| Hotline: 0983.970.780

Làng quê đang bị đầu độc như thế nào?:

Câu hỏi dị thường của con trẻ

Thứ Sáu 02/02/2018 , 09:50 (GMT+7)

Thằng bé Mai Gia Huy cháu ông Mai Văn Thặng - Trưởng xóm 18 (Giao Long, Giao Thủy, Nam Định) một buổi được cô giáo ra đề bài văn tả về cánh đồng đã chạy về nhà hỏi: “Con muôm muỗm trông nó như thế nào hả ông?”.

Con muôm muỗm trông nó như thế nào?

Với một đứa trẻ thành phố thì thắc mắc đó là bình thường nhưng với một đứa trẻ sinh ra ở quê, mở mắt ra mỗi ngày đã thấy cánh đồng thì nó lại hoàn toàn dị thường.

Bốn người cháu của ông, đứa nhỏ nhất 2 tuổi đã đành còn đứa lớn nhất đang học lớp 6 là thằng Huy đều không biết đến hình dạng con muôm muỗm tròn méo ra sao. Thuốc sâu cộng với hóa chất độc hại đổ xuống đồng ruộng khiến cho đồng làng 10 năm nay không có đỉa, 5 năm nay không còn cà cuống - những thứ vốn sẵn ở vùng đồng chiêm trũng nhất huyện như Giao Long.

23-50-52_dsc_0584
Thuốc ốc tràn lan

Trong ký ức không xa của ông Thặng mới chỉ ngày nào thôi cua rạm nhiều đến nỗi gánh lờ đi là được cả rổ, cuối năm động nước cua trôi ra cửa biển sinh sản, con non nở bám đặc cả cửa cống. Trong ký ức không xa của ông Thặng mới chỉ ngày nào thôi những đêm mưa rào có đàn đàn cá chép đi đẻ ngoài sông vật nhau ùm ùm như bầy trâu mộng vầy nước. Vậy mà cua rạm hiện nay đã biến mất tựa như chui xuống lỗ nẻ cùng với đó là sự mất dấu của nhiều loài khác rắn bùn, đỉa.

Ông dẫn tôi đi thăm những cánh đồng rộng tới 1.200 mẫu của quê mình. Cũng bởi ở thế cuối nguồn nên Giao Long trở thành một cái túi đựng nước của cả huyện. Trong 3 tháng cuối năm âm lịch khi mọi cánh cống tiêu thoát bị đóng lại, nước giữ ở trên đồng không lưu thông được đổi thành màu xanh đen đầy chất độc.

Có thời điểm nước trong đồng tháo ra qua cống Cai Đề biến cả vùng biển cả cũng phải ngả màu vàng như nước chè. Nước ấy chảy đến đâu thì da người tiếp xúc mẩn cục ngứa ran đến đấy. Nước ấy chảy đến đâu thì những bãi ngao bỗng há miệng “bật cười” chết hàng loạt còn người nuôi trồng thì bật khóc vì tán gia, bại sản.

Giữa những cơn gió đông rét như ngàn vạn mũi kim chích buốt vào da thịt tôi vẫn thấy bóng dáng của ông Trịnh Thanh Liêm ở xóm 16 kéo vó trên sông. Ông dự định khi nào đủ bữa cho con chó ở nhà thì về thế mà đứng cả buổi cũng chỉ được vài ba con tép bằng cái ngón tay. Lắm lúc vó nhấc lên trống không, chỉ có những giọt nước chảy dài nhỏ tong tong xuống mặt sóng.

Cũng phải thôi, làm gì còn tôm cá khi đâu đâu cũng diễn ra cảnh đánh thuốc trừ ốc, thuốc trừ sâu lại kèm theo cả thuốc cỏ? Ông Trần Duy Sơn ở xóm 6 kể vụ mùa vừa rồi gia đình phải phun 6-7 lần thuốc mà vẫn chịu cảnh mất mùa. Bình thường trước thời điểm gặt 12-15 ngày ông hay phun phòng lần cuối chống rầy, chống lem lép hạt nhưng vụ đó rầy bám đen cả ruộng, không phun thì cây lúa gục xuống không thể gặt được nên cách thu hoạch có 4 ngày vẫn phải đeo bình đi phun.

Dù đã có ý chỉ phun vào thân lúa chứ không hướng vòi vào ngọn nhưng cũng không lấy gì đảm bảo cho những hạt thóc đã uốn câu không bị tưới đẫm thuốc sâu. “Không có thóc thì lấy gì để mà ăn? Biết là nó độc vẫn cứ phải dùng thôi”. Ông lão thở dài.
 

Mật mã trên những cánh đồng

Những tiếng kêu của các sinh vật trên cánh đồng ngày một ít đi trong sự dửng dưng của nhiều người. Bởi vậy, điều tra của Viện Môi trường Nông nghiệp do nhóm tác giả Cù Thị Thanh Phúc và các cộng sự về mức độ đa dạng sinh học ở Giao Thủy, Nam Định (đại diện cho khu vực có trình độ thâm canh cao), Thạch Thất, Hà Nội (đại diện cho khu vực có trình độ thâm canh vừa phải) và Lương Sơn, Hòa Bình (đại diện cho khu vực có trình độ thâm canh thấp) mới đây thực sự là của hiếm. Buồn thay, rất ít phương tiện truyền thông thèm để ý đến những câu chuyện tưởng như của toàn cào cào, châu chấu này...

23-50-52_ly-mu-dt
Lấy mẫu đất

Mỗi xã đoàn khoa học lựa chọn 1 thôn để điều tra, mỗi thôn chọn 2 cánh đồng trũng và cao, mỗi cánh đồng chọn các thửa ruộng cùng gieo một giống lúa. Nhóm điều tra đã khảo sát định kỳ 15 ngày 1 lần tính từ thời điểm lúa 30 ngày sau cấy. Kết quả họ đã ghi nhận 31 loài côn trùng và nhện hại trong đó có 20 loài sâu hại và 11 loài thiên địch. Lương Sơn – Hòa Bình là nơi có số loài thiên địch cao nhất (11 loài ở cả 2 chân ruộng), tiếp đến là Thạch Thất (8 loài ở cả 2 chân ruộng) và Giao Thủy – Nam Định có số loài ít nhất (6 loài ở ruộng cao và 5 loài tại ruộng trũng). Những thiên địch vốn là bạn thân thiết của nhà nông như kiến đen, muôm muỗm buồn thay chỉ xuất hiện tại khu vực Lương Sơn, Hòa Bình. Điều này đã lý giải tại sao đám cháu của ông Mai Văn Thặng - Trưởng xóm 18 (Giao Long, Giao Thủy, Nam Định) lại không biết đến mặt mũi của con muôm muỗm.

Trong một xu hướng ngược lại, số loài sâu hại tại Giao Thủy – Nam Định chiếm tỉ lệ cao nhất 17/23 loài (73,91%), tiếp đến là Thạch Thất – Hà Nội có tỉ lệ 14/24 loài (58,33%) và thấp nhất tại Lương Sơn – Hòa Bình có tỉ lệ 15/26 loài (57,69%). Một số loài sâu hại có mức độ phổ biến cao ở tất cả các điểm điều tra là rầy nâu, rầy lưng trắng, rầy xanh, rầy xanh đuôi đen, sâu đục thân bướm 2 chấm và sâu cuốn lá nhỏ. Một số loài chỉ gây hại tại một tỉnh như rầy điện quang, ruồi đục lá chỉ xuất hiện tại Thạch Thất - Hà Nội, sâu đục thân 5 vạch đầu nâu, sâu phao, sâu keo chỉ xuất hiện tại Giao Thủy - Nam Định.

Theo các nhà khoa học mật mã của sự màu mỡ trên cánh đồng chính là mức độ đa dạng sinh học trong hệ sinh thái. Nó chịu sự tác động của mức độ thâm canh theo từng vùng và có xu hướng càng thâm canh cao lại càng suy giảm. Những nơi thâm canh cao có tỷ lệ số loài sâu hại cao và tỷ lệ số loài thiên địch thấp trong tổng số các loài hiện diện trên đồng ruộng. Ngược lại, những nơi thâm canh thấp lại có tỷ lệ các loài sâu hại thấp và tỷ lệ các loài thiên địch cao.

Từ bao đời nay, ông cha ta đã biết dựa vào thiên địch để bảo vệ mùa màng. Đi theo xu hướng ấy, trong những năm 60 của thế kỷ trước, các viện nghiên cứu cũng đã nhân nuôi và thả trên cánh đồng lúa những loài thiên địch như ong mắt đỏ, bọ rùa... nhằm sử dụng thiên địch để khống chế sâu hại. Theo thời gian, các loài thiên địch này dần mai một do ảnh hưởng của quá trình thâm canh mà đáng chú ý là việc lạm dụng thuốc trừ sâu.

23-50-52_ly-mu-con-trung
Lấy mẫu côn trùng

Để rồi thiên nhiên trả thù lại con người bằng những mùa màng thất thu mà điển hình nhất là vụ mùa 2009, 2017 bệnh lùn sọc đen lan tràn tại nhiều tỉnh đồng bằng sông Hồng gây ra thiệt hại hàng trăm, hàng ngàn tỉ đồng khiến không chỉ nông dân mà các nhà quản lý cũng phải một phen ngỡ ngàng. Một trong những nguyên nhân của bệnh lùn sọc đen chính là do sự bùng phát rầy lưng trắng bởi thiếu đi thiên địch, bởi sự mất cân bằng đa dạng sinh học trong thời gian rất dài.

Cuối cùng nhóm nghiên cứu đã đi đến kết luận: Đa dạng sinh học trên ruộng lúa nước là rất quan trọng và là xương sống trong hệ thống sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Buồn thay, nghiên cứu cũng chỉ để nghiên cứu vậy thôi bởi nông dân vẫn mải mê chạy theo năng suất trước mắt mà ngày ngày hạ độc các cánh đồng.

Kết quả điều tra cho thấy Lương Sơn - Hòa Bình là khu vực ghi nhận được tổng số loài côn trùng và nhện là nhiều nhất (25 loài trên ruộng cao và 26 loài ở rộng trũng), tiếp đến là Thạch Thất – Hà Nội (22 loài ở ruộng cao và 24 loài ở ruộng trũng), Giao Thủy – Nam Định là trình độ thâm canh lúa cao nhất nên thu được số lượng loài thấp nhất (23 loài ở cả 2 chân ruộng). Số lượng loài thiên địch ghi nhận được tại Lương Sơn – Hòa Bình cũng chiếm tỉ lệ cao nhất 11/26 loài (42,30%), Thạch Thất – Hà Nội chiếm 8/24 loài (33,33%) và Giao Thủy – Nam Định chỉ có 7/23 loài (30,43%).

 

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

10 năm lực lượng kiểm ngư cùng ngư dân bám biển

Trong 10 năm qua, lực lượng kiểm ngư ngày đêm bám biển, điều động hơn 1.500 lượt tàu tuần tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên các vùng biển Việt Nam.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Thêm 4 điểm du lịch tiêu biểu ở ĐBSCL

Cần Thơ Hiệp hội Du lịch ĐBSCL vừa công nhận 4 điểm du lịch tiêu biểu của vùng, các đơn vị tiếp tục đầu tư, nâng chất, làm mới những sản phẩm du lịch hiện có.

Bình luận mới nhất