| Hotline: 0983.970.780

Cay đắng mùa gừng

Thứ Ba 20/12/2011 , 10:57 (GMT+7)

Năm nay, người dân trồng gừng (huyện Chợ Gạo, Tiền Giang) than vãn chưa bao giờ mùa gừng Tết lại “cay” như bây giờ…

Nông dân chấp nhận thu hoạch gừng bán giá rẻ
Hàng năm, thời điểm này người dân trồng gừng (huyện Chợ Gạo, Tiền Giang) đang tất bật vào mùa thu hoạch gừng cân bán cho thương lái cung ứng tới các lò bánh mứt. Vậy nhưng, năm nay người dân than vãn chưa bao giờ mùa gừng Tết lại “cay” như bây giờ…

GỪNG CHỜ THƯƠNG LÁI

Về vùng trồng gừng huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) thời điểm này chúng tôi chứng kiến nhiều diện tích gừng của người dân vẫn nằm héo rũ, bỏ thối củ dưới chân ruộng. Hàng trăm hộ trồng gừng ở các xã ven tuyến kênh Chợ Gạo như Bình Phục Nhứt, Qươn Long, Bình Phan, Tân Thuận Bình…đang sốt ruột khi Tết cận kề mà chẳng thấy thương lái đến thu mua gừng như mọi năm.

Nông dân Huỳnh Văn Hy, ấp Quang Thọ, xã Quơn Long, dẫn chúng tôi ra ruộng gừng nhà mình, than vãn: “Mọi năm, thời điểm này bà con chúng tôi đã đào gừng bán hết sạch. Vậy mà mùa Tết năm nay gừng còn đang ủ dưới ruộng thế này, chẳng thấy thương lái nào đến mua, thiệt rầu quá!”. Theo ông Hy, gia đình ông có 1.000 m2 gừng, năm rồi cho thu 1,5 tấn gừng, giá gừng làm mứt tết còn bán được 12.000 đ/kg; gừng giống (sau Tết) từ 25-30.000 đ/kg, có thời điểm giá gừng mứt đạt đỉnh từ 18.000 -20.000 đ/kg.

Tính ra mùa gừng năm ngoái đã cho gia đình ông Hy thu lời được khoảng 18 triệu đồng. Vậy nhưng năm nay giá gừng tụt xuống thê thảm, chỉ còn 4.000 – 5.000 đ/kg, nhưng thương lái cũng chẳng thấy xuống thu mua gừng cho bà con. Thậm chí gia đình ông Hy đã phải đi tìm thương lái, hẹn tới hẹn lui dăm bảy lượt nhưng về chờ dài cổ vẫn chẳng thấy thương lái xuống thu mua gừng.

Tương tự, gần đó hộ anh Nguyễn Văn Nguyên dù đã chấp nhận bán non được phân nửa diện tích nhưng hiện vẫn còn cả 1.000 m2 gừng đang nằm ngoài ruộng chưa thu hoạch. “Không bán gừng non, đợi đến lúc này có nước mất trắng vì bệnh thối củ đang lây lan mạnh!”- anh Nguyên phàn nàn.

Gặp chúng tôi, nhiều người dân trồng gừng than phiền về bệnh gừng bị bệnh thối củ, cháy lá ngày càng lây lan mạnh và chưa có biện pháp ngăn chặn hiệu quả. Theo những người dân trồng gừng lâu năm, nguyên nhân của loại bệnh này do ảnh hưởng thời tiết mưa, nắng nhiều tạo điều kiện cho nấm bệnh phát triển tấn công. Hơn nữa, do năm trước giá gừng tăng cao nên năm nay diện tích gừng càng tăng mạnh và bệnh thối củ, vàng lá xuất hiện phổ biến.

Chị Nguyễn Thị Hồng Hoa, ấp Tân Bình 2 B, xã Tân Thuận Bình, cũng với 2 công gừng, năm trước trúng mùa được gần 5 tấn, nhưng năm nay gia đình chị chỉ thu được 1 tấn gừng non, bán tại ruộng được giá 5.000 đ/kg. Hiện thời điểm này, chị Hoa đã tự đi tìm mối tiêu thụ và đứng ra thu mua gừng của một số hộ dân để làm dịch vụ gia công cạo vỏ, bỏ bịnh cung cấp cho các lò làm bánh mứt Tết. Tuy nhiên, giá thu mua cho bà con cũng chỉ nhích thêm được lên 1.000 đ/kg (nhưng phải là hàng tuyển chọn).

Theo chị Hoa, thị trường gừng năm nay quá ảm đạm, nhiều hộ dân chấp nhận giá rẻ bán lỗ để gỡ ít tiền xài tết nhưng chẳng phải ai cũng bán được.

CHƯA CÓ THUỐC TRỊ BỆNH

Về "thủ phủ" gừng những ngày cuối năm, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi chứng kiến từng đống gừng trắng nõn được bày bán lẻ ngoài chợ huyện giá rẻ như bèo với vài ba ngàn đồng/kg. Một cán bộ nông nghiệp của xã Bình Phục Nhứt (huyện Chợ Gạo) cho biết, toàn xã có 45 ha gừng, nhưng có tới 60% diện tích gừng bị thiệt hại. Tính ra, trung bình một công đất trồng gừng sẽ phải mất chi phí từ 8-10 triệu đồng để mua gừng giống (giá từ 25-30.000 đồng/kg) và phân thuốc nhưng khi gừng bị hư, người dân nhổ bán non chỉ thu được từ 3,5 - 4 triệu đồng/công. Có người chỉ gỡ lại được số tiền mua giống nhờ móc được số gừng “cụ” (gừng già để giống, sau Tết) để bán.

“Bệnh thối củ ở gừng là do hai loại vi khuẩn ervinia, pseudomonas và nấm rhizoctonia gây nên. Chính vì người dân không trồng đúng kỹ thuật nên đã tạo điều kiện cho dịch bệnh phát sinh và phát triển mạnh. Đất canh tác không được xử lý mầm bệnh kỹ, thay vì phải xử lý vôi kỹ thì bà con thường lơ là hoặc bón rất ít. Hơn nữa, gừng giống không được xử lý mầm bệnh trước khi trồng dẫn đến đề kháng yếu, vi khuẩn dễ dàng xâm nhập…”, kỹ sư Phùng Trí Sơn, Trưởng Trạm BVTV huyện Chợ Gạo nói.

Hiện có nhiều hộ dân trồng gừng trên địa bàn huyện Chợ Gạo “nhắm” được gừng nhà mình còn đẹp (không bị thối củ) nên ráng ghim hàng chờ giá lên. Tuy nhiên, chính vì chưa có thuốc đặc trị nên nhiều hộ dân ở đây đang rất lo ngại bị nhiễm bệnh thối nhũn củ lây lan; bởi chỉ cần một bụi gừng bị bệnh thì vài ngày sau cả đám bị sẽ bị lây nhiễm, không cứu chữa được. Hiện ở xã Tân Thuận Bình đã có tới diện tích hơn 50 ha gừng bị thối củ (khoảng gần 60% diện tích). Nhiều hộ trồng gừng ở các xã Quơn Long, Bình Phan cũng đang lâm vào tình trạng như vậy, nên buộc phải thu hoạch sớm để bán rẻ gỡ gạc tiền giống.

Trao đổi với PV NNVN, ông Nguyễn Văn Thinh, Phó phòng NN- PTNT huyện Chợ Gạo cho biết: Mùa gừng Tết năm nay người dân ở các xã Bình Phục Nhứt, Quơn Long, Bình Phan, Tân Thuận Bình...trồng được hơn 200 ha gừng, diện tích gừng tăng gấp đôi so với mùa vụ năm trước. Tuy nhiên, hiện có khoảng hơn 2/3 diện tích trong huyện Chợ Gạo đang bị nhiễm bệnh nên thối củ khiến người dân đứng trước nguy cơ thất mùa. Nguyên nhân gừng bị bệnh thối nhũn củ là do nông dân không thực hiện đúng quy trình kỹ thuật, xử lý đất canh tác chưa kỹ; thời tiết mưa nhiều, độ ẩm cao, gừng giống có khả năng mang mầm bệnh chính là điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn tấn công gây bệnh cây gừng.

Xem thêm
Trại cầy vòi mốc lớn nhất miền Bắc thu hàng chục tỷ mỗi năm

Gần 20 năm gắn bó với cầy vòi mốc, anh Phạm Văn Hùng ở huyện Lục Nam, Bắc Giang đang thu được hàng chục tỷ đồng mỗi năm nhờ tâm huyết với loài vật này.

Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Hưng Yên làm sống lại các lớp học IPM

Thời gian qua, trong khi ở một số tỉnh việc quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) bị lơ là thì Hưng Yên đã tìm cách vực dậy.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất