| Hotline: 0983.970.780

Cấp bách sửa chữa đập Hồ Núi Cốc

Thứ Sáu 23/06/2017 , 09:05 (GMT+7)

Trước nguy cơ Hồ Núi Cốc có thể vỡ do bị thấm nước thân đập, đặc biệt là khi tích nước ở thời kỳ cao điểm mùa mưa năm 2017, Bộ NN-PTNT đã yêu cầu tỉnh Thái Nguyên cấp bách xử lý sự cố, đảm bảo an toàn hồ đập.

Vô cùng cấp thiết

Công trình Hồ Núi Cốc được khởi công xây dựng năm 1972. Đây là công trình nằm trong danh mục 6 hồ chứa thủy lợi quan trọng cấp Quốc gia tại Quyết định số 1848/QĐ-BNN-TL ngày 1/7/2004 của Bộ NN-PTNT. Hồ có diện tích lưu vực 535 km2, diện tích mặt nước trung bình là 25 km2 với dung tích 175 triệu m3.

07-08-48_1
07-08-48_3
Từ khi được đầu tư xây dựng năm 1972, gần ½ thế kỷ đã trôi qua song Hồ Núi Cốc vẫn chưa được nâng cấp.

Hồ Núi Cốc có nhiệm vụ đảm bảo nước cho sản xuất nông nghiệp của hơn 30.000ha hoa màu mỗi năm. Nguồn nước từ hồ phục vụ thủy lợi cho tỉnh Bắc Giang với dung lượng 30 triệu m3/năm; phục vụ sinh hoạt cho thành phố Thái Nguyên với dung lượng 30.000 m3/ngày; cung cấp nước cho Nhà máy nước sạch Yên Bình với công suất 30.000 - 150.000 m3/ngày. Nguồn nước chảy qua cống hồ được tận dụng để phát điện 10 triệu kW/h/năm. Mặt nước hồ cho phép kết hợp nuôi trồng thủy sản với sản lượng 100 - 400 tấn/năm. Hồ cũng góp phần điều hòa khí hậu, tạo môi trường và cảnh quan thuận lợi cho phát triển khu du lịch trọng điểm quốc gia Hồ Núi Cốc đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Với những chức năng đặc biệt như vậy nhưng kể từ khi đầu tư xây dựng đến nay, việc nâng cấp công trình thủy lợi Hồ Núi Cốc chưa được thực hiện.

Ngày 2/6/2017, Sở NN-PTNT Thái Nguyên đã có Văn bản số 1354/SNN-KHTC báo cáo UBND tỉnh Thái Nguyên về nguy cơ vỡ tại khu vực đập chính của Hồ Núi Cốc.

Ngày 6/6 đoàn kiểm tra của UBND tỉnh Thái Nguyên đã trực tiếp đến kiểm tra tại thực địa. Sau khi đào một số viên gạch bê tông tại vị trí bị phùi nước trên thân đập, đoàn kiểm tra tận mắt chứng kiến có một lượng nước úng dưới những viên gạch, cho thấy sự an toàn của đập chính Hồ Núi Cốc đang bị đe dọa, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn nghiêm trọng.

Ngay sau đó, trong cuộc họp khẩn với các ngành, đơn vị chức năng, ông Đoàn Văn Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đã chỉ đạo, trong vòng 45 ngày (tính từ ngày 6/6), việc xử lý chống thấm thân đập phải được hoàn thành, để chậm nhất từ ngày 10 đến 20/8, Hồ Núi Cốc có thể thực hiện việc trữ nước phục vụ cho sản xuất và đời sống.

Trước sự cấp thiết của sự việc, ngày 9/6, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Văn Thắng đã có cuộc kiểm tra tại thực địa và làm việc với UBND tỉnh Thái Nguyên. Tại cuộc làm việc với địa phương, Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng khẳng định, việc bảo đảm an toàn vận hành Hồ Núi Cốc là nhiệm vụ quan trọng. Vì vậy, trước tiên tỉnh Thái Nguyên cần làm là lựa chọn nhà thầu có đủ năng lực, chuyên môn để triển khai ngay việc xử lý cấp bách chống thấm thân đập.
 

Băn khoăn giải pháp căn cơ

Bà Ngô Thị Thái, chuyên gia tư vấn của Tổng công ty tư vấn xây dựng thủy lợi Việt Nam, đã đưa ra các giải pháp cấp bách và lâu dài để khắc phục, sửa chữa công trình đập chính Hồ Núi Cốc. Theo đó, trước mắt cần phải thực hiện các giải pháp như: khoan phụt tạo màng chống thấm cho toàn bộ đập chính; bóc bỏ và làm lại đống đá tiêu nước; bóc bỏ và hoàn thiện lại mái hạ lưu đập; hoàn thiện hệ thống tiêu thoát nước mái hạ lưu; khôi phục hệ thống quan trắc đập... Về lâu dài, cần tính tới việc cải tạo hoàn toàn thân đập.

07-08-48_2
Cùng với quá trình sửa chữa đập, mục tiêu an toàn công trình và tích nước phục vụ sản xuất cũng được song hành triển khai.

Tiến sỹ Nguyễn Cảnh Thái, Phó hiệu trưởng trường ĐH Thủy lợi, cho rằng, phải có đánh giá việc rò nước thân đập ở các vị trí khác nhau, tìm ra kết quả và mức độ rò thấm khác nhau mới có phương án và mức độ xử lý khác nhau tại từng vị trí. Mặt khác, trong quá trình khắc phục, sửa chữa phải đảm bảo an toàn và tính đến việc xảy ra mưa lớn cục bộ tại thời điểm khoan phụt thì an toàn thân đập sẽ bị uy hiếp.

Tiến sỹ Phạm Ngọc Quý, nguyên Phó hiệu trưởng trường ĐH Thủy lợi, cho biết, trong 17 đập đất lớn của Việt Nam bị vỡ thì nguyên nhân đứng thứ 2 là do thấm. Vì vậy bên tư vấn phải có luận chứng cụ thể để có giải pháp căn cơ, hữu ích.

Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, cho rằng, việc xử lý cấp bách phải đạt được yêu cầu ngoài đảm bảo được an toàn mà vẫn phải tích nước để phục vụ sản xuất, sinh hoạt. Ông Tỉnh đề nghị, nên có hội đồng tư vấn do tỉnh thành lập. Phía Tổng cục Thủy lợi sẵn sàng giới thiệu và cử người tham gia hội đồng, giúp tỉnh chọn lựa giải pháp, quan trắc, giám sát đảm bảo hiệu quả nhất, an toàn nhất.

Trên cơ sở các đóng góp của chuyên gia, ông Đoàn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên, đã chỉ đạo Sở NN-PTNT tham mưu và ngay lập tức thành lập Hội đồng tư vấn. Về giải pháp, giao cho chủ đầu tư là Công ty TNHH MTV khai thác thủy lợi Thái Nguyên ưu tiên đầu tiên là xử lý việc tiêu nước sau thân đập, bóc ngay lớp bê tông lát mái hạ lưu. Đồng thời, thực hiện khoan phụt bê tông thân đập theo phương án của đơn vị tư vấn. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên cũng giao các ngành chức năng khẩn trương chuẩn bị các thủ tục hồ sơ để triển khai ngay lập tức các công việc đã thống nhất.

Phân tích của các chuyên gia cho thấy, do ở độ cao và với lượng nước tích trữ lên đến 175 triệu m³, nếu xảy ra sự cố vỡ đập chính tại hồ Núi Cốc thì hậu quả sẽ rất khôn lường đối với vùng hạ lưu là TP Thái Nguyên, TP Sông Công, TX Phổ Yên, huyện Phú Bình và một phần của tỉnh Bắc Giang. Có thể nói đó là một quả bóng nước khổng lồ mang đến thảm họa khôn lường. Vì vậy, trong quá trình khắc phục, sửa chữa cấp bách thân đập, ngày 18/6/2017, UBND tỉnh Thái Nguyên đã có công điện về việc đảm bảo an toàn đập, dân cư và cơ sở hạ tầng vùng hạ du công trình Hồ Núi Cốc. Theo đó, tình huống xấu nhất đã được đặt ra để sẵn sàng các phương án, kế hoạch hạn chế cao nhất hậu quả mang lại.

 

Xem thêm
Giá heo nhích kích thích người nuôi tái đàn

Sau thời gian dài duy trì ở mức thấp, từ đầu năm 2024 đến nay, giá heo ở Bình Định không ngừng tăng, hiện ở mức 51.000đ/kg, người chăn nuôi hồ hởi tái đàn…

Tỷ lệ tiêm chỉ đạt 52%, Quảng Nam bùng phát dịch lở mồm long móng

Tỷ lệ tiêm phòng thấp, ý thức người dân chưa cao, tập quán chăn thả rông trâu bò là những nguyên nhân dễ gây bùng phát dịch lở mồm long móng ở Quảng Nam.

Người dân thôn cao nhất Việt Nam háo hức trồng trúc xào

Cây nông nghiệp, đa mục đích - trúc xào - đang được người dân thôn Ngải Thầu Thượng, xã A Lù (huyện Bát Xát, Lào Cai) triển khai trồng diện rộng.