| Hotline: 0983.970.780

Cắt bỏ các cơ hội làm nảy sinh tham nhũng

Thứ Sáu 15/01/2010 , 12:42 (GMT+7)

"Thu thuế bây giờ 'cưa đôi' nhiều lắm, đáng lẽ phải đóng 10 đồng thì thông đồng với cán bộ thuế chỉ nộp một nửa, phần còn lại chia chác. Việc thu hồi đất làm dự án nhà ở đô thị sờ chỗ nào cũng có tiêu cực. Tôi rất bức xúc", Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu.

"Thu thuế bây giờ 'cưa đôi' nhiều lắm, đáng lẽ phải đóng 10 đồng thì thông đồng với cán bộ thuế chỉ nộp một nửa, phần còn lại chia chác. Việc thu hồi đất làm dự án nhà ở đô thị sờ chỗ nào cũng có tiêu cực. Tôi rất bức xúc", Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu ngày 14/1.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (bên trái) và Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng.

Ngày 14/1, nhìn lại một năm chỉ đạo đấu tranh phòng chống tham nhũng, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng Vũ Tiến Chiến cho biết, do thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, trên một số lĩnh vực, tham nhũng đã được kiềm chế và có xu hướng giảm. Điển hình là việc sử dụng ngân sách để mua sắm tài sản công được thực hiện nghiêm. Không còn tình trạng chi mua tài sản cho cán bộ vượt quá tiêu chuẩn; sử dụng tiền công làm quà tặng.

Hà Nội dẫn đầu cả nước về số vụ án tham nhũng được phát hiện, khởi tố với gần 40 vụ và 100 bị can, tiếp đó là Kiên Giang, Quảng Ngãi và Quảng Ninh. Có khoảng 20 địa phương chỉ phanh phui được 1 vụ. Văn phòng Ban chỉ đạo không đánh giá cao rằng ở những nơi đó nạn tham nhũng được đẩy lùi mà nhận định đây chính là yếu kém trong chỉ đạo đấu tranh chống tiêu cực.

Tuy nhiên, hiệu quả phòng ngừa tham nhũng tại nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị còn thấp. Một số vụ tham nhũng chưa được xử lý nghiêm, còn lạm dụng biện pháp hành chính để xử lý. Ông Chiến lấy ví dụ, có vụ tham ô hơn 800 triệu đồng nhưng sau khi nộp xong tiền khắc phục hậu quả đã được chuyển từ xử lý hình sự sang hành chính. Cho rằng cách giải quyết này chưa đúng quy định pháp luật, Văn phòng Ban chỉ đạo sẽ có ý kiến.

Năm 2009 hơn 600 người bị các cơ quan tố tụng xử lý trách nhiệm hình sự do có hành vi tham nhũng tại gần 300 vụ án. Trong số này hơn 50% người có dấu hiệu của tội tham ô tài sản; gần 14% là tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản và hơn 12% có hành vi lợi dụng dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Ông Chiến cho biết, theo kết quả thăm dò dư luận năm 2009 của Ban Tuyên giáo, trong 35 tiêu chí đưa ra người dân đánh giá chỉ có 10 tiêu chí được làm tốt hơn trước, trong đó có việc điều hành năng động và hiệu quả của Chính phủ. 23 lĩnh vực được nhận xét là kém hơn trước. Riêng giáo dục và phòng chống tham nhũng được coi là chưa có chuyển biến vẫn giậm chân tại chỗ.

Theo Ban chỉ đạo, nguyên nhân khiến công tác phòng chống tham nhũng chưa đạt hiệu quả như mong đợi, vẫn còn diễn biến phức tạp một phần do "năng lực và sức chiến đấu của nhiều cơ quan ngay từ cơ sở còn hạn chế, chưa đủ để đấu tranh phát hiện và ngăn chặn kịp thời".

Đặc biệt, đối tượng tham nhũng là người có chức vụ, quyền hạn có kiến thức và kinh nghiệm quản lý nên rất tinh vi trong thủ đoạn. Cá biệt một số người lại có nhiều cống hiến, công trạng lại càng khó khăn trong phát hiện, xử lý.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Văn Được cho rằng tham nhũng, tiêu cực vẫn đang hiện hữu tại nhiều lĩnh vực. Ông cho hay từng được biết một cơ sở kinh doanh ăn uống phải 2 triệu đồng cho mỗi phong bì đưa 4 cán bộ kiểm tra an toàn thực phẩm để được chứng nhận đủ tiêu chuẩn vệ sinh.

Vị lãnh đạo quân đội này cũng lo ngại tiền trong gói kích cầu của Chính phủ thời gian qua có được sử dụng đúng mục đích hay không? "Không khéo lại chỉ "béo bở" cho một số người, người có nhu cầu muốn nhận lại phải "chạy chọt", ông nói.

Trăn trở về việc này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (Trưởng ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng) cho rằng, cải cách thủ tục hành chính là cắt đi điều kiện, cơ hội làm nảy sinh tham nhũng. Đặc biệt, cần hoàn thiện thể chế tại một số lĩnh vực còn xảy ra tham nhũng nghiêm trọng, như đất đai, đầu tư xây dựng, quản lý tài chính...

Người đứng đầu Chính phủ cho rằng: "Việc thu hồi đất ở của dân để làm các dự án nhà ở đô thị sờ chỗ nào cũng có sai phạm, tiêu cực. Tôi rất bức xúc". Sắp tới Chính phủ sẽ chỉ đạo rà soát việc thu hồi đất đối với xây dựng nhà ở phục vụ mục đích kinh doanh xem còn kẽ hở gì; việc giao đất cho chủ đầu tư phải tính giá thế nào cho sát với thị trường tránh tình trạng thất thu cho nhà nước...

Cùng với tham nhũng, Thủ tướng đánh giá nạn lãng phí cũng là mối quan tâm của Chính phủ. Nhiều cơ quan chi phí cho họp hành, tiếp khách mua sắm quá lớn. Có những những cuộc họp không lớn nhưng những tổ chức rình rang, hay tổ chức lễ hội tràn lan tốn kém tiền của nhà nước...

Ngoài đất đai, theo Thủ tướng trong lĩnh vực thuế cũng nảy sinh tiêu cực nghiêm trọng. "Thu thuế bây giờ "cưa đôi" nhiều lắm. Đáng lẽ phải đóng 10 đồng thì thông đồng với cán bộ thuế chỉ nộp một nửa, phần còn lại là chia chác", Thủ tướng nhận định.

Ông cho rằng thời gian tới phải áp dụng công nghệ thông tin để tiến tới việc "không phải gặp trực tiếp cán bộ thuế". Đây là sẽ biện pháp quan trọng để hạn chế tiêu cực.

Trước việc Ban chỉ đạo đánh giá tại một số vụ án tham nhũng có hiện trượng "nhẹ trên, nặng dưới" tức xử cấp trên nhẹ, cấp dưới nặng, Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình cho rằng: "Nếu có như vậy VKS đã kháng nghị từ lâu rồi".

Theo ông khi xét xử, ngoài hành vi phạm tội, tòa án còn cân nhắc tình tiết giảm nhẹ như nhân thân, quá trình công tác của người phạm tội... để xác định hình phạt. Tuy nhiên, một điểm khó là người phạm tội có mối quan hệ với nhiều lãnh đạo cấp cao nên khi đưa ra xét xử thường có nhiều dư luận khác nhau.

Giải thích về việc 37% người liên quan án tham nhũng được hưởng án treo, người đứng đầu ngành tòa án khẳng định: "Đa số trường hợp tuyên là đúng". Tuy nhiên, ngành cũng đang yêu cầu các địa phương kiểm tra, rà soát lại các trường hợp này.

Thủ tướng chỉ đạo, xét xử phải nghiêm minh, đúng người đúng tội nhưng cũng không được làm oan. Đừng để có dư luận rằng việc xử lý án tham nhũng là đầu voi đuôi chuột.

(Theo VnExpress)

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Tán thành chủ trương thành lập thành phố Đông Triều

QUẢNG NINH Tại kỳ họp thứ 18, HĐND tỉnh Quảng Ninh đã thông qua 14 nghị quyết quan trọng, trong đó tán thành chủ trương thành lập thành phố Đông Triều.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm