| Hotline: 0983.970.780

Cây mía Hậu Giang

Thứ Tư 05/10/2011 , 12:24 (GMT+7)

Hậu Giang là tỉnh có diện tích trồng mía lớn nhất ĐBSCL hiện nay, với diện tích hàng năm khoảng 13.000 – 15.000 ha.

Hậu Giang là tỉnh có diện tích trồng mía lớn nhất ĐBSCL hiện nay, với diện tích hàng năm khoảng 13.000 – 15.000 ha. Trong những năm qua, ngành nông nghiệp Hậu Giang đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là về hệ thống đê bao, thủy lợi đảm bảo phục vụ sản xuất cho vùng nguyên liệu mía.

Ở Hậu Giang mía là cây trồng đã được nông dân canh tác từ lâu đời. Tuy nhiên, trước đây diện tích và năng suất mía không ổn định do chưa được đầu tư đúng mức và đầu ra bấp bênh. Từ năm 2003 đến nay, nhờ được sự quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, chuyển giao khoa học kỹ thuật, đầu tư lao động, thâm canh của nông dân, cùng với sự phối hợp của các doanh nghiệp mía đường nên diện tích mía của tỉnh đã tăng mạnh, lên đến 13.000-15.000 ha/năm.

Năng suất và chất lượng mía cũng được nâng cao (có nhiều hộ đạt năng suất 200 tấn/ha), duy trì sản lượng hàng năm trên 1 triệu tấn mía cây. Trong niên vụ mía 2010-2011, diện tích mía của tỉnh là 13.063 ha, năng suất bình quân 82,6 tấn/ha, sản lượng gần 1,1 triệu tấn. Trong đó, tập trung nhiều nhất là ở huyện Phụng Hiệp và thị xã Ngã Bảy với tổng diện tích lên đến 9.600 ha, chiếm trên 73% diện tích trồng mía của tỉnh. Còn lại trồng rải rác ở huyện Long Mỹ, Vị Thủy và thành phố Vị Thanh.

Theo tính toán của các hộ trồng mía, chi phí bình quân sản xuất mía niên vụ 2010-2011 ở mức từ 600-700 đồng/kg. Giá mía năm rồi các nhà máy thu mua ở mức từ 1.000-1.200 đồng/kg nên nông dân lãi 40-50%. Niên vụ 2011-2012, diện tích mía của Hậu Giang tăng thêm 650 ha, nâng tổng diện tích toàn tỉnh lên 13.747 ha, dự kiến năng suất đạt từ 85-95 tấn/ha, sản lượng 1,2-1,3 triệu tấn. Các giống mía được nông dân trồng chủ yếu trong niên vụ này là ROC 16, ROC 18, ROC 13, ROC 11, ROC 22, QĐ 13, QĐ 11, QĐ 16, Suphanburi 7, K94- 2483, QĐ 11, QĐ 13, DLM 24, VD 86 - 368…

Cây mía đang phát triển tốt, các Công ty mía đường trong tỉnh đang thực hiện hợp đồng bao tiêu sản phẩm với người trồng mía, với giá sàn là 800 đ/kg (cân tại cầu cảng nhà máy). Tuy nhiên, so với công suất hiện có của 3 nhà máy trên địa bản tỉnh (khoảng 8.500 tấn mía cây/ngày) thì sản lượng mía nguyên liệu các nhà máy cần lên đến 1,7 triệu tấn mía cây/năm. Do vậy, lượng mía của tỉnh mới chỉ đáp ứng được khoảng 60-70% công suất. Để đáp ứng 100% công suất của các nhà máy thì tỉnh Hậu Giang cần phải mở rộng diện tích trồng mía lên thêm ít nhất là 5.000 ha nữa.

Một thuận lợi đối với nông dân trồng mía ở Hậu Giang là được ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm nên yên tâm đầu tư sản xuất. Trong những năm qua, các Cty mía đường trên địa bàn tỉnh đã ký hợp đồng tiêu thụ cho khoảng 70-80% diện tích trồng mía của nông dân, riêng đối với những vùng nguyên liệu tập trung đạt trên 95%. Niên vụ mía 2011-2012, trên 80% diện tích trồng mía của tỉnh đã được các Cty mía đường triển khai ký hợp đồng tiêu thụ.

Tuy nhiên, do điều kiện tự nhiên đặc thù của Hậu Giang là vùng trũng, một số diện tích phải thu hoạch chạy lũ nên nông dân thường thu hoạch sớm cho ăn chắc. Nắm bắt được yếu tố này, nhiều thương lái thường tập trung đến Hậu Giang để mua mía sớm, dẫn đến cạnh tranh trong thu mua. Theo thống kê, toàn tỉnh hiện còn khoảng 1/4 diện tích sản xuất mía hàng năm chưa được đầu tư đê bao hoàn chỉnh, nên lũ hằng năm làm ảnh hưởng rất lớn đến việc sản xuất mía, nhất là về chất lượng mía do một số diện tích phải thu hoạch sớm.

Để phát triển sản xuất mía ổn định và bền vững, tạo sự an tâm cho người trồng mía, các Cty mía đường nên phối hợp với ngành nông nghiệp để đầu tư cơ sở hạ tầng, kỹ thuật và có các chính sách đầu tư (giống, vật tư…), hợp đồng thu mua cụ thể để ổn định lâu dài cho vùng nguyên liệu. Đồng thời, đẩy mạnh công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật, tuyển chọn, chuyển đổi giống mới có năng suất và chữ đường cao, thực hiện các chính sách hỗ trợ, khuyến khích sản xuất để diện tích và năng suất ngày càng tăng.

Thực tế việc sản xuất và cung cấp giống mía mới trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu. Đa số bà con nông dân vẫn phải tự để giống là chính, dẫn đến việc một tiểu vùng canh tác nhỏ nhưng lại có nhiều giống mía khác nhau, gây khó khăn trong khâu thu hoạch và độ đồng đều về chất lượng mía.

Trong sản xuất, từ khâu xuống giống cho đến thu hoạch chủ yếu vẫn dùng lao động thủ công là chính làm chi phí bị đội lên cao. Phương tiện vận chuyển còn hạn chế làm tốn nhiều thời gian, công sức khiến cho chi phí sản xuất tăng, chất lượng mía giảm. Nhìn chung, tình hình sản xuất mía đường của tỉnh vẫn thiếu biền vững: chất lượng giống mía chậm được cải thiện, chữ đường thấp, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu, sự gắn kết lợi ích giữa doanh nghiệp - thương lái - nông dân chưa chặt chẽ.

Để đảm bảo phát triển ngành mía đường ở Hậu Giang, trước hết cần phải tổ chức lại hệ thống sản xuất cho phù hợp, qui hoạch mở thêm diện tích và đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ cho vùng chuyên canh mía. Trong đó, ưu tiên phát triển những vùng nguyên liệu có năng suất, chất lượng cao, đủ sức cạnh tranh.

Ngành nông nghiệp cần phối hợp với các viện, trường, doanh nghiệp mía đường để chuyển giao kỹ thuật canh tác mía tiên tiến, đưa các giống mới phù hợp với điều kiện sản xuất ở từng địa bàn, xây dựng các mô hình thâm canh mía đạt năng suất, chất lượng cao và giảm chi phí sản xuất, đồng thời đẩy mạnh công tác khuyến nông cho người trồng mía. Về lâu dài cần đầu tư xây dựng Trung tâm giống mía để thực hiện công tác nghiên cứu, nhân giống mía phục vụ cho sản xuất.

Các Cty mía đường cần chủ động xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển vùng nguyên liệu theo diện tích qui hoạch đã được duyệt, đồng thời có các chính sách hỗ trợ nông dân. Cần tập trung đầu tư hỗ trợ cung ứng giống mía mới, vật tư phục vụ sản xuất, cho nông dân vay vốn không tính lãi, bảo hiểm giá mua mía, xây dựng kế hoạch đốn chặt khoa học nhằm giúp bà con yên tâm sản xuất.

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Lúa đông xuân thắng lớn, giá tăng 2.000 đồng/kg so với năm trước

Lúa đông xuân năm nay tại Trà Vinh được mùa, hiện giá lúa cũng đang ở mức cao, tăng khoảng 2.000 đồng/kg so với vụ đông xuân năm trước.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.

Bình luận mới nhất