| Hotline: 0983.970.780

Cây cầu nối những bờ vui

Thứ Năm 28/01/2010 , 11:03 (GMT+7)

Chạy xe trên cây cầu Rạch Miễu, phóng tầm mắt sải ra cả một vùng sông nước, gió mát rượt và lòng chợt vui, Bến Tre đang khởi sắc từng ngày từ chính cây cầu này.

Những ai từng qua phà Rạch Miễu (Bến Tre - Tiền Giang) trước năm 2009 đều không khỏi sốt ruột. Mọi ách tắc phần lớn nằm ở bến phà này.

Đây là bến phà có khoảng vượt sông dài đến 3,2km vì phải vòng qua hai cồn Phụng và Thới Sơn nằm trên sông Tiền giữa hai bến Rạch Miễu và Mỹ Tho. Thay cho bến phá ấy, ngày 19/1/2009, cây cầu Rạch Miễn có chiều dài hơn 8km đã chính thức khánh thành. Từ TPHCM đi Bến Tre bây giờ thời gian chỉ còn mất có hơn 2 giờ.

Giáp Tết Canh Dần chúng tôi về Bến Tre để chứng kiến cảnh đổi thay đến ngạc nhiên của những vùng đất ven cầu Rạch Miễu mới được bắc ngang qua chưa lâu.

Lật tìm tài liệu hồi cuối năm 2007 của Xí nghiệp Phà Bến Tre cho thấy, bến phà Rạch Miễu ngày đó có 13 phà 100 tấn, 1 phà 60 tấn và hai phà 40 tấn. Với phà loại 100 tấn phải mất từ 25-30 phút để vượt sông, với phà tốc hành 40 tấn thì mất từ 13-14 phút và phà 60 tấn phải gần 20 phút mới qua được sông. Trung bình 5-10 phút có một chuyến phà rời bến, mỗi ngày có khoảng hơn 400 chuyến phà qua lại với gần 50.000 lượt hành khách, 158.717 xe gắn máy và 30.865 xe thô sơ trở lên. Vậy mà vào ngày lễ, Tết nạn kẹt phà kéo dài còn hơn kẹt xe ở TPHCM hiện nay. Thế nhưng những điều này nay chỉ còn là quá khứ.

Cầu Rạch Miễu nối nhịp, Bến Tre như xích lại gần hơn với các tỉnh lân cận, đồng thời rút ngắn khoảng cách trên 60km đường đi từ Trà Vinh đến TPHCM theo QL60 so với QL1. Ông Nguyễn Thái Xây, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre nói: Cầu Rạch Miễu hoàn thành đã giúp Bến Tre phá thế cô lập cù lao bao năm qua và hứa hẹn sự phát triển toàn diện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội của địa. Các doanh nghiệp đã mạnh dạn tìm đến Bến Tre tìm đầu tư, tạo tiền đề cho Bến Tre phát triển theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa.

Ngay sau khi cầu Rạch Miễu thông thương, Cty TNHH Allian One khởi công xây dựng nhà máy sản xuất giày cao cấp ở KCN Giao Long. Đến nay thì tiến độ xây dựng các dự án đầu tư trong 2 KCN Giao Long và An Hiệp đã được đẩy nhanh. Các dự án đầu tư kinh doanh hàng nông sản của Cty Silvermill Holdings (Sri Lanka), dự án nuôi tôm công nghiệp của Cty TNHH 1 thành viên Simmy (Trung Quốc), Cty TNHH Thế giới Việt điều chỉnh tăng vốn dự án chế biến nông sản từ 5,5 triệu USD lên 12 triệu USD. Dự án than hoạt tính của Hàn Quốc và Pháp, dự án sản xuất thực phẩm đông lạnh của Thái Lan, dự án sản xuất mũ giày (Đài Loan)...Ước thu hút vốn FDI năm 2009 vào Bến Tre khoảng 19,36 triệu USD, tăng 65% so năm 2008.

Ông Trần Duy Phương - PGĐ Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Bến Tre vui mừng cho biết, năm 2009 tuy lượng khách du lịch trong nước giảm khoảng 10% nhưng riêng Bến Tre thì lại tăng 10,14% với 478.000 lượt khách, trong đó khách quốc tế chiếm khoảng 40%. Lượng khách tăng nên nhiều doanh nghiệp và cơ sở tư nhân đã mạnh dạn đầu tư cơ sở phục vụ du lịch. Hàng loạt dự án khách sạn – nhà hàng nổi trên sông, điểm du lịch Cồn Quy và khu du lịch biển Thới Thuận đang tiến hành xây dựng mới.

Cũng theo ông Phương, nếu năm 1995 khi chưa có cây cầu Rạch Miễu doanh thu toàn ngành du lịch của tỉnh chỉ đạt 11 tỷ thì năm 2008 khi có cây cầu doanh thu đã “kỷ lục” lên tới 158 tỷ đồng. Ước tính thu nhập của xã hội từ du lịch trong năm 2009 đạt 285 tỷ đồng.

Nói về sự đổi thay từ khi có cây cầu, trò chuyện với NNVN ông Phan Văn Sen, nhà ở ấp 2, xã Giao Hòa (Châu Thành) vội khoe: "Nhà tôi có 3 công đất, xoay vần quanh năm chỉ làm lúa khiến cho cuộc sống lệ thuộc vào cây lúa rất khó khăn. Nghe người ta nói bên Tiền Giang, Long An trồng hàng bông xen vụ rất khá nhưng giống, thuốc, phân bón…cái gì cũng khó nên đành chịu. Muốn đi qua bên tỉnh bạn hỏi thăm phải sắp xếp thời gian cực dữ lắm vì trễ một chuyến phà là trễ bao nhiêu công chuyện. Từ ngày có cây cầu, đi đâu cũng dễ. Năm nay, ngoài diện tích lúa gia đình đã mạnh dạn dành ra một công trồng thử các loại hàng bông, tuy chưa nhiều kinh nghiệm nhưng thu hoạch cũng khá lắm". Bà Trương Thị Ba, vợ ông cười nói thêm: "Tụi tui già rồi, có được cây cầu đi lại dễ dàng quá là sung sướng".

Vui mừng chẳng kém, ông nguyễn Văn Vạn, nông dân An Hóa (Châu Thành) nói trong niềm hân hoan: "Không có cầu chúng tôi như bị cô lập thông tin về giống vật nuôi, cây trồng nên không có điều kiện phát triển kinh tế. Giờ có cầu, đại lý Bến Tre bán giá cao thì xách xe máy chạy vèo qua Mỹ Tho mua dễ ợt. Đến khi thu hoạch, gọi là thương lái cho xe tải chạy đến tận vườn, sướng lắm. Đường xá thuận lợi, giao thương dễ dàng nên mặt bằng giá cả Bến Tre giờ đã tương đồng các tỉnh lân cận".

Chạy xe trên cây cầu Rạch Miễu, phóng tầm mắt sải ra cả một vùng sông nước, gió mát rượt và lòng chợt vui, Bến Tre đang khởi sắc từng ngày từ chính cây cầu này.

Xem thêm
Ngành sắn đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2030

Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt Đề án 'Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050' với mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu 1,8 - 2 tỷ USD.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất