| Hotline: 0983.970.780

Cây trồng chịu điều kiện khắc nghiệt

Thứ Tư 30/11/2011 , 11:12 (GMT+7)

I- Bài toán gốc ghép cho vùng ngập mặn

Theo các nhà khoa học thì Việt Nam là một trong những quốc gia bị tác động mạnh của hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu. Ngành nông nghiệp sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, rất khó đối phó và khắc phục trong một thời gian ngắn.

Đứng trước vấn đề đất bị nhiễm mặn đang gia tăng diện tích hằng năm ở Nam bộ, gần đây các Viện, Trường đã bắt tay vào nghiên cứu các loại cây trồng chống chịu được mặn trên những vùng đất này. Theo đó, việc thanh lọc gốc ghép chịu mặn đối với cây trồng đang là mối quan tâm của nhiều quốc gia có đất bị nhiễm mặn. Xuất phát từ tình hình thực tế, từ năm 1999 - 2000 Viện NC cây ăn quả miền Nam (SOFRI) đã bắt đầu có những nghiên cứu về thu thập và thanh lọc những dòng/giống cây có múi địa phương chống chịu được những điều kiện bất lợi của môi trường như: mặn, ngập và hạn để làm gốc ghép cho những giống thương phẩm.

Viện NC cây ăn quả miền Nam đã triển khai 2 đề tài trọng điểm cấp Bộ là: Nghiên cứu đánh giá và lựa chọn một số tổ hợp ghép thích hợp của cây có múi và xoài trong điều kiện mặn và ngập ở vùng ĐBSCL và Đề tài nghiên cứu chọn lọc gốc ghép cây có múi chống chịu điều kiện hạn và phèn ở vùng ĐBSCL. Theo đó, hơn 30 dòng/giống cây có múi được thu thập từ một số tỉnh ở ĐBSCL, miền Đông Nam bộ và Huế cùng với hai gốc ghép nhập nội là Cleopatra mandarin, Carizo citrange.

Thí nghiệm thanh lọc mặn tiến hành theo phương pháp của Sykes (1985) ở C.S.I.R.O., Merbein, Úc. Hàng ngày tưới mặn với nồng độ muối như trên, thời gian tưới mặn là 30 phút/ngày, liên tục trong 60 ngày thì kết thúc qui trình xử lý mặn. Kết quả các giống bưởi Bồng, bưởi đường hồng, bưởi Bung và bưởi Sảnh có khả năng chống chịu mặn ở nồng độ 8%o trong thời gian 60 ngày. Công tác nghiên cứu tiếp đánh giá khả năng tiếp hợp của các gốc ghép chống chịu mặn với các giống cây có múi thương phẩm nhằm mục đích loại bỏ những tổ hợp ghép không tương hợp vì chúng sẽ cho sinh trưởng, phát triển kém và tuổi thọ giảm sau khi trồng. Ngoài ra, Viện đã sử dụng phương pháp ghép trao đổi vòng vỏ giữa cây gốc ghép và cây mắt ghép trong điều kiện nhà lưới thì có thể sàng lọc một lượng lớn gốc ghép và chỉ cần 12 tháng là có thể cho kết quả tương tự ngoài đồng. Kết quả nghiên cứu cho thấy 5 dòng/giống cây múi chịu mặn đã tiếp hợp tốt với các giống bưởi thương phẩm là bưởi da xanh và bưởi Năm Roi. Các giống cây có múi chịu mặn được chọn lọc làm gốc ghép là các giống bưởi địa phương nên tất cả là đơn phôi, do đó nếu sử dụng hạt các giống này để làm gốc ghép thì cây con có thể không mang được những đặc tính của cây mẹ. Vì vậy thí nghiệm được thực hiện để xác định “Ảnh hưởng của các nồng độ NAA đến sự ra rễ và sinh trưởng cành giâm của các giống cây múi làm gốc ghép”.

Kết quả thí nghiệm cho thấy, sử dụng NAA ở nồng độ 1.500 ppm (phần triệu) đã giúp cành giâm của 5 giống bưởi có tỷ lệ cành ra rễ đạt trên 70%. Hai mô hình các tổ hợp ghép chịu mặn đã được trồng tại 2 tỉnh Tiền Giang và Bến Tre từ năm 2008 - 2009 nhằm chọn ra được tổ hợp ghép tốt nhất cho sinh trưởng, năng suất và phẩm chất quả trong điều kiện mặn của vùng ĐBSCL. Kết quả bước đầu cho thấy các tổ hợp ghép cây có múi đều sinh trưởng và phát triển tốt và chống chịu được độ mặn trên 8%o trong điều kiện thực tế của đợt mặn 2009 - 2010, trong đó nổi bật là tổ hợp bưởi da xanh ghép trên gốc ghép Sảnh có sức sinh trưởng mạnh nhất.

Song song đó, Viện NC cây ăn quả miền Nam cũng đã tiến hành nghiên cứu thanh lọc mặn trên 8 giống xoài địa phương và nhập nội: Xoài Canh Nông, xoài Châu Hạng Võ, xoài cát Hoà Lộc, xoài cát Chu, xoài 13-1, xoài ghép xanh, xoài Thanh Ca, xoài thơm. Qua kết quả khảo nghiệm trong điều kiện nhà lưới và ngoài đồng (Bình Đại - Bến Tre), cho thấy 3 tổ hợp ghép xoài 13-1, xoài Châu Hạng Võ và xoài ghép xanh ghép trên mắt ghép xoài cát Hòa Lộc và xoài cát Chu chống chịu mặn tốt ở nồng độ mặn 13%o.

Biến đổi khí hậu cũng gây hiện tượng khô hạn kéo dài, dẫn đến thiếu nước tưới trầm trọng cho cây trồng nói chung và cây ăn quả nói riêng. Trước tình hình đó, Viện đã tiến hành thanh lọc hơn 30 dòng/giống cây có múi địa phương để tìm ra được loại gốc ghép chống chịu hạn. Kết quả bước đầu cho thấy bưởi Thanh Trà, bưởi Biên Hòa, bưởi Trúc là những giống chống hạn tốt trong điều kiện thí nghiệm. Các mô hình tổ hợp ghép cây có múi chịu hạn cũng đã được trồng ngoài đồng tại Tiền Giang và An Giang để đánh giá mức độ chịu hạn trong điều kiện thực tế. Song song công tác chọn lọc các dòng/giống cây có múi trong quần thể tự nhiên để làm gốc ghép thì công tác lai tạo để chọn lọc được dòng chống chịu mặn cũng đã và đang được thực hiện tại Viện NC cây ăn quả miền Nam. Kết quả bước đầu đã lai tạo được hơn 10 con lai có khả năng chống chịu được mặn ở nồng độ 8%o. Các công việc nghiên cứu tiếp theo đang được triển khai.

Biến đổi khí hậu đã có những tác động tiêu cực đối với sản xuất nông nghiệp nói chung và cây ăn quả nói riêng. Viện NC cây ăn quả miền Nam đã có những kết quả nghiên cứu bước đầu trong việc chọn tạo dòng/giống cây ăn quả chống chịu những điều kiện bất lợi của môi trường mặn và hạn ở khu vực ĐBSCL.

Xem thêm
Hơn 300 đại lý tham gia Hội nghị khách hàng Japfa Việt Nam

Ngày 28/3, Hội nghị khách hàng khu vực miền Bắc của Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam (Japfa Việt Nam) được tổ chức tại Vĩnh Phúc với chủ đề 'Đồng kiến tạo giá trị'.

Đề xuất không xử phạt hành chính thuốc thú y chưa kịp công bố hợp quy

Bộ NN-PTNT đề xuất Chính phủ không xử phạt thuốc thú y đã được cấp chứng nhận lưu hành nhưng chưa thực hiện công bố hợp quy từ ngày 14/2/2024 đến ngày 31/5/2025.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất