| Hotline: 0983.970.780

Nông nghiệp công nghệ cao giữa biển Đông

Cây trồng, vật nuôi đa dạng

Thứ Tư 11/06/2014 , 09:15 (GMT+7)

Sự thay đổi dễ thấy nhất tại Trường Sa hôm nay là đảo nào cũng rực rỡ những sắc hoa của đất liền. 

Trao đổi về dự án “SX thử nghiệm một số giống cây trồng vật nuôi ở quần đảo Trường Sa”, TS Ngô Quang Vinh, Phó Viện trưởng Viện KHKT nông nghiệp miền Nam cho biết: “Mục tiêu của DA là SX thử nghiệm và bước đầu phát triển một số loại rau trong nhà kính và vòm kính (hoặc lưới), một số vật nuôi bằng các giống địa phương hoặc địa phương lai trên 3 đảo nổi, 4 đảo chìm”.

Muôn hoa khoe sắc giữa trùng khơi

Sự thay đổi dễ thấy nhất tại Trường Sa hôm nay là đảo nào cũng rực rỡ những sắc hoa của đất liền. Đảo Sinh Tồn có nhiều hoa giấy, hoa xương rồng, đảo Sơn Ca có hàng nghìn cây hoa cúc, hoa bướm. Đặc biệt tại đảo Song Tử Tây và đảo Trường Sa Lớn có hàng trăm giò phong lan khoe sắc.

TS Ngô Quang Vinh cho biết, các đảo nổi đều đã có cây xanh đạt tỷ lệ che phủ cao. Tuy nhiên chỉ toàn là những cây cho bóng mát vì không gian trồng cây có hạn, nếu trồng được những cây đa dụng thì sẽ hiệu quả hơn. DA đưa ra đảo thử trồng các loại cây ăn quả như dừa, xoài, mít.

Đặc biệt, đảo Trường Sa Lớn đề nghị giúp thử trồng tre gai để cán bộ chiến sĩ được thấy hình ảnh quê hương qua những rặng tre, đồng thời tre gai còn có tác dụng hữu ích trong quốc phòng. DA cũng thử nghiệm trồng một số loại hoa có khả năng chịu hạn tại đảo.

Năm 2012, các loại hoa giấy, hoa sống đời, hoa xương rồng và hoa cúc vàng Đà Lạt đã trồng thành công tại Trường Sa. Năm 2013, DA đưa ra trồng tiếp 20 chậu hoa giấy, 20 chậu xương rồng cảnh, 20 chậu cây sống đời, 20 chậu cây sứ Thái, 20 chậu cây đuôi lươn, 20 chậu cây lưỡi cọp, 10 chậu cây lược vàng, 10 chậu cây đại tướng quân và 5 gói hạt hoa cúc vàng.

Năm 2014, đáp ứng nguyện vọng của bộ đội, DA đã đưa ra đảo đợt 1 gồm 200 giò hoa phong lan, nhiều loại giống hoa khác, sắp gửi tiếp đợt 2 hơn 200 giò phong lan nữa.

Thượng tá Nguyễn Mạnh Cường, Chỉ huy trưởng đảo Song Tử Tây chia sẻ, nguyện vọng của cán bộ chiến sĩ là trồng nhiều hoa tươi để làm đẹp đảo và nâng cao đời sống tinh thần.

Ngoài cung cấp các giống rau, DA cũng gửi theo tàu ra đảo nhiều giống hoa và hướng dẫn cách ươm trồng tại đảo. Cuối tháng 4 năm nay, hàng trăm giò phong lan đã được DA gửi ra, không chỉ quân dân sinh sống, công tác trên đảo mà các đoàn khách từ đất liền ra cũng vô cùng thích thú.

Nhằm đa dạng hóa cây trồng tại Trường Sa, DA đã trồng thử nghiệm một số cây đa dụng, gồm 107 cây tre, dừa, xoài, mít, xương rồng Nopal và cây thanh long tại Trường Sa Lớn và Song Tử Tây.

Tại đảo Trường Sa Lớn, các loại cây chỉ sống được đến tháng 12/2012, sau đó do bị hơi muối mặn đã không chịu nổi và chết dần, chỉ còn lại 2 cây dừa và 2 cây thanh long. Tại Song Tử Tây còn lại 3 bụi tre, 5 cây dừa, 2 cây xương rồng Nopal.

Năm 2013, DA đưa tiếp dừa, tre, xương rồng và sa kê ra trồng thử tiếp, cho đến nay các loại cây mới trồng nói trên vẫn đang sống tốt. Những cây trồng này không chỉ có tác dụng che bóng mát mà còn cho quả ăn chín hoặc ăn xanh như rau. Riêng tre vừa mang hình ảnh làng quê Việt Nam ra đảo vừa có tác dụng cho măng và góp phần tích cực làm rào chắn bảo vệ đảo.

Bò lai Sind cũng bám đảo

TS Ngô Quang Vinh tâm sự, DA phát triển cây trồng, vật nuôi cho các đảo góp phần làm phong phú thêm đời sống vật chất, tinh thần chiến sỹ nơi tuyến đầu, vừa là tình cảm vừa là trách nhiệm của ngành NN-PTNT đối với Trường Sa nói riêng và sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung.

TS Ngô Quang Vinh cho biết, ở tất cả các đảo nổi của Trường Sa đều trồng rau, nuôi lợn, gà, vịt, ngan, chó; đặc biệt đảo Song Tử Tây còn nuôi cả bò. Các đảo chìm, nhà giàn cũng trồng rau, nuôi chó và gà vịt.

Tuy nhiên, kết quả SX chưa đáp ứng được yêu cầu, vào mùa khô lượng rau xanh khá đầy đủ còn mùa mưa chỉ đạt 20 - 30% nhu cầu, nguồn thịt, trứng tại chỗ chỉ đạt khoảng 30% nhu cầu dinh dưỡng.

Căn cứ vào điều kiện thực tế tại đảo và nguyện vọng của cán bộ chiến sỹ, DA giúp các đảo phát triển chăn nuôi theo hướng sau: Ở tất cả các đảo nổi đều phát triển gia cầm, trong đó 50% nuôi vịt lấy trứng, 50% nuôi gà và ngan thịt.

Gà và ngan phát triển bình thường, vịt có yêu cầu lựa chọn giống thích hợp. DA phát triển các giống hiện có, nhân và phổ biến ra các đảo và nuôi thử thêm các giống khác để chọn giống tốt nhất.

19-16-46-213201052
Nuôi bò lai Sind ở đảo Song Tử Tây

Đảo Song Tử Tây có thể phát triển và duy trì thường xuyên 1 đàn bò thịt khoảng 20 - 25 con. Vì vậy, cần trồng thêm cỏ và chế biến làm thức ăn mùa khô. Ở đây đã có đàn lợn, nên duy trì ở mức độ khoảng 20 - 30 con lợn thịt thường xuyên. Giống lợn địa phương thích hợp khí hậu đảo và khả năng sinh sản tốt.

"Trong tương lai, nhu cầu rau xanh, thịt, trứng tươi trong quần đảo sẽ rất lớn, đó là khi các âu tàu ở Song Tử Tây đưa vào hoạt động và khu dịch vụ khai thác hải sản biển Đông (đảo Đá Tây) phát triển, tấp nập tàu thuyền đánh cá của ngư dân ra vào. DA thành công, việc tiếp nối, mở rộng trong các giai đoạn sau sẽ giúp toàn bộ 21 đảo tự túc được phần lớn thực phẩm tươi sống", TS Ngô Quang Vinh.

Đảo Trường Sa Lớn có nhu cầu và nên được giúp đỡ để phát triển đàn lợn thịt (lai giữa lợn rừng với lợn nhà), duy trì ở mức 60 - 70 con lợn thịt. Đảo Sinh Tồn cũng có nhu cầu và cần được giúp đỡ để phát triển đàn lợn nội có sức sống mạnh và khả năng nhân đàn tốt. Quy mô 20 - 30 con lợn thịt thường xuyên. Các vấn đề về kỹ thuật và thức ăn cần được phổ biến hướng dẫn cho bộ đội.

Năm 2012, DA đã đưa ra 4 con bò lai Sind, gồm 1 bò đực, 3 bò cái ra nuôi thử tại Song Tử Tây. Đến nay, bò sinh trưởng phát triển rất tốt, trọng lượng mỗi con có thể đến 300 - 350 kg, tăng đàn và mỗi năm sinh thêm được 3 - 4 con bê.

Chiến sĩ Võ Hoàn Vinh, phụ trách chăn nuôi đảo Song Tử Tây khoe, bò lai Sind thích nghi rất tốt với đảo, không bị mắc bệnh. Mùa mưa nhiều cỏ, bò chỉ cần ăn cỏ. Mùa khô hiếm cỏ, bò ăn thức ăn thừa, các loại lá cây và các loại thùng carton, bao bì... nhưng vẫn béo khỏe không khác gì nuôi tại các trang trại hiện đại trong đất liền. Đàn bò của đảo duy trì ở mức trên dưới 10 con để phù hợp với khuôn khổ nhỏ hẹp của đảo.

Ngoài những vật nuôi quen thuộc để lấy thịt, trứng tại các đảo như lợn, gà, vịt, DA cũng đưa 5 con ngỗng ra đảo Song Tử Tây, vừa có 3 chú ngỗng con được ấp nở.

Từ thực tế SX, chăn nuôi tại các đảo cho thấy DA đang góp phần tự túc được một phần rau xanh, thực phẩm và cải tạo cảnh quan tại một số đảo. Đại tá Bùi Hải Phước, Phó Lữ đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Lữ đoàn 146 đánh giá, DA góp phần giúp cho bộ đội SX tự túc được rau xanh, thịt, trứng ngay tại chỗ.

Giá trị nhất của các loại thực phẩm này là tươi, sống. Nó giúp bữa ăn thêm ngon hơn, đảm bảo sức khỏe tốt hơn, thay vì phải ăn đồ hộp, nâng cao khả năng luyện tập, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ đảo. Việc trồng thêm cây lâu năm góp phần làm cho đảo thêm xanh thêm đẹp. Trồng rau hoa trong nhà kính cũng làm cho đảo đẹp hơn, hiện đại hơn. Lối canh tác mới không dùng phân tươi, nước tiểu như hiện nay cũng góp phần bảo vệ môi trường vệ sinh, văn minh hơn.

Xem thêm
Hơn 300 đại lý tham gia Hội nghị khách hàng Japfa Việt Nam

Ngày 28/3, Hội nghị khách hàng khu vực miền Bắc của Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam (Japfa Việt Nam) được tổ chức tại Vĩnh Phúc với chủ đề 'Đồng kiến tạo giá trị'.

Đề xuất không xử phạt hành chính thuốc thú y chưa kịp công bố hợp quy

Bộ NN-PTNT đề xuất Chính phủ không xử phạt thuốc thú y đã được cấp chứng nhận lưu hành nhưng chưa thực hiện công bố hợp quy từ ngày 14/2/2024 đến ngày 31/5/2025.

Giá ớt giảm mạnh, nông dân không buồn thu hoạch

QUẢNG NGÃI Dù mới bước vào đầu vụ nhưng giá ớt giảm mạnh. Bên cạnh đó, một số diện tích sụt giảm năng suất khiến nông dân đứng trước nguy cơ thua lỗ, không buồn thu hoạch.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất