| Hotline: 0983.970.780

Chấn hưng điện ảnh thế nào?

Thứ Sáu 29/11/2013 , 09:59 (GMT+7)

Ngày 28/11, Cục Điện ảnh đã tổ chức Hội nghị trực tuyến nhằm lấy ý kiến cho dự thảo “Quy hoạch phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”.

Sau khi Chính phủ phê duyệt “Chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” (gọi tắt là Chiến lược), ngày 28/11, Cục Điện ảnh (Bộ VHTTDL) đã tổ chức Hội nghị trực tuyến tại hai điểm cầu Hà Nội và TP Hồ Chí Minh nhằm lấy ý kiến các nhà quản lý, những người làm điện ảnh cho dự thảo “Quy hoạch phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” (gọi tắt là Quy hoạch).

Mục tiêu của Quy hoạch là đến năm 2020, nguồn nhận lực và hệ thống cơ sở vật chất, kỹ thuật của ngành điện ảnh cơ bản đáp ứng được nhu cầu sản xuất, phổ biến phim của các cơ sở điện ảnh; nhu cầu hưởng thụ nghệ thuật điện ảnh của nhân dân tại các vùng, miền và địa phương; có đủ điều kiện và năng lực tổ chức các Liên hoan phim và sự kiện điện ảnh lớn của quốc gia và quốc tế.

Quy hoạch cũng đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, điện ảnh Việt Nam có các nghệ sĩ tài năng và hệ thống cơ sở vật chất, kỹ thuật đạt tiêu chuẩn hiện đại, đồng bộ, có vị trí thứ hạng cao trong khu vực Đông Nam Á và châu Á.


Điện ảnh Việt Nam đang nỗ lực kéo người xem đến rạp

Để đạt được mục tiêu này, ngay từ bây giờ việc tập trung vào nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và cơ sở vật chất được Cục Điện ảnh đặt ra. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, nếu không chú trọng vào từng lĩnh vực cụ thể mà dàn trải như Quy hoạch thì việc phát triển vẫn chỉ “trên giấy”.

Không nên dàn trải

Theo Quy hoạch, hai vấn đề là đào tạo nguồn nhân lực và cơ sở vật chất được chú trọng đầu tư. Theo đó, cơ sở vật chất của ngành điện ảnh sẽ được đầu tư theo không gian vùng.

Quy hoạch đến năm 2020, cả nước sẽ có 3 trường quay lớn tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, 1 trung tâm kỹ thuật, phía Bắc sẽ xây mới 10 rạp chiếu phim, cải tạo 24 rạp; miền Trung xây mới 15 rạp phim, cải tạo 16 rạp; phía Nam xây mới 24 rạp, cải tạo 8 rạp. Các rạp được xây mới ở ba miền sẽ tập trung cho các tỉnh chưa có rạp chiếu phim.

Theo dự thảo Quy hoạch, mỗi vùng, miền cũng chia ba khu vực: khu vực trọng điểm phát triển điện ảnh (một thành phố lớn, trung tâm); khu vực thực hiện nhiệm vụ phát hành và phổ biến phim (các tỉnh vệ tinh); khu vực chiếu phim tại rạp và lưu động (khu vực các tỉnh, vùng sâu vùng xa).

Ví dụ, khu vực miền Nam, TP Hồ Chí Minh sẽ là địa bàn trọng điểm phát triển điện ảnh; các tỉnh, TP Cần Thơ, Bà Rịa- Vũng Tàu, Đồng Nai là các tỉnh, thành phố trọng điểm sẽ làm nhiệm vụ phát hành phổ biến và cung cấp các bối cảnh phim; các địa phương khác sẽ đảm bảo hoạt động chiếu phim tại rạp và lưu động phục vụ đồng bào miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn...

Ông Nguyễn Danh Dương, Giám đốc Trung tâm chiếu phim Quốc gia, cho rằng, theo Quy hoạch, đến năm 2020, nghĩa là chỉ còn 7 năm nữa, nếu triển khai ngay từ 2014, đòi hỏi cả nước có 3 trường quay (hiện có 1 trường quay Cổ Loa tại Hà Nội), 1 trung tâm kỹ thuật, 2 trung tâm chiếu phim hiện đại, xây mới 49 rạp, cải tạo 48 rạp.

Điều này sẽ đòi hỏi kinh phí khổng lồ, trong bối cảnh đất nước còn khó khăn thì việc bố trí ngân sách là rất khó, như vậy là Quy hoạch chưa hợp lý.

Ông Dương cho biết: “Trước tiên ưu tiên đầu tư trang thiết bị kỹ thuật cho Trường quay Cổ Loa, xây mới thêm 1 trường quay trong TP Hồ Chí Minh là được, không nên xây thêm trường quay trong Đà Nẵng. Thay vào đó là đầu tư một trung tâm chiếu phim hiện đại để phục vụ các nhiệm vụ chính trị và nhu cầu xem phim của nhân dân tại miền Trung”.

Đồng quan điểm này, ông Trần Luân Kim, nguyên Chủ tịch Hội Điện ảnh cũng cho rằng, không cần phải xây thêm trường quay ở Đà Nẵng trong khi trường quay ở Cổ Loa còn không sử dụng hết công năng. Chỉ cần xây thêm trường quay ở TP Hồ Chí Minh là được.

Còn với việc xây mới các rạp, theo ông Kim, không nên dàn trải ở tất cả các tỉnh đều phải có rạp chiếu phim. Phải tập trung ở các khu đông dân cư, khu công nghiệp.

Yếu và thiếu

Với việc đầu tư cho nguồn nhân lực, theo ông Trần Luân Kim, phải quy định rõ mỗi năm bao nhiêu người được đi đào tạo ở nước ngoài, kinh phí ở đâu, phải bố trí minh bạch, quản lý chặt chẽ.

“Kinh nghiệm từ việc cử người đi đào tạo ở nước ngoài của điện ảnh Hàn Quốc trước đây đã có sự thay đổi cơ bản trong đội ngũ nhân lực làm phim của nước này. Chúng ta nên học tập”, nguyên Chủ tịch Hội Điện ảnh khẳng định.

Đứng ở góc độ hãng phim Nhà nước, đạo diễn Nguyễn Thanh Vân cho rằng, nguồn nhân lực kế cận của ngành điện ảnh hiện nay quá thiếu và yếu.

Theo ông Vân, nếu không bình tĩnh, lựa chọn đầu tư có chiều sâu thì cuộc “chấn hưng” điện ảnh lần này cũng khó mà thực hiện được.

Cách đây hơn chục năm, điện ảnh Việt cũng đã trải qua một cuộc chấn hưng, tuy nhiên, bước đi chưa được là bao. Giờ đây, với những Chiến lược và Quy hoạch cụ thể, nhiều người đang kỳ vọng vào sự thay đổi. Tuy nhiên, nếu vẫn dàn hàng ngang để tiến thì bước đi sẽ chẳng được là bao.

“Nếu với đà này, trong 5 năm tới, chưa thấy điện ảnh Việt có triển vọng thay đổi được gì, cả về cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, và con người. Vật chất tàn tạ, kỹ thuật lạc hậu, lấy đâu cơ sở để đạt mục tiêu năm 2015 phim Việt chiếm 30% buổi chiếu rạp như Chiến lược đề ra?”, đạo diễn Nguyễn Thanh Vân.

 

Xem thêm
Giải pháp livestream góp phần lan tỏa văn hóa đọc

Giải pháp livestream được nhiều công ty kinh doanh sách chọn lựa để lan tỏa văn hóa đọc trong các hoạt động hưởng ứng Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam.

Real Madrid tiến sát ngôi vô địch sau trận siêu kinh điển

Dù bị Barcelona 2 lần dẫn trước nhưng Real Madrid vẫn lội ngược dòng thành công để thắng 3-2 và tiến sát ngôi vô địch La Liga.

U23 Việt Nam hứng khởi trước trận gặp U23 Uzbekistan

Các cầu thủ và ban huấn luyện U23 Việt Nam bày tỏ sự hứng khởi trước trận gặp U23 Uzbekistan tại lượt trận cuối bảng D vòng chung kết U23 châu Á 2024.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.