| Hotline: 0983.970.780

Chăm bón cà phê đầu mùa khô

Thứ Sáu 09/12/2011 , 09:01 (GMT+7)

(Diễn giả: TS Tôn Nữ Tuấn Nam, nguyên Trưởng phòng Khoa học, Viện Khoa học Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên)

Làm sao khắc phục hiện tượng năm được năm mất trên cây cà phê?

Cà phê cũng như các cây trồng khác, nếu năm này năng suất cao thì năm tiếp theo năng suất có xu hướng giảm. Điều đấy là bình thường vì vụ trước cây đã huy động tối đa năng lực để cho năng suất cao nên dinh dưỡng không còn đủ cho năng suất cao ở vụ kế tiếp.

Cây cà phê bị hiện tượng năm được năm mất trước hết là do các nguyên nhân khách quan và chủ quan. Khách quan là do các điều kiện thời tiết, dịch hại, chủ quan là quy trình chăm sóc không đạt nhu cầu như cây cà phê đòi hỏi. Các điều kiện chủ quan trước hết là có thể do bà con đã không chọn được giống tốt. Các giống do Viện Khoa học Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên phóng thích trong thời gian qua đã khắc phục được hiện tượng năm được năm mất.

Nguyên nhân thứ 2 là không có cây che bóng. Nhiều bà con đã đánh giá không hết tác dụng của cây che bóng nên vườn cà phê bị nắng, nóng, bị mặt trời thiêu đốt quá dữ trong mùa khô khiến cho cây bị ảnh hưởng nặng nề; một nguyên nhân khác là bà con chưa nắm vững quy trình kỹ thuật chăm sóc nên việc tưới nước đúng lúc, đủ và bón phân không kịp thời.

Bà con chú ý rằng với dinh dưỡng thì năng suất vụ trước càng cao thì càng phải tăng lượng bón và số lần bón. Tuy nhiên, việc chăm sóc cây khỏe ngay từ đầu, từ năm trước là hết sức quan trọng. Nếu cây không khỏe thì khả năng hấp thu dinh dưỡng cũng hạn chế cho dù có được bón nhiều phân hơn. Nếu thực hành đúng các quy trình chăm sóc cà phê thì sẽ hạn chế được bất lợi do các yếu tố khách quan, giảm thiểu được hiện tượng năm được năm mất.

Nhiều người cho rằng giai đoạn phục hồi sau thu hoạch rất quan trọng, quyết định năng suất vụ sau. Có đúng không?

Đúng. Cũng như người phụ nữ sau mỗi lần sinh nở thì cần có thời gian nghỉ ngơi, bồi dưỡng phục hồi. Hơn thế nữa, sau khi thu hoạch, cây cà phê gặp điều kiện bất lợi ngay, đấy là gặp mưa lạnh ở thời điểm đầu và khô hạn, nóng sau ở thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán. Bởi vậy việc khẩn trương phục hồi cho cây là hết sức quan trọng. Điều cần làm ngay sau thu hoạch là vệ sinh vườn, cắt cành tỉa nhánh, phát hiện sâu bệnh hại, tưới nước và bón phân đúng thời điểm sau khi đã có thời gian khô kiệt vừa đủ.

Trên thị trường hiện có loại phân NPK chuyên dùng cho mùa khô. Tác dụng của chúng như thế nào?

Mùa khô thường ít nước nên cần loại phân tan nhanh. Thông thường, các loại phân hóa học đều sử dụng công nghệ chậm tan để tăng hiệu quả sử dụng. Trước đây trên thị trường chỉ có urea và SA là tan nhanh nên bà con thường sử dụng, nhưng nhu cầu của cây cà phê không chỉ có đạm mà cần nhiều yếu tố khác để giúp ra hoa đồng loạt, thụ phấn tốt, đậu quả nhiều và chống rụng trái non.

Bởi vậy xu hướng hiện nay bà con chuyển sang dùng NPK có bổ sung các trung vi lượng. Thị trường hiện có nhiều hãng cùng sản xuất phân NPK mùa khô cho cà phê. Đặc điểm chung là chúng đều có hàm lượng NPK gần giống nhau, trong đó hàm lượng đạm cao, lân và kali thấp. Niên vụ 2011-2012 này, Cty CP Phân bón Bình Điền đưa ra thị trường loại phân Đầu Trâu cà phê mùa khô, ngoài các yếu tố đa lượng tan nhanh thì các vi lượng của Bình Điền cũng đưa ở dạng dễ tan giúp cây hấp thu nhanh và tốt hơn, ngoài ra trong Đầu trâu mùa khô còn có chất cải tạo, giải độc cho đất nên chắc chắn sẽ đáp ứng được nhu cầu cho cây cà phê.

Bộ lá cà phê thường bị khô, bị vàng sau thu hoạch. Xử lý như thế nào?

Lá cà phê sau thu hoạch bị vàng, khô và rụng có thể do thiếu dinh dưỡng hoặc trước đó bị nhiễm bệnh gỉ sắt, mắt cua. Việc bảo vệ lá phải tiến hành từ đầu mùa mưa năm trước, ngoài việc bón đủ dinh dưỡng thì cần quan sát nếu có nấm bệnh thì phải tiến hành phòng trừ.

Năm nay có nhiều vườn cà phê bị trổ hoa ngay trong thời điểm thu hoạch. Xử lý thế nào?

Có lẽ do biến đổi khí hậu nên không khí lạnh năm nay về sớm kèm theo mưa khiến cho cà phê trổ hoa ngay trong thời điểm thu hoạch. Việc trổ hoa sớm này không những làm khó khăn cho việc thu hoạch mà còn sẽ đe dọa giảm năng suất năm sau.

Bà con cần nhớ rằng cây cà phê cần một thời gian khô hạn triệt để để cây nghỉ ngơi và phân hóa mầm hoa. Nếu năm nào mà mưa không dứt, không có khô kiệt thì năm đó năng suất cà phê sẽ không cao.

Thông thường việc trổ hoa nghịch vụ sau khi thu hoạch chỉ chiếm từ 5-10% tổng lượng hoa sẽ có nên bà con không cần quan tâm đến số hoa này mà phải để khô hạn tự nhiên. Khi khô hạn thì phần lớn lượng hoa nở sớm sẽ tự thui, số còn lại vẫn phát triển tự nhiên thành quả nhưng không đáng kể, không ảnh hưởng đến năng suất vụ sau nếu các biện pháp kỹ thuật chăm sóc, tưới nước cho cà phê đúng.

Trên thị trường có loại phân nào giúp cà phê ra hoa đồng loạt không?

Không. Việc cây cà phê ra hoa đồng loạt phụ thuộc vào sức khỏe của cây và việc tưới nước đợt 1 có đúng thời điểm và đủ nước không.

Vườn cà phê bị hiện tượng lá nhỏ, rụt lại và bị xoăn. Khắc phục như thế nào?

Hiện tượng lá nhỏ, rụt và bị xoăn thường xảy ra ở những vườn cà phê lâu năm, vườn đã già cỗi được ghép trẻ chồi mới. Thường xảy ra vào đầu mùa mưa. Đấy là biểu hiện của việc thiếu kẽm. Khắc phục bằng cách phun phân bón lá có chứa hàm lượng kẽm cao. Phân bón chuyên dùng của Bình Điền có bổ sung lượng kẽm cần thiết nên sử dụng cũng sẽ tránh được hiện tượng này.

Xem thêm
Giá heo tăng nhờ tăng cường ngăn chặn nhập lậu

Việc các địa phương ở phía Nam tăng cường ngăn chặn heo nhập lậu đang góp phần giúp cho giá heo hơi tăng lên ở Đông Nam bộ và trên cả nước.

Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất