| Hotline: 0983.970.780

Cấp phép phổ biến các ca khúc: Vi phạm hiến pháp về quyền tự do sáng tác và công bố tác phẩm

Thứ Ba 23/05/2017 , 07:55 (GMT+7)

Đó là ý kiến chia sẻ của nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân trước việc Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) - Bộ VH-TT&DL có văn bản “phổ biến rộng rãi” cho hơn 300 ca khúc.

Đặc biệt, ngay cả bài “Tiến quân ca” (Quốc ca) của cố nhạc sĩ Văn Cao cũng vừa được Cục này đưa vào danh sách “phổ biến rộng rãi” cùng các ca khúc nhạc cách mạng “Như có Bác trong ngày vui đại thắng” và rất nhiều ca khúc quen thuộc khác “Biết ơn Võ Thị Sáu”, “Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây”, “Tiếng hát giữa rừng Pác Bó”...

v1165527742
Ngay cả bài “Tiến quân ca” (Quốc ca) của cố nhạc sĩ Văn Cao cũng vừa được Cục này đưa vào danh sách “phổ biến rộng rãi”


Không chỉ kém cỏi trong chức trách công vụ

“Nói cho đúng thì cơ quan này vi phạm luật pháp chứ không chỉ kém cỏi trong chức trách công vụ. Theo Hiến pháp về quyền tự do sáng tác và công bố tác phẩm thì mọi tác phẩm đã được sáng tác ra đều được quyền phổ biến vào công chúng, công chúng có quyền tiếp cận, sử dụng chúng. Chỉ có sự vi phạm tác quyền mới bị hạn chế bằng luật. Vậy việc Cục NTBD đưa ra những danh mục tác phẩm nào đó được coi là được phép sử dụng… đã là sự vi phạm Hiến pháp đối với quyền tự do sáng tác và công bố tác phẩm rồi”, nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân thẳng thắn bày tỏ.

Còn nhà văn Nguyễn Quang Vinh cho rằng: Việc cấp phép có thể được hiểu là khi và chỉ khi được cho phép, tác phẩm âm nhạc ấy mới được sử dụng chính thức ở các chương trình, sự kiện, sân khấu biểu diễn cộng đồng, mới được in, xuất bản, sang băng đĩa. Như vậy, trước khi có quyết định “phổ biến rộng rãi” thì hàng loạt ca khúc cách mạng và cả bài “Tiến quân ca” là đang sử dụng trái phép hay theo cách nói nôm na là hát… “chui” hay sao?

Ông Vinh phân tích, bài “Tiến quân ca” từ năm 1976, sau khi Quốc hội biểu quyết thông qua việc lựa chọn làm Quốc ca của nước CHXHCN Việt Nam, tác phẩm mặc nhiên trở thành tài sản quốc gia, trở thành một tác phẩm âm nhạc được sử dụng nghiêm cẩn trong lễ chào cờ, khánh tiết ngoại giao, không ai được cho phép hay không cho phép phổ biến rộng rãi tác phẩm âm nhạc này. 

“Hành động cho phép “phổ biến rộng rãi” bài "Tiến quân ca" của Cục NTBD thể hiện rõ ràng ý thức và nhận thức chính trị rất có vấn đề”, ông Nguyễn Quang Vinh nói.
 

Quản lý như nước chảy ngược

Trước việc hàng loạt những ca khúc “Nối vòng tay lớn”, “Như có Bác trong ngày vui đại thắng” từ lâu đã trở thành tài sản âm nhạc của cả dân tộc trong suốt chặng đường lịch sử từ ngày thành lập nước đến nay, được Cục NTBD đưa vào danh sách “phổ biến rộng rãi” trong cùng một văn bản, nhà văn Nguyễn Văn Thọ hài hước nói: Còn dằng dặc thời gian qua đã sử dụng là sử dụng vi phạm? Thậm chí, trước việc Cục NTBD cấp phép phổ biến rộng rãi các khúc "Tiến quân ca" là "Quốc ca" của đất nước, theo đánh giá của ông Thọ “cái văn bản kia của Cục NTBD bỗng trở thành trò cười cho nhiều người”.

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ nêu câu hỏi: “Như thế Cục NTBD có lạm quyền không? Hà cớ gì nhiều bài hát bấy nay được nhân dân hát, những đoàn ca nhạc chính thống hát, thì nay Cục NTBD cấp giấy phép. Câu chuyện trở nên trái khoáy, trớ trêu như nước chảy ngược”.

Ông Thọ cho rằng: “Một tác phẩm nghệ thuật sinh ra từ xưa tới nay và ở tất cả các nước đâu cần giấy phép của ai đó. Ví như các tác phẩm văn học, khi được tạo ra chả cần một Cục nào cấp giấy phép duyệt trước nó cả. Nó được in báo truyền bá ra bạn đọc. Các họa sỹ vẽ tranh và các nhà thơ viết thơ đều như thế! Chỉ khi tác phẩm nghệ thuật có vấn đề nào đó, vi phạm pháp luật hay thuần phong mỹ tục thì các cơ quan chức năng mới xem xét nó, có thể cấm lưu hành hay tiêu hủy, thu hồi”.

Chia sẻ với NNVN, một vị đại diện gia đình nhạc sĩ Văn Cao, cho biết: “Chắc Cục NTBD muốn có cách quản lý ca khúc bằng văn bản để hợp lý hóa các thủ tục hành chính nhưng cách làm như vậy là không hợp lý. “Tiến quân ca” là ca khúc đã được Quốc hội thông qua thì đó là cơ quan quyền lực cao nhất quyết định. Bây giờ Cục NTBD mới có văn bản quy định được phép phổ biến rộng rãi; như thế thì bao nhiêu năm qua chúng ta hát “chui” hay sao?”.

Còn nhạc sĩ Phạm Tuyên trong cuộc gặp mặt cựu học sinh trường Quốc học Huế tại Hà Nội ngày 21/5/2017 đã phát biểu: “Bài hát “Như có Bác trong ngày vui đại thắng”, suốt 42 năm qua người trong nước hát, người ngoài nước hát, mà bây giờ Cục NTBD giờ mới ra văn bản là được phép hát. Đó là chuyện rất là vui nhưng đồng thời cũng rất buồn. Quản lý văn hóa mà như thế này rất gay go. Bài hát mà từ cán bộ lãnh đạo hiện nay, các đồng chí Thủ tướng và Phó Thủ tướng nói với tôi rằng các anh đi nước ngoài, bạn bè quốc tế đề nghị hát chỉ thích mỗi bài hát này thôi (Như có Bác trong ngày vui đại thắng - PV). Thế mà bài ấy bây giờ mới được cấp phép hát thì rất buồn cười”.

+ “Cục NTBD đã thể hiện năng lực quản lý của mình ở mức dưới âm, vì đến như nhận thức của học sinh tiểu học cũng có thể giải “bài toán” đơn giản này: Chỉ cần công bố những bài hát bị cấm phổ biến, nghĩa là những bài hát còn lại mặc nhiên được sử dụng, thay vì lâu lâu lại làm ra vẻ quản lý, đưa ra một số quyết định vô lối, như trò đùa với dư luận, làm nhiều người phẫn nộ”, nhà văn Nguyễn Quang Vinh.

+ Nhạc sĩ Phó Đức Phương, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đã chỉ ra 4 điều hệ lụy khi Cục NTBD ra văn bản “phổ biến rộng rãi” cho hơn 300 ca khúc. Một là, không cần thiết. Hai là, bất khả thi. Ba là, tốn kém thời gian và tiền bạc của Nhà nước. Bốn là gây rốn ren trong đời sống xã hội nói chung, gây rối ren, mệt mỏi, nhiễu nhương trong đời sống âm nhạc nói riêng.

 

Xem thêm
Nhịp sống giới trẻ phản ánh trong bộ phim ‘Bóng của thị thành’

Nhịp sống giới trẻ thời công nghệ số có những màu sắc bất ngờ, thể hiện qua bộ phim ‘Bóng của thị thành’ phát sóng trên HTV7, Đài truyền hình TP.HCM.

Rượt đuổi mãn nhãn, Man United đả bại Liverpool tại Cúp FA

Trận Tứ kết Cúp FA giữa Man United vs Liverpool đã diễn ra với kịch bản không ngờ khi hai đội rượt đuổi nghẹt thở trong suốt 120 phút của trận đấu. 

120 vận động viên tham gia giải dù lượn trên cao nguyên đại ngàn

Giải dù lượn tại huyện Sa Thầy (tỉnh Kon Tum) sẽ quy tụ 120 vận động viên, trong đó có 41 vận động viên người nước ngoài tham gia tranh tài.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.