| Hotline: 0983.970.780

Cây mì "đì" cây mía

Thứ Tư 29/09/2010 , 10:37 (GMT+7)

Chưa khi nào giá củ mì cao như hiện nay. Cũng chưa khi nào giá mía "ngọt" như lúc này. Thế là ở miền Đông Nam bộ xuất hiện cuộc cạnh tranh "mía- mì" ngấm ngầm. Tuy nhiên trong “cuộc chiến” muôn thuở giữa 2 loại cây này, cây mì đang có nhiều lợi thế hơn hẳn.

Chi phí thấp, giá bán lại cao, cây sắn luôn đe dọa xâm lấn các loại cây trồng khác

Chưa khi nào giá củ mì cao như hiện nay. Cũng chưa khi nào giá mía "ngọt" như lúc này. Thế là ở miền Đông Nam bộ xuất hiện cuộc cạnh tranh "mía- mì" ngấm ngầm. Tuy nhiên trong “cuộc chiến” muôn thuở giữa 2 loại cây này, cây mì (sắn) đang có nhiều lợi thế hơn hẳn.

 Người trồng mì trúng lớn

Vào thời điểm này, nông dân ở Bến Cát (Bình Dương) đang bắt tay vào thu hoạch vụ mì ĐX. Anh Trần Quang Việt, nông dân ấp 1, xã Trừ Văn Thố, phấn khởi cho biết “Năm nay, tôi trồng 10 ha mì. Năng suất rất tốt, mỗi ha thu hoạch được 25-20 tấn. Mì loại tốt (đạt tỷ lệ tinh bột 30%), hiện đang được các NM thu mua với giá 2.000-2.100 đ/kg, mì có tỷ lệ tinh bột thấp hơn cũng bán được giá từ 1.500-1.600 đ/kg. Nhờ vậy mỗi ha, sau khi trừ chi phí khoảng gần 20 triệu đồng, lợi nhuận thu được từ 15-20 triệu đồng”. Theo anh Việt, giá mỗi kg mì năm nay cao hơn năm trước khoảng vài trăm đồng, và đây có thể nói là giá mì cao nhất từ trước tới nay ở Bến Cát. Đây là nói giá trong thời điểm này, vì trước đó, giá mì còn cao hơn nữa (2.200-2.300 đ/kg sắn tươi 30% tinh bột).

Ông Nguyễn Văn Hải, một nông dân trồng mì lâu năm ở Bến Cát cũng cho rằng năm nay, nông dân ở đây vừa trúng mùa, với năng suất trên dưới 30 tấn/ha, vừa trúng giá, nên thu lời khá hơn hằn so với những năm trước. Bản thân gia đình ông Hải năm nay trồng mì trên đất của gia đình và thuê đất trồng tới 100 ha mì, trừ chi phí, ông thu lời trên dưới 2 tỷ đồng. Đây là mức lợi nhuận mà chưa bao giờ người trồng mì ở Bến Cát có được.

Ông Lê Văn Bàng, nông dân trồng mì ở ấp 1, xã Long Thuận, huyện Bến Cầu (Tây Ninh), cho biết năng suất vụ mì năm nay ở đây cũng khá cao. Nếu trồng đủ 9 tháng mới thu hoạch, nông dân đạt bình quân 30 tấn/ha. Giá bán mì tươi loại tốt (tỷ lệ tinh bột 30%) có thời điểm lên tới 2.600-2.700 đ/kg. Những hộ nông dân thu hoạch mì đúng vào thời điểm giá lên đến mức “đỉnh” đó, đã thu lời tới khoảng 30 triệu đ/ha. Ngay cả những hộ nông dân thấy giá mì lên quá cao nên vội thu hoạch non để bán, cũng thu được khoản lời khá, dù việc thu hoạch mì non khiến họ bị giảm doanh thu 20-30% do năng suất thấp hơn và hàm lượng tinh bột cũng không thể bằng mì đủ tuổi (9 tháng).

Theo Bộ Công thương, trong 8 tháng đầu năm nay, giá xuất khẩu mì và sản phẩm từ mì đã tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước, với mức tăng lên tới 71,7%. Chưa dừng ở đó, gần đây để thu hút nguồn mì nguyên liệu từ Việt Nam, các nhà nhập khẩu Trung Quốc lại tiếp tục điều chỉnh giá mua lên thêm 6,5% đối với mì lát và 10% với tinh bột mì. Giá XK tăng, đã kéo giá mì lát và tinh bột mì nội địa tăng mạnh (giá mì lát hiện nay đang cao hơn cùng kỳ năm trước tới hơn 2.000 đ/kg). Đây là nguyên nhân chính giúp cho giá mì tươi thu mua của nông dân tăng lên đến mức kỷ lục.

Tiếp tục lấn mía?

Theo một số chuyên gia mía đường, nếu muốn giữ được diện tích mía thì phải có một chính sách giá mía một cách hợp lý, như ở Philippines chẳng hạn, nông dân Philippines thu hoạch mía xong rồi đem tới “ký gửi” ở các nhà máy. Nhà máy đem mía đó đi ép, tinh luyện thành đường, bán ra thị trường, rồi tính lại giá mía cho nông dân bằng 70% giá đường bán ra. Còn với kiểu chốt giá thu mua mía hiện nay, ngành mía đường nước ta khó mà giữ được diện tích mía trước sự xâm lấn của các cây trồng khác, nhất là cây mì.

Năm nay, mía được giá nên nhìn chung, người trồng mía ở khu vực ĐNB cũng khá phấn khởi. Ở Tây Ninh, theo ông Nguyễn Văn Quản, Trưởng phòng Trồng trọt (Sở NN- PTNT), nhờ giá mía tốt, trong vụ 2010-2011, nông dân có xu hướng mở rộng diện tích so với vụ trước. Tới thời điểm này, tuy chưa có con số chính xác, nhưng diện tích mía ở Tây Ninh niên vụ 2010-2011 được ông Quản ước tính vào khoảng 28.000-29.000 ha. Năng suất mía cũng được dự báo là sẽ tăng hơn so với niên vụ trước.

Hiện tại, ở Tây Ninh, mới chỉ có Cty CP Đường Nước Trong đã bắt tay vào thu mua mía nguyên liệu. Từ ngày 1/8 đến nay, Cty này đã thu mua được gần 60.000 tấn mía ở huyện Tân Châu. Bà Nguyễn Kim Thảo (Phòng Kinh tế - Tài vụ, Cty CP Đường Nước Trong) cho biết, giá thu mua mía tại ruộng, bao chữ đường, đang được công ty áp dụng khoảng 900.000 đ/tấn. Nếu cộng cả những khoản đầu tư mà công ty đã ứng trước cho nông dân ngay từ trước khi nông dân xuống giống mía, thì giá mua mía thực tế lên tới 1 triệu đ/tấn (mía 10 CCS).

Ông Nguyễn Văn Quản cho biết, những người trồng mía tốt ở Tây Ninh, hiện có giá thành dưới 300 ngàn đ/tấn mía. Người làm kém hơn thì giá thành cao hơn. Nhưng nếu tính bình quân, thì với giá mía 10 CCS từ 700 ngàn đ/tấn trở lên, nông dân trồng mía đã có thể sống được. Và nếu giá mì chỉ ở mức vừa phải, thì giá mía cỡ như trên có thể giúp cho cây mía giữ được chỗ đứng trước sự đe dọa của cây mì. Nhưng khi giá mì lên cao, như vừa rồi đã có lúc lên tới 2.500 đ/kg, người trồng mía đã không khỏi cảm thấy dao động. Do vậy, khả năng mì lấn lướt mía trong thời gian tới vẫn là không nhỏ. Bởi trồng mì đầu tư ít hơn, công lao động ít hơn, có thể để được lâu trên rẫy hơn trồng mía, độ rủi ro cũng thấp hơn so với cây mía ... 

Xem thêm
Nuôi trâu, bò vỗ béo gặp khó khi giá xuống thấp

Trước tình trạng giá trâu, bò thịt giảm, các hộ nuôi vỗ béo trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh điều chỉnh giảm số lượng nuôi, có hộ thậm chí tạm dừng.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Lúa đông xuân thắng lớn, giá tăng 2.000 đồng/kg so với năm trước

Lúa đông xuân năm nay tại Trà Vinh được mùa, hiện giá lúa cũng đang ở mức cao, tăng khoảng 2.000 đồng/kg so với vụ đông xuân năm trước.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.