| Hotline: 0983.970.780

Chăm sóc cây trồng tại Tây Nguyên

Thứ Sáu 17/02/2012 , 09:54 (GMT+7)

Lạnh kéo dài, tại một số địa phương xảy ra mưa phùn, gây không ít khó khăn cho SX; đặc biệt là trồng cà phê. Vậy chăm sóc vườn cây, đồng ruộng thế nào cho hợp lý?

Vào thời gian này thời tiết khu vực Tây Nguyên trở nên nắng nóng. Năm nay lạnh kéo dài, tại một số địa phương xảy ra mưa phùn, gây không ít khó khăn cho SX; đặc biệt là trồng cà phê. Vậy chăm sóc vườn cây, đồng ruộng thế nào cho hợp lý?

Cà phê

Cây cà phê sau mùa khô kiệt khoảng 1 tháng rất cần nước để ra hoa đồng loạt. Nhưng với việc xuất hiện mưa lác đác như năm nay làm cây nở hoa làm nhiều đợt, dẫn đến việc tạo trái không tập trung, khó có thể tạo nên một mùa bội thu.

Với các vườn cà phê vẫn còn sung sức, hoa vẫn chưa phân hóa hết, người dân cần chuẩn bị tập trung tưới để cây bung hoa đều. Để bổ sung dinh dưỡng cho cây, nên bón phân vào đợt 2, vì khi đó rễ cây đã phục hồi, khả năng hấp thụ cao hơn so với đợt 1. Cty CP Phân bón Bình Điền đã đưa ra thị trường phân bón Đầu Trâu, thành phần bổ sung thêm kẽm, Magiê... Đây là loạt phân chuyên dùng cho cà phê vào mùa khô giúp ra hoa, tạo quả tốt hơn, đem lại năng suất cao,  được bà con tin dùng.

Thường thì vào các năm nhuận sẽ bị hạn hán, nắng nóng kéo dài, bà con nên quan tâm đến vấn đề nước tưới. Tuy nhiên chỉ cần tưới sao cho đủ, không nên tưới dư gây lãng phí và ảnh hưởng đến tài nguyên nước ngầm đang ngày càng eo hẹp của Tây Nguyên. Hạn hán cũng là thời điểm phát triển của rệp sáp, gây nguy hại cho cà phê. Bà con nên sử dụng các thuốc BVTV chuyên trị rệp sáp, ít độc để xử lý.

Hiện nay, tại Tây Nguyên, diện tích cà phê già cỗi đã lên đến 30% và đòi hỏi cần phải tái canh. Theo TS. Tôn Nữ Tuấn Nam, nguyên Trưởng phòng Khoa học, Viện KHKT nông lâm nghiệp Tây Nguyên, nông dân cần lưu ý khi nhổ cây cà phê già phải nhổ thẳng, kéo cả rễ lên, tránh kéo ngang cây làm đứt rễ. Vì trong rễ cây già có sự hiện diện của tuyến trùng và nấm. Cần loại bỏ hoàn toàn nguyên nhân gây bệnh ra khỏi đất trước khi trồng cây mới.

Sau khi nhổ cây già, cần phải cày đất thật sâu. Mục đích là loại bỏ toàn bộ rễ cây cũ còn lại trong đất. Tuyệt đối không được trồng cây cà phê con trên đất đó ngay, mà cần luân canh sang cây trồng khác như ngô, đậu và vẫn thực hiện việc cày sâu loại bỏ rễ hàng năm. Với  vườn cà phê bình thường, sau khi luân canh 2 năm có thể trồng lại. Cây cà phê con phải là cây giống tốt, khỏe, không bệnh; đất trong bầu tuyệt đối không được sử dụng đất trồng cà phê cũ để hạn chế tuyến trùng và nấm xâm nhập từ đất vào cây giống.

Một số bà con mặc dù làm vệ sinh đất trồng cũ rất tốt, trồng cà phê phát triển tốt, nhưng đến năm sau chết hàng loạt, có thể là do tuyến trùng đã xâm nhập sẵn vào rễ cây giống trước khi được trồng. Người dân cần hết sức lưu ý vấn đề mầm bệnh. Để SX cà phê bền vững, cần sử dụng cây che bóng cho vườn cà phê tái canh.

Hồ tiêu

Tại thời điểm hiện nay, có một số vườn hồ tiêu đã thu hoạch, các vườn khác cũng chuẩn bị bắt đầu bước vào vụ thu hoạch. Lúc này bà con không cần sử dụng thêm phân bón cho cây mà chỉ cần tưới nước vừa phải đủ để nuôi cây. Người trồng tiêu cũng cần chú ý đề phòng bệnh chết nhanh do nấm Photophthora gây nên. Đây là loại bệnh hết sức nguy hiểm xảy ra vào mùa mưa ở các tỉnh Tây Nguyên.

Bệnh có thể xuất hiện trên nhiều bộ phận của cây nhưng nguy hiểm nhất khi bệnh tấn công vào cổ rễ, làm cây chết rất nhanh. Để đề phòng bệnh này, quan trọng nhất là phải làm cho vườn tiêu có thể thoát nước tốt, không được để nước đọng trong gốc tiêu. Ngoài các biện pháp canh tác, bà con cũng cần chú ý sử dụng phân bón hữu cơ kết hợp với NPK để giúp bộ rễ phát triển, cây sinh trưởng mạnh nhằm tăng sức chống chịu cho cây.

Lúa

Lúa cũng bị ảnh hưởng từ thời tiết lạnh, mưa phùn, làm cho cây chậm phát triển. Tại Tây Nguyên, các ruộng lúa đã vào giai đoạn bón thúc 1 hoặc 2 tùy từng nơi. Đây là giai đoạn cần phải bổ sung thêm chất dinh dưỡng cho cây. Theo KS Trương Quốc Huy, Cty CP Phân bón Bình Điền, bà con có thể sử dụng 16 kg/sào phân bón Agrotain lúa 1 cho giai đoạn bón thúc 1 và 15 kg/sào và Agrotain lúa 2 cho giai đoạn đón đòng. Vì thời tiết hiện nay tạo điều kiện rất dễ cho dịch bệnh phát triển, đặc biệt là bệnh đạo ôn. Nông dân cần thăm đồng thường xuyên để kịp thời xử lý khi bệnh xảy ra. Khi phát hiện bệnh cần sử dụng các thuốc chuyên dùng trị đạo ôn.

Xem thêm
Doanh nghiệp là đầu kéo phát triển chăn nuôi quy mô lớn

An Giang xác định được vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp trong việc nâng cao giá trị của ngành chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung gắn an toàn sinh học.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.