| Hotline: 0983.970.780

Chặn gia cầm lậu: Đã phải nổ súng

Thứ Tư 22/08/2012 , 09:52 (GMT+7)

Cùng với việc chặn đứng gia cầm thải loại nhập lậu, theo Cục Chăn nuôi, lượng giống gia cầm lậu đã giảm hẳn.

Tại cuộc họp hôm qua (21/8), BCĐ quốc gia phòng chống dịch CGC đánh giá, sau công điện khẩn ngày 31/7/2012 cuả Thủ tướng Chính phủ, trong vòng 2 tuần trở lại đây, tình trạng nhập lậu gia cầm, đặc biệt là gia cầm thải loại qua biên giới Trung Quốc về các tỉnh phía Bắc đã có hiệu quả rõ rệt, giảm khoảng 80 – 90%.

Cùng với việc chặn đứng gia cầm thải loại nhập lậu, theo Cục Chăn nuôi, lượng giống gia cầm lậu đã giảm hẳn. Trước đây, mỗi ngày có không dưới 200 nghìn con giống gà, vịt và ngỗng nhập lậu từ Trung Quốc về khu vực huyện Phú Xuyên tiêu thụ. Đến nay, tuy vẫn còn rải rác lượng giống gia cầm này nhưng cơ bản đã giảm 90% so với trước.

Cho phép bán đấu giá gia cầm nhập lậu?

Báo cáo về công tác phối hợp cùng các tổ công tác liên ngành về cuộc chiến truy quét gia cầm nhập lậu trong thời gian qua, đại diện Cục Quản lí thị trường (Bộ Công thương) khẳng định, các lực lượng chức năng đã vấp phải rất nhiều khó khăn trước sự đối phó, thậm chí chống trả quyết từ lực lượng buôn lậu gia cầm, đặc biệt dọc theo các tuyến đường huyết mạch từ các khu vực biên giới Quảng Ninh và Lạng Sơn về các tỉnh phía Bắc. Có trường hợp, bọn vận chuyển gia cầm lậu đã liều lĩnh cố tình tháo chạy, thậm chí “cố thủ” trong ca-bin xe chở gà lậu, buộc các lực lượng chức năng phải nổ súng.

Cũng theo Cục Quản lí thị trường, sau hơn nửa tháng ra quân, các lực lượng chức năng đẫ bắt giữ được một lượng gia cầm nhập lậu khổng lồ. Điều này cũng đang gây ra không ít vướng mắc, vì theo quy định hiện nay, gia cầm lậu bắt giữ được buộc phải tiêu hủy. Trong khi đó, việc tiêu hủy gia cầm hết sức tốn kém, đồng thời phải có sự phối hợp của rất nhiều cơ quan liên quan, trong đó đặc biệt phải có lực lượng thú y.

Vì vậy, theo Cục Quản lí thị trường, hiện một số địa phương (cụ thể như Quảng Ninh) đã đề nghị cho phép cơ chế bán đấu giá đối với các lô gia cầm bắt được. Theo đó, lô gia cầm sau khi bị bắt giữ, nếu nuôi giữ hết thời gian quy định mà không phát hiện bị dịch bệnh thì cho bán đấu giá, số tiền thu được sẽ trích một phần cho kinh phí công tác của cơ quan chức năng. Đây cũng là điều kiện để có thêm kinh phí phục vụ cho công tác truy quét gia cầm lậu hết sức vất vả.


Cuộc chiến với gia cầm lậu đã có tín hiệu khả quan, nhưng dịch CGC trong nước lại đang ngày càng phứuc tạp

Liên quan đến vấn đề này, ông Bùi Xuân Trình, hàm Vụ trưởng Vụ Kinh tế ngành (Văn phòng Chính phủ) cho rằng, trước đây, từng có cơ chế cho phép lực lượng Quản lí thị trường bán đấu giá và được hưởng một phần đối với các lô hàng lậu bị bắt giữ. Tuy nhiên về sau, đã bỏ cơ chế này. Theo ông Trình, với đặc thù riêng của việc chống gia cầm lậu, Cục Quản lí thị trường có thể đề xuất Bộ Công thương có cơ chế riêng nhằm đảm bảo chế độ đãi ngộ xứng đáng cho các lực lượng tham gia.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Diệp Kỉnh Tần cũng chỉ đạo Cục Thú y, phải phối hợp chặt chẽ với cơ quan liên ngành trong việc xử lí tiêu hủy các lô gia cầm nhập lậu bị bắt giữ.

Cục Quản lí thị trường khẳng định thêm, hiện đang cùng với các cơ quan liên quan xây dựng phương án kiểm tra thường xuyên theo tuyến, nhằm duy trì thường xuyên việc kiểm soát gia cầm nhập lậu. Trong khi đó, Cục Thú y cho biết, đã làm việc và thảo luận chặt chẽ với Cục An ninh Nông nghiệp (Bộ Công an) trong việc kiểm soát và truy quét gia cầm nhập lậu trong thời gian tới. 

Cúm gia cầm diễn biến phức tạp

Trong khi cuộc chiến ngăn chặn nạn gia cầm nhập lậu đã có tín hiệu vui, thì tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm trong nước vẫn tiếp tục có những diễn biến hết sức phức tạp.

Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần:

“Tôi lo ngại nhất dịch CGC. Bởi bây giờ chưa tới mùa đông, nhưng dịch đã diễn biến hết sức đáng ngại, với đặc điểm là các tỉnh có dịch đều chạy dọc theo tuyến QL 1A từ Bắc vào Nam. Điều này cho thấy khả năng lây lan dịch từ con đường gia cầm nhập lậu là rất cao. Đối với dịch tai xanh, cần phải nỗ lực dập tắt trước tháng 9/2012”

Theo Cục Thú y, trong hai tuần qua, dịch CGC vẫn tiếp tục diễn biến ngày càng nghiêm trọng. Từ ngày 26/7 đến ngày 12/8, tại huyện Ý Yên (Nam Định), dịch CGC đã xẩy ra tại 15 hộ dân thuộc 9 thôn của 6 xã, với tổng số gia cầm phải tiêu hủy là 7.702 con. Tại Ninh Bình, ngày 27/7, dịch cũng đã xẩy ra tại thôn Hảo Nho, xã Yên Lâm, huyện Yên Mô, làm 730 con gia cầm mắc bệnh và phải tiêu hủy. Đến ngày 31/7, dịch đã tiếp tục xẩy ra tại xã Yên Sơn (TX. Tam Điệp) làm 985 con vịt mắc bệnh. Cục Thú y đã tiến hành tiêu hủy 1.282 con vịt trong khu vực dịch.

Tại các tỉnh còn có dịch là Hải Phòng và Hà Tĩnh, trong 2 tuần qua, dịch vẫn tiếp tục phát sinh mỗi tỉnh thêm 2 xã mới.

Như vậy tính đến ngày 21/8, cả nước vẫn còn 5 tỉnh có dịch CGC chưa qua 21 ngày gồm Quảng Bình, Hà Tĩnh, Ninh Bình, Nam Định và Hải Phòng.

Về dịch tai xanh, trong 2 tuần qua, đã có thêm tỉnh Cao Bằng bùng phát dịch, với trên 200 con lợn đã chết và bị tiêu hủy. Hiện cả nước vẫn còn 3 tỉnh gồm Nghệ An, Đắk Lắk và Cao Bằng có dịch tai xanh chưa qua 21 ngày.

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Doanh nghiệp đầu tiên công bố sản xuất cà phê tuân thủ EUDR

ĐẮK LẮK Simexco DakLak đã được cấp chứng nhận tuân thủ EUDR cho 4.957 nông dân với diện tích 5.375ha trong vùng liên kết.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.

Bình luận mới nhất