| Hotline: 0983.970.780

Chậm vì lỗi hệ thống

Thứ Năm 12/09/2013 , 10:16 (GMT+7)

Là một trong những dự án quan trọng được tỉnh Thái Nguyên phê duyệt để phục vụ Festival Chè nhưng đến nay việc xây dựng Bến tầu hồ Núi Cốc vẫn đang dậm chân tại chỗ vì vướng quá nhiều nhà xây kiên cố trái phép.

Là một trong những dự án quan trọng được tỉnh Thái Nguyên phê duyệt để phục vụ Festival Chè nhưng đến nay việc xây dựng Bến tầu hồ Núi Cốc vẫn đang dậm chân tại chỗ vì vướng quá nhiều nhà xây kiên cố trái phép.

Tiền hậu bất nhất

Nếu nhìn vào hồ sơ phản ánh quá trình sử dụng đất của các hộ dân trong vùng Dự án Bến tầu hồ Núi Cốc và quy chiếu vào Luật Đất đai thì ai cũng có thể khẳng định hầu hết các gia đình đều sử dụng đất sai mục đích hoặc thuộc diện lấn chiếm. Việc xử lý, lẽ ra rất đơn giản. Vậy nhưng trong 3 năm triển khai GPMB, các cấp, ngành từ tỉnh cho đến huyện, xã từng phải họp lại nhiều lần để bàn phương án giải quyết “quyền lợi” cho các hộ dân vi phạm Luật Đất đai nhưng lạ thay các cuộc họp không thể đưa ra một phương án thống nhất.

Trên quan điểm kiên quyết không bồi thường cho những trường hợp lấn chiếm hay sử dụng đất sai mục đích mà chỉ hỗ trợ, tạo điều kiện để nhân dân sớm ổn định cuộc sống, phương án ban đầu được đưa ra tùy theo từng trường hợp cụ thể nhưng chỉ giới hạn mức hỗ trợ tối đa là 25% giá trị tài sản và tiền hỗ trợ do phía chủ đầu tư tạm thời chi trả.

Thống nhất phương án này, từ năm 2011, chủ đầu tư đã chuyển số tiền trên 2 tỉ đồng vào tài khoản của Ban Bồi thường GPMB huyện Đại Từ. Tiền đã chuyển. Công tác GPMB vẫn dừng lại ở các cuộc họp: Họp bàn cưỡng chế, họp bàn nâng giá trị hỗ trợ…


Công trình trái phép xây trên đất dự án

Chỉ sau vài lần họp, UBND huyện Đại Từ đã lần lượt nâng hạn mức hỗ trợ lên từ 25% đến 50% để rồi đến năm 2013 lại tiếp tục đề nghị hỗ trợ tới 80%. Theo đó tổng mức hỗ trợ cũng sẽ tăng từ 2 tỉ lên đến gần 10 tỉ đồng. Việc liên tục thay đổi mức hỗ trợ của Ban GPMB không chỉ làm khó cho chủ đầu tư mà còn gây tổn hại đến khả năng thu ngân sách sau này của tỉnh và là nguyên nhân gây chậm tiến độ triển khai dự án.

Sai phạm từ chính quyền cơ sở

Vì sao Ban GPMB huyện Đại Từ lại đề xuất chính sách hỗ trợ theo kiểu tiền hậu bất nhất như vậy? Để tìm câu trả lời, cần phải lật lại lịch sử sử dụng đất và làm rõ vai trò, trách nhiệm của những người có liên quan.

Được biết, tổng diện tích đất phải giải tỏa của 18 hộ dân là 8812 m2, trong đó có 17/18 hộ đã xây dựng công trình trái phép: Hai hộ lấn chiếm đất hành lang giao thông vào năm 2010 và 11 hộ xây dựng công trình trái phép trên diện tích đất có nguồn gốc thuộc Trạm Thủy sản Núi Cốc; 3 hộ nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp và tự ý chuyển mục đích sử dụng thành đất ở. Riêng có 1 hộ là cán bộ Trạm Thủy sản đã xây nhà từ năm 1986 và được huyện cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ).

Hầu hết các hộ đều đã tự ý mua bán chuyển nhượng, làm nhà ở hoặc xây dựng kinh doanh dịch vụ: nhà nghỉ, khách sạn trên đất nông nghiệp. Việc xây dựng, chuyển nhượng không tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật, thậm chí có hộ vẫn được cấp GCNQSDĐ.

Dường như các vi phạm đều đã được bật đèn xanh, cán bộ địa phương chỉ lập biên bản xử phạt cho chiếu lệ rồi bỏ mặc các hộ dân tùy ý xây dựng. Trường hợp hộ ông Bế Văn Hùng và hộ bà Trần Thị Hoàn xây nhà trên hành lang giao thông là ví dụ điển hình, UBND xã biết rõ và đã có biên bản đình chỉ và quyết định xử phạt hành chính buộc tháo dỡ nhưng càng xử phạt công trình hoàn thiện càng nhanh.

Hoặc trường hợp ông Bùi Văn Hiệp nhận chuyển nhượng đất màu của ông Ngọ, đến năm 2000, ông Hiệp xây nhà cấp 4 để ở, năm 2004 ông xây nhà 1 tầng, năm 2006 lại xây thành nhà 2 tầng. Ông Bùi Ngọc Tuyển nhận chuyển nhượng đất màu của ông Trung và năm 2000 dựng nhà tạm để làm cát, đến năm 2003 ông Tuyển xây móng nhà, năm 2006 lại xây thành nhà 2 tầng…

Điều đáng nói ở đây là trong số những người này có cả nguyên cán bộ lãnh đạo xã và lãnh đạo xã đương nhiệm. Họ là những người được giao trách nhiệm quản lý sử dụng đất tại địa phương nhưng đã vì quyền lợi cá nhân cố tình vi phạm. Đương nhiên, đằng sau những sai phạm phải có người chịu trách nhiệm và đã từng có cán bộ lãnh đạo xã bị kỉ luật.

UBND huyện Đại Từ cũng đã phải thu hồi Giấy CNQSDĐ của bà Lê Thanh Năm là vợ ông Bùi Ngọc Tuyển đứng tên. Duy chỉ có điều, xử lý cán bộ cơ sở chưa đủ. Thẩm quyền cấp Giấy CNQSDĐ là của huyện. Sai phạm trong quản lý đất đai vẫn thường là lỗi hệ thống chứ không phải riêng một mắt xích. Bởi vậy, hệ lụy vẫn còn. Quyền lợi của các hộ dân được bật đèn xanh không thể một sớm một chiều có thể rũ bỏ. Có lẽ vì thế mà năm lần, bảy lượt UBND huyện Đại Từ ra văn bản khẳng định sẽ kiên quyết tháo dỡ công trình vi phạm nhưng không thể thực hiện. Ngược lại, còn liên tục đề nghị tăng mức hỗ trợ cho các hộ dân lên gần tới mức đền bù?

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.