| Hotline: 0983.970.780

Câu chuyện xăng E5 ở xứ Quảng

Thứ Năm 31/03/2011 , 10:42 (GMT+7)

Đến giờ này, nhiều người vẫn không tin rằng, tại xã miền núi còn nhiều khó khăn như Đại Tân (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) lại có một Nhà máy sản xuất xăng sinh học E5.

Đến giờ này, nhiều người vẫn không tin rằng, tại xã miền núi còn nhiều khó khăn như Đại Tân (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) lại có một Nhà máy sản xuất cồn ethanol cung ứng nguồn năng lượng xanh – xăng sinh học E5 cho thị trường cả trong và ngoài nước.

Nhưng, đó là sự thật 100%. Tròn 8 tháng kể từ ngày mẻ sản phẩm đầu tiên đến với khách hàng, nhiều “quả ngọt” đã tìm về với những người tạo ra nó. Và, quan trọng hơn là môi trường sống bớt bị ô nhiễm, người tiêu dùng tiết kiệm được chi phí, nông dân xứ Quảng có cơ hội thoát nghèo… 

“Quả ngọt” đầu mùa

 Chiều cuối tháng 3, ngồi trò chuyện với tôi, ông Nguyễn Văn Hoa – Giám đốc Cty Cổ phần Đồng Xanh thở phào: “Đến lúc này thì không còn nghi ngờ gì nữa rồi, dự án đã thành công. Sự thành công ấy không chỉ đơn thuần về mặt kinh tế mà có ý nghĩa rất lớn đối với cuộc sống dân sinh”. Rồi ông Hoa bảo, cùng lúc bỏ ra hơn 500 tỷ đồng để đầu tư xây dựng Nhà máy Cồn ethanol với quy mô rộng đến 17 ha đất tại miền quê hiu hắt Đại Tân này là cả một sự mạo hiểm. Nhưng, sự mạo hiểm đó hoàn toàn có lý. Bởi, muốn xã hội phát triển bền vững, thân thiện với môi trường, đòi hỏi cấp thiết nhất trong giai đoạn hiện nay là con người phải nhanh chóng sử dụng nguồn năng lượng xanh để hạn chế đến mức thấp nhất lượng khí thải cực kỳ độc hại (như CO2, nitơ oxit, lưu huỳnh, hyđrôcacbon) từ loại xăng truyền thống mà lâu nay chính họ phải từng ngày hứng chịu.

Trong khi đó, Việt Nam là một nước nông nghiệp có điều kiện khí hậu rất phù hợp cho phát triển nhiên liệu sinh học và lại là quốc gia xuất khẩu sắn hàng đầu khu vực châu Á. Với lợi thế đó, tại sao không biết tận dụng? Những nhận thức sâu xa ấy đã trở thành chất xúc tác làm cho ý tưởng thực hiện dự án của họ ngày càng lớn thêm.

Được sự trợ lực từ nhiều phía, ngày 12/4/2007, công trình mang tầm chiến lược này chính thức khởi công. Ông Hoa nhớ lại: “Ngày đặt viên đá móng đầu tiên xuống, đến dự lễ, không ít người bảo rằng chắc gì dự án thành công”. Nhưng rồi, sự hoài nghi ấy dần tan biến khi mẻ sản phẩm thử đầu tiên ra đời vào ngày 2/9/2009. Tiếp tục triển khai sản xuất khảo nghiệm một thời gian nữa, đến sáng 5/8/2010 Cty Cổ phần Đồng Xanh chính thức tung ra thị trường nguồn năng lượng sạch – xăng sinh học E5.

 Đây được xem là bước ngoặt hết sức quan trọng đối với các cơ quan có trách nhiệm ở Việt Nam trong quá trình nỗ lực tìm kiếm nhiên liệu thay thế trước sự cạn kiệt đến mức báo động đỏ của các loại năng lượng hóa thạch. Còn đối với người tiêu dùng thì quả là một tin cực vui, bởi từ nay họ lợi đủ bề, nhất là tiết kiệm được chi phí, tuổi thọ của động cơ kéo dài thêm. Nhưng, vấn đề cốt lõi là hạn chế được tình trạng ô nhiễm môi trường sống…

Từ đầu tháng 8/2010 đến nay, dù chưa hoạt động hết công suất thiết kế nhưng nhà máy đã sản xuất được 11 triệu lít cồn khan ethanol. Nếu đem số nguyên liệu này pha chế ra thì đạt khoảng 220 triệu lít xăng sinh học E5 thành phẩm. Theo ông Hoa, khoảng 20-30% sản lượng vừa nêu được cung ứng theo đơn đặt hàng của TCty Dầu Việt Nam PV OIL, phần lớn còn lại đã xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Úc, Singapore, Philippines. Ông Hoa hồ hởi: “Dẫu vẫn còn trong giai đoạn khởi động nhưng 8 tháng qua đơn vị đã thu về gần 170 tỷ đồng, hơn 350 cán bộ, nhân viên, người lao động có việc làm ổn định với mức thu nhập bình quân 3 triệu đồng/người/tháng. Đây là một tín hiệu rất lạc quan, mở ra nhiều triển vọng trong tương lai”.

Không chỉ doanh nghiệp ôm lợi mà người dân cũng hết sức phấn khởi. Theo thống kê mới nhất, tính đến thời điểm này, sản phẩm xăng sinh học E5 “made in DaiTan” đã được TCty Dầu Việt Nam PV OIL phân phối cho hơn 100 cửa hàng trên toàn quốc, do đó người tiêu dùng không mấy khó khăn trong việc tiếp nhận. Thực tế cho thấy, so với xăng truyền thống A92, sử dụng mỗi lít xăng E5 chủ phương tiện tiết kiệm được ít nhất 500 đồng. Số tiền lẻ này sẽ là rất lớn nếu việc sử dụng nguồn năng lượng xanh ấy nhiều và lâu dài.

 Cần nói thêm, thời gian qua, với 46 nghìn tấn bã sắn thải ra từ việc sản xuất 11 triệu lít cồn khan ethanol, Cty CP Đồng Xanh đã chuyển về một nhà máy trực thuộc đóng tại Cụm Công nghiệp Quế Cường (huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam) để chế biến và cho ra  cả nghìn tấn phân vi sinh phục vụ nhu cầu sản xuất của nhiều hộ dân trên địa bàn. Được biết, mỗi ký phân vi sinh mà đơn vị này bán cho nông dân thấp hơn 600 đồng so với những sản phẩm cùng loại đang có mặt trên thị trường…

 Cơ hội cho nông dân xứ Quảng 

Từ đầu năm 2011 này, Nhà máy sản xuất Cồn ethanol Đại Tân chính thức hoạt động theo đúng công suất thiết kế. Nghĩa là, bình quân 1 năm đơn vị sẽ cho ra  100 nghìn tấn cồn khan, tương đương với 125 triệu lít ethanol. Để đáp ứng cho việc vận hành, mỗi năm đơn vị cần ít nhất 1 triệu tấn sắn khô. Ông Nguyễn Văn Hoa - Giám đốc Cty CP Đồng Xanh cho rằng, muốn nhà máy tồn tại và phát triển một cách bền vững thì vấn đề xây dựng vùng nguyên liệu được xem là nhiệm vụ cấp thiết nhất.

 Theo ông Hoa, ngoài việc tổ chức thu mua sắn tươi tại Lào và các tỉnh Tây Nguyên thì thời gian qua Cty Cổ phần Đồng Xanh đã tích cực phối hợp với ngành nông nghiệp, chính quyền các địa phương ở Quảng Nam tập trung vận động nông dân đầu tư mở rộng diện tích chuyên canh loại cây trồng này. Riêng tại huyện Đại Lộc, đơn vị đang tiến hành hỗ trợ giống, phân bón cho hàng nghìn hộ dân để triển khai trồng khảo nghiệm loại sắn KM94 trên những chân đất lúa bạc màu, nà thổ, vườn đồi. Những ngày tới, khâu này tiếp tục được thực hiện ở nhiều nơi khác trên địa bàn tỉnh.

Ông Lê Muộn – Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Nam cho biết, tính đến cuối tháng 3/2011 này, toàn tỉnh có gần 15 nghìn ha đất chuyên canh sắn. Trước cơ hội lớn này, chắc chắn nông dân xứ Quảng sẽ tập trung mở rộng diện tích…
Ông Hoa thông tin thêm, với nông dân Quảng Nam, nhà máy sẽ dành cho họ một cơ chế rất đặc biệt. Đó là, thu mua toàn bộ sản lượng sắn theo giá thị trường tại thời điểm nhập sản phẩm. Nhưng, nếu trên thị trường giá 1 kg sắn tươi có rớt xuống 500 đồng hoặc thấp hơn nữa thì đơn vị vẫn cam kết trả cho nông dân với mức bao tiêu là 1.000 đồng.

Ông Phạm Công Hưng, một người dân ở thôn 2, xã Đại Phong (huyện Đại Lộc) bảo, tại vùng này, 1 ha sắn thường cho năng suất hơn 160 tạ tươi. Giả dụ bán cho nhà máy với giá tối thiểu 1.000 đồng/kg thì tổng giá trị thu về sẽ không dưới 16 triệu đồng. Trong khi đó, vốn đầu tư rất thấp, khoảng chừng 2 triệu đồng. Theo ông Hưng, nếu so với đậu phụng và lúa thì mức lãi ròng mà cây sắn đem lại cao gấp 2-3 lần. Được biết, từ giữa năm 2010 đến nay, giá sắn tươi trên thị trường luôn ở mức 2.000 đồng/kg. Không ít người nhận định, thời gian tới, nhiều khả năng giá mặt hàng nông sản này tiếp tục tăng mạnh.

Xem thêm
Một con bò có thể tạo ra 2 tỷ điểm dữ liệu trong suốt cuộc đời

Theo các chuyên gia ngành chăn nuôi Mỹ, ứng dụng công nghệ gen đóng vai trò quan trọng trong nhân giống bò sữa, giúp tối đa hóa tiến bộ di truyền.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm