| Hotline: 0983.970.780

Cây đa Bác Hồ với muôn ngả đường xuân

Thứ Ba 24/01/2017 , 09:01 (GMT+7)

Mỗi mùa xuân đến đều bắt đầu là một Tết trồng cây theo lời phát động của Bác để làm cho đất nước luôn tràn ngập một màu xanh. Đường xuân là con đường cây xanh mọc lên trong tâm trí và tình cảm trong mỗi chúng ta. 

55 năm trôi qua, từ khi Bác Hồ trồng cây đa đầu tiên tại công viên Thống Nhất, vào đầu năm 1960; thì cái tên “Cây đa Bác Hồ” thiêng liêng được dựng lên như những tượng đài xanh chỉ lối cho một con đường.

09-58-04_trng-4
 

Ngay cả vào những thời điểm sôi sục lửa đạn khi giặc Mỹ leo thang tập trung lực lượng không quân đánh phá miền Bắc nước ta, vào năm 1965, triết lý xanh cho một cuộc sống hòa bình dân tộc lại thêm một lần vang lên những vần thơ đánh át tiếng bom đạn kẻ thù. Lẽ sống của dân tộc được hình tượng hóa cho sức sống bất diệt: “Mùa xuân là Tết trồng cây. Làm cho đất nước càng ngày càng Xuân”.

Ai cũng nhớ ngay từ những ngày đầu kháng chiến. Khi lên tới vùng ATK, Bác Hồ đã thể hiện phong cách sống của mình vào những việc tưởng như bình thường nhưng lại đậm tính triết lý phật giáo, với một môi trường sống xanh, sạch, đẹp.

Người căn dặn cán bộ chọn nơi hạ trại để hoạt động cách mạng cũng nên tuân theo nguyên tắc: “Trên có núi, dưới có sông. Có đất ta trồng, có bãi ta vui”. Làm cách mạng cũng phải trầm tĩnh trong một không gian thoáng đạt và an trí. Và, khi đến địa điểm mới, việc đầu tiên là Bác đã cùng cán bộ cuốc đất trồng cây, trồng rau xanh để cải thiện đời sống, đồng thời cũng là một phép hòa nhập tâm hồn với thiên nhiên. Trở về với cội nguồn của đất đai. Trở về với màu xanh bình an.

Sau này trước khi phát động “Tết trồng cây” vào ngày 28-11-1959, Bác cũng đã từng viết bài “Nông dân phải trồng cây chuẩn bị làm nhà ở” trên báo Nhân dân số 1901. Người đã chỉ dẫn: “Muốn làm nhà cửa tốt, phải ra sức trồng cây, chúng ta chuẩn bị từ nay, dăm năm sau, sẽ bắt tay dựng nhà”.

Một tư tưởng chuẩn bị cho một tương lai vững bền là phải bắt đầu làm điều gì đó trước, để đón nhận nó và sống vì chân lý đó. Trồng cây xanh là một lẽ sống không chỉ một công việc mà là một triết lý nảy sinh từ sự phát triển cho sự nghiệp và dân tộc. Bác thể hiện tư tưởng của mình một cách giản dị khi phát động “Tết trồng cây” rằng, chúng ta sẽ có những cây vừa ăn quả, vừa có hoa, vừa có cả cây làm cột nhà. Thêm nữa, Người còn tô đậm cho một tương lai của môi trường sống; khi ấy phong cảnh nước ta sẽ ngày càng tươi đẹp hơn, khí hậu điều hòa hơn, cây gỗ đầy đủ hơn. Điều đó sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống của dân tộc ta.

Vào những ngày đầu tiên Bác phát động “Tết trồng cây”, hàng triệu người dân miền Bắc khi ấy đã hồ hởi tham gia trồng cây gây rừng. Nhiều địa phương đã đưa ra những chỉ tiêu trồng cây cho mỗi gia đình và trên mỗi diện tích đất trong làng xã và thôn xóm.

Hàng triệu cây xanh đã mọc lên trên mỗi cánh đồi trọc và trên những khoảng đất trống của rừng thưa. Nhà nhà trồng cây, người người trồng cây theo lời Bác kêu gọi. Từ ông già đến trẻ em đều có ý thức đem lại mầu xanh cho sự sống thiên nhiên. Nhiều lĩnh vực hoạt động văn hóa nghệ thuật cũng vào cuộc vận động cho “Tết trồng cây” làm theo lời Bác đã đem lại không khí sôi nổi mỗi khi mùa xuân về.

Tư tưởng của Bác Hồ ngày càng sâu sắc và là ngọn đuốc chỉ đường cho một tương lai của dân tộc ta trong nhiều lĩnh vực kinh tế khác. Nếu điểm lại những vụ cháy rừng, hay những trận lũ lụt liên tiếp xảy ra trên vùng cao, mới thấy triết lý của Bác trong “Tết trồng cây” mới thấu tình đạt lý làm sao. Sự hối hận đã trở nên muộn màng khi con người triệt phá rừng cây.

09-58-04_trng-5
 

Bọn lâm tặc là những kẻ tội đồ cần phải trừng phạt. Những con người nếu không có trách nhiệm với mỗi cây xanh, mỗi cánh rừng cũng sẽ trở nên đồng phạm phá hoại mầu xanh và tàn phá sự sống của chính mình. Mỗi cây xanh bị đốn chặt là một tội ác. Mỗi cánh rừng cháy rụi là một rừng tội ác. Hạ sát thiên nhiên bao giờ cũng để lại hậu quả lâu dài. Và máu người lại đổ xuống. Mạng người lại bị vùi lấp trong những cơn lũ tràn về bất ngờ hay những trận lở núi ập xuống đem lại tai họa khó lường.

Khi ấy triết lý mầu xanh cho sự sống của Bác Hồ lại vang lên những lời cảnh báo qua cuộc vận động “Mùa xuân là Tết trồng cây”. Chính vì một tương lai của “Tết trồng cây”, thêm một lần Bác nhắc nhở chúng ta, khi Người lên tận Ba Vì để trồng cây trên đất rừng, vào những ngày xuân năm 1969. Ai cũng biết đó là năm thứ 10 của cuộc phát động “Tết trồng cây”.

Hẳn nhiều người thấu hiểu vì sao năm ấy Người lại lên rừng trồng cây. Mặc cho sức khỏe đã yếu, nhiều người lo ngại đường xa khó đi, nhưng Bác vẫn lên đường. Tại xã Vật Lại, huyện Ba Vì, một vùng núi cao có nhiều bản làng người dân tộc thiểu số sinh sống, Người đã trồng một cây đa mới. Đó là một lời khẳng định về giá trị của việc trồng cây xanh cho một tương lai và cho sự thân thiện của con người với thiên nhiên. Lần kỷ niệm năm thứ 10 của “Tết trồng cây”, tại đây Bác đã truyền đạt những điều sâu sắc và hết sức cụ thể về trồng cây gây rừng.

Đó cũng là một cây xanh cuối cùng khi Bác Hồ đi xa. Sau này ai cũng biết trong bản di chúc của mình để lại cho thế hệ mai sau, Người cũng dành cho những lời quý báu về công việc trồng cây: “Nên có kế hoạch trồng cây trên đồi. Ai đến thăm thì trồng một cây hoa làm kỷ niệm. Trồng cây nào phải tốt cây ấy. Lâu ngày cây nhiều thành rừng, sẽ tốt cho phong cảnh và lợi ích cho công nghiệp”. Tư tưởng của Bác trở thành những rừng xanh bao la mà hàng triệu người noi theo. Mỗi đời người trở nên một rừng cây trong tâm hồn mình. Một mầu xanh bình yên đem lại sự sống vĩnh cửu cho dân tộc và triết lý của Bác Hồ “Làm cho đất nước càng ngày càng Xuân” mãi mãi trường tồn.

(Kiến thức gia đình số Xuân 2017)

Xem thêm
Long trọng kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú

Ngày 17/4, tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú (1/5/1904-1/5/2024), Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.

Greenfeed Việt Nam công bố kết quả tăng trưởng lợi nhuận bền vững

Greenfeed Việt Nam với những chỉ số tài chính vừa công bố, cho thấy thương hiệu này vẫn duy trì hoạt động sản xuất và kinh doanh hiệu quả trên thị trường nông sản.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cứu lấy gần 30ha rừng ngập mặn ở Nam Định: [Bài 2] Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm?

Chủ đầu tư Khu công nghiệp Rạng Đông phải chịu trách nhiệm nếu kênh xả thải khu công nghiệp chặn dòng chảy làm gần 30ha rừng ngập mặn ven biển Nghĩa Hưng bị thiệt hại.