| Hotline: 0983.970.780

Cấp bách!

Thứ Hai 08/10/2012 , 10:01 (GMT+7)

"Quản lý giết mổ và kinh doanh thịt gia súc, gia cầm là vấn đề cấp bách", Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh trong phát biểu khai mạc Hội nghị quản lý giết mổ, vận chuyển, kinh doanh thịt gia súc, gia cầm ở một số tỉnh trọng điểm phía Bắc.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu và PCT UBND TP Hà Nội Trần Xuân Việt chủ trì hội nghị

"Quản lý giết mổ và kinh doanh thịt gia súc, gia cầm là vấn đề cấp bách", Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh trong phát biểu khai mạc Hội nghị quản lý giết mổ, vận chuyển, kinh doanh thịt gia súc, gia cầm ở một số tỉnh trọng điểm phía Bắc. Hội nghị diễn ra tại Hà Nội sáng 7/10.

Phó Thủ tướng đề nghị, các đại biểu thẳng thắn chỉ ra những yếu kém nhằm tìm ra giải pháp khắc phục chứ không được để tình trạng này kéo dài mãi.

Cả nước có 28.285 điểm giết mổ nhỏ lẻ

Phó Thủ tướng nói: “Giết mổ, vận chuyển gia súc, gia cầm lậu không thể nói là không có ai biết, nhất là chính quyền cơ sở. Phải khẳng định là biết hết. Thế mà để người ta công khai vi phạm pháp luật một cách lâu như vậy. Nếu không xử lý dứt điểm, không làm rõ được lợi ích của người chăn nuôi, người giết mổ chính đáng, người tiêu dùng thì trách nhiệm của chúng ta tới đâu? Sức khỏe con người là điều quan trọng. Đã đến lúc coi đây là vấn đề cấp bách cả ngắn hạn và lâu dài”.

Bà Nguyễn Thị Xuân Thu, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT báo cáo tại hội nghị: Năm 2011, cả nước có 28.285 điểm giết mổ nhỏ lẻ. Tại 12 tỉnh, thành phố phía Bắc đã có tới 11.485 điểm giết mổ. Phần lớn các điểm phân bố rải rác khắp các khu dân cư, đặc biệt ở khu vực ven đô và vùng nông thôn. Chính quyền địa phương ở một số nơi buông lỏng quản lý, chưa tổ chức chỉ đạo quyết liệt, xử lý các trường hợp vi phạm.

Do vậy, tư thương đã lợi dụng tiến hành giết mổ, tiêu thụ gia súc, gia cầm lậu, chết, bị bệnh một cách công khai, làm lây lan dịch bệnh động vật và ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Đặc biệt tại nhiều tỉnh còn tồn tại phổ biến hình thức giết mổ lưu động (người giết mổ đến nhà người chăn nuôi để giết mổ gia súc và đưa đi tiêu thụ).

Từ tháng 4/2011 đến nay, Bộ NN-PTNT đã tích cực đôn đốc, hướng dẫn các địa phương tổ chức thống kê, đánh giá, phân loại các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm theo quy định. Theo đó có 53/63 tỉnh thực hiện việc thống kê, đánh giá. Qua kiểm tra ở 815 cơ sở giết mổ thì: 41 cơ sở đạt loại A (5,04%); 405 cơ sở đạt loại B (49,6%); 369 cơ sở loại C (45,4%). Điều đó cho thấy, chất lượng VSATTP ở các điểm giết mổ đạt rất thấp, đến mức báo động.

Báo cáo cho hay, các điểm giết mổ được thực hiện dưới nền nhà, nền sân, ở các địa điểm được tận dụng trong khuôn viên gia đình với diện tích chật hẹp. Phần lớn các cơ sở giết mổ xây dựng không đồng bộ, không được thiết kế tách biệt, hệ thống xử lý nước thải không đảm bảo. Một số địa phương tổ chức giết mổ gia súc ngay cạnh bờ sông, xả trực tiếp chất thải, nước thải xuống sông gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Trong tổng số 11.485 điểm giết mổ nhỏ lẻ và 59 cơ sở giết mổ tập trung tại 12 tỉnh, thành phố phía Bắc chỉ có 929 cơ sở/điểm giết mổ được cơ quan thú y thực hiện kiểm soát, chiếm 8,05%. Trong đó số cơ sở/điểm giết mổ trâu bò được kiểm soát chỉ chiếm 5,34%; lợn chiếm 6,35% và gia cầm chiếm 14,7%. Như vậy, còn lại số lượng lớn điểm giết mổ gia súc, gia cầm không được cơ quan thú y thực hiện kiểm soát giết mổ. Đây chính là nguồn nguy cơ gây lây lan dịch bệnh động vật và gây mất VSATTP.

Điều này, so với các tỉnh miền Đông Nam bộ thì công tác quản lý giết mổ tại các tỉnh, thành phía Bắc còn nhiều yếu kém. Cụ thể số lượng cơ sở/điểm giết mổ tại Đông Nam bộ được cơ quan thú y kiểm soát giết mổ đạt tỷ lệ cao (chiếm 88,7%).


Bày bán, giết mổ gia cầm bừa bãi là vấn đề nhức nhối hiện nay trong quản lý VSATTP

Kinh nghiệm ở đây là đẩy mạnh công tác quy hoạch cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, ban hành các quy định, cơ chế, chính sách phù hợp để khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ tập trung; hỗ trợ các cá nhân hành nghề giết mổ nhỏ lẻ chuyển đổi nghề nghiệp; tăng cường quản lý, xử lý nghiêm việc giết mổ gia súc, gia cầm không đảm bảo VSATTP.

Moi hàng đã tiêu hủy đi tiêu thụ

Phát biểu tại hội nghị, nhiều ý kiến của các Bộ, ngành và địa phương đều tiếp thu tinh thần chỉ đạo của Chính phủ song vẫn kêu về sự chồng chéo chính sách và vướng trong cơ chế phối hợp thực hiện quản lý VSATTP.

Đại diện Bộ Công thương cho rằng: “Chỉ có công an mới được phép ra lệnh dừng xe để kiểm tra còn lực lượng quản lý thị trường thì không có thẩm quyền. Nếu khi có sự phối hợp với các ngành để kiểm tra mà trường hợp xe hàng tăng tốc bỏ chạy, liên ngành vẫn rượt đuổi nhưng khi xe hàng chạy sang địa bàn tỉnh khác rồi thì đoàn này không thể rượt đuổi được nữa. Do đó nếu không có sự phối hợp đồng bộ với tỉnh bạn coi như cuộc rượt đuổi bất thành. Nhưng không phải lúc nào cũng phối hợp được. Mặt khác, ban chỉ đạo chống hàng nhái, hàng giả, hàng nhập lậu lại không thấy đề cập rõ về thẩm quyền xử lý hàng VSATTP nên gặp khó khăn”.

Ý kiến trên, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương “nội trong trung tuần tháng 11 này phải trình được đề án về quy chế phối hợp giữa các ngành để Chính phủ xem xét cần phải điều chỉnh, bổ sung như thế nào nhằm siết chặt hơn nữa công tác quản lý, tăng thẩm quyền cho ban chỉ đạo chống hàng lậu”.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng: “Để quản lý tốt vấn đề này rất cần sự quan tâm và vào cuộc quyết liệt của chính quyền các cấp mà tổng tư lệnh phải là Chủ tịch UBND tỉnh. TP Hồ Chí Minh lớn như vậy nhưng chỉ có 1 cơ sở giết mổ gia cầm và 24 cơ sở giết mổ gia súc. Trong khi đó, Hà Nội có đến 3.000 điểm giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ. Tại sao Hà Nội không làm được? Tình trạng giết mổ gia súc, gia cầm được thực hiện ngay tại chợ, có chợ tới 3-4 điểm giết mổ như thế”.

Phó Thủ tướng cũng giao Bộ NN-PTNT nghiên cứu kỹ các chính sách đã ban hành, thấy điểm nào cần bổ sung, điều chỉnh thì sớm trình Chính phủ để xem xét nhằm đáp ứng yêu cầu thực tế. Đồng thời tham khảo các nơi làm tốt tập hợp lại in thành tài liệu phát cho các địa phương khác học hỏi kinh nghiệm. Bên cạnh đó là phối hợp với các cơ quan thông tin xây dựng hẳn chương trình tuyên truyền một cách có chiến lược, có chiều sâu nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng đối với vấn đề VSATTP.

Phó Thủ tướng chỉ đạo: “Hà Nội cần thu hẹp dần các điểm giết mổ nhỏ lẻ. Phải dẹp được tình trạng gà nhập lậu ở chợ Hà Vĩ, coi đó là việc quan trọng cần phải làm ngay của Hà Nội. Là một thủ đô văn minh thì ăn uống phải được văn minh không thể để người dân lo lắng như vậy. Trước mắt, UBND TP Hà Nội phải phối hợp với 11 tỉnh xung quanh để ký một cam kết cùng nhau quản lý tốt và xử lý nghiêm tình trạng vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm không đảm bảo VSATTP. Cần phải làm quyết liệt, làm tốt để tăng niềm tin cho nhân dân khi ra chợ mua thực phẩm”.

Một vấn đề khác làm cho các đại biểu dự hội nghị giật mình khi nghe ông Thứ trưởng Bộ Công thương và PGĐ Công an TP Hà Nội phát biểu rằng: Quy trình tiêu hủy gia súc, gia cầm nhập lậu hiện nay rất thô sơ, vẫn còn tình trạng người dân lén lút moi hàng đã tiêu hủy mang đi tiêu thụ. PGĐ Công an TP Hà Nội cho biết: “Chúng tôi đã tiến hành bắt và tiêu hủy một lô hàng 6 tấn gà nhập lậu nhưng sau đó phát hiện đối tượng này lén lút đào dưới đất lên mang hàng đi tiêu thụ. Hiện cơ quan CA đang tiến hành điều tra xử lý”.

Thông tin trên ngay lập tức nhận được ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: “Chính phủ giao Bộ NN-PTNT và Bộ Y tế phối hợp với các đơn vị chức năng kiếm cho được một loại xe tiêu hủy lưu động, hiểu cách nôm na là lò thiêu xác lưu động để xử lý hàng lậu khi bắt được thay cho cách đào hố chôn như hiện nay. Nếu làm được thì tháng 12 này báo cáo Chính phủ để có quyết định. Coi như đây là đơn đặt hàng của Chính phủ nên yêu cầu các Bộ bắt tay vào làm ngay”. 

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân băn khoăn là cùng một cơ chế, chính sách mà tại sao tỉnh làm được, tỉnh không? “Đến bây giờ mà 5 tỉnh: Yên Bái, Nam Định, Bắc Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng vẫn chưa thực hiện quy hoạch vùng giết mổ gia súc, gia cầm. Nhiều tỉnh/TP quy hoạch rồi để đó. Như thế là yếu kém, vướng mắc ở chỗ nào, các địa phương cần phải vào cuộc mạnh mẽ vì đây là sức khỏe của con người về lâu về dài”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Trận dông lốc kinh hoàng khiến hàng trăm hộ dân 'màn trời chiếu đất'

Bắc Kạn Rạng sáng ngày 18/4, dông lốc trên diện rộng làm hơn 580 ngôi nhà tại tỉnh Bắc Kạn hư hỏng, người dân và chính quyền địa phương đang nỗ lực khắc phục hậu quả.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm