứu nhưng lại khiến tình trạng sạt lở lan dần. Cứ sau mỗi đợt mưa bão, bờ biển Cửa Đại lại bị sóng biển xé toang và chính quyền địa phương lại huy động lực lượng, máy móc đắp kè. Đến nay, vùng sạt lở đã dài đến vài km.

Theo ông Hùng, từ năm 2011 đến nay, ngân sách tỉnh, trung ương và TP đổ vào việc xây kè chống sạt lở ở bờ biển Cửa Đại đã hơn 80 tỉ đồng. Sắp tới, TP Hội An sẽ chi 25 tỉ đồng tiếp tục xây dựng kè mềm đối với 650m bờ biển đang sạt lở theo nguồn vốn trung ương vừa cấp. TP cũng đang dự tính xin chuyển 80 tỉ đồng đã được phê duyệt xây kè ở phía nam Cửa Đại qua nạo vét luồng lạch để lấy cát bơm vào khu vực sạt lở.

Hiện TP Hội An đang huy động hàng trăm dân quân, bộ đội biên phòng, lực lượng thanh niên xung kích… tiến hành gia cố lại bờ biển. BQL Dự án Đầu tư và xây dựng Hội An cũng chỉ đạo đơn vị thi công khẩn trương gia cố tại các vị trí sụt lún ở cuối tuyến kè bờ bằng túi địa kỹ thuật. Đối với đoạn bờ biển từ các nhà hàng đến KS Palm Garden, các cơ quan chức năng TP Hội An đang xúc tiến thi công phần đê bao giảm sóng ngoài biển và có phương án gia cố kè bảo vệ bờ.

“Đây chỉ là giải pháp tạm thời, giải pháp tình huống. Về lâu dài cần có bờ kè cứng và mỏ hàn để tạo bãi mới có thể hạn chế sạt lở được”- ông Nguyễn Long, Thường trực BCH PCLB TP Hội An kiêm chỉ huy công trình nói.

Tại buổi làm việc với đoàn công tác của Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN- PTNT) mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho biết, giải pháp cấp bách hiện tại sẽ bao gồm: thứ nhất là tìm giải pháp xử lý bùn cát bơm vào; thứ hai, rút kinh nghiệm trong việc điều chỉnh thiết kế, cao trình cho phù hợp các đoạn kè còn lại cũng như bổ sung thêm một số hạng mục khác như kè bờ, chuyển chữ Y thành chữ T…

“Trước mắt, hút cát bổ sung vào phần 60m của đường bờ ở khu vực đã thi công nhằm giảm áp lực sóng, đảm bảo ổn định, an toàn cho tuyến kè bờ và sớm tái tạo bãi.

Dự kiến, cát lấy từ nguồn nạo vét, khơi thông luồng đường thủy Cửa Đại đang bị bồi lấp gây ảnh hưởng đến việc di chuyển tránh trú bão của tàu thuyền, khối lượng khoảng 70.000m3.

Ngoài ra trung ương cũng xem xét cho điều chuyển nguồn vốn 8 tỷ đồng trong chương trình phòng chống thiên tai năm 2016 của tỉnh sang kè chống sạt lở” - ông Thanh đề xuất.

 

Xem thêm
Biến phụ phẩm nông nghiệp thành nguồn thức ăn chăn nuôi chính

Thay đổi thói quen canh tác, nhiều nông dân ở huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) đã biến những phế phẩm nông nghiệp sau thu hoạch thành thức ăn chăn nuôi cho hiệu quả cao.

Tiêm vacxin bao vây ngăn bệnh viêm da nổi cục lây lan

Quảng Bình Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Bình đang tập trung chỉ đạo các địa phương tăng cường tiêm vacxin, ngăn chặn bệnh viêm da nổi cục trên đàn bò lây lan.

Bắc Giang làm mô hình trồng dẻ Trùng Khánh

Dẻ Trùng Khánh hay còn gọi dẻ ván Cao Bằng cho hạt to, giá trị kinh tế cao, khác hẳn với loại dẻ thóc vốn mọc nhiều ở Lục Nam, Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang).

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm