| Hotline: 0983.970.780

'Cây tỉ đô' bị hắt hủi

Thứ Ba 19/05/2015 , 06:15 (GMT+7)

Là một trong 10 sản phẩm nông sản XK chủ lực của Việt Nam (VN), nhưng cây sắn vẫn đang bị hắt hủi khi gần như trống chính sách. 

Trong khi đó, vấn đề năng suất, canh tác, SX sâu sau chế biến vẫn vấp phải những hạn chế lớn.

Tại hội nghị phát triển cây sắn bền vững do Bộ NN-PTNT tổ chức diễn ra hôm qua (18/5), nhiều ý kiến từ các địa phương, DN, hiệp hội đã bày tỏ sự ái ngại về thực trạng ngành SX sắn.

Theo số liệu của Bộ Công thương, năm 2014, kim ngạch XK sắn của VN đạt trên 1,14 tỉ USD, đứng thứ 2 thế giới (sau Thái Lan) về XK sắn. Với tốc độ tăng kim ngạch XK trên 8,4%, đến năm 2014, sắn đã trở thành cây trồng chủ lực của nước ta.

Những tháng đầu năm 2014, XK sắn tiếp tục ghi nhận những tín hiệu tích cực với kim ngạch XK quý I năm 2015 đạt 1,37 triệu tấn, giá trị 420 triệu USD, tăng tới 24% so với cùng kỳ năm trước về khối lượng và 22,7% về giá trị…Trong khi quy mô và tốc độ tăng trưởng của cây sắn ngày càng tăng mạnh thì điều đáng buồn về SX trong nước, đó là năng suất sắn của VN vẫn đang thuộc diện thấp của thế giới.

Theo Cục Trồng trọt đến năm 2014, diện tích sắn của cả nước đạt trên 55 nghìn ha, trong đó, Tây Nguyên và trung du miền núi phía Bắc là hai vùng có diện tích sắn lớn nhất (lần lượt là 152 nghìn ha và 118 nghìn ha) thì đây đều là vùng có năng suất sắn thấp tệ hại, có tỉnh chỉ đạt từ 12-15 tấn/ha. Tính trung bình cả nước, năng suất sắn của VN mới chỉ đạt khoảng 19 tấn/ha, thua xa so với Thái Lan và Indonesia.

Giải mã thực trạng này, nhiều ý kiến cho rằng đến nay, cây sắn vẫn là cây trồng bị chỉ trích, hắt hủi, thiếu quan tâm trong việc đẩy mạnh KH-CN trong canh tác cây sắn đang là nguyên nhân khiến năng suất sắn của VN quá thấp.

Ông Vương Quốc Thới, GĐ Sở NN-PTNT Tây Ninh nêu thực trạng, hiện nay cả nước có hàng chục tỉnh SX sắn với diện tích lớn, nhưng gần như chỉ có Tây Ninh là địa phương dành nhiều chính sách quan tâm cho cây sắn, một phần bởi đây là địa bàn có nhiều NM chế biến sắn nhất nước.

Tây Ninh cũng là địa bàn có diện tích tăng đều liên tục, đến nay đã chiếm trên 15% tổng diện tích sắn cả nước, và đây cũng là địa bàn có năng suất cao nhất nước với mức bình quân trên 35 tấn/ha, trong đó các diện tích sắn có tưới, có đầu tư chăm bón có thể đạt từ 50 -70 tấn/ha là bình thường.

 “Thực tế tại Tây Ninh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu cho thấy, các diện tích sắn có tưới, có áp dụng quy trình chăm bón năng suất có thể đạt tới 80, thậm chí 100 tấn/ha, nông dân trừ tất cả chi phí lãi từ 40 - 60 triệu đồng là không có gì khó khăn”, ông Thới cho biết.

Ông Lưu Quang Thái, Chủ tịch Hiệp hội Nhiên liệu sinh học VN cũng cho rằng, tuyệt đại bộ phận dân Tây Nguyên, miền Trung và trung du miền núi phía Bắc hiện nay trồng sắn ra theo kiểu “phủ xanh đất trống”, được chăng hay chớ. Họ muốn đầu tư cũng chịu, bởi chỉ có người nghèo mới trồng sắn, ăn còn không đủ lấy đâu ra vốn đầu tư?

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát thì cho rằng, bên cạnh hạn chế về thâm canh, chất lượng giống sắn của VN cũng cần xem xét. Theo Bộ trưởng, diện tích sắn của Ấn Độ gấp nhiều lần VN, trải rộng trên nhiều địa bàn, nhưng năng suất của họ trung bình đạt trên 34 tấn/ha, cao hơn VN rất nhiều, trong khi không thể nói toàn bộ nông dân Ấn Độ trồng sắn đều có thâm canh?

Theo Bộ trưởng, những năm gần đây, VN đã có nhiều giống sắn như KM 94, KM 98, HL 11… có năng suất rất cao, tuy nhiên thời gian tới, cần tiếp tục nghiên cứu thêm các giống sắn mới trên cơ sở hợp tác với các nước, trong đó sẽ giao các đơn vị NK các nguồn vật liệu giống từ Ấn Độ để tiếp tục nghiên cứu các giống mới.

Về vấn đề canh tác, Bộ trưởng Phát cho rằng thực tế thời gian qua, bên cạnh nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm trên sắn như chổi rồng, tình trạng thoái hóa đất, xói mòn do canh tác sắn thiếu bền vững vẫn đang xẩy ra trên thực tế. Vì vậy, việc nâng cao năng suất sắn gắn với phát triển bền vững có tính sống còn cho ngành sắn VN. 

Trong đó, việc gấp rút áp dụng giải pháp thâm canh, trồng sắn có tưới là hết sức cần thiết. Việc hỗ trợ các mô hình tưới tiết kiệm, các địa phương có thể vận dụng theo Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg của Chính phủ. Bộ trưởng cũng đồng ý bổ sung cơ chế hỗ trợ dành cho các thiết bị phục vụ trong ngành SX chế biến sắn.

Tại hội nghị, nhiều ý kiến của các DN cũng phản ánh bức xúc về việc hiện nay, ngành TN-MT bắt buộc áp dụng tiêu chuẩn nước thải đối với các NM chế biến sắn phải đạt loại A, gây rất nhiều khó khăn cho SX.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Cao Đức Phát đề nghị giao Vụ KH-CN&MT phối hợp với các đơn vị liên quan và các DN sớm làm việc với Bộ TN-MT để làm sao giảm chỉ tiêu nước thải, bớt chi phí đầu tư cho DN. 

Theo Bộ trưởng, chế biến sắn có đặc thù riêng nên không thể yêu cầu nước thải phải đạt loại A được, nên chăng chỉ nên áp dụng loại B, hay tiêu chuẩn trên loại B nhưng cứ đạt như nước ngoài sông, ngoài môi trường tại các vùng xung quanh đó thế nào thì cho phép thải ra như thế là được.

Tại hội nghị, Hiệp hội Nhiên liệu sinh học VN cho biết, theo lộ trình của Chính phủ đến năm 2016, xăng sinh học E5 và E10 phải được tiêu thụ trên phạm vi cả nước, tuy nhiên đến nay tỉ lệ tiêu thụ xăng sinh học gần như không đáng kể. 

Trong khi đó tại Trung Quốc và nhiều nước khu vực như Philippines, Thái Lan... do có nhiều chính sách ưu đãi nên việc tiêu thụ xăng sinh học đã tăng chóng mặt.

Điều này đã thúc đẩy giá sắn tăng rất mạnh thời gian qua, khiến các NM SX cồn phục vụ SX xăng sinh học tại VN đang rất khó khăn. Hiện tại, trong số 7 NM SX cồn, chỉ có 2 NM hoạt động cầm hơi, còn lại đã đóng cửa.

Nguyên nhân cơ bản dẫn tới tình trạng này là Nhà nước vẫn cho lưu hành song song giữa xăng Mogas và xăng sinh học, trong khi DN kinh doanh xăng dầu không dại gì lao vào đầu tư bán xăng sinh học bởi chi phí bảo quản, đầu tư bồn, xe vận chuyển, còn người tiêu dùng thì đã quen với xăng Mogas.

 

Xem thêm
Một con bò có thể tạo ra 2 tỷ điểm dữ liệu trong suốt cuộc đời

Theo các chuyên gia ngành chăn nuôi Mỹ, ứng dụng công nghệ gen đóng vai trò quan trọng trong nhân giống bò sữa, giúp tối đa hóa tiến bộ di truyền.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm