| Hotline: 0983.970.780

Câu chuyện tiếp sức mùa thi

Thứ Hai 29/06/2015 , 15:59 (GMT+7)

Tâm sự chuyện xưa không phải là chạnh lòng hay so bì, mà để thấy được tấm lòng, những mô hình làm hay của các tổ chức đoàn thể, cũng như lòng nhân ái của mọi người.

Ngay khi nhận được cuộc gọi từ tỉnh Đoàn Bình Thuận trong chương trình “Tiếp sức mùa thi” năm học 2014 - 2015, tôi (một giáo viên dạy Ngữ Văn trường THPT Đức Linh, huyện Đức Linh, Bình Thuận) dừng hết công việc, tìm hồ sơ học sinh khối 12 và đã chọn ra được 12 em có hoàn cảnh khó khăn, để tỉnh Đoàn hỗ trợ đi thi.

Các em còn được giúp đỡ tìm nhà trọ giá rẻ hoặc miễn phí… Tôi thực sự vui vì đã góp một phần nhỏ để giúp các em giảm bớt khó khăn khi tham dự kì thi mang tính chất bước ngoặt trong cuộc đời.

Trong những ngày này, truyền hình liên tục đưa tin những hoạt động sôi nổi cũng như công tác chuẩn bị khá chu đáo của các tình nguyện viên trong chương tình Tiếp sức mùa thi (như xe ôm đưa đón miễn phí, nhà trọ giá rẻ, hướng dẫn đường đi…) khiến tôi trào dâng bao cảm xúc. Kỉ niệm những ngày đi thi Đại học, Cao đẳng bất chợt ùa về làm cay cay khóe mắt! Đó là vào tháng 8 năm 1999…

Đầu tháng 7 năm 1999, tôi lên Thành phố Hồ Chí Minh dự thi Đại học Sư phạm, khoa Ngữ Văn. Bốn ngày trôi qua khá tốt đẹp và thuận lợi vì tôi được người anh trai đang đi làm ở đó đưa đón, lo cho chỗ ăn ở. Thi về, tôi lại vùi đầu vào ôn luyện cho đợt thi Cao đẳng Sư Phạm Đồng Nai. Người chị ở xa gọi điện đùa: “Chị đố cậu dám bỏ kì thi này đó”.

Tôi phân vân mấy ngày trời, thực ra tôi làm bài thi Đại học cũng khá tốt. Nhưng tôi tự nhủ: “nếu bỏ thi, rồi trượt Đại học thì sao…”

Rồi tôi quyết định đi thi Cao đẳng. Cũng như mọi người, tôi rất muốn có cha mẹ đưa đi nhưng anh chị thì ở xa, mẹ phải ở nhà chăm sóc người cha là thương binh đã già yếu nên tôi mạnh dạn nói với mẹ: “Mẹ yên tâm, con tự đi được mà”. Nói là thế chứ thực ra tôi không dám nhìn vào mắt mẹ, vì đây là lần đầu tiên tôi xa nhà mà không có người thân bên cạnh.

Thật may mắn làm sao! Gần đến ngày tôi đi thi thì có một chị hàng xóm đưa 2 con nhỏ về lại nhà chồng ở Biên Hòa (trước đó, chị đưa 2 con về thăm ông bà ngoại). Vậy là bố mẹ tôi đã gửi tôi cho chị. Chị nói ở cách chỗ tôi thi 15km nhưng sẽ cố gắng tìm nhà giúp tôi. Hành trang đi thi của tôi với 1 ba lô gồm sách vở, mấy bộ quần áo, mền mùng và 3 trăm ngàn đồng.

Anh Tâm chồng chị vui vẻ chở tôi đến nhà bạn anh ấy ở phường Quyết Thắng, Thành phố Biên Hòa. Gia đình bác Nhân đã đồng ý cho tôi ở nhờ và còn cho tôi mượn 1 chiếc xe đạp để đi thi nữa. Cảm động trước tấm lòng của gia đình bác, tôi luôn tìm việc gì đó để làm phụ và đêm nào cũng thức rất khuya để ôn bài.

Ba ngày trôi qua trong sự lo lắng, ái ngại và đầy quyết tâm. Thi xong môn cuối cùng, tôi lưu luyến tạm biệt gia đình bác. Câu cảm ơn lí nhí của cậu con trai nhà quê cũng làm cho gia đình bác xúc động: “Mai mốt có giấy báo kết quả, đỗ hay không đỗ cũng phải viết thư cho bác biết nghe không!?”. Tiếng “dạ” nho nhỏ, chất chứa lòng biết ơn chân thành. Tôi tự nhủ là sẽ vào thăm gia đình bác một ngày gần nhất.

Thật vui làm sao! Tôi đỗ cả hai trường. Ngày về thăm gia đình bác sao mà vui khó tả! Càng quý hơn khi tôi đạp xe 40km từ Sài Gòn xuống Biên Hòa. Bữa cơm trưa thật ngon và ấm cúng (ngày đi thi, bác mời mà ngại đâu có dám ăn).

Tôi đã đi dạy được 12 năm. Thế nhưng những kỉ niệm về ngày đi thi Cao đẳng cứ luôn đậm sâu trong trái tim tôi, như vừa mới của ngày hôm qua.

Tâm sự chuyện xưa không phải là chạnh lòng hay so bì, mà để thấy được tấm lòng, những mô hình làm hay của các tổ chức đoàn thể, cũng như lòng nhân ái của mọi người. Hội Sinh viên, Đoàn thanh niên và nhiều tổ chức khác nữa đang có những việc làm thiết thực, gieo trồng những mầm non nhân ái và hi vọng cho đời.

Vẫn còn rất nhiều gia đình phải rất chật vật, phải đi vay mượn mới có đủ tiền để lo cho con đi thi. Bởi vậy, những chỗ trọ, những hộp cơm hay những chuyến xe ôm miễn phí sẽ làm giảm bớt những khó khăn, giúp cho các sỹ tử cũng như các phụ huynh ấm lòng hơn. Các em như được tiếp thêm sức mạnh và niềm tin ở tương lai…

Xem thêm
Ngành sắn đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2030

Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt Đề án 'Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050' với mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu 1,8 - 2 tỷ USD.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất