| Hotline: 0983.970.780

Câu chuyện mùa thi: Vui buồn khách ở quê ra

Thứ Năm 09/06/2011 , 09:12 (GMT+7)

"Đến hẹn lại lên," mùa ôn thi đại học, các sĩ tử dồn về thành phố ôn luyện, không ít vui buồn quanh chuyện ở nhờ người nhà ở thành phố.

Ảnh chỉ có tính minh họa
Thời điểm này, khi kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học đã hoàn tất, các sỹ tử trên cả nước đổ dồn đến các điểm ôn cấp tốc gần các trường đại học lớn tranh thủ trau dồi thêm kiến thức chuẩn bị cho kỳ thi quan trọng nhất trong đời học trò. Đây cũng đã trở thành câu chuyện "đến hẹn lại lên" nhiều năm nay.

Và vì vậy, nhiều gia đình ở Hà Nội đã được họ hàng, người quen ở quê nhờ làm chỗ cho con cháu họ “ăn nhờ ở đậu” trong thời gian ôn luyện và thi cử. Có gia đình chủ coi đây như là dịp để trả nghĩa anh em, họ hàng, những người đã giúp đỡ mình hay vui vẻ xem như mình đang làm phúc, nhưng cũng không ít trường hợp cảm thấy phiền toái do bất đồng về thói quen sinh hoạt.

Không ít trường hợp những người trong cuộc chỉ vì thiếu sự cởi mở, cảm thông và ứng xử không khéo đã dẫn đến những mâu thuẫn đáng tiếc trong mối quan hệ gia đình, họ hàng, làng xóm.

Đau đầu chuyện nhà có khách

Chị Phương, Đê La Thành, Hà Nội, thời gian gần đây hay than phiền với bạn về việc vợ chồng chị phải “lén lút” và có khi còn mất tiền đi… nhà nghỉ bởi nguyên nhân là nhà có mấy đứa cháu dưới quê chồng lên ở nhờ dài ngày để ôn thi.

Vợ chồng và hai con trai chị sống trong ngôi nhà cấp bốn chỉ hơn 20 mét vuông chia làm 2  phòng riêng. Sự xuất hiện của hai đứa cháu, lại một trai một gái, khiến chị không biết phải sắp xếp cho chúng ngủ nghỉ như thế nào.

Chật chội là vậy, nhưng tiếng là có nhà ở Hà Nội lại từ chối con cháu dưới quê lên ở nhờ thì mất mặt với dòng họ, xóm làng nên vợ chồng chị đành ngậm ngùi thu xếp.

Cuối cùng, viêc sắp xếp cũng ổn nhưng “sống ở nhà mình mà chẳng khác nào đi ở nhờ, rất mất tự do,” chị Phương than vãn.

Thuận lợi hơn chị Phương, nhà chị Hòa ở Tân Mai, Hà Nội rộng rãi với 4 tầng, trong đó luôn có hai phòng bỏ trống.

Mấy ngày qua, thím chồng chị dẫn ba cháu họ nhà chồng từ quê lên ở nhờ trong thời gian các cháu học ôn và thi. Do không yên tâm cho con cháu nên thím cũng sẽ ở lại với chúng khoảng một tuần. Dù những vị khách mới chỉ đến bốn ngày nhưng những mâu thuẫn đã nảy sinh dẫn đến ít nhất hai lần vợ chồng chị phải to tiếng với nhau.

Theo lời chị Hòa, mặc dù vui vẻ đón nhận các cháu và hết sức quan tâm đến chúng nhưng chị Hòa đã mấy lần phải tủi thân vì bị những vị khách coi là “mang tiếng Hà Nội!”

Chị kể rằng, tối hôm trước mẹ chồng chị ở quê gọi điện lên trách khéo chị về việc đón tiếp những khách ở quê không chu đáo. Hỏi ra, chị mới biết, người quê vốn quen cơm canh bữa sáng vậy mà chị lại thức dậy sớm hơn ngày thường để đi mua phở về thết khách, bị kêu ca là "cho ăn bát phở lõng bõng, lèo tèo mấy sợi!"

Hôm sau, dậy từ sớm để nấu cơm, nhưng chị lại bị "lên án" là "mặc quần ngắn trước mặt các cháu!"

“Mình tức quá, nói qua lại với chồng, thế là cãi nhau!" chị Hòa ấm ức.

Hoàn cảnh của gia đình chị Phương, chị Hòa chỉ là ví dụ cho vô vàn câu chuyện phát sinh từ mâu thuẫn trong ứng xử, sinh hoạt giữa người ở nông thôn và người thành phố khi họ sống chung một mái nhà.

Cần sự cởi mở và thông cảm

Khác biệt thì đã rõ, nhưng vấn đề là cần một cái nhìn thông cảm, một cách ứng xử cởi mở hơn giữa họ.

Trường hợp của gia đình ông Chu, Cầu Giấy, Hà Nội là một ví dụ. Hơn chục năm nay, mùa hè nào nhà ông cũng chật khách là các cháu dưới quê lên ở nhờ để ôn thi.

Một, hai năm đầu gia đình ông cũng xáo trộn vì nếp sinh hoạt bị thay đổi. Vợ ông vất vả hơn vì phải phục vụ nhiều người. Có lần bà vừa lau nhà xong thì đứa cháu lê đôi dép bước từ đường vào. Bà vừa hóm hỉnh trêu vừa nhắc cháu để dép ở ngoài.

Hay, có đợt, người anh đưa con trai lên thi, nhà chỗ nào cũng có bã  thuốc lào do ông xả ra. Ngày đầu vợ ông lẳng lặng dọn nhưng đến hôm sau thì bà ra chợ mua chiếc gạt tàn thuốc lá và vui vẻ nhắc ông anh xả bã thuốc lào vào.

“Vợ chồng tôi cứ vui vẻ và thẳng thắn, có gì không vừa lòng thì nhẹ nhàng nhắc nhở. Thế là chẳng phát sinh mâu thuẫn gì,” ông Chu chia sẻ.

Một hoàn cảnh khác của chị Thùy, Láng Hạ, Hà Nội, nhà vợ chồng chị còn đi thuê lại không được rộng rãi nhưng nghĩ thương đứa cháu ở quê nhà nghèo không có tiền trọ ngoài nên chị vẫn thu xếp cho cháu sống chung với mình một tháng.

“Vợ chồng trẻ có thêm người sống cùng đương nhiên không tránh khỏi bất tiện, nhưng chỉ cần mình cảm thấy vui khi giúp được người khác thì mọi chuyện trở nên nhẹ nhàng hơn,” chị Thùy tâm sự. Là người sống tích cực và vui vẻ, chị Thùy bảo: “Vợ chồng lâu năm ‘chuyện ấy’ cũng hơi nhàm, ngăn cách ít lâu cháu về, lại như…mới cưới!”

Về phía các chuyên gia tâm lý, tiến sĩ Trịnh Hòa Bình, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam cho rằng việc những người ngoại tỉnh đến ở nhờ nhà họ hàng tại Hà Nội trong dịp ôn và thi hàng năm đã phát sinh nhiều câu chuyện bất cập do không có sự đồng thuận về thói quen sinh hoat. Để tránh những mâu thuẫn không cần thiết gây ảnh hưởng xấu đến hạnh phúc gia đình đồng thời tạo cho các em môi trường học tập thoải mái thì cần hơn hết sự chia sẻ, cảm thông của những người trong cuộc.

Theo lời khuyên của tiến sĩ Trịnh Hòa Bình, trong những tình huống giữa chủ nhà và khách có sự khác biệt nhiều về văn hóa vùng miền cũng như nếp sinh hoạt thì cần nhất là sự nhẫn nại, bao dung, thẳng thắn và khéo léo của chủ nhà. Bên cạnh đó, ở vị thế người khách cũng cần tạo ra sự độc lập nhất định với chủ nhà trong sinh hoạt đồng thời phải tôn trọng với cách sinh hoạt của họ.

(Theo Vietnam+)

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.