| Hotline: 0983.970.780

Chăn nuôi Hà Nội vững "tốp" đầu

Thứ Sáu 30/01/2015 , 13:33 (GMT+7)

Sau 4 năm thực hiện QĐ 2801, tổng đàn gia súc, gia cầm của toàn TP Hà Nội tiếp tục tăng và đứng trong tốp đầu của cả nước. 

Sau nhiều năm đầu tư ưu đãi, hỗ trợ lĩnh vực chăn nuôi, đặc biệt từ khi triển khai chương trình phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm và chăn nuôi lớn ngoài khu dân cư năm 2011, Hà Nội đã đạt được những kết quả vô cùng to lớn, tiếp tục vững vàng trong "tốp" đầu trên bản đồ chăn nuôi cả nước.

Theo số liệu Sở NN-PTNT Hà Nội công bố tại Hội nghị tổng kết đánh giá mô hình chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm và chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư năm 2014 và triển khai nhiệm vụ, giải pháp năm 2015, tổng đàn gia súc, gia cầm tính đến năm 2014 đều tăng trưởng so với năm 2013 cả về quy mô, tổng đàn, sản lượng.

Cụ thể, tổng đàn trâu đạt trên 24.000 con, hơn 140.000 con bò, gần 1,5 triệu con lợn và trên 25 triệu con gà. Qua đó, sản lượng thịt trâu đạt xấp xỉ 1.500 tấn, bò hơn 9.000 tấn, thịt lợn hơi 300.000 tấn, trên 10 triệu quả trứng và hơn 40.000 tấn sữa.

Có được thành quả to lớn này, góp công lớn nhờ chủ trương phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm và chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư theo Quyết định số 2801 ngày 17/6/2011 của UBND TP Hà Nội.

Theo Trung tâm Phát triển Chăn nuôi Hà Nội, đơn vị đầu mối được Sở NN-PTNT giao chủ trì thực hiện chương trình, đến thời điểm hiện tại Hà Nội đã phát triển ổn định được 69 xã chăn nuôi trọng điểm, bao gồm 12 xã chăn nuôi bò sữa, 15 xã chăn nuôi bò thịt, 13 xã chăn nuôi lợn, 29 xã chăn nuôi gia cầm.

Đặc biệt, Hà Nội đã hình thành được 15 vùng chăn nuôi trọng điểm với gần 3.000 trang trại chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư gồm: 33 trại chăn nuôi bò sữa, 61 trại bò thịt, 802 trại chăn nuôi lợn và trên 2.000 trại chăn nuôi gia cầm.

Điều đáng mừng nhất là các xã, vùng trọng điểm, trang trại chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư đang chiếm 82% tổng đàn bò sữa, 17% tổng đàn bò thịt, 28% tổng đàn lợn và 35% tổng đàn gia cầm của toàn thành phố.

Sau 4 năm thực hiện QĐ 2801, tổng đàn gia súc, gia cầm của toàn TP tiếp tục tăng và đứng trong tốp đầu của cả nước. Trong đó, điểm nhấn là thành quả cải tiến, nâng cao chất lượng giống có những bước chuyển biến rõ rệt, tỷ lệ thụ tinh nhân tạo tiếp tục được đẩy mạnh (tăng lên 57,5% với bò thịt và 63% đối với lợn).

Ngoài ra, ngành chăn nuôi Hà Nội bắt đầu hình thành nên những mô hình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, sử dụng tinh phân li giới tính trong chăn nuôi bò sữa và đặc biệt là việc hình thành nên những chuỗi liên kết trong chăn nuôi từ SX đến chế biến, tiêu thụ.

Tham dự và phát biểu tại hội nghị, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) Hoàng Thanh Vân chia sẻ rất vui mừng khi Hà Nội hiện vẫn đang dẫn đầu cả nước về chăn nuôi cả về tổng đàn và sản lượng. Theo ông Vân, giữa các địa phương đang có làn sóng thi đua trong đầu tư phát triển chăn nuôi công nghệ cao, đó là điều đáng mừng, song cũng là nỗi lo về đầu ra.

Do đó, với thế mạnh là Thủ đô dân số đông, một trong những đầu tàu kinh tế của cả nước, ông Vân hy vọng Hà Nội sẽ có những đầu tư đích đáng hơn nữa cho lĩnh vực chăn nuôi theo hướng phát triển bền vững thông qua những giải pháp tiến bộ kỹ thuật, liên kết và đặc biệt là yếu tố thị trường.

Phát biểu kết luận tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Xuân Việt ghi nhận những nỗ lực của ngành nông nghiệp Thủ đô trong lĩnh vực chăn nuôi các năm qua. Ông Việt đề nghị Bộ NN-PTNT, Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam cũng như các DN tiếp tục hỗ trợ Hà Nội nhiều hơn nữa, đặc biệt là trong cơ chế chính sách đặc thù riêng, bởi với một đô thị tầm cỡ như Hà Nội, việc áp dụng các chính sách, định mức đầu tư chung như các địa phương khác là một hạn chế rất lớn.

“Trong năm 2015, ngành chăn nuôi Hà Nội sẽ đặc biệt chú trọng tới con giống, chăn nuôi công nghệ cao thông qua hình thức hỗ trợ hạ tầng, trang thiết bị. Tiếp đến là tập trung xử lí vấn đề môi trường trong chăn nuôi, đào tạo nghề nông nghiệp công nghệ cao và đặc biệt là công tác thông tin, tuyên truyền hỗ trợ khâu tiêu thụ và tiếp tục xây dựng các chuỗi liên kết”, ông Trần Xuân Việt nhấn mạnh.

Các chuỗi liên kết về thịt

Chuỗi thực phẩm Victory (Mr Sạch), cung cấp mỗi ngày 0,5 tấn thịt lợn, 0,45 tấn thịt gà, 0,15 tấn thịt bò tại 30 cửa hàng và các bếp ăn tập thể; Chuỗi chăn nuôi tiêu thụ thịt lợn hữu cơ Bảo Châu với sản lượng 0,15 tấn/ngày tại 6 cửa hàng ở Hà Nội và TP.HCM;

Chuỗi liên kết chăn nuôi tiêu thụ Foodex có hệ thống giết mổ công suất 600 con lợn/ngày và cung cấp ra thị trường 2 tấn thịt lợn qua 25 cửa hàng và bếp ăn tập thể;

Chuỗi liên kết tiêu thụ thịt lợn sinh học Yummy, quy mô 40 trại chăn nuôi, 10 cửa hàng, hiện cung cấp mỗi ngày ra thị trường 1 tấn thịt lợn;

Chuỗi liên kết chăn nuôi - tiêu thụ thực phẩm A-Z của HTX Chăn nuôi dịch vụ Hoàng Long khép kín từ chăn nuôi - giết mổ - tiêu thụ với quy mô 45 nái ông bà, 385 nái bố mẹ, 900 lợn thịt/năm, 5 cửa hàng bán lẻ, cung cấp ra thị trường khoảng 900 tấn thịt lợn và 500 tấn thịt lợn sinh học/năm.

Chuỗi liên kết về gia cầm

Chuỗi liên kết chăn nuôi tiêu thụ trứng sạch 729, quy mô 20.000 gà, sản lượng trứng 16.000 quả/ngày qua 95 cửa hàng, siêu thị; 
Chuỗi Thành Đồng II, quy mô 22 trại chăn nuôi, sản lượng tiêu thụ thịt 0,8 tấn và trứng 61.000 quả/ngày thông qua 174 cửa hàng, siêu thị;

Chuỗi trứng gà Tiên Viên với 12 trại chăn nuôi, sản lượng trứng trung bình 70.000 quả/ngày, được tiêu thụ thông qua 98 cửa hàng tiện ích và siêu thị;

Chuỗi gà mía Sơn Tây quy mô 60.000 con,cung cấp 0,6 tấn thịt/ngày;

Chuỗi gà đồi Sóc Sơn, quy mô thường xuyên 60.000 con, sản lượng thịt 1,5 tấn/ngày;

Chuỗi vịt Vân Đình, quy mô 60.000 con, sản lượng thịt 1,5 tấn/ngày;

Chuỗi trứng vịt Liên Châu, quy mô 150.000 con, sản lượng 91.000 trứng/ngày;

Chuỗi vịt giống Đại Xuyên với 37 hộ chăn nuôi, 14 cơ sở ấp nở ước đạt sản lượng 10 triệu vịt giống/năm.

Các chuỗi liên kết cả lợn và gia cầm

Chuỗi thực phẩm sạch 3F với 200 trang trại gà, 15 trang trại lợn rừng (750 nái giống gốc, trên dưới 10.000 lợn thương phẩm), khu chế biến thực phẩm đóng gói, công suất 3 tấn lợn + 2.000 gà + 100.000 quả trứng/ngày;

Chuỗi truy xuất nguồn gốc Green Food Hà Nội quy mô 80 trại chăn nuôi gà, lợn với tổng đàn 1.500 nái, 15.000 lợn thịt, 60.000 gà đẻ trứng, 35.000 gà thịt, qua đó cung cấp ra thị trường mỗi ngày 16,7 tấn thịt lợn, 3,3 tấn thịt gà và 25.000 quả trứng;

Chuỗi T&T - 159 cung cấp mỗi ngày 2,5 tấn thịt lợn, 0,15 tấn thịt bò qua hệ thống 2 cửa hàng và bếp ăn tập thể.

Ngoài ra, Hà Nội cũng đã hình thành chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm sữa với sản lượng thu gom đạt 100 tấn/ngày.

Xem thêm
Nuôi trâu, bò vỗ béo gặp khó khi giá xuống thấp

Trước tình trạng giá trâu, bò thịt giảm, các hộ nuôi vỗ béo trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh điều chỉnh giảm số lượng nuôi, có hộ thậm chí tạm dừng.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Lúa đông xuân thắng lớn, giá tăng 2.000 đồng/kg so với năm trước

Lúa đông xuân năm nay tại Trà Vinh được mùa, hiện giá lúa cũng đang ở mức cao, tăng khoảng 2.000 đồng/kg so với vụ đông xuân năm trước.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.