| Hotline: 0983.970.780

Cây điều điêu đứng

Thứ Năm 09/08/2012 , 11:08 (GMT+7)

Diện tích, năng suất điều sụt giảm nghiêm trọng khiến cả nông dân và DN đều điêu đứng vì thu nhập thấp, thiếu nguyên liệu.

Diện tích, năng suất điều sụt giảm nghiêm trọng khiến cả nông dân và DN đều điêu đứng vì thu nhập thấp, thiếu nguyên liệu. Hiệp hội Điều VN (Vinacas) đã khẩn thiết đề nghị Bộ NN-PTNT và các bộ ngành liên quan triển khai sớm chính sách khuyến nông cho cây điều…

LIÊN TỤC ĐỐN BỎ

Theo ông Nguyễn Thái Học, Chủ tịch Vinacas, 6 tháng đầu năm 2012 tổng diện tích cho sản phẩm/tổng diện tích cây điều của cả nước tiếp tục giảm, chỉ còn 315.000/355.000 ha. Năng suất điều bình quân cả nước giảm chỉ còn 8,4 tạ/ha (năm 2011 là 9,1 tạ/ha). Sản lượng thu hoạch toàn niên vụ giảm mạnh so với năm 2011, chỉ đạt trên 264.000 tấn (năm 2011 trên 301.000 tấn).

Với thực tế đáng buồn như trên, VN có nguy cơ rớt xuống hạng 4 trong số các quốc gia có diện tích và sản lượng điều thu hoạch lớn nhất thế giới (sau Ấn Độ, Bờ Biển Ngà, Braxin). Ông Học cũng cho biết, khác với mọi năm, năm nay vụ điều kéo dài từ cuối tháng 2 đến hết tháng 6. Do biến đổi khí hậu (nắng mưa thất thường, sương mù…) nên các vùng điều trọng điểm như Bình Phước, Đồng Nai mặc dù cây ra hoa nhiều, nhưng phần lớn hoa bị khô héo, tỷ lệ đậu trái chỉ đạt 30-40%.

Đặc biệt, sau cơn bão số 1 đổ bộ vào nước ta, nhiều diện tích điều bị gãy đổ, bông bị cháy đen không có khả năng đậu trái, những hạt còn lại cho thu hoạch chất lượng xấu. Chính vì thế, VN đang phụ thuộc rất lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ Châu Phi, Campuchia, Indonexia… với lượng nhập năm 2012 dự kiến lên tới 350.000 tấn (chiếm 60% lượng hàng chế biến).

Thực tế này đang đặt ra yêu cầu bức thiết là các Bộ, ban, ngành, địa phương, hiệp hội, DN, nông dân và nhà khoa học phải cùng ngồi lại xem xét một cách nghiêm túc các nguyên nhân và đề xuất các giải pháp, thực hiện ngay các chính sách về khuyến nông giúp cây điều không dần bị khai tử!

Việc phụ thuộc quá lớn vào nguyên liệu nhập khẩu khiến ngành điều không chủ động được nguồn hàng cũng như chất lượng và giá cả, gây khó khăn cho hoạt động SXKD khi thị trường có nhiều biến động. Theo Cục Chế biến thương mại NLTS & nghề muối (Bộ NN-PTNT), từ năm 2007 đến nay diện tích cây điều giảm tới trên 77.000 ha, năng suất chỉ loanh quanh ở mức dưới 1 tấn/ha. Thu nhập của người trồng thấp, mục tiêu đưa cây điều thành cây kinh tế có khả năng làm giàu vẫn còn khá xa. Điều liên tục bị đốn bỏ thay thế bởi cây trồng khác có lợi ích kinh tế cao hơn (cao su, tiêu, cà phê).

KHUYẾN NÔNG CHO ĐIỀU

Theo Vinacas, mặc dù tại “Quy hoạch tổng thể phát triển SX ngành nông nghiệp đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030” của Thủ tướng Chính phủ, đặt mục tiêu rất khả quan cho ngành điều (đến năm 2020 diện tích điều thu hoạch khoảng 350.000 ha, năng suất 2 tấn/ha, sản lượng thô 700.000 tấn, tức năng suất và sản lượng cao gấp 2,5 lần hiện nay), nhưng tất cả chỉ là lý thuyết nếu các chính sách cho cây điều, đặc biệt là chính sách khuyến nông không được sớm triển khai.

Ông Nguyễn Đức Thanh, Phó Chủ tịch Vinacas: VN tự hào xây dựng được thị trường XK nhân điều rộng lớn trên 50 quốc gia và vùng lãnh thổ, từ Á sang Âu, từ Mỹ sang Phi, nhưng buồn là diện tích và năng suất điều tại VN lại đang đi xuống. Xảy ra điều này là do vùng nguyên liệu chưa được quy hoạch ổn định, DN chế biến chưa tham gia trực tiếp đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu; đồng thời biến đổi khí hậu (BĐKH) đang khiến năng suất bình quân trên mỗi ha điều rất thấp.

Vì thế, VN cần quy hoạch và có chiến lược chính sách để phát triển vùng nguyên liệu cây điều quốc gia và ở từng địa phương gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, phải có chính sách hỗ trợ về vốn vay và lãi suất thấp cho nông dân trồng điều để duy trì và phát triển ổn định vùng nguyên liệu.

Một trong những giải pháp quan trọng cho ngành điều là gắn kết DN chế biến với vùng nguyên liệu. Cùng với Nhà nước, DN có trách nhiệm cung cấp dịch vụ, hỗ trợ, giúp đỡ nông dân về kỹ thuật, cải tạo vườn điều, chuyển giao giống tốt vào SX nhằm mục tiêu mỗi cơ sở chế biến có một vùng nguyên liệu ổn định.

Vinacas cũng đề nghị Bộ NN- PTNT tiếp tục đầu tư chương trình nghiên cứu tuyển chọn bộ giống điều cao sản, phù hợp với BĐKH. Có chủ trương, chính sách để trồng xen canh cây điều, ca cao, tăng cường kinh phí khuyến nông, chuyển giao TBKT thâm canh, BVTV cho người trồng điều. Ngoài ra, sớm hỗ trợ một số chính sách để DN tiếp cận đầu tư, phát triển vùng nguyên liệu điều tại Campuchia, Lào...

Nhằm tạo cú hích đủ mạnh, Vinacas cũng đề nghị Chính phủ triển khai hỗ trợ DN đầu tư ứng dụng SX nông nghiệp công nghệ cao. Ông Nguyễn Thái Học cho rằng, đây là chủ trương lớn của nhà nước, DN được chứng nhận ứng dụng NNCNC sẽ nhận được nhiều ưu đãi về thuế, đất đai…

Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn thiếu thông tư hướng dẫn cụ thể của các Bộ để DN ngành điều đăng ký tham gia. Nếu sớm khắc phục được điều này, việc khôi phục cây điều sẽ rất thuận lợi; đồng thời mới có cơ sở hy vọng với tới mục tiêu năng suất và sản lượng tăng 2,5 lần như Chính phủ đã đề ra.

Xem thêm
Trại cầy vòi mốc lớn nhất miền Bắc thu hàng chục tỷ mỗi năm

Gần 20 năm gắn bó với cầy vòi mốc, anh Phạm Văn Hùng ở huyện Lục Nam, Bắc Giang đang thu được hàng chục tỷ đồng mỗi năm nhờ tâm huyết với loài vật này.

Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Hưng Yên làm sống lại các lớp học IPM

Thời gian qua, trong khi ở một số tỉnh việc quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) bị lơ là thì Hưng Yên đã tìm cách vực dậy.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất