| Hotline: 0983.970.780

Cặp đĩa khổng lồ& sống lại dòng gốm Chu Đậu

Thứ Tư 29/09/2010 , 15:38 (GMT+7)

Thế giới đã tổng kết: “Nhất sứ Giang Tây (Trung Quốc), nhất gốm Chu Đậu (Việt Nam)”. Gốm Chu Đậu là một thương hiệu hàng hóa, văn hóa nổi tiếng của đất nước đã được phục hưng sau hơn 500 năm thất truyền từ xứ người xa tít, từ biển khơi mù mịt, nay gốm thiêng đã tìm về…

Thế giới đã tổng kết: “Nhất sứ Giang Tây (Trung Quốc), nhất gốm Chu Đậu (Việt Nam)”. Gốm Chu Đậu là một thương hiệu hàng hóa, văn hóa nổi tiếng của đất nước đã được phục hưng sau hơn 500 năm thất truyền từ xứ người xa tít, từ biển khơi mù mịt, nay gốm thiêng đã tìm về…

1. Tôi được xem cặp đĩa khổng lồ viết 1.000 chữ long, một bằng gốm, một bằng sứ, mỗi đĩa đường kính trên một mét ngay tại đại bản doanh của Xí nghiệp gốm Chu Đậu (Nam Sách, Hải Dương). Trong sự mê mẩn, tôi nhẩn nha đếm, không một chữ long nào giống chữ nào, một bản trường ca được hoan ca từ đất và lửa. Giữa đĩa là một con rồng lớn đang uyển chuyển như đang vờn mây, lướt gió bay lên ngụ ý về một cơ đồ thiên di kinh đô từ Ninh Bình về Thăng Long của vua Lý lúc được rồng báo mộng. Ông Nguyễn Văn Lưu, Giám đốc Xí nghiệp gốm Chu Đậu, bảo khi chưa nung, đĩa gốm này có kích thước còn lớn hơn, qua luyện lửa, nó mới co ngót ở kích thước “khiêm tốn” như trên.  

Chiếc đĩa gốm gồm 1.000 chữ Long

Khi là sản phẩm mộc, công đoạn viết chữ trên đĩa được bắt đầu. Nhiều người cứ tưởng viết chữ trên gốm cũng như trên giấy, cứ mang mấy thỏi mực tàu ra mài rồi vẽ. Thực ra mực trang trí đồ gốm phải làm công phu lắm lắm. Không biết thời trước thời các cụ tổ sư gốm Chu Đậu, thời của bà Bùi Thị Hý pha mầu thế nào chứ bây giờ mực gốm là hỗn hợp mực kim loại, pha ô - xít sắt với ô - xít cô ban theo đúng tỷ lệ. Mực này khi nung ở nhiệt độ cao hơn 1.000 độ C mới chịu được, không bị cháy, bị nhòe.

Lúc thư pháp gia Lê Thiên Lý - tác giả của bức thư pháp vẽ những chữ ở viền ngoài đĩa còn dễ nhưng chữ ở trong lòng thì ông phải hóa thân thành “người nhện” bắc giàn giáo hoặc treo người ở thế nằm ngang đu đưa trên xà nhà thõng mình xuống để viết. Một tấm kính được đặt nằm trên mặt đĩa để thân người nhà thư pháp không chạm vào kẻo vỡ. Ròng rã, kiên trì, mệt nghỉ, có hứng lại viết. Nhiều khi cả buổi loay hoay đánh vật với con chữ không xong, bỗng cuối ngày cảm hứng ùa về, ông Lý chong đèn viết đến tận khuya. Sáu ngày đêm liên tục thể hiện trọn vẹn 1.000 chữ long lên sản phẩm. Không chữ nào giống chữ nào.

Có 1 cặp đĩa khổng lồ như vậy

1.000 chữ long là một sáng tạo độc đáo với đủ các thể thư pháp truyền thống triện, lệ, khải, thảo, hành và hai thể thư pháp mới do Lê Thiên Lý sáng tạo là nhân diện và vật điểu. Nhân diện tức là viết mỗi chữ là một mặt người. Đó có thể là dũng tướng cầm kích đầy uy vũ, là nhà nho suy tư bên nghiên mực, bút lông, là anh bộ đội chắc tay súng bảo vệ Tổ quốc, là anh hải quân với biển khơi lộng gió, là cô gái Hà thành thanh lịch, hào hoa…Vật điểu thư là tạo hình mỗi chữ là một đồ vật như là cây đàn, con chim, con cá, con tôm, con rồng…

Có cả thảy ba giai đoạn để thành một sản phẩm gốm hoàn chỉnh. Thứ nhất, phải sấy từ 30 phút đến một giờ. Thứ hai, khâu chủ yếu là đốt, ngắn nhất từ bảy đến tám giờ, dài nhất từ mươi đến mười lăm giờ. Thứ ba, bảo ôn, tức là giữ nhiệt "đứng im" trong lò chừng một giờ trong khoảng 1.200 độ C.

Hồi sinh 2 chiếc bình dáng cổ

Kỳ công là thế nhưng vẫn có những sản phẩm ra lò mới biết là hỏng do lửa bị…sống nên biến tướng thành bị méo, bị nhòe mực và mầu không chuẩn. Đến nước ấy thì chả cách gì cứu được, chỉ có đập vỡ mà... đổ ra đường. Thế nên công đoạn nung cặp đĩa gốm, sứ khổng lồ kia cũng đầy hồi hộp trong tiếng lửa reo phần phần ở tâm lò. Cuối cùng, khi cặp đĩa hiện hình, cái bằng sứ màu trắng nõn, bằng gốm với nước men ngà đặc trưng Chu Đậu, với những nét chữ long khi mềm mại như nước chảy, mây trôi, lúc uy quyền đầy hào sảng của một kinh đô ngàn tuổi, mọi người mới được dịp thở phào.

2. Gốm Chu Đậu là dòng gốm tiêu biểu cho tinh hoa gốm Việt nhưng đã bị thất truyền tới mấy trăm năm bởi chiến tranh Trịnh Mạc cuối thế kỷ 16 đã tàn sát bao nghệ nhân, hủy hoại bao bàn xoay, đập tan chiếc lò nung. Sự hồi sinh dòng gốm thần mới chỉ độ mươi năm nay. Năm 2000, anh Nguyễn Hữu Thắng, Tổng Giám đốc TCty Thương mại Hà Nội (HAPRO) sau khi đọc các bài báo viết về sự kiện trục vớt các con tàu đắm ở Cù Lao Chàm, đã bay ngay vào TP Hồ Chí Minh.

Anh Thắng bàn với anh Nguyễn Văn Lưu, lúc đó là Trưởng phòng Xuất nhập khẩu của HAPRO, đây là thời cơ vàng, phải nghiên cứu, làm dự án khôi phục nghề gốm Chu Ðậu. Thế rồi một năm sau đó, tháng 10/2001, Xí nghiệp gốm Chu Ðậu ra đời. Nguyễn Văn Lưu "bay" từ phương nam ra và "đậu" trên đất Nam Sách, Hải Dương, gây dựng cơ ngơi tự thuở ban đầu. Lại nói về vị Giám đốc “nông dân”, quần xắn móng lợn, đầu đội mũ cối, Nguyễn Văn Lưu lai lịch hầu như chẳng dính dáng gì đến nghề gốm.

Vẽ gốm ở Chu Đậu

Anh tốt nghiệp "trường Cầu Rào" (Ðại học Hàng hải), rồi đi làm thuyền trưởng hải quân. Rồi rẽ ngoặt sang ngành an ninh, đeo lon đại úy. Và còn biết bao sự rẽ ngang rẽ ngửa nữa trước khi về làm gốm. Để giờ đây hợp với duyên nước, lửa, Nguyễn Văn Lưu nói về dòng gốm Chu Ðậu, về văn hóa xứ Ðông tường tận, tỉ mỉ, như một nhà nghiên cứu, một chuyên gia thực thụ: "Gốm sứ là xương của đất, là da của trời. Gốm Chu Đậu là dòng gốm thần, gốm đạo, gốm bác học. Thế giới đã tổng kết: Nhất sứ Giang Tây (Trung Quốc), nhất gốm Chu Đậu… Gốm Chu Đậu một thương hiệu hàng hóa văn hóa nổi tiếng của đất nước đã được phục hưng sau hơn 500 năm thất truyền từ xứ người xa tít, từ biển khơi mù mịt, gốm thiêng đã tìm về".

3.Liên quan đến việc xây dựng tổ gốm linh từ là một quá trình phát hiện ly kỳ một trong những tổ sư gốm Chu Đậu, nữ tài Bùi Thị Hý với cái bình hoa lam bà vẽ nay được bảo tàng hoàng gia Istanbul Thổ Nhĩ Kỳ định giá bảo hiểm hàng triệu USD. Xét ở lăng kính nào, bà Hý cũng là một nhân vật đặc biệt của Việt Nam, có thể coi là đại diện, là khởi thủy tiêu biểu cho một ngành, một tổ chức, một hội nào đó.

Ban tổ chức Đại lễ  quốc gia 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội và UBND thành phố Hà Nội lựa chọn để gắn biển “Công trình chào mừng 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội”, với các hạng mục: Mở rộng quy mô sản xuất của xí nghiệp; xây dựng vườn - nhà Thư pháp Hán Nôm và đặc biệt là Nhà thờ tổ gốm sứ Việt Nam (Tổ gốm Linh từ) tại Chu Đậu.

Ngành hội họa suy tôn bà bởi kiệt tác vẽ trên bình gốm được cả thế giới định giá hàng đầu. Ngành thương mại vinh danh bà bởi sự buôn bán, giao tế từ thời phong kiến mà đã xuất hàng đi đến nửa bán cầu “Nhật quốc, Bắc quốc, Tây phương, tam phiên vi chủ thương đoàn, cập quốc ngoại, hoán giao đặc phẩm” (Đến nước Nhật, đến Trung Quốc, phương Tây, ba lần làm chủ đoàn buôn, trao đổi hàng hoá). Ngành hàng hải lại càng có thể đưa bà lên thành một biểu tượng bởi là phụ nữ mà trực tiếp chỉ huy đội thương thuyền hùng mạnh tung hoành khắp biển Đông đạp bằng bão tố, hải tặc, kình ngư. Hội phụ nữ tuyên dương bà ở khía cạnh đấu tranh cho bình quyền vì ở thế kỷ 15 mà dám cải trang, giả trai thi đến tam trường rạng danh cho giới nữ.

Thế mà thân phận của bà bị chìm khuất mấy thế kỷ cũng như chiếc bình gốm hoa lam nổi tiếng với dòng chữ rành rành viết “Thái Hòa bát niên Nam Sách Châu tượng nhân Bùi Thị Hý bút” ở bảo tàng Thổ Nhĩ Kỳ vẫn bị chú thích nhầm là của…Trung Quốc. Cho đến khi ngài Anabuki - cán bộ ngoại giao của Nhật nghi ngờ và viết một bức thư gửi ông Ngô Duy Đông - Bí thư Tỉnh ủy Hải Hưng (cũ) năm 1980, dần dần sự việc mới hé lộ. Đúng như lời bà Giám đốc ngành nghệ thuật Châu Á của nhà bán đấu giá Butterfields tại Mỹ đã có lời khẳng định: “Việc phát hiện dòng gốm Chu Đậu đang trả lại cho Việt Nam một chương trong di sản nghệ thuật mà người ta từng nghĩ là đã biến mất”.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Giông lốc gây thiệt hại tài sản, hoa màu của người dân Si Ma Cai

Lào Cai Giông lốc, mưa lớn gây ảnh hưởng đến mùa màng của người dân trên địa bàn huyện Si Ma Cai và huyện Mường Khương.

Bình luận mới nhất