| Hotline: 0983.970.780

Từ hai phía cánh rừng:

Cất súng săn trên gác bếp

Thứ Hai 11/08/2014 , 08:00 (GMT+7)

Tư Gấu tên thật là Triệu Nguyên Tư, dân tộc Dao đỏ năm nay đã 83 tuổi. Ông không nhớ mình đã hạ sát bao nhiêu thú rừng, chỉ riêng gấu thì khoảng 20 con.

Hai người đàn ông ở hai phía cánh rừng, như có sự trùng hợp ngẫu nhiên của tạo hoá: Họ đều đã bước qua cái tuổi 80, người thì cha mẹ mất sớm, người thì bị cho làm con nuôi, họ đều có 12 người con, 5 trai và 7 gái, cuộc đời của họ đều gắn bó với rừng.

Nhưng cuộc sống thì hoàn toàn khác nhau, một người thì lấy của rừng, còn người kia thì bù đắp cho rừng...

14-43-05_5
Rừng ngút ngàn trên núi Voi

Lần thứ hai tôi cùng Đỗ Văn Hùng, Hạt phó Hạt Kiểm lâm Văn Yên tới thăm ông Tư Gấu ở đầu nguồn dòng suối Khay chảy từ trên núi Voi xuống thuộc xã Lâm Giang, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái.

Hạ sát 20 con gấu

Tư Gấu tên thật là Triệu Nguyên Tư, dân tộc Dao đỏ năm nay đã 83 tuổi. Ông không nhớ mình đã hạ sát bao nhiêu thú rừng, chỉ riêng gấu thì khoảng 20 con, bởi thế nên người ta gọi ông là Tư Gấu. Sau 5 năm gặp lại, ông không khác là mấy, vẫn cởi trần da thịt đỏ au, dáng chắc khoẻ như gốc lim cháy giữa đại ngàn.

Tôi hỏi ông Tư Gấu về cái cây ông nhận làm áo quan sao bây giờ không nhìn thấy. Ông Tư Gấu cười bảo: Nó bị mối nên chết trước tôi rồi, tôi cho nhà trường xẻ đóng bàn ghế cho các cháu học sinh... Nói rồi ông nhìn lên cánh rừng xanh đen trên núi Voi, nơi ông từ đó đi ra, nơi đã dạy cho ông những bài học cuộc đời...

Ông sinh ra ở bên kia dãy núi con Voi, mẹ mất khi ông mới 12 tuổi, 4 năm sau thì bố ông cũng theo chân vợ khuất núi. Không người thân thích, ông được bà con dân bản nuôi. Ngày ấy đói lắm, chẳng ai biết làm ruộng, chỉ biết phát rừng làm nương rẫy. Lúa ngô rất tốt, nhưng khi lúa vừa đông sữa, ngô vừa kết hạt thì chim chóc và thú rừng tới phá. Người dân bản quanh năm đói, nhà nào cũng phải vào rừng đào củ mài, củ nâu, bẻ măng ăn thay cơm nên ghét bọn thú rừng lắm. Ông lang thang khắp dãy núi Voi rồi vào Khe Gỗ sinh sống.

Ngày ấy thú rừng nhiều lắm, hươu nai từng đàn, chiều chiều chúng ra các bãi cỏ ven rừng ăn cỏ đông như đàn bò người ta chăn thả. Lợn rừng thì chúng ra cả giữa trưa, đằm mình dưới các vũng bùn cùng với trâu nhà, gấu thì đêm khuya mới ra. Hễ chúng vào nương nhà ai, chỉ sau vài đêm cả đám nương đều tan nát. Bởi thế người ta căm ghét lũ thú rừng, họ tìm mọi cách tiêu diệt chúng để bảo vệ mùa màng. Ông ao ước có một khẩu súng săn, nhưng chẳng có tiền mua, nên tự chế ra một khẩu súng. Mới đầu ông chỉ dám bắn những con thú nhỏ chưa dám động đến gấu và lợn rừng.

14-43-05_1
Ông Tư Gấu lấy khẩu súng săn từ trên gác bếp xuống

Ông Tư Gấu lặng lẽ đi vào trong bếp lấy từ trên gác bếp xuống khẩu súng đen bóng mồ hôi, phủ dày một lớp bồ hóng. Ông Tư Gấu nói: Bây giờ tôi yếu rồi, không còn leo rừng được nữa. Nhiều năm trước tôi tham gia tổ bảo vệ rừng, bây giờ thì giao lại cho các con. Tôi dặn chúng nó: Bố lấy của rừng nhiều của cải để nuôi các con, bây giờ các con phải thay bố trả nợ cho rừng. Trong 4 đứa con trai còn lại của ông Tư Gấu thì có hai đứa là Triệu Kim Và, Triệu Kim Thanh tham gia tổ bảo vệ rừng. Tổ có 30 người, hàng tháng họ thay phiên nhau lên núi Voi tuần rừng.

Con gấu đầu tiên bắn được khi ông 21 tuổi, đêm ấy trời đã sang thu, tiết trời lành lạnh, ông nấp sau gốc cây trong nương ngô từ khi trăng mới ngang đầu cho đến khi gần khuất sau đỉnh núi Voi. Ông nhìn vầng trăng đoán lúc này đã quá nửa đêm, trời đang dần về sáng. Có lẽ đàn gấu không xuống nương ngô như mọi đêm, ông toan rũ áo đứng dậy ra về thì chợt nghe tiếng cành cây khô gãy răng rắc.

Nhìn về phía con đường từ trong rừng ra, từng bóng đen của lũ gấu nhấp nhổm tới gần. Chúng lao vào nương ngô bước chân nghe ràn rạt rồi bẻ ngô nhai rau ráu. Ông nín thở chĩa khẩu súng vào chiếc ức trăng trắng của con gấu đang vươn lên bẻ bắp ngô khi chỉ cách ông chừng hai sải tay bóp cò. Con gấu nhảy dựng lên lao qua đầu ông, khiến cả đám ngô đổ rạp xuống.

Con gấu bị viên đạn xé toang lồng ngực nhưng sức còn khoẻ lắm, nó lao qua lao lại cào cấu đất đá tung lên rào rào, một lúc sau thì đổ quật xuống. Đợi nó nằm im ông mới soi đèn pin vào mắt nó. Con gấu cố ngóc đầu lên nhưng không được, nó hộc lên một tiếng nghe rợn lắm rồi tắt thở.

14-43-05_2
Ông Tư Gấu kể chuyện săn bắn thú rừng

Ông Tư Gấu nhìn tôi mỉm cười: Tôi đã bắn được khoảng 20 con gấu chứ không ít đâu. Trên gác bếp nhà tôi không bao giờ hết thịt thú rừng sấy khô. Khi nào hết thịt tôi lại vác súng vào rừng, chẳng chịu về tay không...

Rồi ông kể chuyện lấy vợ, nhà gái thách lễ cưới phải có bảy mươi đồng bạc trắng hoa xoè. Do bố mẹ mất sớm, nên không có bạc trắng đi hỏi vợ, mãi tới năm 28 tuổi ông mới dám lấy vợ. Có người hỏi: Mày có bạc trắng không mà đòi lấy vợ? Ông đáp: Bạc trắng tôi cất trong rừng, mỗi năm tôi lấy về một ít... Ông đi săn, được gấu thì lấy mật đem bán, thịt chia cho dân bản cùng ăn, hoặc mang ra ga Lang Khay, Lang Thíp bán, gom mãi cũng đủ số bạc trắng trả cho bố mẹ vợ.

14-43-05_4
Kiểm lâm cùng với tổ bảo vệ rừng trong một lần đi kiểm tra rừng trên núi Voi

Núi Voi rộng cả ngàn héc ta, chạy từ ven bờ sông Chảy sang tới tận bờ sông Hồng. Núi Voi rộng là thế, nhưng không chỗ nào ông Tư Gấu không đặt chân tới. Ông thuộc rừng núi Voi như lòng bàn tay, nhìn vết xước trên vỏ cây ông biết đó là vết móng gấu cào, con ấy nặng mấy người khiêng; nơi nào lợn rừng hay ra ăn, chỗ nào hươu, nai đến.

Con cái trả nợ thay

Ông đã lấy của rừng quá nhiều, không chỉ mình ông các con ông cũng lấy của rừng. Vợ chồng ông sinh được 12 đứa con, 5 thằng con trai đứa nào cũng biết săn bắn. Ông không ngờ rằng: Lấy của rừng bao nhiêu thì rừng đòi lại bấy nhiêu, đời ông không trả được thì đời con ông phải trả nợ thay…

Ông lắc đầu: Tôi giết quá nhiều thú rừng rồi anh ạ, các loài thú rừng bị tôi giết chúng oán hận tôi lắm. Nhưng số tôi cao nên chúng không làm được gì, nhưng con tôi thì không thoát được, chúng phải trả nợ thay cho tôi…

14-43-05_3
Triệu Kim Thanh (phải) và tổ trưởng Bảo vệ rừng Đặng Văn Quan (giữa) báo cáo việc bảo vệ rừng với Hạt phó Hạt Kiểm lâm Văn Yên

Câu chuyện ông Tư Gấu kể cho tôi được tóm tắt như thế này: Năm 1984, hai đứa con trai ông là Triệu Kim Tài và Triệu Kim Và rủ nhau vào rừng săn gấu, mỗi đứa đi một ngả. Chẳng hiểu vì sao hai thằng cùng tới khu rừng Đá Sạt, chúng chĩa súng vào nhau mà ngỡ rằng đó là con gấu hay con hoẵng mà chúng đang rình bắn. Thằng Triệu Kim Và nổ súng trước, sau tiếng nổ thằng Triệu Kim Tài đổ vật xuống kêu thất thanh: Mày bắn trúng anh rồi…

Ông lắc đầu: Rừng đòi mạng tôi bằng chính mạng đứa con mình đấy anh ạ. Vâng, từ đó tôi cất súng không đi săn nữa.

Sau cái chết của Triệu Kim Tài, ông Tư Gấu gác súng, những đứa con ông cũng gác súng theo. Không thể sống ở khe Gỗ, bởi mỗi lần nhìn khu rừng Đá Sạt ông tưởng như nhìn thấy thằng Triệu Kim Tài ôm đầu máu từ trên rừng đi xuống kêu gào thảm thiết.

Năm 1985, ông dắt vợ và đàn con vượt rừng lên đầu nguồn suối Khay sinh sống như muốn quên đi nỗi đau quá khứ. Ông bảo: Tôi thề không bao giờ đi săn bắn thú rừng nữa, tôi dặn con cháu, khi nào tôi chết thì các con mang khẩu súng này ra bắn lên trời để báo với tổ tiên rằng tôi đã về với đất, báo với lũ thú rừng mà Tư Gấu đã giết hại cũng đã theo chúng về với đất…

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

10 năm lực lượng kiểm ngư cùng ngư dân bám biển

Trong 10 năm qua, lực lượng kiểm ngư ngày đêm bám biển, điều động hơn 1.500 lượt tàu tuần tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên các vùng biển Việt Nam.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Thêm 4 điểm du lịch tiêu biểu ở ĐBSCL

Cần Thơ Hiệp hội Du lịch ĐBSCL vừa công nhận 4 điểm du lịch tiêu biểu của vùng, các đơn vị tiếp tục đầu tư, nâng chất, làm mới những sản phẩm du lịch hiện có.

Bình luận mới nhất