| Hotline: 0983.970.780

Cha ruột và cha dượng

Chủ Nhật 23/04/2017 , 08:35 (GMT+7)

Cha tôi sinh ra trong gia đình nghèo. Tuổi trẻ cụ không được học, lớn lên trong cảnh nước mất, đói rét, hoạn nạn, cùng cực đau khổ...

Giác ngộ lòng yêu nước, căm thù giặc, cha tôi tham gia các tổ chức yêu nước: Hội Thanh niên, Hội Nông dân cứu quốc, gia nhập các tổ chức kháng chiến, rào làng chiến đấu. Ông thỉnh thoảng phải đi với người chú tới vùng khác trong vai “thợ mộc”, tránh sự theo dõi của bọn Việt gian, mật thám. Ban đêm, ông dự lớp “Bình dân học vụ”, biết chữ, tham gia cách mạng. Một đảng viên đã hy sinh cho lý tưởng cộng sản của Đảng.

09-36-35_trng-35
Ảnh mang tính minh họa

Năm 1944, hưởng ứng lời kêu gọi của Bác Hồ, cha tôi tham gia luyện tập, chỉ huy Đội Tự vệ cảm tử xã, được phân công phụ trách Trung đội dân công hỏa tuyến, tham gia “Chiến dịch Bình Trị Thiên” (1949-1950). Lúc làm nhiệm vụ trong vùng nguy hiểm, đèo cao, mang vác nặng, bị địch bao vây, cha tôi đã anh dũng hy sinh tại Chiến khu Hòa Mỹ- là địa phương được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân hai lần.

Do điều kiện chiến tranh ác liệt, việc xác minh gặp nhiều khó khăn trở ngại, nhiều nhân chứng cũng đã hy sinh, mãi tới năm 1983, sau 33 năm mới hoàn tất thủ tục cấp bằng “Tổ quốc ghi công”.

Đi tham gia cách mạng, cụ để lại “giọt máu” duy nhất. Nhưng rất tiếc tôi không được biết nhiều về cha mình. Năm 1993, tại Tp. Hồ Chí Minh, đêm yên ắng, một giấc mơ đẹp, người cha thân yêu bất chợt trở về: Dáng cha cao lớn ô kìa/ Quần nâu áo lụa, bước đi ngoài thềm/ Không đâu, ánh sáng xuyên đêm/ Một ông Tiên nhỏ dường quên đường về.

Thế rồi, 30 ngày nghỉ phép giúp tôi qua hàng ngàn cây số, vượt hàng trăm đồi dốc, suối lũ, mưa dầm… Đi tìm liệt sĩ -đồng chí - người cha. Trời thương, tôi đã được gặp cha: Tấm ni lông dành che hài cốt/ Con tìm cha mò đáy biển tìm vàng/ Tay đồng chí nâng niu đồng chí/ Cơn mưa rừng trào khóe mắt rưng rưng.

Đi tìm cha nằm lại ở chiến trường xa, sau gần nửa thế kỷ là điều không tưởng. Thần may mắn đến với tôi. Nếu không được đồng chí Thắng, Phó chủ tịch xã cho tá túc, ăn nghỉ, tận tình chu đáo dẫn đưa thì tôi sẽ đuối sức. Nếu cụ Khanh 86 tuổi, không còn minh mẫn để nhớ lại đã từng tham gia chôn chặt, dấu kỹ xương thịt cha tôi trong làng, cùng với tình cảm bao la che chở, cưu mang, hương khói của bà con địa phương nơi ông nằm lại…thì tôi khó mà tìm được cha mình.

Bạn tôi quả quyết: “Đúng là mi được ông dẫn đường, chính cái đêm cha mi về như ông Tiên đó!”. Tôi được gặp cha trong niềm vui, hạnh phúc đẫm lệ. Cụ Khanh cũng không cầm được nước mắt, chia sẻ: “Cha của eng cao to, khỏe, da ngăm đen, lanh lẹ nhưng mang vác quá nặng, đèo lại cao, lũ giặc bắn bao vây, nỏ chạy kịp, bị bể vai trái, máu đầm đìa, khi tụi tui đến thì cụ đã tắt thở rồi…Đêm trước, eng còn ngồi trò chuyện, ăn khoai lang, uống nác chè tươi, ngủ chung”.   

Hai cha con trên chiếc ba lô, cùng chú Ba Ân, hành quân trở về trên con tàu Thống nhất. Chúng tôi xuống ga Đồng Hới, cha tôi có dịp “gặp gỡ” ông bà sui gia. Mẹ vợ tôi, các em, các cháu đón tiếp, cụ “ngồi” chỗ trang trọng nhất, tâm sự một đêm. Ngày sau, cha tôi được về an nghỉ cùng bè bạn, đồng chí nơi quê nhà, trong niềm yêu thương ấm áp của Đảng, chính quyền, bà con làng xóm, anh em, dòng tộc và mẹ tôi.

Trong buổi lễ đón, đưa linh hồn cụ về nghĩa trang liệt sĩ Nầm, cùng lãnh đạo địa phương, chú tôi, Phạm Hữu Bái, nguyên chủ tịch xã Bình Mỹ thời chống Pháp, nguyên chánh văn phòng tỉnh ủy Lào Cai, bày tỏ nỗi niềm: “Thưa anh, thế là đã hơn 40 năm, anh phải xa cha mẹ, xa những người thân yêu ruột thịt, tham gia cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, bảo vệ Tổ quốc, đã anh dũng hy sinh nơi chiến trường lửa đạn. Hôm nay, hương hồn anh mới được trở về nơi chôn nhau cắt rốn, về lại với bà con thân thiết mà gần nửa thế kỷ nay hằng mong chờ, tưởng nhớ anh…”

Người con mất cha, tôi mang nỗi đau như bao người khác, bị mất mát, đau thương trong cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc. Về chiến khu lịch sử, tôi may mắn tìm được người cha thân yêu hy sinh trên mảnh đất này. Khu kháng chiến rộng lớn, kiên cường chống lại hai kẻ thù tàn bạo, thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Với những cụ già một thời trung kiên, bí mật hoạt động, bảo vệ cách mạng, tôi được gặp lần đầu. Với ban lãnh đạo hai xã Phong Xuân và Hòa Mỹ đầy sức trẻ, năng động, hết lòng kính trọng, sẻ chia cùng những gia đình cách mạng, biết ơn quá khứ, cội nguồn. Cha tôi ngã xuống trên mảnh đất giàu truyền thống, ngót nửa thế kỷ rồi, mà những cụ già ngoài 86 tuổi vẫn nhớ tới ông. Hình ảnh cha tôi và đồng đội ngày ấy bị giặc Pháp bao vây, bắn phá, ném bom liên tục ba ngày đêm vẫn còn trong ký ức các cụ. Họ đã truyền lại lửa tình cách mạng, đạo lý cho thế hệ con cháu nơi chiến khu anh hùng.

Cha tôi đâu có ngờ, sau hơn 40 năm, đứa con độc nhất của mình đã đến với ông. Và tình cảm nồng ấm của các cụ, các đồng chí đảng viên trẻ (Thắng, Minh, Bình…) cùng bà con đã chung sức chung lòng tìm kiếm, đón nhận, tiễn đưa ông. Người liệt sĩ được gặp con. Trong bộn bề nhiệm vụ của bác sĩ quân y, cuộc sống còn gian truân vất vả, tôi cảm nhận một niềm vui, niềm tin mới, tình cảm lớn, từ trái tim chân thật các đồng chí lãnh đạo địa phương, bà con nơi chiến trường xưa.

Người cha thân yêu hy sinh, để lại cho gia đình chúng tôi một khoảng trống vô tận. Nay lòng dân, tình người đang làm cho nỗi đau chúng tôi dịu bớt. Về an nghỉ cùng đồng bào, đồng chí giữa lòng quê hương, cha tôi mãi ghi nhớ sự cưu mang, che chở của đồng bào vùng chiến khu cách mạng. Cụ đi kháng chiến, tôi còn là một đứa trẻ lên ba. Khi thắng lợi, cha tôi không được trở về cùng đồng đội trong đoàn quân chiến thắng.

Tôi chỉ biết được cha mình qua lời kể, bằng sự tưởng tượng, trong giấc ngủ chập chờn, khao khát chờ mong: Người nông dân áo vải, cầm giáo mác ra trận, cao lớn khỏe mạnh, cần cù chịu khó, yêu nước thương dân, hiếu thảo với ông bà cha mẹ, trung thành với Tổ quốc, nhân dân. Nay dù cách trở âm dương, cha vẫn luôn cận kề, cầu mong, phù hộ cho tôi vượt qua bão táp cuộc đời, theo kịp bạn bè, có ích cho xã hội. Cha con gặp nhau, sung sướng biết nhường nào!.

Nghe nói thời con gái, mẹ tôi không xinh đẹp lắm nhưng có nét duyên, được nhiều người cùng trang lứa để ý, khuôn mặt trái xoan, nước da trắng mịn, dáng dong dỏng tầm trung, xốc nổi, nhanh nhẹn, phóng thoáng, dễ làm quen, nhiều bạn. Cuộc đời lận đận qua hai lần đò, mẹ tôi vẫn không vượt qua được phận nghèo kiếp khó. Cha mẹ tôi xe duyên bằng sợi tơ tằm kết lại từ hai trái tim nghèo. Thời bấy giờ, đó là tình yêu.

Thuở ấu thơ, một lần, tôi nghe bà nói: “Đợi lâu quá, nỏ chộ cha mi về, con bị sài ghẻ, đẹn, da bọc xương, khó nuôi lắm. Bà nhủ mẹ mi tái giá khi còn sinh đẻ được, đừng chờ cha hắn nữa!”. Mẹ tôi vâng lời. Chú Phan Cửu đến ngỏ lời, năm 1956. Hai người chung cảnh ngộ, trạc tuổi nhau: Bao năm dằng dặc nỗi mong chờ/ Bà ngóng đợi bàn tay cha gõ cửa/ không còn tin cha sẽ về được nữa/ Khăn trắng gấp đi, mẹ cất bước “sang đò”. Người bạn mới một mình nuôi con và mẹ già. Nhiều gian khổ, phức tạp chờ đón: “con anh, con tôi, con chúng ta…”. Mẹ tôi chấp nhận, quyết tâm. Cha dượng có nghề tay trái làm mộc. Gia đình, họ hàng, bà con lối xóm, bên nội, bên ngoại, bạn bè, ai cũng mừng cho mẹ tôi.

Riêng tôi, do quá ngây ngô, ích kỉ, giận dỗi, cứ nghĩ mẹ bỏ mình. Thế rồi trong gần hai năm, thỉnh thoảng mẹ ghé thăm bà cháu nhưng tôi đều chạy trốn biệt, không cho mẹ gặp và cũng tránh gặp mẹ. Đó là sai lầm lớn nhất cuộc đời tôi.

Bà nội khuyên bảo, mắng dọa mấy tôi cũng không nguôi. Mỗi lần mẹ về thăm, mang theo quà quý hiếm trong hoàn cảnh đói nghèo vẫn không khuất phục được cái đầu cứng thằng con. Mẹ tôi buồn nhưng không giận. Ngày tháng trôi qua, mẹ kiên trì, rồi cảm hóa được tính ngang ngược, dại khờ, ấu trĩ của tôi. Lần chịu gặp mẹ hồi đó, tôi khóc nức nở hồi lâu.

Đất trời đồng thuận, họ hàng giúp sức, mẹ tôi yên bề gia thất, sống hạnh phúc. Hai “trái tim vàng” vượt qua mọi gian khổ, sinh thành, nuôi dưỡng thêm bốn người con. Các em tôi đều khỏe mạnh, trưởng thành, gia đình hạnh phúc, no đủ. Tôi và Nga (con riêng) cũng vượt qua hoàn cảnh, vươn mình, tiến bộ, thương quý nhau, có ích cho xã hội, về nghỉ hưu.

Mẹ tái giá vẫn mang tên cha tôi. Hàng xóm, đặc biệt là bố dượng vẫn gọi “bà Khoái” như ngày xưa. Bà con ruột thịt đều chung cảm nhận, mẹ tôi như người con gái họ Phạm. Ai cũng ngỡ ông Cửu là con rể Phạm tộc. Tình cảm quý báu, tiếng thơm, hai cụ đã để lại cho gia đình, họ hàng mãi không phai.

Tuy không thượng thọ do những gian truân nặng trĩu trên đôi vai gầy nhưng cụ rất thanh thản, vô tư, không ân hận điều gì. Cụ đã để lại cho bà con họ hàng, lối xóm nhiều kỷ niệm yêu thương, quý mến, cảm thông.

Với tôi, tuy mẹ không thường xuyên trực tiếp nuôi dưỡng nhưng đã dành trọn tình yêu thương mộc mạc người phụ nữ nông dân chất phác. Tôi đi xa về mẹ quý lắm. Khi trưởng thành, cụ luôn tôn trọng, tin tưởng, như một niềm tự hào với bạn bè, dạy dỗ, động viên các em. Thời đó, ở xã, tôi là bác sĩ y khoa Hà Nội chính quy đầu tiên. 

Biết cha dượng khi tôi vừa nguôi ngoai dỗi mẹ, cho mẹ gặp, ngã vào lòng mẹ. Hôm đó, chú Cửu cùng mẹ đến thăm bà nội. Tôi đang quét sân. Cái sân rất rộng, phải chừng vài chục phút mới quét xong. Chú vỗ vai tôi: “Con để chú quét cho!”. Tôi theo mẹ vào nhà. Bà nội đang sàng gạo. Mẹ tôi nhanh nhảu giúp bà. Một lúc sau dượng vào, vui vẻ hỏi thăm bà. Dượng bế, hôn lên đầu, nhìn vào mắt, lau nước mắt trên má tôi, nhỏ nhẹ: “Phú ơi, con đừng giận mẹ nữa nha!”. 

Tôi không nói gì cả, vẫn ngồi trên đùi, trong vòng tay ấm của dượng. Nhiều lần, dượng lại đến thăm bà tôi như thăm người mẹ. Mùa đông gió buốt, tôi đang đào khoai đao ở vườn, dượng tới chơi, chạy vội ra vườn, mang xuống ao rửa. Trời sắp tối. Bà tôi mời, giữ dượng lại ăn cơm. Đó là bữa cơm đầu tiên tôi được ngồi cùng dượng. Tình thương chân chất, mộc mạc của dượng đã sưởi ấm dần. Thời gian ngắn, giữa tôi và cha dượng không còn xa cách nữa.

Dượng có vầng trán rộng, hàm răng đều, nhuộn đen, tươi tắn, dễ làm quen. Là nông dân nghèo, lam lũ nhưng dáng khoan thai, điềm đạm, hòa hợp nét mặt phúc hậu, giọng nói nhẹ êm, từ tốn, cẩn trọng, tác phong gọn gàng, sạch sẽ. Dượng khác hẵn mẹ tôi về tầm nhìn và cá tính. Thế mà hòa khí trong căn nhà luôn ấm. Bà nội tôi quý dượng như con rể, cảm phục, ngợi khen: “Chú nớ tốt bụng. Mẹ mi rứa là gặp may!”

Năm 1966, tôi được vào Đại học Y khoa Hà Nội. Dượng đang làm thợ mộc ở xã Sơn Lệ, cách xa nhà, qua sông, vội về nhà trong đêm mừng cho tôi. Dượng mua tặng tôi chiếc bút máy “Made in China” bằng đồng tiền làm thợ ít ỏi ở quê.

Năm 1976, đứa con gái đầu lòng của tôi tròn bảy tháng tuổi, nhưng chưa gặp ông. Thương cháu, dượng vượt qua hơn 400 cây số, ra đơn vị thăm. Vợ chồng tôi rất nghèo, trong bữa cơm đạm bạc của người lính sau chiến tranh, chúng tôi chỉ có những chén “rượu” pha từ cồn y tế, tiếp đãi, dượng bằng lòng, thông cảm, cười tươi. Nay chúng tôi đã có bia ngon, rượu tốt thì dượng đã không còn.

Hình ảnh chân thât, gần gũi, thân thương của cha dượng đã lâu lắm rồi vẫn còn mãi trong tôi như một ký ức sâu đậm, đi theo tôi suốt cuộc đời, bù đắp, sưởi ấm, động viên tôi vượt qua sóng gió, đạn bom. Tôi vô cùng nhớ ơn, cảm phục, kính trọng dượng, một thời yêu thương mẹ con tôi, để lại cho gia đình ấn tượng sâu sắc, trìu mến, khó quên.

(Kiến thức gia đình số 15)

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?