| Hotline: 0983.970.780

Cẩu thả trong dự án sách 240 tỉ đồng

Thứ Ba 25/11/2014 , 08:20 (GMT+7)

Được Nhà nước đầu tư 240 tỉ đồng, dự án "Công bố phổ biến tài sản văn hóa văn nghệ dân gian các dân tộc Việt Nam" mắc nhiều sai sót về nội dung.


Cuốn “Nghiên cứu tư liệu lý luận văn hóa dân gian Việt Nam” (quyển 2), NXB Văn hóa Thông tin (2014)

Nếu bên dự án in được thì...

Dự án "Công bố phổ biến tài sản văn hóa văn nghệ dân gian các dân tộc Việt Nam" được Chính phủ phê duyệt, giao cho Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam làm đầu mối thực hiện với tổng kinh phí đầu tư là 240 tỉ đồng cho 2 giai đoạn.

Ông Đoàn Thanh Nô, Giám đốc Văn phòng dự án cho biết, đây là dự án sách lớn nhất từ trước tới nay của Việt Nam. Dự án đã hoàn thành giai đoạn một (2008-2012) với số tiền đầu tư là 90 tỉ đồng, cho ra đời 1.000 tác phẩm của 646 tác giả. Tổng kết giai đoạn một thành công, Nhà nước tiếp tục đầu tư 150 tỉ đồng để thực hiện giai đoạn hai (2013 - 2017). Trong 2 năm đầu của giai đoạn hai, sẽ có 500 tác phẩm ra đời trong số 1.500 tác phẩm, công trình nghiên cứu.

Mỗi tác phẩm, mỗi công trình được in 2.000 cuốn, tặng cho 1997 điểm là các thư viện trên cả nước... Ông Nô khẳng định việc đọc nội dung là có cả một hội đồng khoa học. Tuy nhiên, không ít sách trong dự án trọng điểm với vốn đầu tư lớn này mắc nhiều sai sót về nội dung. Dưới đây, chúng tôi xin dẫn chứng một số ví dụ.

Có những nội dung được đưa vào sách hết sức trào phúng. Trong cuốn “Văn hóa xã hội Chăm - nghiên cứu và đối thoại”, NXB Khoa học Xã hội (2011), phần giới thiệu tác phẩm của tác giả Inrasara, trang 459, mục cuối cùng đánh số 8, viết: “Tuyển tập Tagalau ra được 10 số, 200-300 trang/kì.

Đây là Tuyển tập sáng tác - sưu tầm - nghiên cứu văn hóa Chăm của nhiều tác giả, không phải là tác phẩm riêng. Nên có lẽ khó in lại. Nó chỉ như một dạng tạp chí. Nếu bên Dự án in được thì có thể in từ tập 11?”.

Trong sách “Văn hóa văn nghệ dân gian ở huyện Hưng Hà”, tác giả Phạm Minh Đức - Lưu Đức Lượng, NXB Văn hóa Thông tin (2014), phần viết về Lý Nam Đế từ trang 129 đến trang 131 đã viết sai tên vua thành “Lý Nam để”, trong một trang khi viết “Lý Bí”, lúc lại viết “Lý Bý” lung tung không theo quy tắc nào.

Trách nhiệm của Ban quản lý Dự án đã đành nhưng không thể bỏ qua trách nhiệm của các NXB là nơi in ấn, biên tập và phát hành các cuốn sách, cũng như trách nhiệm của Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin - Truyền thông) là nơi đọc lưu chiểu sách trước khi cho phát hành những cuốn sách có nhiều sai sót này.

Thậm chí, trong Lời nói đầu cuốn “Văn hóa dân gian Kinh Môn”, NXB Văn hóa Thông tin (2014) của tác giả Phạm Văn Dung, phần trên đã trích dẫn định nghĩa về văn hóa của UNESCO rất trang trọng, phần dưới tác giả viết: “Hiểu nôm na thì văn hóa là những gì do con người sáng tạo ra cả lĩnh vực vật chất lẫn tinh thần” (trang 13) (!?).

Thủ tướng Phạm Văn Đồng sống ở thế kỷ 17 (?)

Trong cuốn “Nghiên cứu tư liệu lý luận văn hóa dân gian Việt Nam” (quyển 2), NXB Văn hóa Thông tin (2014), tác giả Trần Gia Linh. Trang 353, trích dẫn bài viết của tác giả Tầm Vu (bút danh của cố GS. Trần Văn Giàu), thần Tản Viên thành “thần Tân Việt”.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng sống ở thế kỷ 17 với bài nói chuyện tại Hội nghị tổng kết Văn hóa năm 1696 (xem trang 60). GS ngành múa Lâm Tô Lộc (1930-2009) được viết thành Lâm Tố Lộc (các trang 15, 112, 282, 286, 288...). GS ngành mỹ thuật Nguyễn Phi Hoanh (1904-2001) viết thành Nguyễn Phi Hoành (các trang 146, 148, 150, 313, 315, 316...).

Trong cuốn sách này, các thuật ngữ khoa học cũng được phiên âm và viết rất tùy tiện. Ví dụ, trang 601 trích dẫn thuật ngữ Văn hóa dân gian của Tô Ngọc Thanh, trước viết folklore, giữa viết phôn-klo, cuối viết phôn-cơ-lo.

Một dẫn chứng khác là ở trang 20, “Anh hùng ca và thời điểm xuất hiện anh hùng ca”, đã trích theo Cao Huy Đỉnh như sau: “Người anh hùng làng Gióng - NXB Khoa học Xã hội, 1969”. Đối với người làm nghiên cứu về văn học dân gian, khi nhắc đến Cao Huy Đỉnh thì luôn nhớ rằng cách viết “Người anh hùng làng Dóng” mới là chính xác. Đây không phải cách viết chính tả thông thường, mà là cả luận điểm khoa học của ông. Đây là công trình nằm trong cụm công trình của Cao Huy Đỉnh được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật đợt đầu tiên (1996).

Xem thêm
Diễn viên Midu sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6

Diễn viên Midu vừa thông báo sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6/2024. Cô cũng đã gửi thiệp đến những người bạn thân thiết về sự kiện trọng đại này.

Real Madrid tiến sát ngôi vô địch sau trận siêu kinh điển

Dù bị Barcelona 2 lần dẫn trước nhưng Real Madrid vẫn lội ngược dòng thành công để thắng 3-2 và tiến sát ngôi vô địch La Liga.

U23 Việt Nam hứng khởi trước trận gặp U23 Uzbekistan

Các cầu thủ và ban huấn luyện U23 Việt Nam bày tỏ sự hứng khởi trước trận gặp U23 Uzbekistan tại lượt trận cuối bảng D vòng chung kết U23 châu Á 2024.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.