| Hotline: 0983.970.780

Chăm chút con chữ ở Vĩnh Thạnh

Thứ Ba 11/02/2014 , 09:56 (GMT+7)

10 năm là một chặng đường chưa dài cũng không phải là ngắn nhưng đủ cho một sự định hình của Hội Khuyến học Vĩnh Thạnh trong dòng chảy của đời sống tinh thần của người dân nơi đây...

Nhìn những con số: 12 tỉ đồng trợ giúp học sinh, sinh viên; trao 925 xe đạp và hơn 600.000 cuốn tập cho học sinh trong 10 năm qua; hằng năm gần 3.000 học sinh và 100 sinh viên được trợ cấp từ 200.000 - 1.000.000 đồng/em…, người ta tưởng đó là thành tích của Hội Khuyến học của cả một tỉnh, một thành phố chứ ít ai ngờ đó chỉ là thành tích của Vĩnh Thạnh, một huyện xa nhất, nghèo nhất của TP. Cần Thơ.

Trẻ em bỏ học là lỗi của chính quyền

Cách đây chừng 10 năm, huyện Vĩnh Thạnh chỉ có QL 80 dài khoảng 25 km có thể đi lại bằng xe bốn bánh, còn lại phương tiện giao thông chính là xe hai bánh và đò ghe. Đời sống người dân khó khăn vì hầu hết dựa vào nông nghiệp, mặt bằng dân trí thấp, đường xá xa xôi, xóm làng lặng lẽ… Vĩnh Thạnh như một nét trầm buồn của TP. Cần Thơ.         

Ngày 12/5/2004, Hội Khuyến học huyện Vĩnh Thạnh được thành lập. Ngày ra mắt hội, Bí thư Huyện ủy huyện Vĩnh Thạnh Tô Văn Vốn đã phát biểu:  "Đừng để một em nào bỏ học vì nghèo đói. Nếu các em bỏ học, lỗi đó là do Hội Khuyến học và chính quyền địa phương”. Lời nói ấy chạm vào trái tim của những con người tình nguyện làm công việc “vác tù và hàng tổng”, mọi người siết chặt tay nhau tự nhủ: “Khi khát khao đem cái chữ xóa nghèo đói lên tiếng thì phải trỗi dậy mà đi!”.

Hội Khuyến học huyện vỏn vẹn chỉ có 4 cán bộ, trong đó có 3 cán bộ hưu trí đảm trách hàng núi công việc: Ông Phạm Ngọc Trác, Chủ tịch Hội Khuyến học; ông Đặng Phúc Minh, Phó Chủ tịch Hội; ông Nguyễn Năng, Phó Chủ tịch Hội và ông Đỗ Thành Liên, Thư kí Hội. Những bước đi đầu tiên không bao giờ dễ dàng; khó khăn chồng chất khó khăn khi cả huyện mới có 2 Hội Khuyến học cơ sở (Hội Khuyến học thị trấn Thạnh An và Hội Khuyến học trường THPT Thạnh An).


Huyện Vĩnh Thạnh tổ chức họp mặt đầu xuân truyền thống

Trong khi đó, vào năm 2004, huyện có hơn 3.000 học sinh nghèo; 150 sinh viên khó khăn... Trong số 1.500 sinh viên trong toàn huyện thì 3 xã Thạnh Thắng, Thạnh An và thị trấn Thạnh An đã có tới khoảng 1.200 sinh viên. 7 xã còn lại dân số gấp 2 lần 3 xã trên thì chỉ có khoảng 300 sinh viên. Ít nhất là xã Thạnh Lộc chỉ có 11 sinh viên. Độ chênh lệch về dân trí tính theo số sinh viên giữa các xã lên tới hơn 30 lần (400 sinh viên/10.000 dân, và 12 sinh viên/10.000 dân).

Trong một lần ông Đặng Phúc Minh cùng đoàn xuống xã Thạnh Lộc, có ông cụ đã hỏi: “Sao các ông cho xã chúng tôi ít sinh viên thế?”. Ông Minh lặng người, lặng người vì thương sự chân chất của ông cụ, lặng người vì thương nhận thức của dân mình dù quý sự học nhưng lại không hiểu rõ tầm quan trọng của sự học. Cầm tay ông cụ, ông Minh giải thích rằng số sinh viên ở mỗi xã nhiều hay ít không phải do huyện cho, mà chính mỗi gia đình quyết định.

Mỗi gia đình phải là nền tảng, là nguồn an ủi, động viên, tạo ra động lực cho các em có điều kiện học tập. Ông cụ gật đầu nói với ông Minh: “Vậy thì các chú thường xuyên xuống Thạnh Lộc nói cho dân ở đây hiểu mà quý cái chữ, thương sự học nghe”.

Ông Minh và các anh em trong Hội hứa với ông cụ như hứa với chính lương tâm mình: “Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức giúp các cháu có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục đến trường, và tìm mọi cách để giảm sự chênh lệch về dân trí giữa Thạnh Lộc không còn cách xa các xã khác như thế nữa”.

Đã nói là làm, dù cán bộ trong Hội phần lớn tuổi đã cao, sức đã yếu nhưng sức mạnh tinh thần và ước mơ góp sức thay đổi bộ mặt vùng nông thôn Vĩnh Thạnh nghèo khó, xa xôi phải khởi sắc đã giúp mọi người có thêm nghị lực, để đôi chân dẻo dai không sợ khó, không sợ khổ, mỗi ngày có thể chạy xe máy trên con đường gồ ghề vượt qua 80 km đến các xã xa xôi nói cho dân hiểu, làm cho dân thấy, khiến sự học như một phong trào thi đua lan nhanh từ xã này sang xã khác.

Nhìn cách đồng trải rộng mênh mông, những bóng người lầm lũi với củ khoai cây lúa, ông Trác nói: “Đất chúng ta bao la rộng lớn, con người chúng ta siêng năng, hiếu học. Nhân dân ta sẵn sàng bán nhà của, ruộng vườn để cho con em được học hành tới nơi tới chốn thì tại sao phải chịu khổ? Nếu dân ta sống nghèo, sống dốt là lỗi ở anh em chúng ta”.

Lặng lẽ dâng cho đời…

10 năm là một chặng đường chưa dài cũng không phải là ngắn nhưng đủ cho một sự định hình của Hội Khuyến học Vĩnh Thạnh trong dòng chảy của đời sống tinh thần của người dân nơi đây, đồng thời đánh dấu sự góp sức tích cực vào thay đổi bộ mặt vùng NTM huyện Vĩnh Thạnh.

Ngay trong năm 2004, 100% xã và thị trấn của huyện đã xây dựng được Hội Khuyến học. Hội cũng đã làm tốt các công việc gây quỹ hội, tuyên truyền quảng bá hội, xây dựng gia đình hiếu học và dòng họ khuyến học, cũng như tổ chức các trung tâm học tập cộng đồng đến khắp các xã.


Lãnh đạo huyện Vĩnh Thạnh trao học bổng cho sinh viên

Năm 2014, tổng số tổ chức hội đã lên đến 215 với 14.406 hội viên, 5 dòng họ khuyến học. Từ năm 2004 đến nay, huyện đã có thêm 8 tiến sĩ, có 15 sinh viên du học Nhật Bản do Hội Khuyến học huyện Vĩnh Thạnh giới thiệu với Hội Khuyến học TP. Cần Thơ đưa đi, đã có 2 em ra trường; 8 sinh viên đang học tại trường Nhật ngữ Đông Du tại TP. Hồ Chí Minh tháng 4 năm nay được đi Nhật.

Suốt 10 năm ấy Hội Khuyến học huyện Vĩnh Thạnh đã âm thầm bổ sung chủ trương “Khuyến đức” vào chủ trương "Khuyến học, khuyên tài, xây dựng xã hội học tập” của Hội Khuyến học Việt Nam. Hội xác định khuyến đức chính là cái hồn của khuyến học. Nó tô đậm thêm mỗi ngày và làm cho câu châm ngôn “Tiên học lễ, hậu học văn” luôn hiện thực trong cuộc sống người dân.

Lớp học sinh của Vĩnh Thạnh suốt 10 năm qua đã, đang là những nhân tố tích cực trong việc cổ vũ cho phong trào Khuyến học, Khuyến tài, Khuyến đức ở quê hương Vĩnh Thạnh.

Ngoài ra Hội Khuyến học Vĩnh Thạnh còn có cách tuyên truyền giáo dục hết sức tinh tế nhưng hiệu quả. Mỗi cuốn tập của Hội có logo riêng với hàng chữ nổi bật ở giữa: “Ngày nay học tập ngày mai giúp đời". 

Đằng sau những con số ấn tượng ấy là những tấm lòng, những cánh chim không mỏi lặng lẽ, âm thầm dệt nên những chuyện cổ tích giữa đời thường cùng với sự ủng hộ, động viên hết mình của chính quyền địa phương, của người dân đã làm nên những điều kì diệu. Đẹp hơn cả là tất cả những con người ấy không đòi hỏi mình được gì mất gì, không cần vinh danh cũng không cần được đền đáp, chỉ lặng lẽ cống hiến cho cộng đồng, cho quê hương.

Phải chăng sức mạnh ấy xuất phát từ những trái tim nhân hậu đã làm việc nhiệt tình, trong sáng, minh bạch và trung thực, khoa học trong niềm tin vào con người để có được thành quả tốt đẹp với mục đích phục vụ con người ngày một tốt đẹp hơn, tạo thành “một mùa xuân nho nhỏ, lặng lẽ dâng cho đời".

“Câu hỏi của ông cụ ở xã Thạnh Lộc ám ảnh tôi mãi. 10 năm, ông cụ không còn nữa, nhưng chúng tôi đã thực hiện được lời hứa của mình. Sự chênh lệch về dân trí ở các xã hơn 30 lần trước 2004, ngày nay đã giảm xuống còn khoảng 5 lần. Xã Thạnh Lộc từ 11 sinh viên năm 2004 nay đã có 185 sinh viên đang học ở các trường đại học và cao đẳng”, ông Đặng Phúc Minh.

Xem thêm
Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư 2 dự án dân cư nông thôn

Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư Dự án Khu dân cư nông thôn số 1 xã Ký Phú và Dự án Điểm dân cư nông thôn số 1 xã Bình Thuận (huyện Đại Từ).

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Trưng bày các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc

Quảng Bình mở một gian trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc 2024.

Bình luận mới nhất