| Hotline: 0983.970.780

Cây cao su Quảng Bình: Vừa chết rét, vừa chết úng

Thứ Năm 07/04/2011 , 08:45 (GMT+7)

Vùng đất Chà Nòi (xã Xuân Trạch, huyện Bố Trạch - Quảng Bình) từng được ví như "kho tiền" của người dân xã Xuân Trạch giờ trở thành gánh nặng nợ nần. Gần 200 ha diện tích cao su được triển khai trồng từ năm 2007 đã biến thành củi khô mà nguyên nhân do bị ngập úng.

* Trắng tay vì cây "vàng trắng"!

Chị Nguyễn Thị Thịnh (xã Xuân Trạch-Bố Trạch): “Vùng Chà Nòi bạt ngàn cao su giờ chết sạch cả rồi…”

Vùng đất Chà Nòi (xã Xuân Trạch, huyện Bố Trạch - Quảng Bình) từng được ví như "kho tiền" của người dân xã Xuân Trạch giờ trở thành gánh nặng nợ nần. Gần 200 ha diện tích cao su được triển khai trồng từ năm 2007 đã biến thành củi khô mà nguyên nhân do bị ngập úng.

Đất ngập úng cũng quy hoạch... cao su

Vùng đất Chà Nòi (thuộc xã Xuân Trạch - Bố Trạch) rộng trên 200 ha đã được giao cho Nhà máy Tinh bột sắn xuất khẩu sông Dinh (Cty Bình Lợi) để đầu tư làm vùng khảo nghiệm giống sắn chất lượng cao phục vụ vùng nguyên liệu của Bố Trạch và vùng lân cận. Tuy nhiên, đến năm 2007, UBND tỉnh Quảng Bình phê duyệt giao lại cho UBND xã quản lý và sử dụng để cấp lại cho người dân phát triển sản xuất. Thực hiện Đề án phát triển cây cao su đến năm 2010 của UBND huyện Bố Trạch, xã đã ra nghị quyết sử dụng phần lớn diện tích được quy hoạch để trồng cây cao su.

 Chính quyền xã xem đây là một trong những mục tiêu đột phá nhằm biến vùng đất Chà Nòi thành vùng kinh tế quan trọng góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân. Hàng trăm hộ nông dân của xã Xuân Trạch đã xung phong lên lập nghiệp ở Chà Nòi. Bình quân mỗi hộ được nhận từ 1-1,5 ha đất để trồng cao su. UBND huyện Bố Trạch đã hỗ trợ 2 triệu đồng đồng thời tổ chức tập huấn cho người nông dân về kỹ thuật trồng trọt, chăm bón. Gần 200 ha cao su đã phát triển xanh, người dân còn trồng xen lạc, ngô nhằm tăng hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích.

Từ đường Hồ Chí Minh rẽ vào khu vực Chà Nòi, hôm chúng tôi lên, đã gặp một vài người dân chở trên xe cây cao su khô về để... nhen lửa. Ông Lê Thanh Huy, Chủ tịch xã Xuân Trạch cho chúng tôi biết: “Đây là vùng thung lũng khá bằng phẳng, đất trũng nên nước thoát rất chậm, chủ yếu là chảy xuống khe Chà Nòi hoặc vào trong Hung Trâu. Sau 7-8 ngày, nước mới rút hết. Khi người dân lên được đây thì cả vùng này trở thành bãi sình lầy, toàn bộ diện tích cao su bị ngập úng, chết gần hết”.

Chịu thiệt hại nặng nhất là hộ ông Nguyễn Văn Trì ở thôn 2. Gia đình ông có 1.700 cây cao su bị mất trắng. Tiếp nữa là hộ các ông Nguyễn Văn Lành, Hoàng Văn Hoan (cùng ở thôn 6) với số lượng cây chết ở mỗi hộ là hơn 1.000 cây. Chị Nguyễn Thị Thịnh (trú ở thôn 6), một trong những hộ trồng cao su bị thiệt hại do mưa lũ chỉ tay về phía diện tích cao su của gia đình thiểu não cho biết: “Gia đình tôi vay mượn trồng được 1 ha cao su với gần 1.000 cây. Đợt lũ vừa rồi, 400 cây bị chết hết. Không những vậy, 6 sào bắp và 1 sào lạc trồng xen cùng 30 con gà nuôi tại đây giờ cũng không còn. Gần 600 cây cao su còn lại đã tiến hành cưa gốc, không biết sẽ sống chết thế nào. Chúng tôi giờ trắng tay rồi”.

Trao đổi với chúng tôi, một cán bộ nông nghiệp huyện cho rằng vùng đất Chà Nòi vốn hay bị ngập úng nên chỉ phù hợp với cây trồng một vụ. Khi tỉnh lấy vùng này từ Nhà máy Sông Dinh chia cho các hộ dân để phát triển sản xuất mà đưa vào quy hoạch trồng cao su là thiếu thực tế vì khó biến vùng đất phù hợp cây một vụ thành trồng cây lâu năm được. Theo tính toán của nhiều người dân thì mỗi ha cao su đến thời điểm này đã “ăn vào vốn” khoảng 30 triệu đồng và con số thiệt hại cho người dân Xuân Trạch từ cao su ở vùng Chà Nòi không dưới 6 tỷ đồng!

Không thể trồng cao su bằng mọi giá

Rời vùng Chà Nòi, chúng tôi đi vòng lên huyện miền núi Minh Hóa. Năm 2010, Minh Hóa thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã trồng mới trên 270 ha cao su tại các xã Hóa Hợp, Trung Hóa, Thượng Hóa… Tuy nhiên qua đợt rét đậm đã làm cho gần hết diện tích cao su mới trồng chết trắng. Tại xã Hồng Hóa, từ năm 2009 đã trồng được 7 ha, năm 2010 chương trình 30a của Chính phủ hỗ trợ giống và phân bón, bà con trồng thêm được 8 ha nữa. Bây giờ cả 15 ha chết không còn một cây. Anh Cao Văn Cừ (thôn Vè - xã Hồng Hóa) ngồi bần thần trước diện tích cao su bị chết và lo tái mặt khoản nợ vay treo trên đầu: “Cả nhà dồn sức vô cao su với số tiền gần 30 triệu đồng, giờ thì chỉ có nước bẻ cao su về làm củi đun thôi cho đỡ tiếc công tiếc của”.

Ông Nguyễn Viết Nhung, nguyên Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, kiêm Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Bình thẳng thắn: “Do địa hình của Quảng Bình hẹp, các con sông đổ từ tây sang đông ngắn và lắm thác ghềnh, đất rừng bị chia cắt bởi các hệ núi đá vôi nên rừng thường có độ dốc cao, vì vậy không thể phát triển diện tích cao su bằng mọi giá. Nếu cứ tăng diện tích cao su để lấn rừng thì việc bị mưa lũ, xói lở, cạn kiệt nguồn nước và mất cân bằng hệ sinh thái là điều không thể tránh khỏi”.

Xã Hóa Hợp được xác định có diện tích cao su lớn nhất huyện Minh Hóa với gần 376 ha trồng trước năm 2000. Số diện tích cao su này đã cho nguồn thu khá cao cho hàng chục hộ dân. Thấy trồng cao su mang lại lợi nhuận cao nên nhiều người dân đã không ngần ngại khi vay ngân hàng vốn để phát triển kinh tế theo hướng đầu tư vào cây “vàng trắng” này. Chỉ tính riêng năm 2010, người dân trong xã đã tăng diện tích cao su lên trên 110 ha. Qua đợt rét lạnh, không những cao su trồng năm ngoái chết mà nhiều diện tích cây có độ tuổi 2-3 năm cũng rũ lá chết dần chết mòn.

Gia đình anh Đinh Thanh Lợi (thôn Tân Lợi) đầu tư trên 50 triệu đồng vay để trồng 4 ha cao su. Giờ nhìn những hàng cao su rụng lá chết khô mà ruột gan anh rối bời: “Nhà khó, vay tiền để đầu tư trồng cao su, nay trời hại vậy không biết lấy tiền mô mà trả gốc và lãi vay đây”. Không riêng gì gia đình anh Sang mà hàng trăm hộ dân huyện Minh Hóa đang “trắng tay” với cao su và nợ cứ đè lên vai, lên cổ không biết lúc nào mới trả được.

Khi được hỏi về kinh nghiệm trồng, phát triển cao su, ông Bùi Việt Phương (chủ trang trại có khoảng 50 ha cao su ở Nông trường Việt Trung - Bố Trạch) phân tích: “Xét về góc độ kinh tế thì cay cao su cho lợi nhuận cao. Tuy nhiên, đó là loại cây phải đầu tư lớn, dài hơi và có nhiều rủi ro. Vì vậy, không thể “hô hào” nhà nhà trồng cao su được. Chỉ những gia đình có điều kiện về kinh tế và trên những vùng đất đủ điều kiện canh tác thỉ mới “làm bạn” với cao su và lúc đó mới hy vọng có lợi nhuận cao và ổn định”.

Xem thêm
Nhiều mặt hàng nông sản ở ĐBSCL tăng giá

Giá bán nhiều nông sản đều tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái là nhờ thông qua sự liên kết với doanh nghiệp và các kênh tiêu thụ từ hệ thống siêu thị.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

TH và câu chuyện xây dựng thương hiệu từ chữ 'thật'

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm